(HBĐT) - Nhận được giấy báo nhập trường, ngày mai, Hoa phải đi rồi. Đúng ngày, dù trong mưa lũ, Hoa vẫn quyết định đi - cầm tờ giấy báo nhập học của trường Cao đẳng Sư phạm, Hoa mừng lắm vì đã thỏa niềm mong ước của 12 năm đèn sách ở bậc phổ thông. Hoa thầm nghĩ, chỉ hai, ba năm sau Hoa sẽ trở thành cô giáo. Hoa sẽ mang con chữ về cho bọn trẻ quê hương mình.

 

Hoa nhớ có những lúc khó khăn, mẹ lam lũ xay giã từng cối gạo, dần sàng rồi bê ra chợ bán lấy tiền mua giấy bút. Vất vả vậy nhưng mẹ vẫn nói vui với Hoa.

- Mẹ bán gạo để mua chữ cho con!

Nghe mẹ nói, lời mẹ giản dị, mộc mạc nhưng làm lòng Hoa xao động, thương mẹ lắm. Hoa cố học, hoàn cảnh gia đình sống bằng nghề nông, kiếm đồng tiền khó khăn, nếu đi học xa trên Hà Nội là gánh nặng cho gia đình. Mẹ thủ thỉ lời nói nôm na, dân dã “liệu cơm gắp mắm”. Hoa nghe mẹ nói thấy thấm lòng, có nghĩa là con tùy kinh tế, tùy vào sức học mà lo toan. Thế là Hoa làm hồ sơ thi vào trường Cao đẳng Sư phạm, trường trên thành phố, cách nhà trên 80 km. Dù sao cũng dễ quen bạn, quen trường hơn mà có muốn về nhà cũng tiện xe, chỉ ngồi trên dưới ba tiếng đồng hồ là về đến nhà. Gặp mẹ, cha, anh chị thân thương, nay mai ra trường về làm cô giáo dạy THCS, nghĩ vậy lòng Hoa vui lắm.

Mấy hôm nay trời mưa tầm tã, bầu trời nặng trịch, con suối sau nhà mưa lũ nước chảy ào ào, xối xả, đục ngầu lôi cả những cành củi khô trôi ra ruộng. Nhìn mưa lũ, mẹ nói với Hoa:

- Hay là ở nhà thêm ngày nữa, đỡ mưa gió hãy đi.

Hoa nhìn mẹ nói với sự thông cảm:

- Nhưng mẹ ơi! Ngày mai đúng ngày nhập trường, vé xe con đã nhờ người mua, hoãn sao được mẹ!

Trong đêm mưa vẫn ào ào trút nước, gió từ trên ngọn đồi thổi dạt xuống mái nhà, cây cối trong vườn nghiêng ngả. Nhìn ra ngoài trời, lòng Hoa nóng như lửa đốt. Đi học sư phạm là quyết định mạnh mẽ của Hoa. Từ ngày còn học phổ thông, Hoa chẳng mơ ước cao xa mà chỉ muốn làm cô giáo về dạy cho bọn nhỏ quê nhà. Hàng ngày ở vùng quê lam lũ này bọn trẻ còn khát cái chữ lắm, sống bên chúng hồn nhiên, vô tư, lòng mình sẽ sáng trong hơn để tận tụy với nghề. Các thầy, cô giáo từ xa còn về đây được, mình là người con của quê hương lẽ nào lại ngại ngần. Nghe tin con và em thi vào ngành sư phạm, bố mẹ, anh chị Hoa động viên:

- Con suy nghĩ kỹ rồi quyết định, cả nhà sẽ ủng hộ con!

Chị Huệ, chị gái của Hoa nhìn đứa em út sống đồng đất quê mùa lam lũ mà đẹp người, đẹp nết, học giỏi được bà con thôn, xóm khen ngợi. Chị nói với Hoa giọng âu yếm, thân thương:

- Sau này về làm cô giáo dạy học gần nhà là hạnh phúc lắm rồi, chẳng phải suy tư làm gì!

Hoa nhớ mãi lời tâm tình của cô Hương, Chủ nhiệm lớp 12A.

- Em đăng ký vào ngành Sư phạm là phù hợp với hoàn cảnh gia đình nhưng em hãy suy nghĩ cho kỹ vì sau này làm nhà giáo phải thanh tao, thanh bạch nhưng chẳng mấy thanh nhàn, khi đã chấp nhận, đã yêu nghề thì vượt lên tất cả.

Vì như cô nói, mỗi lời giảng của chúng ta như chắp cánh cho những ước mơ của các em đi đến tương lai không chờ năm tháng.

Hoa nghĩ rồi tủm tỉm cười một mình để hé hai hàm răng trắng đều, nước da hồng, mái tóc thề đen mượt, cái đẹp thuần phác của con gái miền quê đã làm xao động bao chàng trai có dịp gặp.

Thế là vẫn theo kế hoạch, mẹ ngồi trong bếp sàng gạo, thi thoảng gió lại thổi vào mẹ loay hoay che chắn sợ bụi trần nhà, trần bếp rơi vào gạo của con.

Dưới ánh sáng của ngọn đèn compắc, mẹ nhìn con gái đang sắp xếp quần áo, hành lý, định nói gì đó nhưng lại thôi. Nhìn nét mặt mẹ tràn đầy hạnh phúc.

6 giờ con đi, mưa đã nhỏ hạt, gió tạm dừng, không biết mẹ dậy lúc nào mà đã có nắm xôi nóng hổi được gói vào lá chuối hơ lửa thơm phức. Ngoài ra còn lủng lẳng hơn chục chiếc bánh ốc, loại đặc sản của quê. Mẹ nói:

- Ở phố phường không thiếu gì quà bánh nhưng thức ăn của nhà mang theo là đảm bảo an toàn vệ sinh.

Hoa cười, âu yếm nói với mẹ:

- Mẹ ơi! Mẹ chu đáo quá, mẹ có lo được mãi cho con không?

Mẹ Hoa mắng yêu con:

- Mẹ sẽ lo ít nhất là khi con gái mẹ đi lấy chồng.

Hoa nũng nịu, mẹ không nhớ câu:

- Con gái là cái hay bòn cơ mà!

Mọi thứ đã xong xuôi, anh cả đặt chiếc túi xách to kềnh càng lên xe chuẩn bị đưa em gái ra bến. Mẹ giữ tay con lại ngập ngừng. Nhìn trời mẹ nói:

- Con ơi! Hay là...

Con gái cười:

- Thôi mà, mẹ để con đi, không sao đâu, tới nơi con gọi điện về ngay.

Mẹ cúi mặt, không nói từ từ buông tay con, cố ngăn giọt nước mắt đã nặng trĩu. Anh trai dắt xe đi ra, bố bước xuống thang nói với con những điều may mắn, còn trên cửa voóng, mẹ nhìn theo buồn, vui lẫn lộ. Chuyến xe ngày mưa lũ vắng. Chắc là trong mưa gió, bão bùng này ai cũng muốn được ở bên tổ ấm cùng những người thân yêu.

Đến bến, Hoa tạm biệt anh trai lên xe dưới trời mưa lác đác, cô hành khách nhỏ ngồi gần cửa sổ. Cô không nhìn thấy anh trai đang vẫy tay dưới bến nữa. Xe lăn bánh đi trong mưa, dòng nước đục ngầu chảy ào qua đường. Có khi xe phải dừng lại để anh phụ xe nhảy xuống kéo cành cây gãy dẹp vào lề đường lấy lối cho xe đi. Một chuyến xe đi trong mưa bão chênh chao mà yên lặng, mỗi người trên xe đều trầm ngâm theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Còn Hoa, cô sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm cho rằng, quyết định của mình là đúng, hợp hoàn cảnh, hợp sở thích, mặc dù có người can ngăn, chê bai ngành nghề, một nghề lặng lẽ, nghèo, đạm bạc. Nghĩ vậy, Hoa lại cười bởi vì như Hoa nói, việc gì đã yêu đã thích là cố làm. Đó là tính cách mà mẹ kêu con gái mẹ bướng, gàn. Giờ này Hoa càng nghĩ đến mẹ, người mẹ quê hiền làng, thật thà và đôn hậu, một đời lam lũ, cặm cụi lo cho chồng, con. Nỗi lo của mẹ như chưa bao giờ vơi. Thành phố đón Hoa bằng một chiều gió lặng, mưa tạnh, rải rác có ánh nắng vàng thu. Cổng trường, một băng rôn màu đỏ tươi, chữ vàng “Chào mừng các bạn sinh viên mới tựu trường”. Hoa thấy xúc động, trước cổng trường to cao đằng sau cổng là những dãy nhà cao tầng, giảng đường, những cánh cửa mở như vẫy gọi, mời chào những sinh viên mới như Hoa. Nhìn những gương mặt chưa gặp nhưng sao thấy thân quen, những nụ cười, những lời nói làm cho họ dễ gần nhau, bắt chuyện với nhau. Sân trường sau những ngày mưa đã khô ráo, sạch sẽ, những cây bàng, cây phượng, cây hoa sữa lại xanh tươi, đang đợi đêm về hoa sữa đưa hương.

Hoa thấy một cuộc đời mới, một sinh viên ngành sư phạm nay mai là cô giáo bản làng, cô lại lặng lẽ đem cái chữ về cho bọn trẻ.

Hoa bấm máy điện thoại về cho mẹ. Đầu dây, tiếng chuông điện thoại bàn réo lên, Hoa nói với mẹ: “Mẹ ơi, con tới nơi rồi” - mẹ chỉ ừ rồi thôi, chắc mẹ nhớ con gái, Hoa biết thế nên luyên thuyên một lúc rồi cúp máy. Ngày mưa lũ, con đi ra miền nắng ấm. Chỉ cần biết thế là mẹ đã có thể mỉm cười.

 

 

 

 

                                                          Truyện ngắn của Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục