(HBĐT)-Tháng Giêng đi qua, nghi lễ dâng hoa cho đất trời của muôn cây đã xong. Cây được nghỉ ngơi trước khi vào mùa gió bão. Thực ra, không phải loài cây nào cũng bận kết quả, thế nên lúc này có khi cây vừa trút lá, vừa đâm chồi. Sức nóng của động cơ, của tiếng ồn, của ánh đèn… tạo ra một thứ ô nhiễm mà không phải lúc nào thiết bị cũng đo được: ấy là ô nhiễm mùa. Thứ ô nhiễm làm cây trở thành một thực tại rất khác với gốc gác của nó khi còn ở rừng già.

Cây nhàn, còn con người thì như bước vào một quãng đường sương mù. Khoảng thời gian hẫng hụt ấy dù biết trước nhưng rồi năm nào cũng phải đi qua. Trời âm u, mây, khói bảng lảng cùng với khói thuốc, hương cà phê. Ta cũng không nhận ra ta trong sương khói trầm tư của cuộc đời.

Sẽ là quá lời nếu nói rằng nhiều lúc chúng ta ngước nhìn cây mà sống. Cây là chiếc đồng hồ kỳ diệu không mang hình thù cây kim hay con số điện tử nào. Thế mà chuyện hoa nở, hoa tàn, lá rụng (diệp lạc), nảy lộc… đã thành điển cố, thành biểu tượng đi vào triết học, thơ ca…, mỗi động cựa, mỗi xao động của cây đều tạo ra một gam màu sống. Cây đỏ lá, cây xanh mướt, cây khẳng khiu, tạo nên hiệu ứng tâm lý và cảm xúc. 

Cây nhàn, lá thưa, nắng xuân lọt vào những ô cửa. Tôi nhớ một thời, chỉ có vào những ngày này mới có thể nhìn sang ngôi nhà bên kia đường. Ngày còn bé nhỏ hồn nhiên, hai đứa trẻ vẫn gọi nhau qua những ô cửa. Rồi người lớn lên, cây cao thêm, cây xòa bóng um tùm, người bận rộn giữa muôn vàn mời gọi, câu thúc bon chen... 

Một ngày, cây thưa lá lấm tấm chồi xanh, giờ nhìn sang thấy ô cửa ấy không còn bóng dáng một người. Có một thực tại thật khác đang diễn ra với những người đến trọ khi căn nhà đã được cho thuê. Hôm nay tôi vẫn đứng đây mà nhìn sang bên đó, thấy hàng cây như một chiếc đồng hồ đã chết lặng, không còn quay về với dấu mốc ngày xưa.

Quán xá mùa này dường như đều vắng khách. Nhờ vậy mà cây không phải khoác lên mình những dây đèn trang trí, không phải "chịu trận” trước những làn khói của lò than nướng chả, của bếp lò và vô vàn tiếng động. Cây nhàn thì người lo, dòng sông cứ thế mải miết, nước trôi, bầu trời cuối xuân quang đãng như vừa trút bỏ được bao ưu phiền vướng bận. 

Những người muốn vùng vẫy đã đi từ sau Tết, ngõ vắng chỉ còn cái cây như một người đã già đứng đó ngày càng xù xì, cồng kềnh, vướng víu hơn. "Người già” ấy đang đứng thở trước khi đến mùa hạ, lúc đó đám trẻ hỏi cây: Quả chín đâu? Người lớn đứng hỏi cây: Bóng mát đâu? Cây càng thêm lớn, món nợ ấy với con người như càng nặng nề hơn, chỉ vì cây đứng đó chiếm hơn m2 đất... 

Đêm qua, một trận mưa đã về. "Mật lệnh” của thiên nhiên dù kín đáo nhưng vẫn còn để lại những giọt nước trên kẽ lá. Thế là, những cái cây lại phải lên đường, những ngày nhàn nhã đã ở phía sau lưng. Thời gian không đợi ai và cũng không ai bị bỏ lại phía sau. Trong cái bóng của ta hôm nay có bóng của cây, trong dáng cây trầm tư ngoài phố có dáng hình ta của mai sau…  

Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Chốn cũ trở về

(HBĐT) - Khi chị có quyết định đưa lũ trẻ ngược dốc về thăm quê nội, bố mẹ chị không cấm cản gì nhưng vẫn nói vớt vát: "Làm gì cho phải đạo thì con làm. Bố mẹ chỉ muốn con thoải mái nhất, nhưng đừng để họ nghĩ mình cần níu kéo”. Còn cái Luyến và thằng Luân thì có vẻ khá thích thú, vì cũng mấy năm rồi không ngược lại chốn ấy. Với chị, quyết định này không phải là nhất thời, bột phát mà cũng ấp ủ từ lâu. Nhất là vừa qua, nghe đám bạn hay đưa hàng về trên đó nói: Bà nội bọn trẻ ốm, bảo thấy nhớ mẹ con chúng nó. Đúng là bình thường ra, quãng đường từ nhà chị về quê nội bọn trẻ chỉ chừng 20 km thôi, đường rộng, bằng phẳng, có thể đi về trong ngày nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Khốn nỗi… chuyện không vui về những ngày đã qua, khiến quãng đường không dài đó thành hun hút như năm tháng đời người…

Tháng Ba - nồng nàn những mùa hoa thương nhớ!

(HBĐT) - Tháng Ba về mang theo ánh nắng vàng tươi như sánh mật sưởi ấm khu vườn để cây đâm chồi, nảy lộc và bung nở những sắc hoa. Đây đó trong khu vườn hay hàng rào ven lối, con ngõ đầu làng, hoa bưởi, hoa xoan, hoa gạo, hoa trẩu, hoa xưa, hay vạt hoa cải cuối mùa… xòe cánh tươi đón nắng, tỏa hương. Bởi thế trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nồng nàn mùi hương từ những loài hoa thương nhớ!

Chỉ vì phạt nguội

(HBĐT) - Sau nhiều lần "lên bờ, xuống ruộng” vì sai lầm, khuyết điểm, trở về vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch Sanh quyết định dốc hết vốn liếng đã dành dụm bấy lâu để lập nghiệp bằng nghề mới: cho thuê xe tự lái.               

Phía cuối đường xuân

(HBĐT) - Cỏ gianh lên xanh sau đồi. Mẹ lại nhìn tôi: "Thế con Xuân có xuống được không?”.

Nơi tuyến đầu…

(HBĐT) - Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay (đội ngũ cán bộ y tế, Công an, bộ đội…), lại chợt liên tưởng đến một đoạn trong bộ phim chiến tranh của Nga: Phim "Tinh cầu”, dù cuộc chiến chống dịch hôm nay không hề có bom rơi, đạn nổ. Để tạo điều kiện cho nhóm chiến sĩ đột nhập vượt qua chiến tuyến để lọt sâu vào sau lưng của phát xít Đức, hồng quân Liên Xô đã dùng pháo binh dội lửa đạn pháo để nhóm chớp thời cơ tiếp cận tiền duyên. Bình thường, con người phải cố gắng né hết mức có thể để tránh những lúc, những nơi bom rơi, đạn nổ, nhưng nhóm chiến sĩ phải lao vào vùng lửa đó để tạo nên những bất ngờ đối với đối phương. Vì thế, hình ảnh: trong ánh chớp của đạn pháo, họ đã lao lên và chìm lẫn trong khói thuốc súng, chìm vào bóng đêm cùng những tiếng nổ long trời, lở đất, thật ấn tượng. Chiến tranh và sự cảm tử anh hùng là như vậy. Hình ảnh đẹp, hào hùng đó cứ trở đi, trở tại trong tâm tưởng…khi nghĩ về những người trên tuyến đầu chống dịch hôm nay…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục