Dạo này tình hình dịch Covid-19 giảm nên nhóm anh T. lại tái hợp vào các sáng cuối tuần. Cũng toàn chuyện vui vẻ cả thôi. Chia sẻ công việc, đời thường, động viên bạn bè khi có chuyện xảy ra trong cuộc sống. Nhưng tuần này, mới giáp mặt nhau anh T. đã "tăng ga” khác thường. Anh lớn tiếng:
- Này các ông có nhớ "gã” Mem không? Tôi định không muốn nhắc đến, nhưng cứ nghĩ đến là cục tức lại nổi lên…
- Xã hội mà, kệ họ - tiếng chị bạn can gián.
- Đành là thế, nhưng ngẫm kỹ sao thấy ngán thay cho lão đấy. Đường đường một "đấng nam nhi”, tướng tá râu ria thế mà… hèn quá. 
Mọi người ồn ào góp chuyện. Gớm, chuyện gì mà ghê thế. Quan trọng nhất đợt này, 2 đội bóng đá nam và nữ đều vô địch SEA Games 31, chứ chuyện linh tinh để ý làm gì. Ừ, nghe đã nào mọi người. Nuốt vội ngụm trà để hạ hỏa, anh mới tường trình. 
Thật ra cũng chẳng có gì đâu, nếu anh không phải chứng kiến không ít 5 - 7 lần người được nhắc ở trên thường có màn "giới thiệu” về mình có một không hai trên đời. Lố quá. Thậm chí là chướng mắt ấy. Lần đó, ở quán cháo lòng đầu ngõ, khi anh đang định nhấp chén rượu tầm gửi gạo thì thấy anh Mem ở phố bên đang chuốc rượu làm quen một nhóm khách. Anh ấy giơ cao cốc rượu trước mọi người: "Xin được làm quen với anh em trong mâm, tôi là em bác…”. Mọi người cùng ồ lên. Thế à, rất hân hạnh được biết anh. Bác ấy ai chả biết. Danh giá, giàu có. Thế là rượu được rót ra. Anh lại khật khưỡng sang nhóm khác, lại vẫn câu nghe quen quen: "Xin chào. Tôi là em bác...”. Lần khác, ở một khách sạn nằm trong diện tốp đầu của tỉnh. Ngày cuối tuần mà nên khách xa gần hội tụ khá đông. Có một nhóm khách ở tỉnh lân cận, già trẻ, trai xinh, gái đẹp đủ cả. Không hiểu sao nay anh lại có mặt ở đây. À nghe nói anh đang chờ một nhóm khách từ mạn biển. Anh nay xuất hiện có phần chỉn chu hơn vì chiếc quần bò jean màu đen và chiếc áo cánh khá sặc sỡ bó chặt tấm thân khá phì nhiêu "thon thon hình bánh mỳ”. Nay "người ấy” chắc đã đệm ở đâu rồi nên mặt trông khá đỏ. Nhóm anh ngồi ngay cửa ra vào nên ai cũng thấy anh đúng là trung tâm của mâm. Dù được can, kéo nhưng anh vẫn kịp cầm chén sang mâm bên trái nơi có khá nhiều các bác trung niên để giao lưu. "Xin chào mừng, các bạn đã đến với quê hương chúng tôi. Nhìn là biết các bác không phải người nơi đây. Xin được làm quen. Xin được giới thiệu: Tôi là em bác…”. Tiếng của anh lọt thỏm trong tiếng chúc tụng, ăn uống say sưa, ồn ã của các thực khách. Nhưng với anh, câu nói của anh khiến bao người phải nghe, phải hưởng ứng. Cảm thấy như sự xuất hiện của anh ở chỗ đó không ổn, nhóm bạn sang rỉ tai và kéo về mâm. Nhưng anh vẫn cố vớt vát: "Thì cũng để mọi người biết tôi là ai đã chứ, họ chưa biết tên tôi”. Khuôn mặt đỏ ửng kèm tràng cười khùng khục ra chiều thích thú. Rồi lần nhà hàng nổi trên sông, rồi lần ngồi quán bia cỏ, lần ngồi cùng đám bạn thời THPT… Câu nói "Tôi là em bác…” lại khiến anh "nổi tiếng” đến bất ngờ. Lần hội lớp, một anh làm ở mỏ đá bạo miệng vặc: "Ông đến đây để gặp bạn bè hay để khoe mẽ danh gia vọng tộc. Tôi chỉ biết ông tên là Mem. Bạn cùng lớp một thời thôi. Đừng đem ai ra mà lòe chúng tôi…”. Ôi trời, hôm đó chả như ong vỡ tổ. Anh đỏ mặt, tía tai định "sòng phẳng” với bạn kia. May cô giáo chủ nhiệm và các bạn can kịp thời, không thì to chuyện…

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Cũng có lúc anh tỉnh táo để kể về người mà anh nhận là "em bác ấy”… Thật ra, "bác ấy" cũng chỉ biết anh là người em đồng hương, họ xa "bắn 8 tầm đại bác”. Nhưng vì muốn thêm phần sang trọng cho bản thân nên anh đã vịn vào. Lại những tràng cười vang lên. Cuộc gặp mặt hôm nay của nhóm anh T. lại có thêm câu chuyện để bàn luận. Ôi trời, "Tôi là em bác…”. Hay thật. 


Bùi Huy

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục