(HBĐT) - Xăng tăng giá. Hường dửng dưng. Hường lôi đôi giày thể thao New Balance 574 Classic ra để đi bộ đến cơ quan. Hôm đầu trời mưa lâm thâm, từ nhà đến cơ quan chưa đến cây số nên chẳng gặp người quen nào. Hôm sau bắt đầu thấy có vài người bàn tán và nhìn theo. Rồi một hôm, Hường thấy phía sau lưng mình có một chiếc xe ô tô cứ bám theo. Biết thế cô vẫn đi chậm. Chiếc xe ấy đỗ hẳn lại, đợi đến khi Hường rẽ vào cổng cơ quan mới phóng vút qua.

 Ông Quý, bảo vệ gác cổng bảo: Mày có tin tháng nữa là mày ngủ với "nó” không? Hường đỏ bừng mặt, đấm vào lưng ông Quý. Ông Quý như cha chú, mồm miệng thế nhưng thương tụi trẻ ở cơ quan này. Có nhiều lần hết giờ làm xuống sân đã thấy ông đưa cho túi đựng rau mồng tơi: "Lộc trên đất cơ quan đây, tao chỉ "tham ô” được mỗi cái món rau rợ này…”.
Giá cơm bình dân tăng lên 5 ngàn, Hường và mấy chị em rủ nhau mang cạp lồng cơm xuống phòng bảo vệ. Lúi húi nấu bằng cái bếp từ của ông Quý một lúc là có rau, có canh. Thằng Kiên mở đầu bữa cơm:
- Thế bố Quý không định kiếm bà nào nữa à? Ở vậy bếp núc, củi lửa buồn chết đi được.
- Đấy! Thời trẻ tao cũng lọc cọc xe đạp lẽo đẽo như cái thằng nó đang bám theo con Hường. Đàn bà chúng nó ác bỏ mẹ, "hoa thơm trái ngọt” thì toàn "dâng" cho mấy thằng bỏ mẹ nào ấy…
- Đấy là do bố không dám liều, chứ nếu bố "tông” thẳng vào con người ta sự đã rồi - Hường nói xong đắc ý cười.
Về cơ quan đã hơn năm nhưng ngoài anh chị em trong phòng và phòng bảo vệ, còn lại Hường chỉ chào hỏi xã giao. Cô không khép mình nhưng đã thấm thía đủ những cay đắng. Hường từng yêu và setup một hạnh phúc thật mỹ mãn với cái nhà, cái xe ô tô rồi sinh con, còn lại lo sự nghiệp, sức khoẻ và tiền bạc lúc tuổi già… Nhưng sau 1 năm không con cái, không cảm xúc, hai đứa ly hôn lặng lẽ. Chẳng căm ghét chồng nhưng Hường cảm thấy hai người đâu còn cần đến nhau trong cuộc đời này. Cô xoá đi ký ức bằng cách bán nhà và đến sống ở một khu đô thị mới nhà cửa biệt lập. Hàng xóm hầu như không ai quen biết. Ban đầu, người chồng cũ ấy còn lảng vảng ở thành phố này, giờ thì chẳng biết anh ta đi đâu.
- Mai đợi em đi làm với chị nhé - thằng Kiên bất ngờ lên tiếng.
Hường ngớ người nhưng hôm sau thì vẫn để nó đi bên cạnh. Nó đứng đợi ở cổng nhà cô từ sớm, chiều về lại còn tạt vào khu tập thể thao. Nhìn nó rõ đẹp trai, năng động, đáng ra gái phải "chết” hàng loạt mà sao cứ lẽo đeo theo chị già này. Nó bảo, chủ nhà tăng tiền nhà trọ nên ở nhờ một văn phòng làm việc của ông chú nên chỉ được về phòng sau 19h. Sống bấp bênh thế bảo sao mà báo cáo, số liệu của nó bao giờ cũng nộp chậm. Hường thấy thương, nhiều khi thức đêm làm giúp nó. 
Một tối mất điện, vì cái tủ điện đầu khu dân cư bị nổ. Nhiều người dường như đã nhận ra điện là thứ chẳng liên quan gì đến cuộc chiến tranh tận đẩu tận đâu nên tha hồ đun nấu, bật hết các thứ tiện ích lên mà không cần lo về giá. Chiều muộn về, để giải toả hết sự mệt mỏi, Hường lững thững đi bộ. Cuộc sống này thật yên ả, lãng đãng, không cần gì nhiều hơn chỉ như thế là quá đủ với cô. Một công việc bám trụ ở thành phố, một người đi bộ bên cạnh, những niềm tin…
Không thể nhớ nổi trưa nay, lúc mấy chú cháu uống bia xong ông Quý đã biến đâu mất. Nhưng khi Hường tỉnh dậy đã thấy cúc áo xộc xệch. Đầu óc cô không đủ tỉnh táo để nhớ chuyện gì đã xảy ra. Có tiếng bước chân ai đó vừa thoáng sau cánh cửa phòng bảo vệ mới khép hờ.
- Chú, chú đang làm gì? Hường hỏi trong sự hốt hoảng khi nhìn thấy ông Quý mở cửa bước vào.
- Tao, tao vừa đi mua ít mồi câu. Biết đâu kiếm được con cá om dưa cho chúng mày…
Khi ấy, cô chẳng cần nhìn vào cái túi trên tay ông Quý đã đủ nghi ngờ. Cô ôm mặt khóc. Trong cuộc họp sáng nay, tay Phó phòng Tổ chức đã tuyên bố: Cô là 1 trong 3 người phải luân chuyển về chi nhánh ở huyện miền núi. Người thay thế chức phó phòng là Kiên. Hường là người chủ động mua rượu và bày ra cuộc nhậu trưa nay, cô không ghét ai, không trách móc ai. Một trận rượu chếnh choáng như thể mọi thứ đổ sụp chứ không làm tiêu tan cảm giác cay đắng đó. Cô không sợ gian khổ nhưng không thể chịu đựng được sự o ép từ nhiều phía. Nghe loáng thoáng trong hơi men rằng có người nào đó (lại kẻ nào nào đó) đã bí mật đánh tiếng với sếp cô để cô bị điều về chi nhánh. 
Mải nghĩ, Hường thấy mình đã đi quá xa khu trung tâm thành phố lúc nào không hay. Cô ngồi xuống vỉa hè một con phố mới. Bỗng từ phía sau có bàn tay ai đó bịt chặt mắt cô. Cái kiểu lạ hoắc này thật đáng sợ. Theo phản xạ, Hường đưa tay lên che ngực rồi bật dậy định thoát ra nhưng người đó đã kịp vòng tay ôm chặt lấy cái eo thon của cô. Khi cô gỡ được bàn tay ấy ra khỏi đôi mắt thì một nụ hôn đã ập đến như con tàu điện cao tốc đang lao trên đường ray đệm từ. Người đó quyết đè cô lên thảm cỏ. 
"Thằng Kiên”, Hường đẩy kẻ đó ra thật mạnh. Có lẽ từ đôi mắt vằn lên bực bội ấy, Kiên có chút sợ hãi nên Hường kịp bỏ chạy. Kiên lập tức bám theo.
Giờ đây cô hiểu vì sao ông Quý bảo "hoa thơm trái ngọt” thì toàn "dâng” cho mấy thằng bỏ mẹ nào ấy. Ông vẫn chỉ là kẻ mạnh miệng. Hường chạy, bỗng chân Hường bước hụt xuống một cái hố, cổ chân đau nhói. Cái bóng đen vẫn lao theo cô. Hường nghe loáng thoáng bên tai tiếng ông Quý nói vọng vào lúc cô bỏ đi: "Thấy tao về, thằng Kiên hôm nay cứ lấm lét”. Người đơn giản đâu chắc đã tốt. Có những sự giả tạo vẫn núp bóng trong sự hiền lành. Sao ở đây phố vắng thế, người ta sợ giá xăng đến thế kia à?
Bỗng chiếc xe ô tô bữa nọ lại từ đâu xuất hiện. Hường gan lì nhìn chằm chằm chằm vào nó. Khánh đã bước ra, mở cửa xe, nhẹ nhàng dắt Hường lên xe. Người chồng cũ nhìn khắc khổ và già hơn sau mấy năm không gặp. Họ cứ im lặng thế, xe chạy chậm, không ai biết phải mở lời nói với ai điều gì. Hường tự cười một mình khi nghĩ đến lời "bố” Quý tháng trước: "Mày có tin, tháng nữa là mày ngủ với "nó” không?”.
Hình như, con đường mới mở phía trước mặt kia cả hai người vẫn chưa một lần đi qua…


Truyện ngắn của bùi việt phương

Các tin khác


Hoài niệm hoa gạo

(HBĐT) - Tháng ba về hoa gạo nhuộm trời chiều

Online đầu năm

(HBĐT) - Nhận cuộc gọi của bác Lam, người chị gái cả, ông Bốn thừ người ra. Một tiếng thở thật dài như quãng thời gian gần 2 năm qua ông chưa về nhà. "Cuối tuần này nhà mình làm lễ mát nhà. Cậu mợ không về nhưng đọc lại địa chỉ chỗ làm, chỗ ở của cả nhà nhé. Để chị xướng tên cầu may cho cả năm… Nếu có thông tin nhà dì út cũng đọc luôn nhé. Lúc nào hành lễ chị mở cho cả nhà cùng xem”. Chị mở vi-đê-o zalo, vừa chải, xì tóc cho khô, vừa rộn ràng trao đổi. Phía xa, người anh rể hình như đang đan ớp hay rổ rá gì đó. Còn tiếng ti vi vọng lại bản tin về Covid-19 của địa phương.

Chốn cũ trở về

(HBĐT) - Khi chị có quyết định đưa lũ trẻ ngược dốc về thăm quê nội, bố mẹ chị không cấm cản gì nhưng vẫn nói vớt vát: "Làm gì cho phải đạo thì con làm. Bố mẹ chỉ muốn con thoải mái nhất, nhưng đừng để họ nghĩ mình cần níu kéo”. Còn cái Luyến và thằng Luân thì có vẻ khá thích thú, vì cũng mấy năm rồi không ngược lại chốn ấy. Với chị, quyết định này không phải là nhất thời, bột phát mà cũng ấp ủ từ lâu. Nhất là vừa qua, nghe đám bạn hay đưa hàng về trên đó nói: Bà nội bọn trẻ ốm, bảo thấy nhớ mẹ con chúng nó. Đúng là bình thường ra, quãng đường từ nhà chị về quê nội bọn trẻ chỉ chừng 20 km thôi, đường rộng, bằng phẳng, có thể đi về trong ngày nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Khốn nỗi… chuyện không vui về những ngày đã qua, khiến quãng đường không dài đó thành hun hút như năm tháng đời người…

Tháng Ba - nồng nàn những mùa hoa thương nhớ!

(HBĐT) - Tháng Ba về mang theo ánh nắng vàng tươi như sánh mật sưởi ấm khu vườn để cây đâm chồi, nảy lộc và bung nở những sắc hoa. Đây đó trong khu vườn hay hàng rào ven lối, con ngõ đầu làng, hoa bưởi, hoa xoan, hoa gạo, hoa trẩu, hoa xưa, hay vạt hoa cải cuối mùa… xòe cánh tươi đón nắng, tỏa hương. Bởi thế trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nồng nàn mùi hương từ những loài hoa thương nhớ!

Chỉ vì phạt nguội

(HBĐT) - Sau nhiều lần "lên bờ, xuống ruộng” vì sai lầm, khuyết điểm, trở về vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch Sanh quyết định dốc hết vốn liếng đã dành dụm bấy lâu để lập nghiệp bằng nghề mới: cho thuê xe tự lái.               

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục