(HBĐT) - Vì từng có con riêng trước khi cưới anh K. nên chị S. cũng hay tủi thân, cả nghĩ lắm. Về làm dâu, của nả thì cũng có tí chút, nhưng con người ta là trai tân, mình thì thế, liệu có mấy người cảm thông, chia sẻ. Đứng trước gia đình nhà chồng đã đành (bố mẹ, anh em ruột của chồng…), nhưng chị còn phải đứng trước ánh mắt, thẩm định của cô dì chú bác nữa chứ, đúng là rát hết mặt. Mà anh K. chồng chị cũng đâu yên thân. Bàn ra tán vào, họp mấy cuộc ròng rã gần một năm mới "chung kết”. May là anh cũng quyết đoán và thật lòng có tình cảm với chị, nhưng chuyện "có đưa con bé kia về cùng không lại không thấy anh nhắc đến”. Đúng lúc đang bí bách, câu nói của bố chồng khiến chị chảy nước mắt: "Để con bé bơ vơ thế, liệu S. có vui để làm dâu con nhà mình không? Con gái cần có mẹ”.

Câu đó đã mở đường cho cả 2 vợ chồng và con bé con chị được ở chung căn nhà tiên tổ. May cho con bé được mọi người đón nhận. Thế là tốt cho cả 2 mẹ con. Nếu để nó bên cậu mợ và ông bà ngoại chị cũng không đành lòng… Về nhà chồng chị mới thấy vỡ ra nhiều điều về bố mẹ chồng. Nhìn có vẻ cũng khá khó tính, khó gần nhưng qua tiếp xúc, nhất là các tình huống xử lý mới thấy đúng là chị gặp may (vì tình yêu đầu đời của chị không suôn sẻ mấy nên có chuyện vừa nói ở trên). Khi về làm dâu năm đầu tiên thì đã qua sinh nhật con bé. Năm sau, chị cũng chẳng muốn nhắc đến… Cho đến một hôm vừa từ công xưởng về đến đầu hồi, chị nghe tiếng mẹ chồng:

- Ông ơi, mấy đứa cháu nội, ngoại sinh nhật tháng này ông định tặng quà gì? Tôi tính mua cho con thằng Ba cái xe cút kít, còn con gái cái Út mua cho chiếc váy trắng công chúa. Ông quyết đi để tôi còn đặt online…

Nhà có nhiều cháu nội, ngoại nên ông bà cũng có niềm vui, hạnh phúc của người có tuổi. Mỗi lần chúng kéo đến chơi đúng là xôn xao cả lối xóm. Về hưu rồi, vui vầy ruộng vườn, con cháu đông vui còn gì bằng… Mỗi dịp sinh nhật các cháu, bố mẹ chúng tổ chức linh đình kiểu gì ông bà không cần biết, nhưng chắc chắn chúng sẽ được ông bà mổ gà, mổ vịt chúc mừng. Cả mấy gia đình lại quây quần sum họp cùng lời chúc mừng sinh nhật thật ý nghĩa. Cũng gọi là bữa cơm gia đình với các món "cây nhà lá vườn” nhưng đều được chế biến công phu, ngon lành (bà nội trước mở quán ăn ngoài phố cùng bạn nên nấu nướng ngon lắm). Nhìn các cháu gặm những đùi gà to tướng, ông bà cười vui lắm… Nhưng khi có con chị về ở cùng, những thói quen đó cũng ít đi…

Rồi tiếng ông:

- Theo như tôi biết con bé Hến cũng sinh nhật tháng này, tôi tính mua cho cháu chiếc váy trắng và đôi giày. Con bé sắp vào lớp 1 rồi nên cũng cần diện với bạn bè…

Tiếng bà như hụt hơi: Thế à, thế à… Để bố mẹ nó lo tặng chứ.

Tiếng ông dứt khoát: Khi mình chấp nhận chúng nó nên vợ nên chồng và cho con bé Hến về là phải bỏ qua hết định kiến. Nó cũng là cháu mình. Không thể khác các cháu ruột nhà mình được. Dù sau này, vợ chồng thằng K. ra ở riêng thì cũng thế thôi. Con bé gọi tôi và bà là ông bà còn gì… Là con cháu trong nhà nên phải như nhau…

Chị chạy vội ra phía ngõ, nước mắt chan hòa mà miệng muốn mỉm cười. Chị cũng chẳng dám đòi hỏi nhiều cho mình và cho con nhiều điều đến thế đâu. Được ông bà chấp nhận là vui rồi. Chị nhìn về phía cuối con đường… anh đang đèo con chị và đứa cháu đi tiêm chủng trở về. Tiếng chúng cười nói, trao đổi lao xao một góc xóm. Mấy sinh nhật vừa qua chị chỉ dám mua cho con mấy món đồ như cái cặp, nơ tóc, quyển truyện tranh hay đôi dép mới… mà ít có dịp tổ chức đình đám rôm rả như ông bà từng làm cho các cháu. Nếu được tổ chức chung trong tháng như thế, chắc con bé vui lắm. Lâu lắm rồi nó đã quên căn vặn chị câu "Bố con đâu?”. Chị thấy mình thật là may mắn.


Bùi Huy


Các tin khác


Tháng Ba - nồng nàn những mùa hoa thương nhớ!

(HBĐT) - Tháng Ba về mang theo ánh nắng vàng tươi như sánh mật sưởi ấm khu vườn để cây đâm chồi, nảy lộc và bung nở những sắc hoa. Đây đó trong khu vườn hay hàng rào ven lối, con ngõ đầu làng, hoa bưởi, hoa xoan, hoa gạo, hoa trẩu, hoa xưa, hay vạt hoa cải cuối mùa… xòe cánh tươi đón nắng, tỏa hương. Bởi thế trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nồng nàn mùi hương từ những loài hoa thương nhớ!

Chỉ vì phạt nguội

(HBĐT) - Sau nhiều lần "lên bờ, xuống ruộng” vì sai lầm, khuyết điểm, trở về vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch Sanh quyết định dốc hết vốn liếng đã dành dụm bấy lâu để lập nghiệp bằng nghề mới: cho thuê xe tự lái.               

Phía cuối đường xuân

(HBĐT) - Cỏ gianh lên xanh sau đồi. Mẹ lại nhìn tôi: "Thế con Xuân có xuống được không?”.

Nơi tuyến đầu…

(HBĐT) - Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay (đội ngũ cán bộ y tế, Công an, bộ đội…), lại chợt liên tưởng đến một đoạn trong bộ phim chiến tranh của Nga: Phim "Tinh cầu”, dù cuộc chiến chống dịch hôm nay không hề có bom rơi, đạn nổ. Để tạo điều kiện cho nhóm chiến sĩ đột nhập vượt qua chiến tuyến để lọt sâu vào sau lưng của phát xít Đức, hồng quân Liên Xô đã dùng pháo binh dội lửa đạn pháo để nhóm chớp thời cơ tiếp cận tiền duyên. Bình thường, con người phải cố gắng né hết mức có thể để tránh những lúc, những nơi bom rơi, đạn nổ, nhưng nhóm chiến sĩ phải lao vào vùng lửa đó để tạo nên những bất ngờ đối với đối phương. Vì thế, hình ảnh: trong ánh chớp của đạn pháo, họ đã lao lên và chìm lẫn trong khói thuốc súng, chìm vào bóng đêm cùng những tiếng nổ long trời, lở đất, thật ấn tượng. Chiến tranh và sự cảm tử anh hùng là như vậy. Hình ảnh đẹp, hào hùng đó cứ trở đi, trở tại trong tâm tưởng…khi nghĩ về những người trên tuyến đầu chống dịch hôm nay…

Nếu ai lên biên giới…

(HBĐT) - Ra Giêng, khi hơi hướng mùa xuân vẫn còn vấn vương khắp nơi, nhận được lời mời của đồng nghiệp ở nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt” - Lào Cai: Lên mùa này không chỉ đi các chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, đèo Ô Quy Hồ, khám phá rừng Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, danh thắng du lịch Sa Pa mà còn có thể lên biên giới, lên cột cờ Lũng Pô bên sông Hồng, thăm anh em đồn biên phòng và bà con vùng biên…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục