(HBĐT) - Đêm nay trăng rằm sáng quá. Mùa này ít mưa nên bầu trời quang đãng, ông Kỷ không sao ngủ được. Bọn trẻ con bảo chắc ông nội "nghiện” xem Champions League đấy. Bà thì bảo chắc hồi chiều ông uống trà đặc. Chỉ mình ông Kỷ biết, tất cả đều từ nhịp đập xốn xang bên ngực trái. Lạ thật, đi siêu âm nhìn chỉ thấy mạch máu với cơ vậy mà suốt hơn 40 năm qua, cứ đến những ngày cuối tháng 4, trái tim ông lại thấp thỏm…

Năm ấy, trăng cũng sáng như đêm nay. Trăng rừng Trường Sơn cũng như trăng quê ông, trải thứ ánh sáng bạc trên núi đồi, trên những mái nhà. Nếu ban ngày, những con đường rừng Trường Sơn đỏ bụi bởi những đoàn xe và bộ đội hành quân thì đêm đến, khói đạn và vết thương trên mặt đất do bom đạn cày xới dường như được hàn gắn lại. Nằm trên chiếc giường ghép bằng tre, Kỷ nhớ đến các em mình. Đêm nay chắc Mường mình trăng cũng sáng, bọn thằng Quý, thằng Cảnh lại nô đùa nhốn nháo chưa chịu ngủ. 

Cuộc kháng chiến đã đi đến hồi kết, quân ta đã khai hoả trên mặt trận Buôn Ma Thuột, những đoàn quân như nước dồn về. Địch bối rối chống trả yếu ớt. Thủ trưởng Sơn đã ngủ rồi, tiếng thở của ông đều đều. Ban chiều, ông dặn Kỷ:
- Trong chuyến đi này, mình phải ghi lại những thời khắc lịch sử để có những bài báo nóng hổi, kịp thời, tớ linh cảm ngày giải phóng sắp đến rồi.
Hít một hơi điếu thuốc lá cuộn, thủ trưởng nói tiếp:
- Nên là phải nghĩ kỹ, nghĩ sâu, có tầm nhìn, hướng về cả ngày hoà bình, thống nhất đất nước cần kiến thiết lại…
Kỷ trở mình, anh cũng đang mơ đến ngày mà thủ trưởng nói lắm. Trên vai ông Sơn đang mang vết thương chiến tranh. Một mảnh đạn khác găm vào chân ông. Từ ngày được đi theo người phóng viên chiến trường kỳ cựu này, Kỷ học được bao điều sinh động, cụ thể hơn hẳn những kiến thức của một cậu sinh viên năm thứ nhất Đại học Tổng hợp.
Bỗng, Kỷ nghe có tiếng động lạ phía sau nhà. Theo phản xạ, anh sờ tìm khẩu AK47. Chưa vội lay gọi thủ trưởng, anh rón rén bò sát mép tường vòng ra phía sau. Từ lúc vào chiến trường cũng đôi ba lần Kỷ đụng độ biệt kích và đám tàn quân nên có đôi chút kinh nghiệm. Với tiếng động nhỏ như thế, nếu không là thú đi ăn đêm thì phải là đám biệt kích tinh nhuệ lắm. Nhưng khi đã căng mắt quan sát khắp nơi, Kỷ vẫn không thấy dấu hiệu gì bất thường. Anh mạnh dạn luồn ra khỏi cánh cửa liếp. Và rồi, chính anh cũng bất ngờ, phía cái giếng đào sau vườn rau của đơn vị bỏ lại, một bóng đen đang quẩy hai thùng gánh nước. Nước sóng sánh vãi ra mặt đất dưới ánh trăng…
- Ai, đang làm gì đó? 
Người kia giật mình, đòn gánh lệch đi làm đổ hai thùng nước rồi hốt hoảng bỏ chạy. Kỷ bám theo nhưng không kịp…
Sáng hôm sau, toàn binh trạm loan tin có món ăn tươi. Chả là đêm hôm trước có một con lợn rừng choai choai dính bẫy. Từ hơn tuần nay nó đã về phá vườn tược của binh trạm mà không ai làm gì được. Anh Tâm, anh nuôi của binh trạm bảo rằng cứ sáng ra là thấy những luống rau được tưới đẫm nước. Mùa này chưa có mưa, hanh khô, rau thường héo cằn mà khổ nỗi binh trạm ít người không quán xuyến hết được.
- Thế là có một cô Tấm thảo hiền ở đây rồi - Thủ trưởng Sơn hóm hỉnh.
Vậy ai là người đêm đêm tưới vườn, hay chính người đó đặt bẫy? Kỷ thắc mắc.
Đúng lúc ấy, cô Hoa y tá vội vàng báo cáo: "Một đồng chí thương binh còn chưa lành vết thương đã biến mất. Tôi đoán đã nhảy lên đoàn xe tải từ Bắc vào”. Kỷ vội theo Hoa xuống khu thương binh, lục lọi  tìm tòi mãi, bất chợt anh nhìn thấy có một cuốn sổ nhỏ chắc bị rớt xuống chân giường từ lúc nào. Nhưng tiếng còi xe đã giục, Kỷ chỉ kịp nhét vội cuốn sổ vào ba lô, lên xe cùng thủ trưởng hướng thẳng vào mặt trận phía Nam…
Sáng nay, Hội Cựu chiến binh có một hội viên đó là ông Kỷ. Sau khi về hưu, ông về sống với gia đình để vui cảnh điền viên, hưởng bầu không khí trong lành nơi quê nhà. Trước khi bước vào phần nội dung của buổi sinh hoạt là các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn” của anh chị em. Ông Kỷ ấn tượng nhất là song ca Nhịp cầu nối những bờ vui của hai vợ chồng cựu chiến binh. Trong giờ giải lao, ông Kỷ lân la hỏi chuyện vì thấy quý mến họ. Ông chồng bị cụt một bàn tay, một bên chân đi lại không được tốt. Người vợ dáng người thấp bé nhưng vui tính:
- Thế ngày xưa chị đi giặt quần áo được anh thổi sáo ôi cho nghe phải không? Ông Kỷ hài hước.
- Ôi, còn lâu bác ơi, đấy là lên sân khấu thôi. Về nhà ông ấy có mà suốt ngày bám lấy vườn tược, chuồng trại…
Nghe thấy thế, một ông giảng giải cho   ông Kỷ:
- Giới thiệu với bác đây là vợ chồng anh Hội và chị Đào. Là hộ tăng gia sản xuất giỏi, điển hình tiên tiến của Hội ta đó. Anh chị đam mê văn nghệ thế nhưng khi về nhà là tham công, tiếc việc lắm… 
Bà Đào nghe xong vội đáp:
- Các bác quá khen. Ông nhà tôi được cái nết yêu vườn tược hơn cả yêu vợ. Đấy, đi B ngày xưa bị thương ở chân còn chưa khỏi đã lại quay lại chiến trường và bị cụt mất một bàn tay. Ấy thế mà có chịu ngồi yên đâu.
Một bà trạc tuổi bà Đào nói vọng vào:
- Gớm, hồi mới về làm hàng xóm với hai bác em được phen hú vía. Hôm ấy, ông nhà em đi vắng, tưởng có trộm vào bắt lợn. Hoá ra đêm trăng bác Hội dậy tưới rau...
Nghe đến đây, trong đầu ông Kỷ như có một khoảng trời vừa bừng sáng. Ánh trăng của năm nào bỗng vằng vặc soi chiếu bao kỷ niệm. Ông sực nhớ ra, sáng nay có đem bài thơ định đọc tại cuộc họp nhưng còn ngại ngần. Có điều, bài thơ được kẹp trong cuốn sổ cũ mà ông định bụng sẽ kể hết cho anh chị em cựu chiến binh nghe về lai lịch của nó. 
Khi ông Kỷ vừa lôi cuốn sổ từ trong cặp ra. Ông Hội đã khuỵu một chân xuống, đôi mắt rơm rớm nước. Phải khó khăn lắm ông mới bước đến nắm chặt tay ông Kỷ:
- Sao anh lại có cuốn sổ này?
Ngừng giây lát sau khi đón lấy cuốn sổ, ông nói tiếp:
- Từ những năm tháng đó, tôi đã mong ngày giải phóng sẽ về quê tăng gia sản xuất, góp phần xây dựng bản Mường. Đi đâu có kinh nghiệm gì hay, tôi cũng ghi chép lại. Khi mất nó, tôi tiếc hùi hụi…
Ông Kỷ nắm chặt tay người đồng đội:
- Vì anh yêu vườn tược, yêu màu xanh, yêu hoà bình. Đêm trăng ấy ở binh trạm anh ngã có đau không? 
- Tôi, tôi không sao, ai bảo mình lọ mọ đêm hôm…
- Nhờ có người chiến binh, người nông dân yêu ruộng vườn như anh mà quê hương đang thay đổi, anh gánh cả trăng vàng tưới mát những mầm xanh tương lai mà. 
Hai người cựu chiến binh cứ đứng lặng như thể hơn 40 năm chỉ là chuyện của ngày hôm qua…


Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục