(HBĐT) - Bà nội từ vườn bước vào, trên tay lỉnh kỉnh mấy cái tàu cau vẫn còn tươi. Bố phụ bà lọc bỏ phần cuống và lá, còn lại phần thân rồi mang ra nắng phơi cho khô. Lúc thấy bà cầm tàu cau đi vào sân trong đầu tôi đã hiện lên hình ảnh những chiếc quạt mo cau xinh xắn, dễ thương vào mỗi dịp hè, mất điện bà vẫn thường hay lấy ra phe phẩy tạo làn gió mát.

Những chiếc tàu cau rụng không đều nên sáng nào bà cũng ra vườn ngóng và mang chúng vào nhà. Hàng cau chừng chục cây được bố tôi trồng từ thuở mới cưới mẹ về. Bố bảo cũng chẳng tính toán làm kinh tế hay bán buôn gì mà nghĩ trồng cây để lấy quả dành cúng ngày lễ, Tết, mùng một, ngày rằm và để bà ăn trầu cho vui tuổi già. Hàng cau cao vút hiên ngang vươn lên trên mảnh đất cằn cỗi đầy nắng gió.

Tàu cau rụng xuống phải phơi dưới nắng (chừng một buổi) cho bớt nặng và thêm dẻo dai bố mới làm quạt. Tạo hình quạt xong rồi thì mang ra nắng phơi tiếp khi nào khô cong mới thôi. Quạt phơi dưới nắng thường bị quăn mép, vểnh lên, bố lại dùng cối đá đè lên cho phẳng.  Những chiếc quạt hoàn thành với nhiều kích thước khác nhau bà xếp gọn gàng trên nóc tủ. Có chiếc bà cẩn thận trang trí bằng những đường diềm chỉ đỏ xinh xắn. Khi mất điện chúng là "bảo bối” cho cả nhà. Anh em tôi bé thì dùng quạt bé, còn bà và bố mẹ dùng quạt lớn hơn.  

Tôi nhớ những tháng ngày ở quê vào những năm của thập niên 90, lúc đấy quê tôi vừa mới có điện, nhưng cứ hễ tới hè là lại bị cắt điện luân phiên. Những cơn gió Lào xào xạc thổi bỏng rát ngay cả khi bóng đêm trùm kín không gian. Đêm mẹ lấy manh chiếu cũ, trải giữa sân gạch, cả nhà quây quần bên nhau, mỗi người cầm một chiếc quạt phe phẩy. Tuy gió tạo ra không thể bằng được quạt điện, nhưng với tôi thế cũng là quý lắm rồi.

Ngoài làm quạt, tàu cau còn là vật bất li thân của lũ trẻ nhà nghèo nghịch ngợm. Hồi đó không đứa nào là không biết trò chơi kéo mo cau. Một đứa ngồi, một đứa kéo, rồi luân phiên nhau kéo đi khắp đường làng hay tới những đồi cát thoai thoải. Thương những lần mải miết chơi mà không hay mo cau bị thủng dẫn đến quần cũng thủng theo. Trở về nhà canh cánh với nỗi sợ bị bố mẹ mắng. Thương cả những giấc ngủ mộng mị vẫn cười khanh khách trong trò chơi ngày xưa…

Thoắt cái, mới đó tôi đã xa quê 20 năm có lẻ, xa những mùa hè  với gió Lào bỏng rát. Quê nhà nay cũng đã thay đổi, cuộc sống không còn nghèo như xưa. Nhưng bà tôi thì đã trở về với tổ tiên. Nỗi nhớ quê nhà mà lòng tôi bâng khuâng nhớ bà, hình ảnh bà từ vườn vào lỉnh khỉnh cầm chiếc tàu cau rụng. Cuộc sống ngày xưa vất vả, khó khăn, những chiếc mo cau đã đi cùng năm tháng với những thăng trầm của cuộc đời người nông dân tần tảo. Thương, thương thật nhiều mo cau tuổi thơ tôi!


Tản văn của Cao Văn Quyền



Các tin khác


Mùa hè không muộn

Truyện ngắn của Bùi Huy 

Tránh lụy thân “cò”

(HBĐT) - Sáng ra chú đi đâu sớm thế? Vào tôi làm hớp nước chè đã. - Vâng bác! Thấy người gai gai, ớn lạnh như bị cảm em ra quán bà Thơm làm bát cháo hành bác ạ. - Ừ! Có tuổi rồi chăm sóc sức khỏe mình chu đáo chút cho con cháu đỡ khổ. Chú còn thảnh thơi đấy, như tôi đây này, đầu 2 thứ tóc rồi mà hai ông bà vẫn lo nhặt từng đồng để hỗ trợ lũ trẻ cơm cháo.

Phía rừng xa

(HBĐT) - Sau mấy sự kiện liên quan đến đời sống của cả gia đình tôi như mẹ học xong thạc sĩ chuyên ngành, công việc của bố ít cơ động hơn và nhà tôi đã xây xong ngôi nhà mới phía Tây thành phố, dịp này cả nhà được về quê nội chơi. Một công đôi việc, cũng lần này, cả nhà sẽ cố mời để ông ra thành phố sống cùng gia đình tôi. Mẹ tôi thì bảo: "Cả đời sống cặm cụi nơi rừng núi, về già cần an nhàn cùng con cháu. Nếu về dưới này dễ chăm sóc ông hơn”. Bố tôi trầm ngâm: "Từ hồi bà nội mất, ông cũng chếnh choáng… Dù ở cùng chú Hai nhưng bố là con cả, bố muốn được ở cùng ông”…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục