Ông Đức bước chân vào trong nhà, bên bàn uống nước, ông anh cả và bà chị dâu cùng với thằng cháu Du đang ngồi ở đó. Ông Đức cất tiếng chào anh chị, rồi ông đi đến bên ban thờ đặt hoa quả, thắp nén hương. Ông vái cha, vái mẹ rồi ngồi vào bàn uống nước. Thằng cháu Du rót nước, bưng lên mời ông:
- Cháu mời chú uống nước! Chú đi đường có mệt không?
- Mệt gì đâu! Từ thành phố về nhà mình có ba, bốn chục cây số mà!
Ông anh cả hỏi:
- Chú về có một mình thôi à! Thím ấy và các cháu đâu?
- Anh thông cảm! Hai cháu đi công tác xa, nhà em hôm nay không may bị ốm nên chỉ có mình em về giỗ cha thôi!
- Chú là chúa hay chiều chúng nó. Chú về nhắc nhở chúng đừng vì mải làm, mải ăn mà quên cả tổ tiên đấy!.
Ông Đức đáp:
- Vâng! Em sẽ nhắc các cháu, những ngày giỗ ông, bà phải bố trí công việc mà về. Sao nhãng việc tiên tổ thì làng xóm họ cười cho phải không hai bác!
- Chú nói đúng đấy!
Ông Đức thấy nét mặt của mọi người trong gia đình không vui. Ông liền hỏi:
- Nhà có chuyện gì vậy hai bác?
- Chú cứ hỏi thằng cháu chú ấy! ông anh cả đáp.
Tiếng bà chị dâu:
- Hôm nay mà chú không về thì ông nhà tôi cũng điện cho chú về. Chú xem, thằng Du nó không chịu đi làm ở thành phố mà chỉ muốn ở quê cày cuốc thôi chú ạ!
- Công toi mấy chục năm học phổ thông rồi đại học nữa chứ! Nó đổ hết công sức mấy năm đi bộ đội, mấy chục năm công tác của tôi xuống sông, xuống biển cả rồi!
- Bố cứ nói quá lên! Ai cũng có con đường riêng của mình chứ! Con bằng này tuổi rồi còn bé bỏng gì nữa mà bố bảo là dại dột!
Ông anh cả dằn giọng:
- Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư!
Bà chị dâu tôi vẫn nhỏ nhẹ:
- Thì ông cũng từ từ phân tích cho con nó nghe! Hôm nay, nhân thể có chú Đức về đây, nhờ chú chỉ bảo cháu!
Ông Đức liền hỏi Du:
- Cháu cho chú biết lý do gì mà cháu lại quyết tâm ở quê! Cháu không thấy ở quê vất vả mới làm ra miếng ăn đó sao?
- Vất vả của nông dân ngày xưa khác bây giờ, cháu có kiến thức, có quyết tâm làm giàu, hơn nữa Đảng và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế. Cháu tin chắc sẽ ăn nên, làm ra ngay chính quê hương mình, chỉ có điều bố mẹ và họ hàng không ủng hộ cháu mà thôi!
Nghe cháu nói vậy, ông Đức thấy hài lòng:
- Cháu còn trẻ, đã suy nghĩ được như vậy, anh chị cũng nên ủng hộ nó. Chứ giờ thoát ly đi làm, lương ba cọc, ba đồng không đủ ăn!
Thấy chú nói vậy, Du như mở cờ trong bụng:
- Cháu cảm ơn chú! Nhà mình đất đồi rộng, tha hồ làm ăn, chú quen biết mấy nhà khoa học nông - lâm nghiệp và trường đại học, có gì khó khăn chú nhờ họ giúp đỡ cháu thêm về kiến thức chú nhé!
- Cái đó thì cháu không phải lo! Chú quen biết nhiều người mà họ cũng rất nhiệt tình giúp đỡ những ai ham mê với nghề!
- Tôi nhờ chú chỉ bảo nó thì chú lại vẽ đường cho hươu chạy! Tiếng ông anh cả không vui.
- Nó có chí thì anh chị cũng phải tạo điều kiện cho cháu, có như vậy mới thành công chứ!
- Thôi thì mặc xác nó! ông anh cả giận dữ.
*
* *
Sáng nay là ngày giỗ cha ông Đức, tối qua thằng cháu Du đã điện xuống bảo, chú thím và các em cứ ở nhà, sáng mai cháu cho xe xuống đón. Ấy thế mà bảnh mắt ra đã thấy ô tô đỗ trước cửa nhà, chiếc xe mới sáng bóng. Du bước xuống xe đi vào nhà:
- Cháu chào chú thím, anh chào các em!
- Cháu đón sớm thế!
- Đón sớm cho mát mẻ, mới lại chú về còn ngắm cơ ngơi của cháu nữa chứ. Mấy lần trước chú về nháo nhào rồi lại đi ngay!
Vợ ông cùng cô con dâu lễ mễ bê các thứ ra xe.
Làng quê kia rồi, gió đồi rừng vi vu thổi, hương lúa đang kỳ ngậm sữa lan trong mênh mông, từng đàn cò trắng bay ngang cánh đồng về dãy đồi cây xanh xa xa. Mỗi lần về quê trong lòng ông trào lên những cảm xúc bồi hồi khác nhau. Làng quê ông bây giờ đã khác xưa lắm rồi, đường làng đổ bê tông, nhà nào cũng xây dựng to đẹp, không khác gì thành phố.
Xe chạy thẳng vào trong sân, ngôi nhà thật sự hoành tráng giữa miền quê vùng đồi núi, tô điểm cho sự đổi thay của làng quê ông. Xuống xe, vợ ông cùng con cháu ào vào bếp làm cơm giỗ. Ông cùng Du ra đống Miễu làng thắp hương cho cha mẹ.
Du dẫn ông ra khu vườn đồi rộng mênh mông, ngày còn bé, ông vẫn cùng lũ bạn ra đây chơi trận giả. Khu đồi này ngày xưa chỉ có cây bụi với sim, mua cằn cỗi. Vậy mà bây giờ Du quy hoạch cải tạo đẹp như một bức tranh. Nơi này là cây cảnh, khu thì trồng nấm, gieo ươm chè giống mới, cây lâm nghiệp, kia là khu sản xuất chế biến lâm sản và chăn nuôi lợn rừng nữa chứ... ông Đức ngắm không chán mắt, thật sự khâm phục thằng cháu trẻ tuổi mà có chí lớn.
Trở về nhà, ông anh cả cũng vừa thắp hương cúng vái ông bà xong. Ngồi vào bàn uống nước, ông bảo:
- Chú uống chén chè giống mới xem có khác giống chè trung du cũ không nào?
Ông Đức đỡ chén nước chè:
- Thơm, ngon hơn hẳn giống cũ nhiều lần!
- Thế mới đắt gấp hàng chục lần, dân bây giờ chỉ trồng toàn loại này thôi, ít sâu bệnh năng suất lại cao hơn nhiều! Cháu chú thế mới thu được vài trăm triệu tiền giống mỗi năm đấy! Nói không phải khoe với chú, nó có cái đầu thật sự, chú tính nó gieo ươm giống chè mới, cây lâm nghiệp mới... đích thân nó đem đi bán, sau đó hướng dẫn bà con trong huyện làm vệ tinh, nó có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, ứng trước vật tư rồi nhận cây giống. Nó bảo người nông dân không muốn xa nhà, nếu tạo việc làm ổn định cho họ tại quê hương thì họ sẽ gắn bó lâu dài với mình. Bằng cách đó mà bây giờ nó có đến vài chục vườn ươm, hàng trăm hộ tạo cây giống lâm nghiệp cho nó, chằng thế mà đồi rừng ở huyện ta đã phủ xanh gần kín rồi đấy, gần 50 lao động chủ yếu là con em trong làng, trong xã. Cũng nhờ có cái bằng sư lâm nghiệp, với lại ngày xưa, nó cũng theo học các lớp tập huấn cho nông dân trong tỉnh nên người ta tin nó. Bây giờ chú biết đấy, nó có xe tải vận chuyển hàng cho người mua, chiếc xe con nó mới mua gần 800 triệu đồng để đi giao dịch đấy!
Ông Đức nói:
- Cũng nhờ ông bà phù hộ, độ trì cho con, cho cháu, con hơn cha là nhà có phúc mà anh!
Du ngồi bên nói thêm vào:
- Chú cũng có công lớn vào thành công của cháu đấy, nếu chú không giới thiệu, cháu đâu có được sự giúp đỡ của các nhà khoa học. Khu gieo ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao là do cô tiến sỹ Hồng Hoa ở trường đại học Nông nghiệp giúp, còn tập huấn kỹ thuật là nhờ các anh cán bộ kiểm lâm của tỉnh, huyện giúp. Cháu còn được mời đi dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi khu vực Đông
Ông Đức cười:
- Cháu suy nghĩ và hành động như thế là rất tốt! Tuổi trẻ mà đã nghĩ và làm được như cháu là có phúc lớn cho ông, bà, cha, chú đấy! Quê mình với đà này chẳng mấy chốc là tiến kịp thành phố!
Ông anh cả cười mãn nguyện. Cô cháu dâu ông Đức bế thằng cháu trai kháu kỉnh đi vào:
- Con chào ông trẻ đi!
Thằng bé bập bẹ:
- Chào ông! Chào ông trẻ!
Vợ Du là giáo viên trường tiểu học của xã. Ông Đức cười nói với cháu dâu:
- Thằng cháu Du này thế mà khôn thật, nó xây dựng kinh tế đi bằng hai chân. Nông với sỹ kết hợp thì có gì mà chẳng thắng lợi cơ chứ!
Du cười:
- Chú ơi! “Nhất sỹ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sỹ” mà chú!
Cả nhà cùng cười vui vẻ.
Tiếng cười ở làng quê thật đầm ấm, trong trẻo, vang xa...
Truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào
(SN 95A/1, đường Bắc Kạn, thành phố Thái Nguyên)
(HBĐT) - Tháng 5 ồn ào những chùm hoa phượng đỏ, râm ran lời từ biệt của ngàn ve, đó cũng sự bịn rịn đáng yêu của các lớp học trò phải xa trường, xa lớp. Xa gia đình, người thân, bạn bè để lên thành phố, lên tỉnh dự thi vào các trường đại học. Ngôi trường huyện bé nhỏ thân yêu đã gắn bó với họ từ lớp 6 tới lớp 12, nghĩa là 6 năm dài đằng đẵng họ ngồi bên nhau, sẽ rời xa. Biết bao kỷ niệm vui buồn, thương nhớ sẽ thành hành trang mà họ luôn mang theo vào ngày mai. Thứ hành trang ăm ắp kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân mà họ sẽ chẳng thể nào quên trên suốt quãng đường đời còn lại.
(HBĐT) - Nắng chiều như rướn lại để kéo dài chiếc bóng lụm khụm của bà Sáu, bà lụi cụi chất củi vào bếp, lửa cháy đỏ rực, nồi luộc măng sôi sùng sục. Mấy hôm nay trời tạnh ráo, nắng hanh, mẹ Điệp lên rừng hái về những búp măng nứa, đặt sọt măng xuống, mẹ nói với Điệp:
Ngày Na được gọi vào đại học, những ngày chuẩn bị cho Na nhập trường khiến cả nhà đều vội cuống cả lên, mỗi người lo một thứ, hơn cả người khác lo xuất ngoại. Với Na, em luôn chân thấp, chân cao lăng xăng hết mua sắm thứ này đến thứ khác từ sách vở tư trang... Ngày chạy như ngựa vía, gặp gỡ hết người này đến người khác. Tối về ngồi viết đủ thứ nào là lưu bút, bưu thiếp cho bạn, nào là nhật ký.
Khi trời nhập nhoạng tối, dì tôi đi từ buồng trong ra nhà từ đường và lần lượt thắp đèn. Ngọn lửa leo lét bén bấc rồi cháy bùng lên soi sáng những gian nhà. ánh đèn phản chiếu tấm áo lụa trắng dì mặc khiến người dì như tỏa sáng. Tôi ngồi trên chiếc chõng che ngoài sân nhìn vào, có cảm giác như dì tôi làm công việc ấy một cách tỉ mỉ và nghiêm cẩn lắm. Khuôn mặt đẹp của dì khi ấy cũng trở nên huyền ảo. Đó là khoảnh khắc mà tôi luôn chờ đợi nhất trong ngày, kín đáo ngồi ngắm dì. Con mực như cũng giống tôi, giờ khắc dì đi thắp đèn nó đứng ngoài hiên trông vào, dáng vẻ thấp thỏm không yên. Cho đến khi các gian nhà đều đã sáng đèn, dì trở ra sân ngồi cạnh tôi, con mực quấn chân dì ra theo rồi nằm ngoan dưới gầm chõng hóng chuyện.
Chiếc giếng khơi nhà ông Chiến nước trong, không mùi, vị, đun nước hãm chè xanh đậm đà, giữ được hương vị, có tiếng ngon khắp cả làng Bái. Nhiều nhà trong xóm có cụ già nghiện nước chè xanh sai con cháu mang can, quảy thùng đến xin nước về nấu.
(HBĐT) - Tạm biệt em dưới giàn thiên lý vàng đượm nắng, tôi cứ nhớ mãi ánh mắt em. Những chiều lộng gió, tôi và Linh thường chạy dọc triền đê. Con đê làng ngoằn ngoèo, hai bờ lau lách, có đôi chim sơn ca làm tổ. Mỗi sáng đi học qua lại có con sơn ca bay vút lên trời xanh, vừa bay, vừa hót. Giọng hót mềm mại, ngọt ngào, ấm áp và trong vắt trên nền trời xanh vào mỗi sớm mai. Giọng hót tuyệt vời, thánh thót khó loài chim nào bì kịp. Tiếng hót hay thế mà cái vẻ bề ngoài nâu xỉn của sơn ca trông đến là tội.