(HBĐT) - Từng thành công với mô hình nuôi vịt đẻ trứng, nhưng do thị trường biến động, giá thức ăn tăng cao, sản phẩm bán ra không có lãi, do vậy, anh Bùi Văn Diện ở xóm Trao, xã Phú Cường (Tân Lạc) đã chuyển sang xây dựng mô hình chăn nuôi dê thả đồi. Sau 5 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình anh Diện có nguồn thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Mô hình nuôi dê chăn thả đã đem lại cho gia đình anh Bùi Văn Diện nguồn thu nhập ổn định.
Từ diện tích đất đồi của gia đình tương đối rộng, phù hợp chăn thả gia súc, lại có nguồn thức ăn dồi dào từ ngô và đồng cỏ, anh Diện đã tìm tỏi, học hỏi từ nhiều nơi để đầu tư mô hình chăn nuôi dê tự nhiên. Bắt đầu từ vài con dê giống, đến nay, đàn dê của anh đã có gần 50 con.
Anh Diện chia sẻ: "Đàn dê của gia đình là giống dê núi, chủ yếu ở địa phương nên có khả năng thích nghi tốt, dễ nuôi. Nuôi dê bỏ vốn đầu tư ít hơn một số vật nuôi khác, giá thành khi bán lại cao và ổn định hơn. Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên để đàn dê bị dịch bệnh, tiêu chảy, chết khá nhiều, gây tổn hại về kinh tế. Dần dần từ những khó khăn đó, tôi rút được nhiều kinh nghiệm, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh và tích cực tham khảo tài liệu để chăn nuôi hiệu quả hơn”.
Mỗi con dê để đạt tiêu chuẩn xuất ra thị trường cần nuôi từ 7 - 8 tháng, cân nặng trung bình từ 20 - 25 kg. Giá bán dao động từ 140 - 160 nghìn đồng/kg. So với thịt lợn thì giá thịt dê cao và ổn định hơn. Năm vừa qua, đàn dê đem lại cho gia đình anh Diện thu nhập hơn 100 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Dê được bán buôn theo lứa, trung bình 1 năm dê đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Nhu cầu thị trường tương đối lớn nên anh chủ yếu bán cho các tư thương trên địa bàn huyện Tân Lạc và các huyện lân cận, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Anh Diện chia sẻ thêm: "Nhờ đầu tư nuôi dê nên kinh tế gia đình đã khá hơn. Chăn nuôi dê không khó, khi quen rồi chỉ cần thả lên rừng, một ngày cho ăn thêm từ 1 - 2 lần. Hơn nữa, dê sinh sản cũng rất nhanh, đem lại lợi nhuận tốt, giúp gia đình phát triển kinh tế nhanh hơn”.
Thời gian tới, anh Diện dự định tiếp tục mở rộng đàn dê, tăng số lượng lên 80 - 100 con, đồng thời nâng cấp và cải tạo hệ thống chuồng trại, bảo đảm về chất lượng cũng như đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh, thông thoáng, sạch sẽ.
Đồng chí Bùi Văn Nha, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã có ít hộ chăn nuôi dê. Mô hình nuôi dê chăn thả tự nhiên của gia đình anh Diện là điển hình, đem lại nguồn thu nhập ổn định, là tấm gương cho hội viên nông dân trong xã học tập. Hội Nông dân xã mong muốn anh Diện tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hộ tại địa phương, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ, chung sức thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Hoàng Dương
(HBĐT) - Đã bước sang tuổi 60 nhưng đam mê dành cho văn hóa Mường của bà Đinh Thị Kiều Dung, khu dân cư Bo, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi chưa bao giờ vơi. Bà vẫn dành phần lớn thời gian nghiên cứu, sưu tầm và lưu truyền bản sắc đặc trưng của văn hóa Mường. Đối với bà, những việc đã, đang làm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường tại địa phương mà cũng là một cách để bà học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(HBĐT) - Cô Vũ Thị Huế sinh năm 1960, sống tại khu phố Yên Bình, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) nguyên là giáo viên tiểu học nghỉ hưu từ tháng 4/2015. Với tâm huyết của người giáo viên yêu nghề, mến trẻ, cô tiếp tục cống hiến cho phong trào khuyến học của địa phương. Tháng 10/2015, cô Vũ Thị Huế xin vào Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học thị trấn Hàng Trạm.
(HBĐT) - Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình khởi nghiệp trang trại chăn nuôi dúi thịt và dúi sinh sản của Bùi Văn Nhật, xóm Bãi Đa, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
(HBĐT) - Từ bỏ công việc có thu nhập cao, chàng thanh niên người Tày - Lò Văn Tuất (SN 1994) quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Khởi nghiệp từ mô hình kinh tế tổng hợp với không ít khó khăn, nhưng Tuất đã có định hướng cho riêng mình.
(HBĐT) - Công an huyện Lương Sơn vừa nhận được thư cảm ơn của anh Trần Quang Thiện, sinh năm 1973, trú tại xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hiện đang làm công nhân tại huyện Lương Sơn. Anh Thiện bày tỏ xúc động, cảm kích trước việc làm tận tụy, vì Nhân dân phục vụ của cán bộ Công an huyện Lương Sơn đã giúp anh tìm lại tài sản bị mất.
(HBĐT) - Năng động, trách nhiệm, sáng tạo, luôn hết mình trong mọi hoạt động, phong trào Đoàn Thanh niên… đó là nhận xét của đoàn viên, thanh niên (ĐV,TN) Đoàn phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) dành cho đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn phường.