Chị Bùi Thị Hiên, sinh năm 1975, dân tộc Mường, hội viên phụ nữ xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) được biết đến là người phụ nữ kiên trì, cần cù, sáng tạo. Chị Hiên đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương thông qua mô hình trồng và chế biến cây dược liệu, đặc biệt là cây xạ đen. Mô hình không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ trong vùng.




Sản phẩm từ cây dược liệu của chị Bùi Thị Hiên, hội viên phụ nữ xóm Tân Thành, xã Yên Trị (Yên Thủy) và các thành viên hợp tác xã tham gia các hội chợ và chương trình quảng bá sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh.

Với tinh thần ham học hỏi và mong muốn thay đổi cuộc sống, chị Hiên tích cực tham gia các chương trình tập huấn và dự án khởi nghiệp do Hội Phụ nữ tổ chức. Năm 2018, chị quyết định khởi nghiệp bằng mô hình trồng cây xạ đen và cây ngưu tất với diện tích 1ha. Nhờ sự phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng, các loại cây phát triển tốt, mang lại giá trị dược liệu cao.

Chị Hiên chia sẻ: Trong những năm đầu chủ yếu chế biến dược liệu theo phương pháp thủ công, gặp nhiều khó khăn trong bảo quản và sản xuất, khiến sản phẩm có giá trị thấp trên thị trường. Tuy nhiên, tôi không ngừng học hỏi, quyết tâm nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến.

Nhận thấy tiềm năng từ cây dược liệu, chị Hiên thành lập hợp tác xã nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà xưởng cùng hệ thống máy móc hiện đại. Nhờ đó, các sản phẩm từ cây xạ đen được chế biến thành dạng cao dược liệu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Thành công trong mô hình khởi nghiệp của chị Hiên không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp chị đạt được các chứng nhận quan trọng. Năm 2018, sản phẩm cao xạ đen được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mở ra cơ hội để sản phẩm vươn xa trên thị trường. Từ 1ha ban đầu, chị mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 12ha, sản xuất và chế biến 3.600 sản phẩm mỗi năm. Sau khi trừ chi phí cho thu khoảng 240 triệu đồng/năm. Năm 2023, chị Hiên mạnh dạn đăng ký tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, ý tưởng của chị đã lọt vào top 10 ý tưởng tham gia vòng chung kết do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. 

Hiện nay, hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho 12 thành viên, thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, chị còn thu mua cây dược liệu từ các hộ dân trên địa bàn xã, giúp nhiều gia đình có nguồn thu ổn định từ cây xạ đen. Điều này góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Chị thường xuyên được các đơn vị, tổ chức mời tham dự quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường, đến nay, hợp tác xã có nhiều loại sản phẩm được chế biến từ dược liệu như cao cà gai leo, cao gắm...

Đồng chí Bùi Thị Minh Thuận, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Trị cho biết: Tấm gương khởi nghiệp thành công của chị Bùi Thị Hiên đã thắp niềm tin cho nhiều phụ nữ trong xã và các vùng lân cận. Không chỉ là người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, chị còn thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Những nỗ lực của chị Hiên đã tạo nên dấu ấn cho bản thân, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và ý chí phấn đấu cho những phụ nữ khác.



Hồng Duyên

Các tin khác


Người có uy tín - hạt nhân nòng cốt trong vùng đồng bào dân tộc

Xóm Tiện là địa bàn xa nhất và còn nhiều khó khăn thuộc xã vùng hồ Thung Nai (Cao Phong). Đến đây hỏi thăm nhà ông Bùi Văn Thinh thì không ai không biết. Ông Thinh đã có 10 năm làm Trưởng xóm, từ năm 2006 đến nay làm Bí thư chi bộ. Đặc biệt, ông là người có uy tín (NCUT) được Nhân dân tin yêu, trong nhiều năm đã trở thành hạt nhân nòng cốt đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở xóm Tiện.

Các dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình

Hòa Bình có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Theo số liệu điều tra, tỉnh có 6 dân tộc cùng chung sống gồm: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Tày. Trong đó có số dân đông hơn cả là dân tộc Mường (64%), dân tộc Kinh (26%), dân tộc Thái (4%), dân tộc Tày (3%), dân tộc Dao (2%), dân tộc Mông (0,3%); các dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất thấp (cộng chung là 0,7%).

Huyện Tân Lạc: Nhiều khó khăn trong thực hiện giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021 - 2025, trong các năm 2021 - 2023, huyện Tân Lạc đã nỗ lực triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, triển khai Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2024- 2025, huyện gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

14 xã khu vực III hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Việc thu hút đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách đầu tư, huy động các nguồn vốn ODA… cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần quan trọng giúp các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn xây dựng NTM.

Người lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở phường Thống Nhất

Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ làm tốt việc vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, mà còn là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ông Bàn Sinh Lương, người có uy tín tại tổ 9, phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình là một tấm gương tiêu biểu trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Dao tại địa phương.

Để chiêng Mường mãi ngân vang

Trong kho tàng di sản văn hóa của người Mường, chiêng có vai trò rất quan trọng, là một loại hình sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi mất đi. Văn hóa chiêng được xem là linh hồn của người Mường, là vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh về vật chất và tinh thần của mỗi gia đình cũng như cộng đồng Mường. Để bảo tồn chiêng Mường, các địa phương trong tỉnh Hòa Bình đang nỗ lực có nhiều cách làm hiệu quả để chiêng được sử dụng nhiều hơn trong đời sống hàng ngày, từ đó thực sự có sức sống bền lâu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục