(HBĐT) - Cứ mỗi khi đâu đó vang lên câu hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.…” lại khiến lòng rạo rực cùng không khí ngày 30/4/1975. Ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam liền một dải; ngày cả nước xuống đường hân hoan chào mừng, ngày mà ai cũng thấu hiểu câu ca "vui sao nước mắt lại trào”…

Hơn 20 năm đất nước bị chia cắt… Ngày toàn thắng càng thấy ý nghĩa, sự thiêng liêng cao cả của những mất mát, hy sinh của bao thế hệ cha ông. Với mỗi cá nhân thế hệ 5X, 6X, chắc chắn dịp này, ai cũng vẫn còn những mảnh ký ức về chiến tranh, về những năm tháng hào hùng ấy. Sao lại như thấy đâu đây những năm 1973, 1974… làng xóm quê nhà xanh đậm màu áo lính. Họ về đây để tập luyện cho các chuyến đi B, C,K. Những chiến sĩ trẻ từ các vùng miền Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng. Hà Tây, Hà Nội… lần lượt đến rồi lần lượt lên đường. Làn da rám nắng nơi thao trường, miệt mài các bài tập ném lựu đạn, bắn súng AK, súng ngắn. Sau những giờ tập luyện, lưu trú tại mỗi gia đình, họ như những người con, người anh em trong nhà. Nụ cười sáng lóa và ánh mắt họ ấm áp cùng những câu chuyện về quê nhà, về tuổi thơ… khiến mỗi tuổi thơ nơi đây được sống với nhiều miền quê đất nước. Lớp này đến, lớp này đi… bao chiến sĩ đã qua ngôi nhà của mẹ cha. Chỉ biết rằng, mỗi lần các chiến sĩ lên đường, bố mẹ như được thay mặt cha mẹ họ tiễn con lên đường. Bàn tay nắm thật chặt, cùng ánh mắt quyết tâm cho ngày toàn thắng. Sau mỗi lần đó, bà, mẹ lại im lặng mất mấy ngày, rồi sau đó, nhắc tên từng chiến sĩ với từng nét riêng: "Thằng Sơn nó hiền, chịu khó… Cứ từ thao trường về là giành lấy cái chổi của bà để quét đám lá ngoài vườn”. "Chú Tài hát hay lại có tài thổi sáo…”… Những chiếc cắt tút bằng đồng "vàng như lúa đồng” được đám trẻ nhặt được vào cuối ngày, đựng trong những chiếc cặp xách cũ kỹ, dùng làm đồ chơi, dùng để đóng thành hình những ngôi sao ở góc sân mỗi nhà… Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, xóm làng chộn rộn khi thông tin về miền Nam ngày càng được cập nhật nhiều hơn (qua chiếc đài Cửu Long và Báo Nhân Dân). Sau mỗi buổi đi làm đồng về, buổi tối, bên ánh đèn dầu leo lét, cả nhà lắng nghe các bản tin từ Đài tiếng nói Việt Nam và các bản tin chọn lọc từ Báo Nhân Dân. Tiếng đài nhỏ, đôi khi rọt rẹt dở chứng, nhưng mọi người chăm chú nghe như nuốt từng lời. Thích nhất là Chương trình thời sự, bản tin chiến sự, chương trình Quân đội nhân dân… Những lúc đó, bao giờ, bà và cha mẹ đều nhắc đến các cháu, các em trong gia đình, họ hàng, làng xóm đang chiến đấu ngoài mặt trận. Có người, mấy năm nay, chẳng có một dòng thư nào; đa phần họ chưa lập gia đình, lên đường tòng quân trong những năm 60 của thế kỷ XX… Nhưng giây phút chậm rãi, lắng đọng và thoáng chút hoài nhớ trôi nhanh, mọi người lại bàn luận sôi nổi về các cánh quân thần tốc… Giọng đọc truyền cảm của phát thanh viên "dẫn” mọi người theo bước chân quân giải phóng đi từ các tỉnh Tây Nguyên, xuống vùng biển Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận… Bản tin chiến thắng liên tiếp được cập nhật. Khi các cánh quân của ta đã bao quanh Sài Gòn, làng trên, xóm dưới rộn ràng không khí. Đêm đêm, tại sân kho HTX, các em nhỏ được các anh chị phụ trách dạy hát, dạy múa với các tiết mục tập thể, chào đón chiến thắng…

Và ngày 30/4/1975… các anh chị học cấp 2, cấp 3 đến trường cũng nhấp nhổm, người ra đồng, lên đồi trực cũng ngóng tin từ người "canh” tin của Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi tất cả ào về nhà vào trưa ngày 30/4, quây quần bên chiếc đài với bản tin chiến thắng: "Mời đồng bào và các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi vừa nhận được, đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ tổng tham mưu ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Người lớn thì rưng rưng, còn đám trẻ con thì reo hò, vỗ tay… Những giây phút thật tuyệt vời, hạnh phúc cho ai được tham gia, được chứng kiến, hòa mình vào giây phút lịch sử đó của đất nước. Đêm đó, xóm làng rộn ràng lời ca, tiếng hát. Đất nước đã liền một dải, hòa bình về rồi, không còn bom đạn chiến tranh, khúc ca khải hoàn lan qua mỗi gia đình, bay qua núi đồi vang vọng không gian. Những chiến sĩ từng qua xóm làng, đang ở cánh quân nào nơi miền Nam?.

Bao năm rồi, mỗi dịp nhớ lại, càng thấy ký ức đó như một tài sản vô giá nằm lòng.

Tản văn của Bùi Huy

Các tin khác


Chuyện đời thường: Món quà sinh nhật bất ngờ

(HBĐT) - Vì từng có con riêng trước khi cưới anh K. nên chị S. cũng hay tủi thân, cả nghĩ lắm. Về làm dâu, của nả thì cũng có tí chút, nhưng con người ta là trai tân, mình thì thế, liệu có mấy người cảm thông, chia sẻ. Đứng trước gia đình nhà chồng đã đành (bố mẹ, anh em ruột của chồng…), nhưng chị còn phải đứng trước ánh mắt, thẩm định của cô dì chú bác nữa chứ, đúng là rát hết mặt. Mà anh K. chồng chị cũng đâu yên thân. Bàn ra tán vào, họp mấy cuộc ròng rã gần một năm mới "chung kết”. May là anh cũng quyết đoán và thật lòng có tình cảm với chị, nhưng chuyện "có đưa con bé kia về cùng không lại không thấy anh nhắc đến”. Đúng lúc đang bí bách, câu nói của bố chồng khiến chị chảy nước mắt: "Để con bé bơ vơ thế, liệu S. có vui để làm dâu con nhà mình không? Con gái cần có mẹ”.

Hoài niệm hoa gạo

(HBĐT) - Tháng ba về hoa gạo nhuộm trời chiều

Online đầu năm

(HBĐT) - Nhận cuộc gọi của bác Lam, người chị gái cả, ông Bốn thừ người ra. Một tiếng thở thật dài như quãng thời gian gần 2 năm qua ông chưa về nhà. "Cuối tuần này nhà mình làm lễ mát nhà. Cậu mợ không về nhưng đọc lại địa chỉ chỗ làm, chỗ ở của cả nhà nhé. Để chị xướng tên cầu may cho cả năm… Nếu có thông tin nhà dì út cũng đọc luôn nhé. Lúc nào hành lễ chị mở cho cả nhà cùng xem”. Chị mở vi-đê-o zalo, vừa chải, xì tóc cho khô, vừa rộn ràng trao đổi. Phía xa, người anh rể hình như đang đan ớp hay rổ rá gì đó. Còn tiếng ti vi vọng lại bản tin về Covid-19 của địa phương.

Chốn cũ trở về

(HBĐT) - Khi chị có quyết định đưa lũ trẻ ngược dốc về thăm quê nội, bố mẹ chị không cấm cản gì nhưng vẫn nói vớt vát: "Làm gì cho phải đạo thì con làm. Bố mẹ chỉ muốn con thoải mái nhất, nhưng đừng để họ nghĩ mình cần níu kéo”. Còn cái Luyến và thằng Luân thì có vẻ khá thích thú, vì cũng mấy năm rồi không ngược lại chốn ấy. Với chị, quyết định này không phải là nhất thời, bột phát mà cũng ấp ủ từ lâu. Nhất là vừa qua, nghe đám bạn hay đưa hàng về trên đó nói: Bà nội bọn trẻ ốm, bảo thấy nhớ mẹ con chúng nó. Đúng là bình thường ra, quãng đường từ nhà chị về quê nội bọn trẻ chỉ chừng 20 km thôi, đường rộng, bằng phẳng, có thể đi về trong ngày nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Khốn nỗi… chuyện không vui về những ngày đã qua, khiến quãng đường không dài đó thành hun hút như năm tháng đời người…

Tháng Ba - nồng nàn những mùa hoa thương nhớ!

(HBĐT) - Tháng Ba về mang theo ánh nắng vàng tươi như sánh mật sưởi ấm khu vườn để cây đâm chồi, nảy lộc và bung nở những sắc hoa. Đây đó trong khu vườn hay hàng rào ven lối, con ngõ đầu làng, hoa bưởi, hoa xoan, hoa gạo, hoa trẩu, hoa xưa, hay vạt hoa cải cuối mùa… xòe cánh tươi đón nắng, tỏa hương. Bởi thế trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nồng nàn mùi hương từ những loài hoa thương nhớ!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục