(HBĐT) - Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) của huyện Đà Bắc được xây dựng đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh các điểm DLCĐ xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đá Bia (xã Tiền Phong) thì xóm Sưng (xã Cao Sơn) mới phát triển DLCĐ được gần 3 năm nay nhưng hiện đang hấp dẫn du khách đến thăm quan, trải nghiệm, khám phá phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ của vùng cao Đà Bắc.


Du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).

Xóm Sưng nằm ở độ cao khoảng 530 m so với mặt nước biển, phía sau lưng là dải núi Biều hùng vỹ, dưới chân là ruộng bậc thang uống lượn, trải dài theo sườn đồi thơ mộng. Xung quanh xóm có các cung đường đi bộ lên núi, qua suối, ruộng bậc thang và khu vực sản xuất của bà con. Chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty DLCĐ Đà Bắc tại xóm Sưng cho biết: Xóm Sưng có 73 hộ, trong đó 100% là người dân tộc Dao. Đây là nơi còn lưu giữ được giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền và đang được giữ gìn, đầu tư phát triển DLCĐ. Đến với xóm Sưng, du khách không những được khám phá văn hóa bản địa, tìm hiểu phong tục, tập quán truyền thống, kiến trúc nhà ở và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương mà còn được thưởng thức ẩm thực dân tộc như: gà đồi, cá suối, măng rừng, rượu cần, rượu hoẵng… Đặc biệt được trải nghiệm với người dân địa phương qua các hoạt động: cấy lúa, trồng rừng, chăn nuôi, nấu cơm, đánh bắt cá.

Hiện tại, xóm Sưng có 3 hộ kinh doanh đón khách là các homestay: Thành Chung, Xuân Lan, Nhất Quý và một quầy trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm của gia đình bà Lý Thị Tiến. Điểm đặc biệt là trên 90% hộ dân vẫn giữ nguyên nhà đất trệt, lợp lá cọ truyền thống của người Dao. Người dân nơi đây vẫn giữ gìn, bảo tồn nghề dệt truyền thống từ việc nhuộm chàm, dệt, thêu hoa văn váy, áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong... Đến đây, du khách được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu, khám phá cuộc sống, nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Sau khi đi thăm quan quanh xóm, chúng tôi dừng chân tại homestay Thành Chung, ngôi nhà nằm xen lẫn với những nếp nhà mái lá đơn sơ của các hộ dân trong xóm, được bao phủ bởi màu xanh tươi mát của cây rừng. Ngôi nhà vẫn giữ nguyên tường gỗ, mái tranh nhưng đã được cải tạo, nền nhà lát gạch, phòng ngủ, bếp, bàn ghế uống nước và nhiều vật dụng được làm từ gỗ, tre nứa, tạo sự gần gũi, vừa mang dáng vẻ hiện đại, sạch sẽ, khang trang. Anh Lý Văn Thu, chủ hộ homestay Thành Chung cho biết: Là hộ đầu tiên của xóm làm du lịch cộng đồng, gia đình được dự án AFAP, Công ty DLCĐ Đà Bắc, Sở VH-TT&DL hỗ trợ, tạo điều kiện để chúng tôi được học tập, thăm quan các điểm DLCĐ, các hộ homestay trong và ngoài tỉnh, được tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ năng, nghiệp vụ làm DLCĐ. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm để ngày càng phục vụ du khách được tốt hơn. Tuy mới hoạt động nhưng gia đình đã đón nhiều lượt khách, có đợt cuối tuần khách đông, không đủ chỗ nghỉ.

Chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty DLCĐ Đà Bắc tại xóm Sưng chia sẻ: Ngoài thăm quan, khám phá phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của người dân nơi đây, du khách có thể chiêm ngưỡng cây Trò cổ thụ vài trăm năm tuổi, đi bộ khoảng 30 phút qua rừng già lên khám phá hang Sưng. Hang Sưng có chiều dài vài trăm mét, vòm hang cao và rộng là một hang nước, trong hang có dòng suối chảy qua, là nơi cho du khách được lội suối để trải nghiệm, chiêm ngưỡng những nhũ đá muôn hình, muôn vẻ đẹp lấp lánh mà thiên nhiên ban tặng. Ngoài ra, du khách muốn tìm hiểu thêm những điểm tham quan khác thì có thể đi xe máy khoảng 1 tiếng hoặc đi bộ (có 3 cung đường để khách lựa chọn là 6 tiếng, 10 tiếng và 13 tiếng) để đến xóm Đá Bia - một điểm DLCĐ dân tộc Mường ở xã Tiền Phong. Từ đây có thể đi thuyền thăm quan các điểm du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình thơ mộng.

Dù mới phát triển DLCĐ, với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vỹừ của núi rừng vùng cao Đà Bắc, xóm Sưng đã và đang là điểm đến hấp dẫn các du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm. Từ đầu năm đến nay, xóm Sưng đã đón khoảng 80 đoàn khách với gần 900 khách quốc tế, trong đó ngủ qua đêm trên 500 người. Trong thời gian tới, xóm sẽ thành lập thêm tổ dệt thổ cẩm, tắm thuốc chữa bệnh, khôi phục nghề làm giấy dó của dân tộc Dao… và phát triển thêm một số hộ tham gia kinh doanh hoạt động dịch vụ du lịch để đáp ứng khách du lịch ngày càng tăng đến thăm quan, khám phá và trải nghiệm.

 Hồng Ngọc

 


Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục