(HBĐT) - Tôi không sinh ra trên đất Mường nhưng điều ấy cũng đâu làm tôi mất đi những ấn tượng đẹp với mảnh đất này. Hoà Bình ôm trọn một khúc sông Đà thơ mộng nhất, tựa lưng vào những ngọn núi thiêng, ngoảnh mặt ra đón lấy hừng đông và biển cả. Dù được lý giải bằng khái niệm "địa văn hóa” hay "địa chính trị” thì cũng đều nhận ra một điều thú vị: Hòa Bình bao giờ cũng là miền đất ấm.

Chiếc xe tải đưa tôi đặt chân xuống mảnh đất Hòa Bình vào một trưa hè năm 1995, tức là gần 30 năm trước. Ngày đó, trên nhiều miền quê ở miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mình giữa cũ và mới. Cái cũ ở đây là những thói quen thời bao cấp, với sự túng thiếu và nhịp sống bình lặng. Cái mới là sự khẩn trương, mau lẹ với những xô bồ. Có những chiếc cassette đặt trên tủ ngang, bên bộ sa lông tai voi, phích nước Rạng Đông vang lên những giai điệu Âu Mỹ. Có những chiếc xe Cup dựng bên nhà ngói cũ kỹ... Suốt cả hành trình, tôi đã đi qua những thị xã, thị trấn như thế, những cuộc đời như thế để đến với một Hòa Bình. Thị xã này cũng vừa kết thúc hành trình xây dựng nhà máy thủy điện trong sự ngỡ ngàng.

Trong những năm đầu ở đây, tôi bị hút vào những dấu ấn của công trường. Từ những địa danh, từ những câu chuyện người lớn kể với nhau trong những đêm ngồi bên hè phố hóng mát, trong đầu tôi dường như vẫn ngân nga tiếng ghi ta trong những đêm văn nghệ trên công trường thủy điện. Tưởng như, trong cái nóng của đêm hè, dưới chân mình vẫn còn vọng lên dư âm của những bánh xe vội vã trên công trường.

Nhưng rồi, thị xã đã chuyển mình với nhiều thanh âm mới mẻ. Những khu nhà mới mọc lên, thêm xóm, thêm phố với những gương mặt trẻ thơ lấp ló sau song cửa sổ. Trong những kỳ nghỉ hè của thời sinh viên, tôi nghe bố mẹ bảo đó là những gia đình công nhân trẻ đến thành phố mới này lập nghiệp. Đã có những nhà máy xuất hiện, một nhịp sống tấp nập, khẩn trương hoà vào dòng chủ lưu êm ả, bình yên cũ.

Đó là câu chuyện cách đây 19 năm, đó là vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Cũng vào thời điểm đó SEA Games 22 lần đầu được tổ chức ở Việt Nam trở thành sự kiện chưa từng có. Khi đó, các môn thi chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng, riêng các nội dung đua xe đạp được tổ chức ở Hòa Bình. Một làn gió mới, một bầu không khí sôi nổi lan tỏa khắp nơi. Những con đường năm xưa từng rộn rã, tấp nập bởi những chuyến xe trên công trường thủy điện được nâng cấp, sửa chữa kịp thời phục vụ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.

19 năm sau, những cơn mưa mùa hạ, những mùa hoa phượng, hoa bằng lăng vẫn ngập tràn trên các con đường nhưng mọi thứ đã thực sự đổi thay. Đến với Hoà Bình hôm nay đã có thêm nhiều con đường mới. Nhắc đến Hoà Bình, bạn bè gần xa nhắc ngay đến những thương hiệu từ sản phẩm nông nghiệp, du lịch khiến người nông dân mát lòng, mát dạ. Trước kia, mùa hạ đến người ta chỉ lên xem xả lũ trên đập thuỷ điện, đến tắm ở khu suối khoáng Kim Bôi, hay ghé thăm khu du lịch bản Lác thì giờ đây, Hoà Bình là lời mời gọi tha thiết bốn mùa.

Những thương hiệu cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, gà Lạc Thủy… đã rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Hoà Bình với các miền đất khác. Mùa hè này, khi dịch bệnh đã lắng xuống bởi chiến lược vắc xin của Chính phủ, nơi đây tiếp tục là điểm đến của sinh viên, của các gia đình vào kỳ nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.

Khi SEA Games 31 trở lại với Hoà Bình, nhân dân trong tỉnh đón nhận sự kiện với một tâm thế khác sau gần hai thập kỷ. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và thể thao đã nâng cao đời sống tinh thần. Các cổ động viên của đất Mường không ngại cơn mưa xối xả, không quản đèo dốc với những lá cờ, những nụ cười, ánh mắt, nhiệt tình cổ vũ đã đem lại thành công cho các nội dung thi của bộ môn xe đạp.

Một mùa hè không thể nào quên chắc chắn sẽ còn được nhiều người nhắc đến. Mai sau lớn lên, nhiều em bé sẽ còn nhắc đến ký ức này. Còn trong giờ phút này, khi mùa hạ về trên mảnh đất thân yêu, hãy cùng tận hưởng hương vị của những chiến thắng và thành quả sau bao năm đổi mới và phát triển trên quê hương đất Mường.

Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Tránh lụy thân “cò”

(HBĐT) - Sáng ra chú đi đâu sớm thế? Vào tôi làm hớp nước chè đã. - Vâng bác! Thấy người gai gai, ớn lạnh như bị cảm em ra quán bà Thơm làm bát cháo hành bác ạ. - Ừ! Có tuổi rồi chăm sóc sức khỏe mình chu đáo chút cho con cháu đỡ khổ. Chú còn thảnh thơi đấy, như tôi đây này, đầu 2 thứ tóc rồi mà hai ông bà vẫn lo nhặt từng đồng để hỗ trợ lũ trẻ cơm cháo.

Phía rừng xa

(HBĐT) - Sau mấy sự kiện liên quan đến đời sống của cả gia đình tôi như mẹ học xong thạc sĩ chuyên ngành, công việc của bố ít cơ động hơn và nhà tôi đã xây xong ngôi nhà mới phía Tây thành phố, dịp này cả nhà được về quê nội chơi. Một công đôi việc, cũng lần này, cả nhà sẽ cố mời để ông ra thành phố sống cùng gia đình tôi. Mẹ tôi thì bảo: "Cả đời sống cặm cụi nơi rừng núi, về già cần an nhàn cùng con cháu. Nếu về dưới này dễ chăm sóc ông hơn”. Bố tôi trầm ngâm: "Từ hồi bà nội mất, ông cũng chếnh choáng… Dù ở cùng chú Hai nhưng bố là con cả, bố muốn được ở cùng ông”…

Con gái Mường quê hương

(HBĐT) - Mùa này, sau thời gian hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc là tiếng ve ngân inh ỏi trong các tán lá. Ve kêu là nắng nóng, oi bức khiến người và trâu, bò chỉ muốn náu trong bụi cây mà thở. Ấy thế mà bà Hon vẫn lên đây từ sáng sớm. Chẳng có năm nào bà quên mang theo nải chuối chín trong vườn, ít xôi nếp gói lá chuối, vài quả ớt đỏ. Người không hiểu tưởng bà thắp hương cho người thân. Người hiểu chuyện thì trầm ngâm nhớ lại chuyện xưa, chuyện một thời của người dân miền núi Tây Bắc chưa được giải phóng...

Mùa biển gọi…

(HBĐT) - Mùa này cũng đã là mùa biển gọi bằng tiếng sóng xô bờ, dào dạt, xuyên qua không gian, vào đất liền và đánh thức những nỗi niềm, khát vọng. Phía xa kia là cát trắng, biển xanh, là những con tàu hướng khơi xa hòa mình trong biển cả quê hương đẹp giàu. Tình yêu biển là khôn cùng…

Người gánh nước dưới trăng

(HBĐT) - Đêm nay trăng rằm sáng quá. Mùa này ít mưa nên bầu trời quang đãng, ông Kỷ không sao ngủ được. Bọn trẻ con bảo chắc ông nội "nghiện” xem Champions League đấy. Bà thì bảo chắc hồi chiều ông uống trà đặc. Chỉ mình ông Kỷ biết, tất cả đều từ nhịp đập xốn xang bên ngực trái. Lạ thật, đi siêu âm nhìn chỉ thấy mạch máu với cơ vậy mà suốt hơn 40 năm qua, cứ đến những ngày cuối tháng 4, trái tim ông lại thấp thỏm…

Xanh ngời ký ức… ngày 30/4

(HBĐT) - Cứ mỗi khi đâu đó vang lên câu hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công.…” lại khiến lòng rạo rực cùng không khí ngày 30/4/1975. Ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam liền một dải; ngày cả nước xuống đường hân hoan chào mừng, ngày mà ai cũng thấu hiểu câu ca "vui sao nước mắt lại trào”…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục