Mẹ đẻ tôi sinh được 3 anh em. Khi đứa em thứ 3 chưa tròn 2 tuổi thì mẹ tôi ốm một trận kịch liệt rồi mất khi 33 tuổi. Tôi là anh cả nhưng mới 9 tuổi, đang học lớp 2. Trước ngày vĩnh biệt các con, bà gọi tôi đến và dặn: “Mẹ không sống được để nuôi các con, nay mai bố lấy mẹ dì, các con phải nghe lời không sẽ bị đánh đập thì khổ lắm con ạ”. Bố tôi buồn quay quắt, ông để 3 anh em tôi ở với chú và đi theo một gánh hát chèo nửa năm mới trở về. Chúng tôi nằm ngủ như lũ chó cún, mọi thứ từ nấu cơm lấy củi, giặt giũ, chú phải làm hết thảy. Chú tôi là cán bộ xã nên hay vắng nhà. Chúng tôi cứ sống bữa no, bữa đói. Ngày chú đi làm, tối chú về khâu vá quần áo cho mấy anh em. Chúng tôi sống lay lắt như thế cho đến một ngày... Ngày ấy tôi dự thi học sinh giỏi lớp 4 ở tỉnh về. Vừa bước vào nhà, tôi thấy một thiếu phụ còn trẻ đang cho đứa bé độ 1 tuổi ngậm vú. Tôi khẽ chào, chạy vào buồng vứt vội chiếc túi dết rồi xuống bếp tìm cái ăn. Người thiếu phụ kia đi đến chiếc quang tết bằng mây treo ở góc bếp, lấy cơm, đưa bát, đũa cho tôi. Vì đói, tôi xúc cơm trộn muối vừng nuốt lấy, nuốt để. Người thiếu phụ cứ ngồi nhìn tôi ăn như thôi miên. ăn xong, tôi ném bát đũa vào chậu rồi chạy ra cổng. Gặp em gái đang dắt trâu về, nó thì thào: “Anh ơi, bố lấy dì ghẻ rồi đấy, anh đã gặp chưa?”. Tôi lặng lẽ gật đầu đi sang trường gặp các thầy, cô giáo. Niềm vui của cậu học sinh đạt giải cao không lấn át được những  điều lo sợ canh cánh trong lòng. Không biết mình sẽ phải chịu bao nhiêu trận đòn đây? Chiều bố tôi đi chơi trong làng về. ông gọi anh em tôi đến trước mặt người thiếu phụ lạ lẫm và nói: “Đây là người thay mẹ để nuôi các con. Từ nay, các con gọi bằng dì nghe chưa. Con là lớn phải ngoan để cho các em theo, đừng cãi lại dì”. Tôi lén để ý thấy bà có khuôn mặt thanh tú và cái miệng hơi mỏng nhưng tươi. Bà ôm em út tôi vào lòng, sụt sịt: “Số dì cũng khổ lắm, may nhờ ông bà Chúc nên gặp được bố các con. Thôi, trời đã xui, đất đã khiến dì sẽ sống gửi, thác nhờ ở đất quê này. Dì có em Sơn còn bé quá, các con đi học về nhớ trông em để dì và bố đi làm”. Năm tháng trôi đi, qua lời nói của mọi người, tôi mới biết dì tôi còn rất trẻ, quê ở một huyện giáp biển vùng Nam Định. Năm 19 tuổi đi làm công nhân ở nông trường yêu thương một người nhưng khi phát hiện anh ta có vợ con, dì đã có bầu em Sơn gần 7 tháng. Dì bị cha mẹ đay nghiến, cơ quan đuổi về. Chết thì không dám vì còn đứa con trong bụng, cực chẳng đã, dì lang thang lên Hà Nội và đẻ thiếu tháng ở ngay nhà ga. Em Sơn ra đời trong hoàn cảnh dì chỉ có vài đồng trong túi, quần áo có hai bộ trong tay nải. Được các nhân viên nhà ga giúp đỡ, cưu mang nên mẹ tròn con vuông. Khi đứa con được 7 ngày tuổi, dì bế con ra ga chờ một chuyến đi vô vọng (khi dì gặp bố tôi mới đặt tên con là Sơn ). Có hai ông bà già ở xã tôi đưa nhau về thăm quê, các cụ   đang đợi tàu lên Phú Thọ. Bỗng cụ bà thấy hai mẹ con ngồi bên cạnh nhưng đứa bé đỏ hỏn, khóc ngằn ngặt. Càng  hỏi thăm, người mẹ nước mắt càng chứa chan. Biết chị gặp chuyện bất thường, bà cụ Chúc bế cháu bé vào lòng và hỏi thăm tình cảnh. Người mẹ kể lại đầu đuôi câu chuyện, ra đây đợi tàu liều đi đâu kiếm sống để cứu lấy đứa con bé bỏng, tội nghiệp. Nghe qua câu chuyện, ông bà cụ Chúc bảo: “Tôi là người miền núi, nhà cũng có 2 con gái, 1 con trai. Nếu chị không chê, về làm con cái nhà tôi rồi khi nào cháu nó cứng cáp tính sau!”. Mẹ dì tôi trở thành con gái cả của ông bà ngoại tôi sau này từ cái ngày định mệnh ấy. Cuối năm 1962, bà về căn nhà của bố con tôi và bắt đầu một cuộc đời khác..

 

Tôi học lên cấp II, cách nhà gần chục cây số. Em gái và em út tôi học cấp I trường làng nhưng chúng còn thơ dại. Căn nhà mái lợp lá cọ của bố con tôi bắt đầu có tiếng cười và tiếng khóc của trẻ thơ từ ngày dì đến. Dì sinh cho bố tôi liền 2 con 1 trai, 1 gái. Hàng ngày dì tối mặt, tối mũi vì đồng ruộng, nương rẫy, tắm gội cho các con. Tôi đã lớn và sau buổi học theo dì lên nương đào sắn, dỡ khoai. Khổ một nỗi, dì tôi người vùng biển nên tất cả mọi thứ đều cho lên đầu đội. Dì đội từ thúng lúa cho đến bó củi, sọt đất, thùng nước trông thật khổ. Phải gần 3 năm, dì tôi mới biết dùng đôi quang gánh. Vậy mà dì vẫn tươi cười và thỉnh thoảng lại hát chèo cho anh em chúng tôi nghe. Hôm nào tôi phải ở lại trường lao động, dì dậy rất sớm nấu cơm, nắm cho tôi một nắm thật to kèm với gói muối vừng hay lạc để tôi ăn trưa cùng các bạn. Biết tôi học giỏi nhất lớp, dì mừng lắm. Dì nói: “Nếu con học được, khổ mấy dì cũng làm để nuôi cho con đi học. Nay mai các em nó trông gương anh cả mà noi theo thì bố, dì vui biết chừng nào”. Nhà nghèo lại đông con, dì dậy sớm, thức khuya và làm đủ việc. Đi làm đồng về dì lùa vội bát cơm trộn sắn rồi cắp thúng và dao lên núi lấy măng nứa, măng giang. Sau bữa cơm tối, dì hí húi luộc, bó măng và dậy từ gà gáy đội lên chợ huyện bán vội lại về cho kịp đi làm đồng. Mùa nước đọng, dì dầm mình dưới ruộng suốt buổi trưa mò được một gánh ốc nhồi mới về đi làm chiều. Tất cả tiền mắm, muối, giỗ Tết, may sắm quần áo, mua sách vở cho các con đều từ bàn tay dì, công sức, sự tần tảo của dì mà có. Những lần tôi cãi, dì lặng thinh nước  mắt chảy tràn mi, ướt hai gò má sạm nắng. Dì sinh thêm được 4 người con nữa. Tôi có 8 đứa em nhưng người lạ đến nhà tôi đều thấy chúng tôi kêu là dì  xưng em. Mọi người không biết ai là con mẹ già, đâu là con của mẹ kế và  đứa nào là con chung với bố tôi. Tôi tốt nghiệp cấp II nhưng không đi học tiếp. Thực ra tôi đỗ cấp III trường huyện nhưng thương dì, bố và các em nên xin đi làm công nhân sửa chữa ô tô tự lo cho mình. Dì rất buồn nhưng do hoàn cảnh nên cũng đành phải chịu. Hai đứa em sau tôi cũng được dì nuôi ăn học hết cấp II. Sau này, dì lại lo cho  đứa em gái tôi đi lấy chồng, người em trai nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đánh ra miền Bắc. Nghe tin chúng ném bom vào nơi nhà máy tôi sơ tán, không thấy tôi về, dì đi bộ gần 20 km lên tận nơi tôi làm để hỏi tin. Khi tôi đi công tác Hà Nội vào lúc B52 đánh phá Thủ đô, dì không ăn, không ngủ cho đến lúc nhìn thấy tôi trở về. Em tôi đi biệt vào chiến trường, ngày đêm dì mòn mỏi đợi thư. Nước mắt của dì chảy suốt đêm khi nghĩ về những đứa con riêng của chồng đi xa trong thời chiến. Mấy năm vừa làm việc, tôi vừa học hết cấp III bổ túc. Khi tôi báo tin cho gia đình đã đỗ   vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dì tôi vui khôn xiết. Dì gánh sắn khô đi chợ, bán cả lúa để lấy tiền may cho tôi hai bộ quần áo tươm tất. Trước ngày nhập trường, dì ngồi với tôi đến khuya. Tôi nghe dì nói tưởng như tiếng mẹ tôi vọng lại từ cõi xa xăm: “Thế là dì toại nguyện lắm rồi. Nhà mình nghèo quá nhưng con là người đầu tiên ở xã học đại học. Con đã làm cho bố, dì mở mặt với xóm làng. Về Hà Nội nhớ phải chuyên cần học tập nghe con. Bố, dì và các em mỗi ngày bớt một bát gạo là con có đủ tiền mua sách, vở, đừng lo”.

 

 Nhưng tai họa ập đến gia đình khi tôi đang ngồi trên giảng đường đại học. Chưa hết năm học đầu tiên, bố tôi đột ngột mất vì bị cảm. Hai năm sau, em gái tôi qua đời vì bạo bệnh và khi tôi bước vào năm học thứ 3, em trai tôi từ chiến trường về cũng mất nốt. 3 đứa con mẹ cả mà dì nuôi nấng từ lúc thơ dại nay chỉ còn lại mình tôi. Tôi còn trẻ, nỗi đau lặn vào tim, vào óc, còn dì tôi đau đớn, vật vã suốt bao tháng, bao ngày. Người bà tóp đi, da nhăn nheo, bước chân đi liêu xiêu trên đường quê nghèo khó. Một mình bà phải nuôi 7 người con, đứa út mới 6 tháng tuổi cùng những chuyện đối nhân, xử thế với làng xóm, họ hàng nhà chồng. Tôi thương dì quá đành xin nghỉ học 1 năm để cùng dì gánh vác việc gia đình. Một đêm cuối thu, dì tâm sự: “Con ạ, dì nghĩ mãi rồi. Có con ở nhà chắc chắn dì bớt gánh nặng, các em đỡ khổ nhưng con sẽ thiệt thòi nhiều. Dì biết con là đứa hiếu học vì nhà mình không có điều kiện nên phải bỏ giữa chừng. Nay cơ hội đã đến, đừng bỏ lỡ con ạ. Nghe dì, con quay lại trường, ở nhà đói no, mẹ và các em sẽ cố rồi cũng qua. Con phải trở thành kỹ sư để sau này còn giúp được các em. Nếu con ở nhà cũng chỉ lo được cái nhỏ trước mắt, hãy đi đi, đừng lo cho dì và các em nhiều!”. Nghe dì nói vậy, tôi đã khóc và bật lên hai tiếng “Mẹ ơi, con xin nghe lời mẹ!”. Từ đó, tôi quên mất tiếng dì và gọi mẹ xưng con. Các em tôi thấy anh cả xưng hô với dì như vậy nên cũng gọi theo...

 

 Tốt nghiệp đại học, tôi nhận công tác ở một tỉnh miền núi xa quê gần 200 km. Tôi yêu một cô gái Hà Nội làm cùng cơ quan. Hôm tôi đưa người yêu về ra mắt dì và họ hàng. Dì nắm lấy tay người yêu tôi và nói: “Nếu con không chê nhà quê nghèo thì về làm dâu mẹ. Tiền dù có nhiều rồi cũng hết, chỉ có nghĩa tình là không bao giờ cạn phải không con?”. Sau tôi, các em dần trưởng thành, một tay dì lo vợ, gả chồng cho các con. Giờ anh em chúng tôi có gia thất riêng, dì tôi có đủ  cháu nội, cháu ngoại. Nhìn lưng bà ngày càng còng xuống vì vất vả, lo toan cho 7 đứa con xa - gần suốt một đời người. Mỗi dịp tôi về thăm nhà, dì  hay ngồi cùng tôi ôn lại những tháng ngày gian khó đã qua và nhắc tôi: “Con là anh cả lại công tác xa quê nhưng con phải   bố trí thời gian cho tất cả anh em mỗi  năm xum họp để mẹ gặp các cháu một lần còn đi thì mẹ không đi được!”. Nghe lời mẹ, tôi lấy ngày giỗ cha là ngày cả nhà đoàn tụ. Ngày ấy, 5 cô con dâu của mẹ cùng hai cô con gái lo làm cỗ, mẹ ngồi ngắm nhìn các cháu và trò chuyện với các con trai, con rể. Trước khi các con trở về nhà riêng, mẹ gọi các nàng dâu đến và chia sẻ: “Mẹ cũng đi làm dâu, nay đến các con. Mẹ chỉ mong một điều chị em dâu phải thương nhau như chị em gái dù các con mỗi người ở một nơi, một dòng họ khác nhưng giờ đều là con của mẹ. Mẹ văn hóa thấp, chữ ít chỉ khuyên các con có vậy thôi!”. 50 năm đã qua, mẹ dì tôi từng ngày, từng ngày nhen nhóm và luôn gom giữ ngọn lửa  yêu thương sưởi ấm một gia đình. Mẹ là niềm tin, chỗ dựa cho các con. Nhờ tình yêu thương vô bờ, sự tần tảo lo toan, lời nói ân tình, chứa chan của mẹ mà từ một đứa trẻ mồ côi khốn khó ngày nào tôi đã trở thành cán bộ lãnh đạo của một  ngành. 7 anh em tôi đã có nhà cửa khang trang, no ấm, đủ đầy. Mỗi lần về thăm quê, khóe mắt tôi cứ cay cay khi thấy  mẹ tươi cười, bước chậm chạp ra tận cổng đón. Tôi càng vui hơn bởi bà con làng trên, xóm dưới ở một vùng quê bên dòng Lô Giang đều nói rằng chưa có một người mẹ dì nào lại thương yêu các con chồng như con mình dứt ruột đẻ ra. Mẹ dì tôi là người mẹ chồng yêu quý và tôn trọng các nàng dâu như thể con gái của mình. Dẫu năm tháng qua đi, cuộc đời  con người, xã hội chứng kiến bao nhiêu đổi thay, biến động, song chỉ tình thương yêu của mẹ dì tôi dành cho con cháu không hề đổi thay. Hình ảnh mẹ dì mãi mãi nằm sâu trong ký ức cuộc đời của những đứa con.

 

 

 

                                                      Truyện ngắn của Phạm Huy Định

 

 

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục