(HBĐT) - "Top 50 sản phẩm vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam năm 2016”, bằng khen "Thanh niên tiêu biểu vì cộng đồng” của Hội LHTN tỉnh năm 2017 và nổi bật nhất là giải thưởng "Sao Thần nông” của Hội Nông dân Việt Nam năm 2016 cùng hàng chục bằng khen khác, đó là bảng thành tích đáng mơ ước mà "tỉ phú gà ri” Bùi Đông Giang, xóm An Sơn 1, xã An Bình, huyện Lạc Thủy có được từ khi khởi nghiệp đến giờ.


Sinh ra và lớn lên tại vùng đất khó An Bình, mồ côi cha từ khi còn bé, Bùi Đông Giang sớm phải tự lập với nhiều nghề, từ buôn bán thức ăn chăn nuôi đến vật liệu xây dựng. Trải qua bao khó khăn, bôn ba, vất vả nhưng anh không thôi nuôi mộng đổi đời. Những lúc rảnh rỗi, anh thường tới thăm các hộ kinh doanh tại địa phương và vùng lân cận, lên mạng tìm hiểu các mô hình kinh doanh hiệu quả với mong muốn tìm hướng thoát nghèo. Tham quan nhiều mô hình chăn nuôi, trong đó có các trại nuôi gia cầm lớn, nhỏ, anh luôn trăn trở: "Con gà mình vẫn nuôi ngoài sân hàng ngày hóa ra lại là giống gà quý hiếm. Thậm chí ngay cả người dân bản địa cũng không biết rằng nó quý không kém gì gà Đông Tảo, gà Hồ...vậy tại sao không bảo tồn, giữ lại nguồn gen quý hiếm, đồng thời nhân rộng và phát triển để làm giàu, trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương?”. Từ sự cần cù, chăm chỉ cùng với khát vọng làm giàu đã thôi thúc anh từ bỏ công việc hiện tại, tìm cho mình hướng đi riêng, phát triển mô hình nuôi gà giống bản địa tại quê hương.


Mô hình liên kết chăn nuôi gà ri giống Lạc Thủy đem về cho anh Bùi Đông Giang, xóm An Sơn 1, xã An Bình (Lạc Thủy) thu nhập 1 tỷ đồng/năm.

Từ khoản vay bạn bè và số tiền ít ỏi dành dụm được, năm 2014, anh Giang bắt tay xây dựng mô hình với 500 con gà ri thuần chủng được chọn lựa kỹ tại các hộ nuôi gà lâu năm trong huyện. Để giống gà luôn giữ được các đặc tính quý, thuần chủng, anh học tập kinh nghiệm ấp trứng từ các mô hình nuôi gà giống trong huyện, đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ các hội thảo, internet. Năm đầu tiên triển khai mô hình, đàn gà của anh phát triển tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng nên bán được hết. Từ tiền lãi và các nguồn vốn vay, anh tiếp tục đầu tư thêm máy ấp trứng, mở rộng chuồng trại. Hiện tại, trại gà của anh có 8.000 - 10.000 gà đẻ, 2.000 - 3.000 gà thịt, 4 lò ấp trứng hiện đại với 10 nhân công. Hàng tháng, anh xuất hơn 4 vạn con gà ri giống thuần chủng cho hàng trăm hộ nuôi gà thương phẩm khắp cả nước. Bình quân mỗi năm, gia đình anh có thu nhập 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Nhờ đầu tư một cách khoa học, bài bản ngay từ ban đầu, trại gà của anh Giang khắc hẳn với các mô hình nuôi gà truyền thống bởi có thể can thiệp được nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm... Đàn gà của anh được nuôi trong môi trường khép kín, vô trùng, có hệ thống cảm biến nhiệt độ. Khi nhiệt độ môi trường tăng lên thì hệ thống quạt, nước làm mát tự động mở. khi nhiệt độ hạ thấp thì hệ thống đèn sưởi được khởi động, các hệ thống quạt, nước làm mát tự động tắt. Anh không phun thuốc khử trùng trại gà như cách thông thường mà pha thuốc vào hệ thống nước làm mát ốp tường để khử trùng không khí trong chuồng nuôi.

Nhằm giúp thương hiệu gà ri Lạc Thủy cạnh tranh cao hơn so với các loại gia cầm trên thị trường, đồng thời nâng cao lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm, anh Giang áp dụng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, bán giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ vệ tinh, đồng thời hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Riêng tại xã An Bình đã có gần 20 hộ tham gia vào chuỗi liên kết của anh Giang. Bên cạnh đó, anh chủ động đến các chợ đầu mối gia cầm lớn ở Hà Nội như chợ Hà Vỹ (Thạch Thất), chợ Hải Bối (Đông Anh), chợ La Khê (Hà Đông) và các tỉnh, thành khác... nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các trại vệ tinh.

Anh Giang cho biết: "Hầu như đêm nào tôi cũng phải lo việc giao dịch xuất bán gà cho các thương lái. Là người cung cấp giống, thức ăn và các loại vật tư cho các hộ vệ tinh nên gà của hộ nào đến kỳ xuất bán tôi đều nắm rõ. Vì vậy, thương lái từ các chợ đầu mối luôn có chuẩn gà ri bản địa, còn các hộ liên kết không mất thời gian tìm mối bán; mỗi con gà từ chuỗi liên kết của tôi đều có giá cao, ổn định trên thị trường”.

Từ chàng thanh niên mồ côi cha, lăn lộn với nhiều nghề, nay anh Giang đã thành tỷ phú. Bên cạnh đó, anh còn là đoàn viên gương mẫu, tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo, không ngừng vươn lên, anh đã thực hiện được giấc mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, đồng thời góp phần giúp bà con vùng quê nghèo An Bình thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất, chăn nuôi, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ thương hiệu gà ri Lạc Thủy.

 

Hoàng Anh

Các tin khác


Bước ngoặt thành công của thanh niên 8X đam mê làm nông trại

(HBĐT) - Khoảng 3 năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1981) ở thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) mới mạnh dạn nuôi gia cầm với quy mô lớn. Trước đó, việc chăn nuôi của gia đình anh ở mức lẻ tẻ, lợi nhuận không đáng kể. Dùng toàn bộ số tiền tích lũy, thế chấp để vay thêm vốn ngân hàng cùng với kinh nghiệm và quyết tâm tạo bước ngoặt, anh đã có được những thành công trên bước đường phát triển kinh tế nông trại.

Đưa cây trồng mới về làm giàu cho nông dân

(HBĐT) - Tự bỏ tiền túi, chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP Inca Việt Nam đã mạo hiểm đầu tư cho người dân trồng loại cây mới. Sau những năm tháng lăn lộn, chị đã mang niềm hy vọng xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong tỉnh.

Trở thành triệu phú nhờ nuôi lợn rừng

(HBĐT) - Trong khi giá thịt lợn trên thị trường giảm sâu, đầu ra bấp bênh khiến nhiều hộ chăn nuôi lo lắng thì những con lợn rừng của anh Hoàng Văn Thuận, xóm Quê Sụ, xã Cao Răm (Lương Sơn) vẫn xuất chuồng đều đặn. Chẳng những không rớt giá, mô hình nuôi lợn rừng đem lại cho anh Thuận thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

Chàng thanh niên đưa thỏ ngoại lên núi

(HBĐT) - "Máu” làm kinh tế, cộng với cái duyên đã giúp chàng thanh niên ở "xứ lạnh” Quyết Chiến (Tân Lạc) tìm được hướng khởi nghiệp đầy hứa hẹn. Mô hình nuôi thỏ Newzealand (Niu di - lân) đã và đang đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực.

Người trồng cỏ thu về bạc triệu ở xã Đồng Chum

(HBĐT) - Không phải lúa, ngô hay bất cứ loại cây trồng nào khác, quyết tâm "khởi nghiệp từ nông nghiệp” của anh Lường Văn Sương xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại được bắt đầu bằng việc trồng... cỏ. Khi anh Sương lựa chọn con đường này, những người xung quanh đều nghi ngại và lo lắng. Nhưng đến nay, anh đã chứng minh cho họ thấy, khi ta quyết tâm, không gì là không thể. Quyết tâm của anh Lường Văn Sương được hiện thực hóa một cách đầy thuyết phục, giúp anh trở thành gương mặt nhà nông tiêu biểu nhất của tỉnh được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

(HBĐT) - Những ý tưởng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo ngày càng nở rộ và phát triển ở tất cả các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, mang lại "luồng gió mới” lan tỏa trên quê hương Hòa Bình. Họ là những tổ chức, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, vượt qua khó khăn, thách thức với tư duy và cách làm mới, bước đầu tạo được những kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh dẫu phía trước còn nhiều gian khó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục