(HBĐT) - Tự bỏ tiền túi, chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP Inca Việt Nam đã mạo hiểm đầu tư cho người dân trồng loại cây mới. Sau những năm tháng lăn lộn, chị đã mang niềm hy vọng xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong tỉnh.


Cuối giờ chiều tôi mới hẹn gặp được chị Vân. Chị giãi bày: Tôi bận quá, đi suốt từ sáng, thăm vùng nguyên liệu, qua xưởng chế biến và tiếp đoàn khách của giáo sư Lân Hùng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam về thăm quan, quay hình tại vùng nguyên liệu trồng cây sachi. Đây là cây mới có tiềm năng phát triển, Hòa Bình là tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công nên nhiều nơi đến tìm hiểu quá trình trồng vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm.

Xong câu chuyện chào hỏi, chị lấy ra hai lọ hạt sản phẩm chế biến từ cây sachi mà Công ty vừa sản xuất. Đây là một trong những sản phẩm đầu tiên của Công ty đã sản xuất thành công và được khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đặt hàng. Để có được thành quả này là quá trình mày mò vất vả của vợ chồng chị từ năm 2015. Rồi chị nói với tôi về cây sachi. Đây là loại thực vật thuộc họ thầu dầu, có nguồn gốc từ vùng rừng Amazon. Hiện nay đã trồng tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam á như Thái Lan, Malaysia, Campuchia…

Sachi loài thực vật cổ xưa nhất trên trái đất còn tồn tại nguyên dạng đến ngày nay. Là loại thực phẩm tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, hạt sachi có thể ép thành dầu, xay làm bột, nghiền nhỏ làm bánh, sản xuất mỹ phẩm và dầu gội... Cây sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là omega 3, 6, 9. Bên cạnh đó, đây cũng là loài thực vật chứa hàm lượng chất chống oxy hóa tự nhiên rất cao, vì vậy được coi là "vua của các loại hạt”. Cây sachi có thể được trồng thuần, xen canh, thâm canh hoặc quảng canh. Ngoài trồng bằng hạt, có thể nhân giống cây bằng thân, cành. Theo các nguồn tư liệu, cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Tại Việt Nam, sachi được coi là, "siêu thực phẩm mới”… Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi có 48 - 54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…


Sản phẩm từ cây sachi của chị Lê Thị Vân tham gia Hội chợ OCop tổ chức tại Quảng Ninh tháng 2/2018.

Chia sẻ về cái duyên với cây sachi, chị Lê Thị Vân cho biết: Chồng tôi công tác trong ngành nông nghiệp. Hai vợ chồng thấy bao đời nay nông dân thường gắn bó với những cây trồng truyền thống như lúa, ngô, khoai, sắn, mía… nhưng hiệu quả không cao. Với những cây trồng có múi như cam, chanh, bưởi đầu ra bấp bênh. Do vậy, chồng tôi thường xuyên tìm tòi thử nghiệm những cây trồng mới, hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, vợ chồng chị Vân biết đến cây sachi qua mạng và được biết Học viện Nông nghiệp đang trồng thử nghiệm cây trồng này. Khi biết thông tin cây có thể phù hợp vùng đất Hòa Bình, cả hai người về Học viện Nông nghiệp mua giống về trồng thử. Cây phù hợp đất đai, khí hậu nên sinh trưởng tốt. Vợ chồng chị quyết định bỏ vốn đầu tư 10 ha cho bà con ở huyện Đà Bắc với hình thức cho giống và thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, với tập quán canh tác của bà con ít chăm sóc nên thất bại. Không ngại, anh chị chuyển sang hình thức cung cấp giống, kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho bà con ở các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc và TP Hòa Bình. Đến nay, vùng nguyên liệu của Công ty đã được 100 ha với 50 ha đang cho thu hoạch.

Sau khi xây dựng vùng nguyên liệu, chị đã đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến sản phẩm từ cây sachi tại huyện Kỳ Sơn. Hiện nay, Công ty CP Inca đã có các sản phẩm như dầu Omega 3, 6, 9, trà túi lọc giải độc, hạt rang sấy, hạt phủ Sô cô la. Công ty có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Công ty không thể nhận đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu có hạn. "Chúng tôi cần khoảng 500 ha vùng nguyên liệu để có thể đủ một đơn hàng xuất khẩu. Mong muốn UBND tỉnh, Sở NN&PTNT nghiên cứu đưa vào quy hoạch phát triển nông nghiệp với hy vọng xóa đói, giảm nghèo cho nông dân trong tỉnh” chị Vân bày tỏ.

Là một trong những người đầu tiên trồng cây sachi, anh Bùi Hồng Dương, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn cho biết: Đầu năm 2016, gia đình tôi được Công ty CP Inca hỗ trợ đầu tư trồng 700 m2. Sau 6 tháng, cây sinh trưởng tốt và cho thu hoạch. Chỉ thu hoạch vụ đầu tôi đã lấy lại vốn đầu tư. Qua 2 năm thu hoạch, gia đình tôi thu được trên 20 triệu đồng. Trước đây diện tích là ruộng hạn không trồng được lúa, vợ chồng tôi trồng ngô thu hoạch được khoảng 1 triệu đồng/năm. Nếu được Công ty thu mua lá, quả với giá ổn định thì cây sachi sẽ là cây xóa đói, giảm nghèo của người nông dân trong tỉnh.


Việt Lâm

Các tin khác


Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau, củ Hàn Quốc trên “đất lạnh”

(HBĐT) - Nhờ biết nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư, anh Bùi Văn Tân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tuân Lộ (Tân Lạc) đã tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn với sản phẩm rau, củ có nguồn gốc từ Hàn Quốc…

Mang hoa về bản

(HBĐT) - Nằm cạnh đường vào trung tâm xã Nà Phòn (huyện Mai Châu), nổi bật giữa những thửa ruộng nứt nẻ là vườn hoa của homestay Bảo Quyên rực rỡ màu sắc. Trên diện tích hơn 3.000 m2, các loại hoa tam giác mạch, dừa cạn, bách nhật tím, mào gà, hoa tía tô cảnh…cùng nhau bung nở, đua sắc. Xen giữa các luống hoa là tiểu cảnh khèn Mông, xích đu… Không chỉ khâm phục với hướng đi sáng tạo, mô hình vườn hoa chụp ảnh dịch vụ của cô gái trẻ Hà Tuyết Trinh - chủ homestay Bảo Quyên còn khiến chúng tôi khá ấn tượng về ý tưởng tạo cảm hứng để hình thành cả cánh đồng hoa trên mảnh đất Nà Phòn.

Thoát nghèo nhờ trồng nấm sò

(HBĐT) - Chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, nguyên liệu sẵn có, thu hoạch sớm, lãi suất cao, mô hình trồng nấm đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Văn Quang (xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên, Lương Sơn) thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Nghề trồng nấm không mới nhưng vẫn rất hiệu quả, giúp anh và nhiều hộ dân khác trong vùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thành công từ mô hình nuôi gà đẻ trứng tập trung

(HBĐT) - Thoát ra khỏi hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chàng thanh niên Nguyễn Anh Duy thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đã quyết tâm đi theo con đường riêng, đó là chăn nuôi tập trung, áp dụng kỹ thuật và phương pháp mới, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sự thành công của Duy cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng.

Lão nông chinh phục nông nghiệp công nghệ cao

(HBĐT) - Đã ở tuổi được nghỉ ngơi, kinh tế cũng vào hàng khá giả nhưng ông Phạm Tiến Sinh ở xóm Nam Thượng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) không bằng lòng an hưởng, tự thấy sức lực còn nhiều. Với suy nghĩ này, ông mạnh dạn tiếp cận, dấn bước vào con đường mới mẻ, chạm đến ước mơ chinh phục nông nghiệp công nghệ cao.

Khởi nghiệp với thương hiệu “Trà cà gai leo Bình An”

(HBĐT) - Sinh năm 1986, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiểm toán, là cán bộ Phòng Thanh tra huyện Yên Thủy, với sự năng động, nhạy bén trong công việc cũng như cuộc sống, Nguyễn Thùy Linh luôn được cấp trên, đồng nghiệp và bạn bè yêu quý. Với vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực, qua công việc và từ nhỏ được sinh ra trong gia đình thuần nông nên Linh sớm nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của huyện trong việc trồng và bảo tồn nguồn gen các loại dược liệu quý, trong đó có cây cà gai leo quý hiếm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục