(HBĐT) - Sau mấy sự kiện liên quan đến đời sống của cả gia đình tôi như mẹ học xong thạc sĩ chuyên ngành, công việc của bố ít cơ động hơn và nhà tôi đã xây xong ngôi nhà mới phía Tây thành phố, dịp này cả nhà được về quê nội chơi. Một công đôi việc, cũng lần này, cả nhà sẽ cố mời để ông ra thành phố sống cùng gia đình tôi. Mẹ tôi thì bảo: "Cả đời sống cặm cụi nơi rừng núi, về già cần an nhàn cùng con cháu. Nếu về dưới này dễ chăm sóc ông hơn”. Bố tôi trầm ngâm: "Từ hồi bà nội mất, ông cũng chếnh choáng… Dù ở cùng chú Hai nhưng bố là con cả, bố muốn được ở cùng ông”…


Khỏi phải nói 2 chị em tôi vui đến cỡ nào. Hồi còn nhỏ, chúng tôi cũng hay được về và được nghe bao chuyện về rừng, về núi: Nhà mình ở khá gần khu bảo tồn thiên nhiên nên đôi khi được thấy cả đàn khỉ xuống vườn ngô nhà dân, có lúc còn cả ông Ba mươi lững thững uống nước con suối cạnh nhà; có lần cả làng bắt hụt chú sơn dương lạc xuống đầm lầy phía cuối con suối dài và sâu… Đấy là các chú kể thế, không biết có hư cấu gì không? Nhưng qua câu chuyện đó cùng những tưởng tượng thời niên thiếu, tôi mơ tưởng tới những cánh rừng đại ngàn, có những cây cổ thủ 10 người ôm không xuể; nai, hoẵng, thỏ đi từng đàn và những đàn bướm khổng lồ bay rợp trời… Thiên nhiên đẹp và hùng vĩ như vậy cơ mà, tuy tưởng tượng nhưng sao vẫn thích thú vô cùng. Dù thế, tôi vẫn ám ảnh lần được chứng kiến mưa rừng và lũ suối. Con suối trước nhà ông khi chưa mưa nước trong vắt, hiền hòa chảy, nhưng chỉ cần có cơn mưa thượng nguồn, con suối đã trở nên hung dữ, đỏ ngầu gầm gào cuốn phăng những khúc gỗ rừng về suối…
Thấy cả nhà về ông vui lắm. Treo bao dao lên cột hiên ông mặc vội chiếc áo màu gụ, nhưng không giấu nổi làn da màu đồng đỏ au xen lẫn những vết sẹo đã chai sạn loáng thoáng ở vai, lưng. Ông gọi ngay chú Hai về. Nghe loáng thoáng nhắc đến: gà đồi, măng chua, hạt dổi và tên một số ông có tuổi trong xóm. "Con mời các ông đến uống rượu gọi là chào mừng cả nhà con cả về chơi”. Ông cười hào sảng, xoa bàn tay đậm mùi gỗ rừng lên vai tôi: "Ông đang làm chiếc lồng chim sáo cho 2 cháu. Dùi đục xong rồi, chỉ lắp nan nữa là xong. Không biết cu Tít có thích không”. Nghe ông cười, ông nói, không ai nghĩ ông đã ngoài 70, ngoài mái tóc dài, trắng như cước kiểu nghệ sĩ… Nhìn các vật dụng ông tự làm mà thích mê. Mấy cây nỏ, mấy vỏ dao được chạm trổ tinh vi, dàn sáo trúc óng vàng làm từ trúc rừng; bó tên được vót cẩn thận… Dàn lồng chim… Chim sáo, yểng, họa mi… líu lo cả góc vườn. Bước ra khu vườn rừng của ông lại thấy thêm cả bao điều kỳ thú: Sao gà lại sống, ngủ rải rác trên những lùm cây, khi có người chạy tản ra xao xác cả góc rừng; dưới gốc cây lác đác những quả trứng hồng… Nhưng chỉ cần thấy thím Hai bê rá thóc, ngô ra, chúng từ đâu tụ về ngợp chân. Tiếng gọi cúc… cúc... xen lẫn âm thanh đàn gà chí chóe như khiến khu rừng bừng tỉnh. Hai chị em tôi đi nhặt những quả trứng còn nóng dưới mỗi gốc cây mà thích. Hồi nhỏ, 2 chị em mình xơi trứng gà của ông hơi nhiều đấy. Tôi nói thầm vào tai cậu em... Hồi đó, dù xe cộ không thuận như bây giờ nhưng thỉnh thoảng lại được nhận trứng, rau, chuối chín của ông bà. 
 Bố tôi từng kể rằng: "Hồi bố đang đi học đại học, mỗi khi có thư của các con gửi về, y như rằng vãn cả đàn gà của ông. Lắm lúc cầm đồng tiền ông bà cho, cứ thấy áy náy lắm con à. Ông bà vất vả mà chẳng kêu ca gì. Để có khu vườn rừng đó, ông bà dành trọn 10 năm gây dựng...”. Dù bố không nói hết nhưng chúng tôi cũng lờ mờ hiểu được khó khăn thời đó. Cả 4 anh em đều đi học chuyên nghiệp ở Hà Nội và Hải Phòng, chả ông bà lo thì ai lo... Nhưng cũng lạ là chưa bao giờ thấy ông đòi hỏi hay kể khổ cùng con cháu. Nhớ có lần bố thuê xe về tận nhà đón ông xuống Hà Nội chơi. Hôm trước xuống, hôm sau đòi về luôn mặc cả nhà nài nỉ ở thêm vài ngày nữa. Mà đêm đó ông cũng trằn trọc khó ngủ. Ông bảo: "Nhà có bà, có chú thím Hai... ông chẳng lo gì cả. Nhưng lạ giường, lạ chiếu. Mà ở đây vẫn có người đi lại cả đêm nhỉ, xe cộ cũng chẳng ngưng... Vì thức nên chỉ thấy nhớ rừng thôi, vườn lát mới trồng không ai chăm sóc, đàn lợn nái hình như nay nhảy ổ rồi”. Bố giả vờ dỗi nhưng không lay chuyển nổi ông, dù đã lên kế hoạch thăm thú vài nơi. Đưa ông phong bì tiền, ông ngạc nhiên: Về đó có tiêu cái gì đâu. Nói mãi ông cầm khỏi các con buồn. Màu áo bay Liên Xô ông mặc cứ chập chờn đi vào giấc ngủ của chúng tôi sau ngày ông ngược núi...
Gọi là chân rừng bóng núi nhưng nhà ông còn cách xa cửa rừng mấy tiếng đi đường chứ ít đâu. Nhưng ông từng là con người của núi rừng nên sau những phiêu dạt, ông bà quyết định lập nghiệp ở đây. Bố tôi được sinh ra ở chính ngôi nhà bên đồi này, ngày đó, cây trong vườn còn thưa thớt, mới lớn thôi, cây còn lẫn cỏ tranh, cây sim, cây mua… chứ đâu đã cao lớn và thành hàng, thành lối bạt ngàn như bây giờ. Ông chia sẻ: Ngày trước miếng ăn hàng ngày là từ rừng. Nhưng ông nghiệm ra câu "ăn của rừng rưng rưng nước mắt…” nên thôi, ra đây lập nghiệp, trồng cây, gây rừng, nuôi gà lợn… Chuyện về ông thì nói mãi chẳng hết đâu. 
Câu chuyện khó nói rồi cũng được bố mẹ tôi nói ra. Tôi ôm vai ông thủ thỉ: "Ông ra ở cùng gia đình cháu ông nhé. Nhà cháu giờ rộng rãi lắm, mỗi người một phòng...”. Vợ chồng chú thím Hai thì tư lự vì có phần bất ngờ với đề xuất đó. Chú Hai, người có gương mặt là bản sao của ông nội băn khoăn: "Mấy chục năm chúng em ở cùng ông bà rồi. Giờ thay đổi chắc gia đình chúng em khó quen lắm”... Hôm nay, ông uống nhiều hơn mọi bận. Khuôn mặt vuông vức ửng đỏ nhưng lời ông lại khá rành rẽ: "Thôi... Bố cám ơn các con... Bố đã quen nhịp sống, hơi thở ở đây rồi. Bố đã thuộc về nơi này rồi. Vả lại, bố còn bạn già bao năm gắn bó... Rồi phần mộ mẹ các con. Yên trí đi, năm nào bố cũng về thành phố chơi, thăm con cháu”. Khuôn mặt chú thím ánh lên tia vui mừng, còn bố mẹ tôi lại thoáng chút bâng khuâng. Ông nói thế thì chẳng có lý gì để bắt ông thay đổi được. Ở với rừng, với suối, với núi đồi trên 40 năm, giờ về thành phố náo nhiệt, ồn ào, ông sao thích nghi nổi. Nơi đây, ông tôi có một thời tuổi trẻ vất vả, gian khó nhưng tâm huyết. Nơi bố và cô chú tôi sinh ra, cất tiếng khóc dưới những tán rừng. Sao có thể dễ bỏ đi. Chỉ có điều gia đình tôi phải làm điều ngược lại, năm nào cũng phải trở về đây. Nhất định thế!

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Xăng tăng giá

(HBĐT) - Xăng tăng giá. Hường dửng dưng. Hường lôi đôi giày thể thao New Balance 574 Classic ra để đi bộ đến cơ quan. Hôm đầu trời mưa lâm thâm, từ nhà đến cơ quan chưa đến cây số nên chẳng gặp người quen nào. Hôm sau bắt đầu thấy có vài người bàn tán và nhìn theo. Rồi một hôm, Hường thấy phía sau lưng mình có một chiếc xe ô tô cứ bám theo. Biết thế cô vẫn đi chậm. Chiếc xe ấy đỗ hẳn lại, đợi đến khi Hường rẽ vào cổng cơ quan mới phóng vút qua.

Nhớ về tháng tư

(HBĐT) - Tháng tư đến từ bao giờ mà nhẹ nhàng, cứ chuyển mình từng chút một mà khó nhận ra. Tháng tư về mang không khí hòa quyện lúc nắng chan hòa, lúc se se lạnh là một bầu không khí êm dịu khiến khí trời trung du mát lạnh mỗi sáng mai về.

Mùa cây nhàn nhã

(HBĐT)-Tháng Giêng đi qua, nghi lễ dâng hoa cho đất trời của muôn cây đã xong. Cây được nghỉ ngơi trước khi vào mùa gió bão. Thực ra, không phải loài cây nào cũng bận kết quả, thế nên lúc này có khi cây vừa trút lá, vừa đâm chồi. Sức nóng của động cơ, của tiếng ồn, của ánh đèn… tạo ra một thứ ô nhiễm mà không phải lúc nào thiết bị cũng đo được: ấy là ô nhiễm mùa. Thứ ô nhiễm làm cây trở thành một thực tại rất khác với gốc gác của nó khi còn ở rừng già.

Chuyện đời thường: Món quà sinh nhật bất ngờ

(HBĐT) - Vì từng có con riêng trước khi cưới anh K. nên chị S. cũng hay tủi thân, cả nghĩ lắm. Về làm dâu, của nả thì cũng có tí chút, nhưng con người ta là trai tân, mình thì thế, liệu có mấy người cảm thông, chia sẻ. Đứng trước gia đình nhà chồng đã đành (bố mẹ, anh em ruột của chồng…), nhưng chị còn phải đứng trước ánh mắt, thẩm định của cô dì chú bác nữa chứ, đúng là rát hết mặt. Mà anh K. chồng chị cũng đâu yên thân. Bàn ra tán vào, họp mấy cuộc ròng rã gần một năm mới "chung kết”. May là anh cũng quyết đoán và thật lòng có tình cảm với chị, nhưng chuyện "có đưa con bé kia về cùng không lại không thấy anh nhắc đến”. Đúng lúc đang bí bách, câu nói của bố chồng khiến chị chảy nước mắt: "Để con bé bơ vơ thế, liệu S. có vui để làm dâu con nhà mình không? Con gái cần có mẹ”.

Hoài niệm hoa gạo

(HBĐT) - Tháng ba về hoa gạo nhuộm trời chiều

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục