(HBĐT) - Từ tháng 11/2016, 12 hội viên nông dân xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đứng lên thành lập HTX gà đồi Hương Nhượng với mục tiêu khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, song nhờ sự nhiệt huyết, sáng tạo cùng những hướng đi mới, HTX gà đồi Hương Nhượng ngày càng khẳng định tên tuổi và được đánh giá là HTX điển hình tiên tiến, mô hình điểm được Liên minh HTX tỉnh đặc biệt quan tâm.


HTX gà đồi Hương Nhượng là nơi liên kết sản xuất của các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn xã, đem lại kinh tế cao. 

Thành công bước đầu

Nuôi gà không phải việc mới đối với người dân xóm Bưng, nhưng trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên tiêu thụ bấp bênh, tư thương ép giá. Mặt khác, khâu kiểm soát giống, thức ăn do không có kỹ thuật nên xảy ra dịch bệnh, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Trước khó khăn đó, các hộ chăn nuôi trong xóm đã thành lập "nhóm sở thích” gồm 12 hội viên nông dân. Các hộ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên chăn nuôi có bước phát triển khá.

Tháng 8/2016, nhóm đã đăng ký tham gia "Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững” tại Hà Nội, được lọt vào vòng chung kết và đoạt giải ba, tạo động lực để nhóm mở rộng chăn nuôi và phát triển lên HTX.

Từ khi thành lập HTX với nghề chính là nuôi gà đồi, thành viên HTX, các hộ được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc gà do tỉnh, huyện tổ chức. Thời gian đầu, có 7 hộ nuôi gà đồi khoảng 7.000 con, hộ nuôi nhiều 3.000 - 4.000 con/lứa, hộ nuôi ít từ 200 - 500 con/lứa. Những thành viên khác nuôi trâu, trồng rau an toàn, cây ăn quả có múi. Năm 2017, HTX được chọn tham gia dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ gà theo chuỗi giá trị thuộc chương trình xây dựng NTM. Dự án đã hỗ trợ HTX 8.000 con gà giống, hỗ trợ tập huấn chuyển giao KH-KT cho các hộ nuôi gà thương phẩm; hỗ trợ mua thuốc, vắc xin, bóng úm, khay ăn, bình uống nước và xây dựng điểm giết mổ, bảo quản gà, tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng.

Chị Quách Thị Hòa, Giám đốc HTX gà đồi Hương Nhượng cho biết: HTX với nòng cốt là hội viên nông dân có chung ý tưởng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn để cung ứng ra thị trường. HTX ra đời đã tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các hộ và giải quyết được các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm. Kể từ khi tham gia HTX, các hội viên không những có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi mà còn mua được con giống tốt, thức ăn với giá thành thấp do không phải thông qua trung gian vì có những đơn vị sẵn sàng cung ứng thức ăn cho HTX và chấp nhận thanh toán sau khi các hội viên bán sản phẩm. HTX chủ yếu nuôi giống gà ri bản địa, gà mía Sơn Tây. Gà được thả ở vườn đồi nên khỏe mạnh, thịt thơm, săn chắc, giá thành cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn so với gà nuôi nhốt.

HTX hiện có 16 thành viên, là những hộ dân đang chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn xã. Dù mới thành lập, nhưng với chiến lược phát triển hiệu quả, năm 2017, doanh thu của HTX đạt 2,9 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng. Hiện tại, HTX duy trì hai mảng sản xuất chính là chăn nuôi và trồng trọt.

Cần tiếp sức để phát triển bền vững

Để nâng cao thu nhập cho hội viên cũng như đảm bảo phát triển bền vững của HTX, việc chăn nuôi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu là điều quan trọng. Do đó, trong quá trình tổ chức hoạt động, HTX gà đồi Hương Nhượng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh chuồng trại, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ tại khu vực nuôi nhằm đạt hiệu quả cao nhất và đưa ra được sản phẩm gà đồi an toàn tới tay người tiêu dùng. Tuy mới thành lập, nhưng HTX gà đồi Hương Nhượng đang thể hiện vai trò "bà đỡ” cho các thành viên.

Không chỉ làm tốt trách nhiệm giám đốc HTX, với vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vây vốn của xóm, chị Quách Thị Hoà đã đăng ký vay vốn ưu đãi từ NHCSXH số vốn 300 triệu đồng cho 9 hộ thành viên vay để đầu tư chăn nuôi gà. Chị Quách Thị Hải, thành viên HTX chia sẻ: "Trước đây, tôi nuôi khoảng 200 con gà thịt nhưng thị trường, giá cả bấp bênh. Từ khi vào HTX, những vấn đề thị trường, giá cả không còn phải lo. Trong sản xuất, các thành viên luôn tương trợ, đóng góp vốn, góp sức để giúp nhau. Khi có khó khăn, các thành viên cùng họp lại bàn cách giải quyết. Năm 2017, tôi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư mua 500 con gà giống và lưới để nuôi thả gà với diện tích 2.700 m2, lứa gà xuất bán cho thu lãi 23 triệu đồng.

Khi chúng tôi đến thăm HTX thì khu nhà xưởng đang được đầu tư mở rộng, số lượng gà được bổ sung tái đàn. Được biết, sản phẩm gà của HTX làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, song vẫn chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định. Lý giải điều này, chị Quách Thị Hòa, Giám đốc HTX cho biết: Để đáp ứng được các hợp đồng lớn thì trước hết phải mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn của HTX có hạn nên chúng tôi mở rộng dần dần với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Để phát triển bền vững, HTX sẽ phân công nhiệm vụ, công việc khoa học với những bộ phận chuyên trách (con giống, thú y, vận chuyển, quảng bá, tiêu thụ…), để tạo vòng tròn khép kín, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho HTX và các thành viên.

Đinh Thắng


Các tin khác


Người trồng cỏ thu về bạc triệu ở xã Đồng Chum

(HBĐT) - Không phải lúa, ngô hay bất cứ loại cây trồng nào khác, quyết tâm "khởi nghiệp từ nông nghiệp” của anh Lường Văn Sương xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại được bắt đầu bằng việc trồng... cỏ. Khi anh Sương lựa chọn con đường này, những người xung quanh đều nghi ngại và lo lắng. Nhưng đến nay, anh đã chứng minh cho họ thấy, khi ta quyết tâm, không gì là không thể. Quyết tâm của anh Lường Văn Sương được hiện thực hóa một cách đầy thuyết phục, giúp anh trở thành gương mặt nhà nông tiêu biểu nhất của tỉnh được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

(HBĐT) - Những ý tưởng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo ngày càng nở rộ và phát triển ở tất cả các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, mang lại "luồng gió mới” lan tỏa trên quê hương Hòa Bình. Họ là những tổ chức, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, vượt qua khó khăn, thách thức với tư duy và cách làm mới, bước đầu tạo được những kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh dẫu phía trước còn nhiều gian khó.

Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau, củ Hàn Quốc trên “đất lạnh”

(HBĐT) - Nhờ biết nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư, anh Bùi Văn Tân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tuân Lộ (Tân Lạc) đã tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn với sản phẩm rau, củ có nguồn gốc từ Hàn Quốc…

Mang hoa về bản

(HBĐT) - Nằm cạnh đường vào trung tâm xã Nà Phòn (huyện Mai Châu), nổi bật giữa những thửa ruộng nứt nẻ là vườn hoa của homestay Bảo Quyên rực rỡ màu sắc. Trên diện tích hơn 3.000 m2, các loại hoa tam giác mạch, dừa cạn, bách nhật tím, mào gà, hoa tía tô cảnh…cùng nhau bung nở, đua sắc. Xen giữa các luống hoa là tiểu cảnh khèn Mông, xích đu… Không chỉ khâm phục với hướng đi sáng tạo, mô hình vườn hoa chụp ảnh dịch vụ của cô gái trẻ Hà Tuyết Trinh - chủ homestay Bảo Quyên còn khiến chúng tôi khá ấn tượng về ý tưởng tạo cảm hứng để hình thành cả cánh đồng hoa trên mảnh đất Nà Phòn.

Thoát nghèo nhờ trồng nấm sò

(HBĐT) - Chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, nguyên liệu sẵn có, thu hoạch sớm, lãi suất cao, mô hình trồng nấm đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Quang (xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên, Lương Sơn) thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Nghề trồng nấm không mới nhưng vẫn rất hiệu quả, giúp anh và nhiều hộ dân khác trong vùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng tập trung

(HBĐT) - Thoát ra khỏi hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chàng thanh niên Nguyễn Anh Duy thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã quyết tâm đi theo con đường riêng, đó là chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật và phương pháp mới, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sự thành công của Duy cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục