Một ngày nắng nhẹ trời, trong lòng người thấy thơi thới, ông nhận được cú điện thoại của một tạp chí chuyên ngành ngoài thành phố. Chị phụ trách chuyên mục văn hóa - nghệ thuật của tạp chí đó đặt ông một bài ký để tham gia cuộc thi viết về chủ đề người mẹ. Chị choang choang thông báo: "Còn vài tháng nữa là chốt sổ bác ơi. Với khả năng của bác, chúng cháu tin sẽ có bài viết tốt. Cuộc thi này có nhiều tập đoàn cùng đồng hành nên giải thưởng không hề nhỏ bác à”.

Thực ra ông đâu cần giải. Nghề viết nghiệp dư cho ông nhiều trải nghiệm quý. Được đi, được ngắm nhìn, được biết, được gặp nhiều cuộc đời, hạnh phúc gì bằng. Mà việc đi, viết cũng đâu phải mưu sinh. Nhà ông có một công ty liên quan đến việc kinh doanh nhiều lĩnh vực như ảnh, hội họa, in ấn. Vợ ông, người phụ nữ lành tính, khá chiều chồng lại có máu yêu thích thơ ca, nhạc họa, mê đọc tiểu thuyết tình cảm nên quán xuyến tất cả để ông phiêu du với niềm đam mê không tuổi của ông. Tiếng vợ ông vang bên tai: "Tuần này nhóm "Tình yêu thương” của chúng em lên thăm bà cụ Na trên bản Thượng đó. Tặng quà và kết hợp khám bệnh cho cụ cùng các gia đình chính sách, gia đình khó khăn trên đó”. Một tia sáng lóe lên trong đầu ông: Một gợi ý tuyệt vời. Bà cụ Na đâu có xa lạ với ông. Trước khi xuống thị trấn Châu Sơn sinh sống, làm ăn, ông và gia đình đã có mấy chục năm ở bản Thượng cùng bà cụ Na… Lòng ông bỗng nhói lên điều gì đó khi nghĩ về những điều từng trải nghiệm ở mảnh đất mà ông sinh ra. Gần gũi và thiêng liêng.

Hồi ông còn ở độ tuổi thiếu niên, hôm bác Na tiễn con trai lên đường vẫn in hằn trí nhớ. Nắng vàng chói chang, lúa chuẩn bị cho thu hoạch, mà người lên đường không kịp ăn bữa cơm mới thơm. Anh Nam, người con thứ hai của bác Na hồi đó to cao, phong độ, trán dô, tóc xoăn, cây công bóng chuyền nổi tiếng mấy xã trong vùng. Mỗi lần anh nhảy lên đập bóng tấn công, cổ động viên ít khi thất vọng về hiệu suất ghi điểm. Tuổi 20, anh như người hùng trong mắt ông cùng đám thiếu niên mới lớn hồi đó. Anh hồn nhiên bộc lộ cùng chúng bạn: "Anh cả, sức khỏe yếu, ở nhà lo việc hậu phương, chăm bố mẹ già. Còn tớ, lừng lững thế này ra trận đánh giặc là quá đúng rồi”. Đêm trước khi lên đường, đám thiếu niên lau nhau đến nhà anh chơi. Ôi trời nhà đông quá nên đám trẻ dạt ra ngoài vườn chơi. Cuối góc vườn, ai như bác Na… Bác khóc mà không có tiếng. Chỉ thấy bờ vai rung rung, đầu gục xuống, bàn tay che ngực. Đám trẻ thấy thế tản đi, còn mỗi ông - đứa trẻ cùng xóm đứng bên và đặt nhẹ bàn tay lên vai bác. Bác nín ngay, thổn thức: "Bác làm cán bộ xã, mai anh Nam lên đường mà khóc trước mặt mọi người là không ổn… Nên…”. Hôm sau, người lên đường đông một thì người đưa tiễn đông gấp mấy lần. Tiếng nói, tiếng cười xen lẫn tiếng khóc. Bác Na phải lên phát biểu động viên con em quê nhà lên đường. Bác nói ngắn, đanh gọn mà tình cảm. Khuôn mặt của bác đỏ ửng trong nắng, nhưng ánh mắt rợp phủ bóng mây chiều, rừng chiều. Hôm đó, nếu không phải người cùng thôn, xã, không ai nhận ra bác Na cũng có con lên đường… Thời chiến, cánh đàn ông hầu hết phải lo những việc như: Tòng quân, lên lập chốt bắn máy bay, trực chiến, đào hào giao thông, hỗ trợ các đơn vị bộ đội quanh vùng… Việc xóm bản, hầu hết qua bàn tay chị em và đám thiếu nhi mới lớn. Bản Thượng đợt này có 4 tân binh lên đường. Cả cũ, mới xóm cũng trên 10 gia đình có con đi bộ đội. Tối hôm đó đám trẻ nghe thấy tiếng bác Na, giọng nhẹ như không: "Truyền thống bản ta… Nhà nào có con đi bộ đội sẽ chống chếnh… Nên tôi lập danh sách tuần này sẽ có các chị sau đến ngủ chơi cùng các gia đình. Mỗi nhà có 2 chị nhé. Thời gian đầu, các gia đình có con đi bộ đội chắc sẽ buồn nhớ con em mình”. Mọi người thắc mắc: "Sao nhà bác không có ai đến ngủ chơi?”. "Thì tôi và con dâu cả không phải trong danh sách còn gì?”. Cuộc sống thời chiến ở bản Thượng không có quá nhiều biến động. Việc ai nấy làm cứ gọi là tăm tắp. Cứ khi nào cấp trên cần người đi làm giao thông hào, vác vũ khí, khí tài lên đỉnh K1, chị em có mặt ngay. Cũng có lần, đám choai choai như ông được vời đến vác gạo và tăng bạt cho bộ đội. Tiếng súng xa ngoài chiến trận không dội tới, nhưng đám mới lớn như ông cũng được chứng kiến dân quân, bộ đội trên đỉnh K1 bắn máy bay tầm thấp khi định lao xuống thả bom cây cầu dẫn ra quốc lộ. Cũng dữ dội ra phết. Những năm tháng chiến tranh, ai cũng mong tin, mong thư con. Nhưng tin con lại là giấy báo tử đầu tiên của bản. Anh Nam… người anh của đám trẻ chúng tôi hồi ấy đã hy sinh ở miền Trung. Những ngày đó chắc cả đời ông không thể quên.  Lư hương bốc cháy ngùn ngụt trong lễ truy điệu. Bác Na, người mẹ mạnh mẽ ngày nào trong lễ tiễn con lên đường khóc như mưa như gió, khiến tất cả mọi người dự đều nghẹn ngào, rơi lệ. Bàn tay ôm khuôn mặt, mái tóc được búi chặt nhưng vô tình xõa rơi. Mới một vài ngày, tóc bác Na đã bạc gần nửa…

 Ngày lên bản Thượng, trời khá nắng. Vừa qua con dốc khá dài, đến lối rẽ về bản thì ông gặp bà cụ Na cùng người con dâu cả ngồi bên sườn đồi. Người con phân bua: "Chú à... 2 năm nay, bà cứ nhớ nhớ quên quên. Chuyện của chú Nam hình như lúc nào cũng trong suy nghĩ của bà. Chiều chiều bà lại chống gậy ra đây bảo chờ chú Nam”. Búi tóc to dày ngày nào giờ bé tý như quả ổi còi. Bà dường như không quan tâm gì đến người khách vừa dừng xe, mắt mờ đục ơ hờ nhìn xa xăm về cuối con đường. "Mọi hôm tầm này thằng Nam đã lùa trâu về chuồng rồi cơ mà. Nó bảo tranh thủ đi đặt bẫy chuột ngoài quèn… Sao nó đi lâu thế, lâu lâu chẳng có thư từ gì cả”. Tiếng bà cất lên, vang nhẹ bên tai. Ông nắm chặt tay bà mà rân rấn nước mắt. Lên nhà, khi vào căn phòng nhỏ của bà ông như nghẹn lòng. Căn phòng nhỏ vẫn lưu giữ y nguyên những đồ vật của anh Nam ngày nào: Những chồng sách vở, súng cao su, con cù quay do anh tỉ mẩn đẽo gọt bằng gỗ nghiến thời mới lớn, tấm áo ngày ở nhà anh hay mặc khi lên rừng bẫy chuột, lấy măng… Ông biết, ông sẽ chẳng thể nào khai thác được tư liệu phục vụ cho bài viết, vì bà cũng chẳng kể, chẳng nói gì nhiều nữa. Thôi, ông sẽ lỡ hẹn cuộc thi viết, nhưng ông không hề nuối tiếc điều đó. Ông muốn ở lại bản Thượng mấy ngày không chỉ để hỗ trợ đoàn thiện nguyện mà vợ ông là nhóm trưởng, mà muốn có thêm thời gian được ở lại quê nhà, được ở bên bà cụ Na mỗi khi chiều buông, để cùng bà ra con dốc đầu bản. Biết đâu… Biết đâu...


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Cha và con

(HBĐT) - Một hôm, vợ chồng thằng cả có lời: - Xoan trên đồi đã cao lắm rồi bố ạ…Tôi biết như thế là nó muốn làm nhà, ra ở riêng. Người xem ngày giờ cho tôi động thổ là lúc tỉnh táo, tuy lúc lẩn thẩn nhớ nhớ, quên quên. Vốn là người chẳng tin vào tâm linh, tôi biến ông thành thứ mặt nạ che mắt gia đình.

Hè về lại nhớ mo cau

(HBĐT) - Bà nội từ vườn bước vào, trên tay lỉnh kỉnh mấy cái tàu cau vẫn còn tươi. Bố phụ bà lọc bỏ phần cuống và lá, còn lại phần thân rồi mang ra nắng phơi cho khô. Lúc thấy bà cầm tàu cau đi vào sân trong đầu tôi đã hiện lên hình ảnh những chiếc quạt mo cau xinh xắn, dễ thương vào mỗi dịp hè, mất điện bà vẫn thường hay lấy ra phe phẩy tạo làn gió mát.

Tình xưa

(HBĐT) - Đêm ở biển hóa ra còn lặng lẽ hơn ở làng quê. Lâu lắm tôi đã không còn hứng thú viết về tình yêu, cũng chẳng khoái viết về biển, sóng cứ ì oạp thì mặc sóng, tôi lết đôi dép tổ ong, tay đút túi quần bước đi, chưa bao giờ thấy cuộc đời nhàn nhã và thư thái đến thế.

Chuyện đời thường: Bạn bè

(HBĐT) - Thấy ông ấy đi họp lớp về mà mặt cứ như đeo bị, bà D. dường như đoán ra chuyện gì không vui. Bà tếu táo để xóa đi nỗi u ám trên khuôn mặt ông:

Mùa hạ đất Mường

(HBĐT) - Tôi không sinh ra trên đất Mường nhưng điều ấy cũng đâu làm tôi mất đi những ấn tượng đẹp với mảnh đất này. Hoà Bình ôm trọn một khúc sông Đà thơ mộng nhất, tựa lưng vào những ngọn núi thiêng, ngoảnh mặt ra đón lấy hừng đông và biển cả. Dù được lý giải bằng khái niệm "địa văn hóa” hay "địa chính trị” thì cũng đều nhận ra một điều thú vị: Hòa Bình bao giờ cũng là miền đất ấm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục