Truyện ngắn của Bùi Huy 


Hơn 30 năm rồi ông mới có dịp trở lại thị trấn này. Mà đúng ra, không có chuyến thăm quan, du lịch của Công ty Phương Nam mà ông là thành viên, chưa chắc đã có chuyến ngược thị trấn miền sơn cước Lam Vân này. Có chút bồi hồi khi chạm cửa ngõ thị trấn. Nén tiếng thở dồn, gấp… Ngôi nhà gia đình ông đã được chủ mới phá đi, xây lại toàn bộ. Riêng khu vườn phía sau, sát bờ suối vẫn bạt ngàn xanh như cũ. Một tuổi thơ rợp bóng mát và hoa trái ngọt lành.

Đến trung tâm, bất ngờ vì thị trấn thay đổi đến ngỡ ngàng. Con đường đôi được làm mới, nhưng hàng phượng bên mé hồ vẫn thức đỏ trời như xưa và hồ Men sóng vẫn dạt dào mỗi khi gió chiều về. Hít một hơi dài làn không khí se se mát lành, ông thấy khoan khoái vô cùng. Theo ý kiến số đông, cả đoàn đã di chuyển bằng xe ngựa vào nghỉ tại homestay ở bản, thay vì đêm ngủ ở thị trấn như dự định ban đầu. Ngồi trên xe ông bỗng giật mình. Bố cô ấy ngày xưa cũng là người đánh xe ngựa chở khách từ thị trấn đi các nơi trong vùng. Ở nơi mà thời đó xe đạp còn thưa thớt chứ đừng nói đến xe máy, thì nghề lái xe ngựa lại bảo đảm một nguồn thu cho nhu cầu cuộc sống. Cũng vì nghề gia đình cô ấy mà mẹ anh đã "ám” với quan điểm: Không hề môn đăng hộ đối để phản đối bằng được mối tình mới chớm nở của hai người. Nay xe ngựa lại như là điều không thể thiếu, làm nên nét đẹp thị trấn…

Và ông đã gặp lại bà Lân, không phải "em Lân” ngày nào. Sáng sớm, sương chưa tan trên những thảm lúa vàng và mặt trời chưa ló qua dãy núi Pù Hoa, bà chủ homestay đã thức để chuẩn bị các món ăn sáng cho khách. Như một thói quen mấy chục năm, 5h ông đều dậy chạy bộ, vừa xuống cầu thang, thấy bà chủ nhà đang nhận hàng "ship” của một phụ nữ có gương mặt tròn hồng hào. Những mớ rau su su, tầm bóp xanh mướt mắt; những mớ măng rừng vừa lấy từ vườn; ống cơm lam còn nóng hổi.

- Ối, có phải anh Thế Duy không?

- Lân… bạn Lân…

Tiếng bà chủ nhà véo von: Ôi, thế hai người quen biết nhau à… Nhà cô Lân đây chuyên bán đồ "cây nhà lá vườn” cho cơ sở du lịch chúng tôi đấy. Uy tín lắm…

Bà Lân vội phân bua: Bạn học phổ thông đấy bác ơi…

Bạn cũ, mà gọi là người yêu cũ cũng chẳng sai vì chuyện của hai người được cả thị trấn bé nhỏ hồi đó biết rõ mà. Nhà Duy thuộc diện có máu mặt, còn nhà Lân là lao động thuần túy. Nhưng Lân hồi đó lại là hoa khôi của trường nơi vùng cao này. Làn da trắng hồng không cần son phấn (mà hồi đó ai có mà đánh), mái tóc dài đen mượt buông gần chấm đất. Hồi đó, mỗi lần ra bờ suối gội đầu, màn quay tóc, hong tóc dưới nắng vàng như mật của Lân làm bao người mê mẩn. Ông từng coi đó là "đặc sản” của riêng Lân. Nhiều người theo đuổi nhưng nụ cười hiền nhẹ đó chỉ dành cho Duy thôi, cùng niềm tin: Rồi cả gia đình Duy sẽ hiểu và chia sẻ. Nhưng "rạn nứt” đầu tiên chính là lần làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng. Trong khi chúng bạn ầm ầm đăng ký các trường đại học danh tiếng thì Lân chỉ khiêm tốn với trung cấp sư phạm mầm non. Mẹ Duy căn vặn con trai: "Sao nó thiếu chí tiến thủ thế, người ta phải đại học mới nên người chứ. Trung cấp thì… Mà sức học của nó đâu có kém hơn các bạn đâu”. Chỉ Duy là người hiểu rõ hoàn cảnh của Lân. Có lần cô chậm rãi: "Mình làm sao đi học xa nhà được. Về Hà Nội thì bố mẹ mình không kham nổi đâu. Lại còn mấy em đang tuổi ăn học”, học tại tỉnh đỡ tốn kém hơn”. Thời kỳ cuối của việc dùng tem phiếu, nên những gia đình nông dân như Lân khó có điều kiện theo đuổi việc học hành…

Ngày đó, với lý do cả nhà phải trở về quê nội và bố ông phải đảm trách trưởng gia tộc mà gia phả đã ghi, ông và gia đình có chuyến chia tay thị trấn nhiều day dứt. Vào đúng mùa hè bỏng rát, hoa phượng nở đỏ hồn nhiên đến mức vô tâm trên từng con ngõ. Mẹ ông lúc đó, một người phụ nữ quyết đoán có gương mặt xương xương nói: "Ông à, một công đôi việc… Cũng là để thằng Thế Duy dứt được cái Lân ở bản kia… Xa mặt cách lòng, rồi nó sẽ tĩnh tâm lại”. Tuổi 20 và mối tình đầu… Lúc đó, ông đang là sinh viên năm thứ 3 ở một trường khá danh giá ở Hà Nội. Còn Lân, sau khi học xong làm giáo viên mầm non ở bản bên. Bận rộn như con mọn mà thu nhập thấp, đôi khi tính bằng công điểm, bằng thóc, ngô. Cô ấy thích thú với công việc và cuộc sống nơi đó mà chẳng bao giờ so bì với chúng bạn. Còn ông có nuối tiếc, day dứt không? Cũng có. Thật lòng mà nói như vậy, nhưng những giọt nước mắt phía sau lưng, ông không bao giờ cảm nhận được…

Nay gặp lại… Nói là xốn xang cũng chẳng phải, mà bảo bùng lên ngọn lửa đã thành tro tàn cũng không đúng. Chỉ có chút quá khứ cảm mến trở về. Ông mời cô vào một quán cà phê ven suối. Cô chối. Điều này ông biết ngay khi mở lời mời. Vì ngay cả thời gọi là yêu nhau đó, chưa bao giờ ông và cô ấy gặp riêng tư, hay chỗ vắng. Cô bảo: Con gái chỗ em ai bị dị nghị là mang tiếng lắm, nhất là chuyện trai gái…

Bà chủ nhà cũng ý tứ mời hai người ngồi tại bàn uống nước ngay chân cầu thang. Ông chủ động:

- Mình chỉ làm phiền bạn 5 - 10 phút thôi…

Cô ấy khẽ cười: Nay mình cũng không bận. Tối qua đã chuẩn bị sẵn các đồ "ship” để các cháu mang đi đổ các điểm rồi. Mà bạn đã khỏi hẳn bệnh đau vùng thượng vị chưa?

Ông hơi bất ngờ vì chi tiết này. Bao năm rồi mà cô ấy vẫn còn nhớ chuyện ông từng đi điều trị mấy lần ngày còn học ở đây. Không tiện hỏi sâu về cuộc sống riêng tư của nhau, cô hướng câu chuyện về bạn bè ngày ấy. Cô hồn hậu:

- Mọi người cùng lớp vẫn nhắc đến bạn và gia đình bạn đấy. Vài năm lại gặp nhau một lần để kể chuyện xưa. Vui lắm.

Ừ, ông bỗng thấy ngượng ngùng. Chỉ vì lần ra đi và không có bất cứ hồi âm nào cho ai mà ông ít muốn trở lại nơi này. Ôi tuổi trẻ dại khờ, nông nổi và thiếu quyết đoán (điều mà mẹ ông lại có thừa). Nhưng giờ nói lại có ích gì? Mọi chuyện đã an bài. Nếu có chăng là tự trách mình vì đã không có những quyết định đúng đắn nhất. Không ai đi mãi bên cạnh cho hết hành trình của đời mình được…

- Nếu Thế Duy sẵn sàng, tối nay lớp mình sẽ gặp nhau. Gọi là chào đón bạn…

Gương mặt ông đỏ bừng vì xúc động. Lân bao giờ cũng ân cần, quan tâm bạn bè như vậy đó. Gặp để nối lại với những gì đẹp đẽ, trong sáng và tinh khôi của những ngày xưa? Tại sao không? Cô ấy đã không hề trách cứ ông dù chỉ một lời. Đã thế, còn mở một cánh cửa khác để ông trở lại. Ông thấy mình thật may mắn.


Các tin khác


Mùa biển gọi…

(HBĐT) - Mùa này cũng đã là mùa biển gọi bằng tiếng sóng xô bờ, dào dạt, xuyên qua không gian, vào đất liền và đánh thức những nỗi niềm, khát vọng. Phía xa kia là cát trắng, biển xanh, là những con tàu hướng khơi xa hòa mình trong biển cả quê hương đẹp giàu. Tình yêu biển là khôn cùng…

Người gánh nước dưới trăng

(HBĐT) - Đêm nay trăng rằm sáng quá. Mùa này ít mưa nên bầu trời quang đãng, ông Kỷ không sao ngủ được. Bọn trẻ con bảo chắc ông nội "nghiện” xem Champions League đấy. Bà thì bảo chắc hồi chiều ông uống trà đặc. Chỉ mình ông Kỷ biết, tất cả đều từ nhịp đập xốn xang bên ngực trái. Lạ thật, đi siêu âm nhìn chỉ thấy mạch máu với cơ vậy mà suốt hơn 40 năm qua, cứ đến những ngày cuối tháng 4, trái tim ông lại thấp thỏm…

Xanh ngời ký ức… ngày 30/4

(HBĐT) - Cứ mỗi khi đâu đó vang lên câu hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.…” lại khiến lòng rạo rực cùng không khí ngày 30/4/1975. Ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam liền một dải; ngày cả nước xuống đường hân hoan chào mừng, ngày mà ai cũng thấu hiểu câu ca "vui sao nước mắt lại trào”…

Xăng tăng giá

(HBĐT) - Xăng tăng giá. Hường dửng dưng. Hường lôi đôi giày thể thao New Balance 574 Classic ra để đi bộ đến cơ quan. Hôm đầu trời mưa lâm thâm, từ nhà đến cơ quan chưa đến cây số nên chẳng gặp người quen nào. Hôm sau bắt đầu thấy có vài người bàn tán và nhìn theo. Rồi một hôm, Hường thấy phía sau lưng mình có một chiếc xe ô tô cứ bám theo. Biết thế cô vẫn đi chậm. Chiếc xe ấy đỗ hẳn lại, đợi đến khi Hường rẽ vào cổng cơ quan mới phóng vút qua.

Nhớ về tháng tư

(HBĐT) - Tháng tư đến từ bao giờ mà nhẹ nhàng, cứ chuyển mình từng chút một mà khó nhận ra. Tháng tư về mang không khí hòa quyện lúc nắng chan hòa, lúc se se lạnh là một bầu không khí êm dịu khiến khí trời trung du mát lạnh mỗi sáng mai về.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục