(HBĐT) - Đến với nghề nấu ăn như cái duyên và gắn bó trong suốt quãng đời công tác, đại úy Xa Thị Xuân Diệu - Đội trưởng Đội Hành chính quản trị, Công an tỉnh luôn trăn trở làm sao phục vụ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) tốt nhất, làm sao giúp đồng đội có đủ sức khỏe để công tác, chiến đấu. Nghề nấu ăn tưởng chừng là công việc giản đơn nhưng thực tế đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và trên hết là tâm huyết, trách nhiệm với nghề.


Chúng tôi gặp chị Diệu tại nhà ăn Công an tỉnh, nơi chị đã có nhiều năm gắn bó. Dáng người nhỏ nhắn với bộ quân phục truyền thống, chị nhanh nhẹn, tháo vát trong công việc. Chị được gia đình định hướng theo học trường trung cấp Nấu ăn ở Hải Dương. Tốt nghiệp ra trường, chị được tuyển dụng vào Phòng hậu cần, Công an tỉnh Hòa Bình theo đúng chuyên ngành đào tạo.


Đại úy Xa Thị Xuân Diệu (đứng giữa) kiểm tra các món ăn và sắp xếp khẩu phần ăn cho CB, CS.

Đại úy Xa Thị Xuân Diệu luôn thấu hiểu và biết rõ đây là công việc khá phức tạp, đòi hỏi cả về thời gian, sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ… như người "làm dâu trăm họ”. Hàng ngày, bộ phận phục vụ phải thay nhau thức khuya, dậy sớm để đảm bảo bữa ăn ngon cho CB, CS. Chị nhớ lại 7 năm trước, vụ truy bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt Vàng A Khua ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Thông tin 3 chiến sỹ hy sinh trong quá trình vây bắt hung thủ, khiến CB, CS trong toàn lực lượng Công an tỉnh đau buồn, thương cảm đến bỏ dở bữa cơm chiều. Nhiều cán bộ nữ nước mắt giàn giụa vì tổn thất là quá lớn. Kìm nén cảm xúc trong lòng, đại úy Diệu động viên chị em nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cả đêm hôm đó, chị em thay phiên nhau nấu cháo, phục vụ các cuộc họp khẩn của lãnh đạo Công an tỉnh để giải quyết vụ việc.

Chị tâm sự: Có thời kỳ giá cả thị trường liên tục biến động, tiền ăn của CB, CS lại ổn định, làm sao để bữa ăn của anh em có đủ cả chất và lượng, đảm bảo sức khỏe công tác? Chị đã vận động chị em trong đội tăng gia, chăn nuôi thêm để có thực phẩm bổ sung vào bữa ăn của CB, CS. Chị luôn nhắc nhở, động viên mọi người phải thực hành tiết kiệm ngay từ khâu tiếp phẩm, chế biến và phải làm thật tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, dụng cụ cấp dưỡng, nhà ăn, nhà bếp… Chưa bao giờ bếp nuôi quân do chị phụ trách để xảy ra ngộ độc thức ăn, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của CB, CS. Những hôm có hội nghị, hội thảo, tiếp các đoàn khách về làm việc tại Công an tỉnh hay những lúc đi phục vụ công tác như cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai… nơi xa đơn vị, công việc nhiều, khó khăn cũng chồng chất nhưng đại úy Xa Thị Xuân Diệu luôn động viên bộ phận phục vụ khắc phục mọi khó khăn, làm việc thật tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá Hà Thị Hương, Trưởng phòng Hậu cần – kỹ thuật Công an tỉnh cho biết: "Đồng chí Diệu thực sự là tấm gương sáng để noi theo. Chị nhiệt tình, gương mẫu, có trách nhiệm như người chị dâu cả, hiền thảo chăm lo từng bữa ăn cho một gia đình lớn”. Thực hiện "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Chi bộ phòng Hậu cần - kỹ thuật phát động thi đua đột phá vào hai nội dung chính là xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CB, CS, chị xác định đây là trách nhiệm to lớn phải phấn đấu thực hiện. Vì vậy, chị luôn giữ nghiêm nguyên tắc đảm bảo cơm dẻo, canh ngọt, bữa ăn đúng thời gian quy định. Duy trì tốt chế độ trực ban bếp, lưu nghiệm thức ăn và cân, đong, đo đếm đủ định lượng, chất lượng lương thực, thực phẩm, không để xảy ra tình trạng thất thoát, thiếu hụt tiêu chuẩn hay thất lạc dụng cụ cấp dưỡng.

Trong phong trào xây dựng "Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt” chị Xa Thị Xuân Diệu luôn là tấm gương tận tụy hết lòng vì công việc. Hàng năm chị được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những thành tích xuất sắc trong công tác, chị có 4 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Nguyễn Hùng
 (Công an tỉnh)


Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục