(HBĐT) - Không phải lúa, ngô hay bất cứ loại cây trồng nào khác, quyết tâm "khởi nghiệp từ nông nghiệp” của anh Lường Văn Sương xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại được bắt đầu bằng việc trồng... cỏ. Khi anh Sương lựa chọn con đường này, những người xung quanh đều nghi ngại và lo lắng. Nhưng đến nay, anh đã chứng minh cho họ thấy, khi ta quyết tâm, không gì là không thể. Quyết tâm của anh Lường Văn Sương được hiện thực hóa một cách đầy thuyết phục, giúp anh trở thành gương mặt nhà nông tiêu biểu nhất của tỉnh được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”.


Quyết tâm làm giàu từ cỏ

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Đồng Chum, chúng tôi được biết anh Lường Văn Sương là người đã mạnh dạn "mở” ra nhiều cái đầu tiên trong xã. Anh là người dân đầu tiên ở xã mua ô tô vận tải, máy xúc, máy làm gạch và trở thành giám đốc doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả cụm xã vùng cao huyện Đà Bắc. Anh cũng là người đầu tiên thuê đất lập vườn, là người đầu tiên vận động người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất. Tuy nhiên, khi trở thành người đầu tiên bỏ việc trồng ngô để chuyển sang trồng cỏ, anh Sương đã khiến nhiều người bất ngờ…

Anh kể: "Tất cả mọi người khi thấy tôi đề xuất việc chuyển hơn 5 ha đất trồng ngô sang trồng cỏ, ai cũng kịch liệt phản đối, cho rằng không thể làm được. Bởi, từ xưa đến nay, người ta bỏ tiền, bỏ sức để rẫy cỏ cho cây trồng phát triển chứ chẳng có ai đi bỏ ra hàng chục nghìn m2 đất màu mỡ mỗi năm cho thu hàng trăm tấn ngô chỉ để trồng cỏ. Vậy nên, cả nhà, cả xóm xúm vào phản đối để tôi từ bỏ ý định. Nhưng ý tôi đã quyết thì khó ai có thể xoay chuyển nổi”.


Anh Lường Văn Sương dồn nhiều tâm huyết cho mô hình nuôi bò và trồng chanh leo, từ đó thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thực ra, ngay từ những ngày đầu manh nha khởi nghiệp, anh Lường Văn Sương đã xác định sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp, đi lên từ mảnh đất quê nhà chứ không phải bất cứ ngành nghề nào ở bất cứ địa phương nào. Thế nên, anh vừa làm, vừa tích lũy. Trong 4 năm đầu lập gia đình, hàng ngày, anh Sương vẫn chăm chỉ leo đồi đi cày để đổi công khai phá đất. Tiết kiệm được số tiền chẳng nhiều nhặn gì, cộng thêm 800.000 đồng bố mẹ cho vốn làm ăn, anh quyết vay thêm để mua máy xát gạo về làm dịch vụ. Vài ba năm sau, anh mạnh dạn mở cửa hàng tạp hóa. Đó là thời điểm đầu những năm 2000, cửa hàng của anh Sương hoạt động khá tốt, đáp ứng nhu cầu mua bán hàng ngày của bà con trong vùng. "Tích tiểu thành đại”, dần dần từ thuê đất, đến mua đất, rồi mua nhiều hơn để mở rộng diện tích sản xuất. Càng làm, anh càng hiểu ra rằng nếu chỉ độc canh cây ngô trong điều kiện khó khăn về giao thông và tiêu thụ thì giống như người ta đang đi trên một con đường... cụt. Suy nghĩ đó cứ nung nấu trong anh. Bắt đầu từ năm 2012, nó thôi thúc anh phải hành động, tìm cách chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới.

Trong quá trình tìm hiểu, anh Sương thực sự tâm đắc với mô hình trồng cỏ để nuôi trâu, bò tập trung. Sau khi tính toán, anh quyết chuyển 5 ha đất trồng ngô của gia đình sang trồng cỏ. Do có đủ nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng nên đàn trâu, bò của gia đình anh luôn phát triển tốt, có sức kháng chịu dịch bệnh cao, đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi sạch. Từ một vài con ban đầu, đến nay, tổng đàn của gia đình anh đã phát triển lên đến 150 con, bình quân mỗi năm sinh sản từ 20 - 40 con, đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng. Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện mô hình, anh Sương còn tạo điều kiện cho hơn chục hộ khác nuôi rẽ bình quân 2 - 4 con, nếu chăm sóc tốt, có nhà được nhận 2 - 3 con/năm. Từ việc nuôi rẽ trâu, bò, các hộ đã từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Thành công với những kế hoạch đầy tâm huyết

Ngoài mô hình trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò đem lại hiệu quả cao, trong năm 2016, anh Sương còn đầu tư trồng 10 ha chanh leo theo mô hình sản xuất sạch và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với một công ty chế biến. Chỉ riêng năm đầu tiên cây ra bói đã thu khoảng 60 tấn quả, mang về nguồn thu cả trăm triệu đồng. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Không dừng lại ở đó, nông dân Lường Văn Sương vẫn tiếp tục triển khai những kế hoạch đầy tâm huyết. Trong nỗ lực đầu tư vào nông nghiệp, anh nhận thấy tác hại khôn lường của thuốc diệt cỏ. Thế là anh trở thành người đầu tiên trong huyện đứng ra vận động người dân "nói không với thuốc diệt cỏ”. Theo anh Sương, 100% hộ dân trong xóm Nà Lốc đã ký cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất và thống nhất đưa vào quy ước, hương ước của xóm. Thành công ở xóm Nà Lốc đã trở thành nền tảng để triển khai trong toàn xã Đồng Chum. Việc "nói không với thuốc diệt cỏ” trong toàn xã đã được nhân dân nhất trí thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Từ đó đến nay, ở Đồng Chum chưa phát hiện trường hợp nào tái sử dụng thuốc diệt cỏ. Kết quả trên đã đưa Đồng Chum trở thành địa phương đầu tiên của huyện Đà Bắc và của tỉnh thực hiện thành công cuộc vận động "nói không với thuốc diệt cỏ”.

Sau khi vận động thành công người dân không sử dụng thuốc diệt cỏ, hiện nay, anh Lường Văn Sương tiếp tục triển khai mô hình nuôi gà theo hình thức chăn thả trên các khu vực đất canh tác. Anh phấn khởi cho biết: Trước đây khi còn sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan, việc nuôi gà chăn thả như thế này rất khó. Vì cứ thả ra được hôm trước, hôm sau gà chết hàng loạt bởi ngộ độc thuốc diệt cỏ. Hiện nay, nuôi gà chăn thả theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ quyết tâm phát triển kinh tế từ mô hình này...


Thu Trang

Các tin khác


Thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng tập trung

(HBĐT) - Thoát ra khỏi hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chàng thanh niên Nguyễn Anh Duy thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã quyết tâm đi theo con đường riêng, đó là chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật và phương pháp mới, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sự thành công của Duy cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng.

Lão nông chinh phục nông nghiệp công nghệ cao

(HBĐT) - Đã ở tuổi được nghỉ ngơi, kinh tế cũng vào hàng khá giả nhưng ông Phạm Tiến Sinh ở xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) không bằng lòng an hưởng, tự thấy sức lực còn nhiều. Với suy nghĩ này, ông mạnh dạn tiếp cận, dấn bước vào con đường mới mẻ, chạm đến ước mơ chinh phục nông nghiệp công nghệ cao.

Khởi nghiệp với thương hiệu “Trà cà gai leo Bình An”

(HBĐT) - Sinh năm 1986, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiểm toán, là cán bộ Phòng Thanh tra huyện Yên Thủy, với sự năng động, nhạy bén trong công việc cũng như cuộc sống, Nguyễn Thùy Linh luôn được cấp trên, đồng nghiệp và bạn bè yêu quý. Với vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực, qua công việc và từ nhỏ được sinh ra trong gia đình thuần nông nên Linh sớm nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của huyện trong việc trồng và bảo tồn nguồn gen các loại dược liệu quý, trong đó có cây cà gai leo quý hiếm.

Khởi nghiệp từ Dự án cung ứng dịch vụ giúp việc gia đình chuyên nghiệp

(HBĐT) - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhà sạch Hòa Bình là Doanh nghiệp tiên phong tại Hòa Bình cung cấp các dịch vụ giúp việc gia đình theo hướng chuyên nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm cho đội ngũ phụ nữ, tham gia xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Người sáng lập và điều hành Công ty là chị Nguyễn Thị Thương, một nữ doanh nhân trẻ tuổi nhưng đã trải qua nhiều năm làm công việc chuyên môn liên quan đến lĩnh vực xã hội hóa như Bảo trợ trẻ em và phát triển cộng đồng.

Phụ nữ huyện Lương Sơn sáng tạo khởi nghiệp

(HBĐT) - "Một trong những điểm nổi bật trong công tác khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của Hội LHPN huyện Lương Sơn năm qua là tổ chức khảo sát và thành lập mới 2 CLB "Nữ chủ kinh doanh” với 52 thành viên tại xã Nhuận Trạch và thị trấn Lương Sơn, hỗ trợ 4 triệu đồng cho 4 hội viên khởi nghiệp kinh doanh. Đồng thời tổ chức tập huấn về kiến thức cơ bản, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên mới khởi nghiệp. Hội LHPN huyện cũng tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng NN&PTNT huyện nhằm đẩy mạnh và nhân rộng tổ vay vốn. Nhờ vậy, số vốn vay của phụ nữ huyện hiện nay đã tăng gần 30 tỷ đồng so với năm 2016. Đây là những nỗ lực thể hiện sự chủ động, mạnh dạn, sáng tạo, quyết tâm của phụ nữ huyện Lương Sơn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lương Sơn khi đánh giá về kết quả nổi bật hoạt động Hội LHPN trên địa bàn huyện thời gian qua.

Chàng trai đất Mường bắc cầu cho dê vượt núi

(HBĐT) - Người nông dân 33 tuổi này sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng, với thung lũng và thuộc từng đường đi, vách đá, cây rừng ở đây. Người chúng tôi muốn nhắc đến là anh Bùi Văn Phương, xóm Sáng, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn đã chọn nuôi dê để khởi nghiệp. Nhờ dám nghĩ, dám làm đã đem lại thành công cho anh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục