(HBĐT) - Với nhiều người, ruồi là loài côn trùng gần như vô dụng và chẳng mấy sạch sẽ. Vì vậy, ít ai nghĩ rằng, chàng kỹ sư 9X sống giữa trung tâm TP Hòa Bình lại có thể khởi nghiệp từ nghề nuôi ruồi. Chàng trai đó là Nguyễn Trung Hùng, kỹ sư lâm nghiệp 25 tuổi, ở khu Thủy sản, phường Phương Lâm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, Hùng trở về nhà để tiếp tục ôn thi cao học. Khoảng thời gian này đã tạo cho Hùng nhiều cảm hứng để thực hiện ý tưởng của mình.
Kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Trung Hùng, khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) kiểm tra kén ruồi lính đen.
Đam mê kỳ lạ
Được Hùng dẫn tới thăm khu nuôi ruồi trong vườn nhà, tôi không khỏi ngạc nhiên khi một thanh niên trẻ lại có đam mê kỳ lạ đến vậy. Gần như tất cả thời gian rảnh trong ngày, 9X này đều ở trong vườn "làm bạn” với ruồi. Hùng chia sẻ: "Từ ngày còn học đại học, tôi đã thích mày mò, tìm hiểu kỹ thuật và những giống mới, lạ trong sản xuất nông nghiệp để về thử nghiệm ở ao nuôi cá của gia đình. Qua các trang mạng điện tử về nông nghiệp và youtube, tôi biết đến loài côn trùng này. Đam mê nông nghiệp lại trỗi dậy, tôi chia sẻ về ý tưởng muốn nuôi ruồi lính đen với gia đình, dù không đồng tình nhưng gia đình cũng không cấm cản”.
Đầu năm 2019, Hùng bắt tay vào nuôi ruồi. Ngoài 1 lạng trứng mua với giá 1 triệu đồng, Hùng đầu tư thêm khay nhựa, mùng vải, khu vực nuôi được tận dụng từ chuồng lợn cũ trong vườn. Ruồi chỉ ăn những phế phẩm, rác hữu cơ có sẵn trong vườn như rau, bã đậu, củ quả dập nên chi phí không lớn. Khởi nghiệp với số vốn chừng 3-5 triệu đồng, sau 2 tháng chăm sóc, đàn ruồi phát triển nhanh và đẻ trứng. Bởi đã nắm chắc quy trình, kỹ thuật, Hùng thành công ngay lần đầu tiên thử nghiệm. Từ số trứng thu được khoảng 0,5 lạng/ngày, đàn ruồi ngày càng được nhân lên mà không cần nhập thêm trứng giống.
Hùng cho biết, ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia Illucens, không gây hại như ruồi thông thường và khả năng gây bệnh rất thấp. Kỹ thuật nuôi cũng không khó, gần như không có rủi ro. Chủ yếu là nguồn thức ăn và giữ nhiệt độ ổn định (khoảng 25 - 37°C), cần chú ý phương pháp tác động đến ruồi để tăng năng suất đẻ trứng. Ruồi lính đen trưởng thành có màu đen, vòng đời khoảng hơn 1 tháng. Ruồi trưởng thành chỉ sống 3-5 ngày, con cái trưởng thành có thể đẻ từ 500-800 trứng.
Biến trứng ruồi thành trứng "vàng”
Nhộng ruồi là thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Ngoài ra, chúng phân hủy và biến rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh rất nhanh để bón cho cây trồng. Việc thay thế cám công nghiệp bằng nhộng ruồi sẽ tiết kiệm thêm chi phí, chất lượng đàn vật nuôi được nâng cao, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn với môi trường. Tại gia đình Hùng, từ khi sử dụng nhộng ruồi làm thức ăn, đàn cá trong ao lớn nhanh, thu nhập từ bán cá nhờ vậy cũng tăng, vì không tốn chi phí thức ăn. Thấy vậy, gia đình đã hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ với việc làm mà Hùng đam mê, tâm huyết.
Qua tham gia các nhóm trao đổi, mua bán ruồi lính đen trên facebook, trứng ruồi được tiêu thụ nhanh, nhiều khi cung không đủ cầu. Khách hàng của Hùng chủ yếu là các hộ chăn nuôi ngoại tỉnh, thậm chí cả ở các tỉnh phía Nam. Đến nay đã gần 2 năm nuôi ruồi, với 1 mùng nuôi chỉ vài m2, đều đặn mỗi tuần, Hùng thu được khoảng 1 kg trứng. Với giá bán trứng ruồi từ 800 - 1,2 triệu đồng/lạng, mỗi tháng, Hùng thu nhập trên 30 triệu đồng. Chỉ tính sơ sơ, kể từ tháng đầu tiên bán trứng ruồi, kỹ sư trẻ đã thu lãi tới hàng trăm triệu đồng.
Chàng kỹ sư 9X cho biết, do quy mô đàn ruồi còn khá khiêm tốn, thời gian tới sẽ tranh thủ vừa học, vừa làm để mở rộng quy mô, phục vụ cho sản xuất của gia đình, nâng cao thu nhập. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn những hộ chăn nuôi địa phương nếu có nhu cầu.
Thu Hằng
(HBĐT) - Phạm Thị Ngọc Ánh, Trưởng Ban đoàn kết, tập hợp thanh niên Tỉnh Đoàn Hòa Bình là cán bộ, công chức năng động, trách nhiệm, cùng niềm đam mê cháy bỏng với các hoạt động tình nguyện. Ánh bộc bạch: Bí quyết của tôi là học Bác tinh thần vượt khó, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi luôn dặn chính mình, muốn thanh niên không xa rời tổ chức thì điều kiện tiên quyết là phải nâng cao chất lượng phong trào”.
(HBĐT) - Không chỉ là cán bộ trẻ năng động, Trung úy Đặng Ngọc Sơn, cán bộ Đội hướng dẫn và điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) còn được biết đến là một Bí thư Đoàn nhiệt huyết, gương mẫu trong công tác, cuộc sống, là tấm gương để đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong đơn vị học tập, noi theo.
(HBĐT) - Anh Hoàng Văn Sao, xóm Vai Đào, xã Cao Sơn (Lương Sơn) không chỉ là đoàn viên năng động, trách nhiệm trong hoạt động Đoàn, mà còn là tấm gương khởi nghiệp vươn lên từ khó khăn. Anh đã tìm cho mình con đường để lập thân, lập nghiệp bằng mô hình chăn nuôi dúi. Đến nay, mô hình đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
(HBĐT) - Khi biết mục đích chuyến thăm của chúng tôi, ông Hà Minh Thiết, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Xăm Khòe (Mai Châu) cười: "Chuyện đó có gì to tát, đáng để nói đâu! Tôi thấy đó là việc mình cần phải làm, cho chính con cháu mình, cho bà con trong xóm, trong xã của mình thì tôi vận động anh em, họ hàng cùng tham gia…”.
(HBĐT) - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn”, đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) luôn gương mẫu, sâu sát với công việc, gần gũi với dân, tạo niềm tin của dân, đảng viên với Đảng, đưa xã đạt nhiều kết quả nổi bật.
(HBĐT) - Trung tuần tháng Tư, tiến sỹ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) và các cộng sự vẫn miệt mài bám đồng ruộng xã Cao Sơn (Lương Sơn) kiểm tra tình hình sâu bệnh, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền và bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.