(HBĐT) - Mùa này cũng đã là mùa biển gọi bằng tiếng sóng xô bờ, dào dạt, xuyên qua không gian, vào đất liền và đánh thức những nỗi niềm, khát vọng. Phía xa kia là cát trắng, biển xanh, là những con tàu hướng khơi xa hòa mình trong biển cả quê hương đẹp giàu. Tình yêu biển là khôn cùng…

Tuổi hoa niên nào, nơi góc cư xá sinh viên, tiếng hát của ca sĩ Nhã Phương thời đó đang nổi, cất lên làm tất cả mọi người cùng hướng ra phía cửa sổ. Bộ đĩa hát Nga của gia đình đó miệt mài quay những tình khúc về biển: Đêm nằm nghe tiếng sóng xa vọng về/ Nghe biển ru lên tiếng ru bồi hồi/ Chờ đón con tàu anh rời bến/ Ngày mai con tàu anh ra khơi... (Tình biển). "Gặp” biển cả lần đầu là vậy, để sau này, khi đã đến với biển cả bao lần, được nhấm vị mặn mòi của biển và hòa vào làn sóng xanh vùng vẫy, vẫn thấy thân thương, mới mẻ như lần đầu, lần nghe bài hát nằm lòng đó.

Rồi cũng gặp biển cả như gặp mối tình đầu nông nổi và tha thiết. Trong cái xanh diệu vợi cùng tiếng sóng biển chiều ào ạt, giọng đọc của một đồng nghiệp cất lên khiến tất cả mọi người im lặng vì "điểm huyệt” đúng tâm trạng: Biết nói gì trước biển em ơi!/ Trước cái xa xanh thanh khiết không lời/ Cái hào hiệp ngang tàng của gió/ Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ (Trước biển - Vũ Quần Phương). Đã thấy thấp thoáng phía xa kia những con thuyền câu mực, ánh đèn rạo rực làm ấm biển đêm…

Cuộc đời và những chuyến đi. Thời chưa dịch Covid-19, mỗi dịp hè đều là những chuyến đi về biển. Biển như người bạn tri kỷ, thủy chung và luôn đúng hẹn. Thật nhớ làm sao đêm trắng cùng bạn bè thời sinh viên hát hò thâu đêm ở biển Quỳnh, hay đi bộ miệt mài đón sóng ở Sầm Sơn, Cửa Lò. Những chuyến đi thú vị cùng bạn bè, người thân cùng nghe thơ Hàn Mặc Tử, nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở bãi biển Quy Nhơn - Bình Định, Ghềnh Ráng - Tiên Sa cùng tiếng thông reo vi vút để ngẫm về những thăng trầm, thân phận đời người; dù trải qua bao nhiêu bĩ cực đời người vẫn luôn khát khao tình yêu cuộc sống cùng tình yêu biển đến tận cùng. Tầm mắt nhìn xa xăm, thấy được biển cả bao la, rộng lớn và cũng bao dung vô cùng với đất liền, với con người. Gặp những con người sống, lao động, gắn bó cả đời với biển ở làng chài Mũi Né (Bình Thuận), Hàm Ninh (Phú Quốc - Kiên Giang) để thấy những giọt mồ hôi, làn da rám nắng, đỏ au vì biển mặn, vì để có được nhịp sống an hòa nơi đây cần những con người mạnh mẽ, quyết liệt và luôn chủ động trước thiên nhiên…

Đi về biển để thấy thêm ý nghĩa của cuộc sống yên bình nơi đất liền tràn ngập ánh sáng. Ngọn hải đăng, những chiến sỹ biên phòng, chiến sỹ hải quân bám biển, bám đảo các vùng biển Tổ quốc… Thật hạnh phúc cho những ai đã được đến các vùng biển đảo: Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý, Trường Sa, những nhà giàn ngoài biển khơi lộng gió… Một đồng nghiệp từng có những ngày đi Trường Sa trải lòng: Không nghĩ rằng cuộc đời làm báo lại có những ngày hạnh phúc tràn ngập như vậy. Đến Trường Sa thấy tự hào, hãnh diện và trào dâng cảm xúc thiêng liêng về biển cả, đất nước, Tổ quốc; cuộc sống ý nghĩa biết bao khi gặp những người chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời đất mẹ. Ngày lên tàu về đất liền, trong tiếng sóng ào ạt liên hồi vỗ lên thân tàu, hay là tiếng lòng xao động, nắm bàn tay những chiến sỹ để tạm biệt về đất liền, anh không nói nên lời và chỉ mong đó không phải là lần cuối đến vùng biển đảo thiêng liêng này. Cuộc đời, công việc… cho mỗi người những cơ hội về biển cùng những cảm nhận, khát khao. Dù bao lần được hòa mình với biển, nhưng lần nào cũng mới mẻ, tinh khôi những cảm xúc không thể nói thành lời. Mùa biển gọi… mùa của những khát vọng mới; bởi biển cả luôn bao dung, chia sẻ, ôm ấp và gần gũi với con người… Đến với biển không chỉ để thăm quan, du lịch, thư giãn, đến với biển để có cảm nhận về bao điều lớn lao hơn. Mùa biển gọi…

Tản văn của Bùi huy

Các tin khác


Mùa cây nhàn nhã

(HBĐT)-Tháng Giêng đi qua, nghi lễ dâng hoa cho đất trời của muôn cây đã xong. Cây được nghỉ ngơi trước khi vào mùa gió bão. Thực ra, không phải loài cây nào cũng bận kết quả, thế nên lúc này có khi cây vừa trút lá, vừa đâm chồi. Sức nóng của động cơ, của tiếng ồn, của ánh đèn… tạo ra một thứ ô nhiễm mà không phải lúc nào thiết bị cũng đo được: ấy là ô nhiễm mùa. Thứ ô nhiễm làm cây trở thành một thực tại rất khác với gốc gác của nó khi còn ở rừng già.

Chuyện đời thường: Món quà sinh nhật bất ngờ

(HBĐT) - Vì từng có con riêng trước khi cưới anh K. nên chị S. cũng hay tủi thân, cả nghĩ lắm. Về làm dâu, của nả thì cũng có tí chút, nhưng con người ta là trai tân, mình thì thế, liệu có mấy người cảm thông, chia sẻ. Đứng trước gia đình nhà chồng đã đành (bố mẹ, anh em ruột của chồng…), nhưng chị còn phải đứng trước ánh mắt, thẩm định của cô dì chú bác nữa chứ, đúng là rát hết mặt. Mà anh K. chồng chị cũng đâu yên thân. Bàn ra tán vào, họp mấy cuộc ròng rã gần một năm mới "chung kết”. May là anh cũng quyết đoán và thật lòng có tình cảm với chị, nhưng chuyện "có đưa con bé kia về cùng không lại không thấy anh nhắc đến”. Đúng lúc đang bí bách, câu nói của bố chồng khiến chị chảy nước mắt: "Để con bé bơ vơ thế, liệu S. có vui để làm dâu con nhà mình không? Con gái cần có mẹ”.

Hoài niệm hoa gạo

(HBĐT) - Tháng ba về hoa gạo nhuộm trời chiều

Online đầu năm

(HBĐT) - Nhận cuộc gọi của bác Lam, người chị gái cả, ông Bốn thừ người ra. Một tiếng thở thật dài như quãng thời gian gần 2 năm qua ông chưa về nhà. "Cuối tuần này nhà mình làm lễ mát nhà. Cậu mợ không về nhưng đọc lại địa chỉ chỗ làm, chỗ ở của cả nhà nhé. Để chị xướng tên cầu may cho cả năm… Nếu có thông tin nhà dì út cũng đọc luôn nhé. Lúc nào hành lễ chị mở cho cả nhà cùng xem”. Chị mở vi-đê-o zalo, vừa chải, xì tóc cho khô, vừa rộn ràng trao đổi. Phía xa, người anh rể hình như đang đan ớp hay rổ rá gì đó. Còn tiếng ti vi vọng lại bản tin về Covid-19 của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục