Tiên phong lập thân, lập nghiệp
Gương mặt trẻ đầu tiên chúng tôi kể đến là anh Bùi Văn Đạt, thành viên CLB Thanh niên làm kinh tế của tỉnh, Giám đốc HTX nuôi trồng nấm Bắc Sơn, địa chỉ tại xóm Khả, xã Bắc Sơn (Kim Bôi). Từ quy mô hộ thanh niên lúc ban đầu, anh để lại dấu ấn riêng khi vào thời điểm tháng 4/2016 với sự hỗ trợ và khích lệ của tổ chức Đoàn đã cho ra mắt HTX nuôi trồng nấm với 20 thành viên. HTX thành lập và sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: trồng các loại mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm chất lượng cao, nấm linh chi và một số lĩnh vực khác như chăn nuôi gia súc, thức ăn chăn nuôi và dịch vụ. Đây cũng là HTX đầu tiên của thanh niên đứng ra thành lập trên cơ sở tự hạch toán.
Mô hình nuôi ong lấy mật và bán ong giống cho thu nhập 200 triệu đồng /năm của đoàn viên Đinh Công Thông, chi đoàn xóm Sim Trong, xã Hợp Đồng (Kim Bôi) là một trong những điển hình khởi nghiệp để ĐV -TN trong, ngoài huyện đến tham quan, học tập.
Nguyễn Duy Hưng ở khu 9, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) cũng góp mặt trong phong trào tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp khi tự mày mò, áp dụng kỹ thuật ghép các giống cam, chanh. Trải qua gian nan và cả thất bại, Hưng đã có 2 vườn ươm với khoảng 10 vạn cây giống tạo nguồn thu nhập ổn định 20 triệu đồng /tháng cho gia đình, tạo việc làm cho 5 lao động. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở ươm giống cây để thúc đẩy kinh tế gia đình, Hưng bắt đầu trồng cam từ năm 2016 trên diện tích 1ha. Hưng dự tính vài năm nữa khả năng thị trường cây giống bão hòa, việc trồng cây ăn quả vẫn giúp Hưng theo đuổi đam mê, nhiệt huyết. Hiện anh cung cấp giống cam, quýt cho các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, vùng trồng cây ăn quả có múi các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Yên Thủy.
Một số gương mặt thanh niên tiêu biểu khác như anh Vì Ngọc Tiến ở xóm Đông Hà, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi). Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 15 triệu đồng, anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi dê, bò kết hợp trồng trọt, làm dịch vụ tổ chức sự kiện. Gần đây, anh mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi lên 5 ha, không những mang về khoản thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng mà còn tạo việc làm thường xuyên và thu nhập cho một số thanh niên địa phương.
Anh Hoàng Văn Thuận ở xóm Quê Sụ, xã Cao Răm (Lương Sơn) khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi lợn rừng. Bắt đầu từ con số không, anh mạnh dạn dùng toàn bộ số tiền tích cóp cộng thêm vốn vay ngân hàng để gây dựng trang trại nuôi lợn rừng, lợn bản địa đặc sản với tổng đàn hơn 200 con, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 400 – 500 triệu đồng /năm.
Nâng bước thanh niên nông thôn khởi nghiệp
Theo đồng chí Bùi Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế của tỉnh, Bí thư Huyện đoàn Kim Bôi, khởi nghiệp không phải chỉ có thành công mà đôi khi còn nếm trải thất bại. Tuổi trẻ trước hết phải có ý tưởng, tâm huyết, quyết tâm và lúc đó cần được hỗ trợ để họ tự tin vững bước. Riêng huyện Kim Bôi, để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, HĐND, Huyện ủy đã ban hành đề án cải tạo vườn tạp giai đoạn 2017 - 2020. Trên cơ sở quy hoạch sản xuất, ĐVTN đăng ký các loại cây trồng phù hợp để được hỗ trợ giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay, riêng trong khuôn khổ đề án đã mở được trên 50 lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật, nguồn vốn ủy thác cho thanh niên vay khoảng trên 72 tỷ đồng. Cũng từ đây, diện tích các loại cây ăn quả, vùng trồng nhãn, cam, bưởi, mía được mở rộng. Người dân nói chung, ĐVTN trong huyện nói riêng có ý thức vươn lên, tích cực phát triển sản xuất, tạo ra những vùng kinh tế hàng hóa, chuỗi giá trị như vùng trồng bí xanh, mướp đắng ở xã Đú Sáng, Nam Thượng; vùng nhãn Sơn Thủy; vùng cam, bưởi Lập Chiệng, Vĩnh Tiến, Tú Sơn, Kim Sơn, Bình Sơn…
CLB Thanh niên làm kinh tế, HTX, tổ hợp tác thanh niên… cũng hỗ trợ thanh niên trên bước đường khởi nghiệp. Trong số các thành viên tham gia CLB Thanh niên làm kinh tế của tỉnh đã có 9 trường hợp được hỗ trợ vay vốn chương trình 120 với mức vay ưu đãi 50 – 100 triệu đồng, thời hạn được vay từ 12 – 36 tháng tùy vào phương án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, 100% hộ thanh niên vay vốn làm ăn có lãi, trả lãi đúng kỳ, không có trường hợp nợ quá hạn. Các CLB, HTX, tổ hợp tác thanh niên cũng chính là địa chỉ để thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm ăn, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật, lao động, vật tư, là kênh hiệu quả để chia sẻ, tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, các thành viên còn có cơ hội liên kết tiêu thụ sản phẩm như trường hợp của Nguyễn Duy Hưng ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được giới thiệu tham gia liên kết cung cấp giống cây ăn quả có múi trong đề án cải tạo vườn tạp huyện Kim Bôi; Hoàng Văn Thuận ở xã Cao Răm (Lương Sơn) có thêm mối tiêu thụ sản phẩm lợn rừng, lợn bản địa tại thành phố Hòa Bình…
Khi thanh niên góp vai trò truyền lửa
Những gương mặt tiêu biểu, những thanh niên đang nung nấu và mạnh dạn thực hiện ý tưởng mới, vững tin lập thân, lập nghiệp đã góp vai trò truyền lửa khởi nghiệp trong tuổi trẻ hôm nay. Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh đang có những bước tiến mới, ngày càng lan tỏa, xuất hiện những điển hình ĐVTN khởi nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố, đơn cử như huyện Kim Bôi có Bùi Văn Bằng ở xã Nam Thượng, Bùi Văn Năng ở xã Vĩnh Tiến; huyện Lạc Sơn có Bùi Văn Hợp ở xã Xuất Hóa, Bùi Văn Sơn ở xã Ngọc Lâu…
Theo anh Bùi Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB Thanh niên làm kinh tế của tỉnh, những tấm gương khởi nghiệp có chung mục tiêu, lý tưởng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương đã tác động, làm thay đổi tư duy của các bạn trẻ trong vấn đề nghề nghiệp, việc làm, tư duy làm kinh tế trên cơ sở nguồn tài nguyên và nguồn lực của gia đình. Bên họ đã và đang có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của chính sách, góp phần giải quyết việc làm và hạn chế thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ”, học xong không có việc làm phải đi làm ăn xa, ảnh hưởng đến các hoạt động và công tác Đoàn như hiện nay.
Bùi Minh
* Thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo
Để tiếp tục hỗ trợ thanh niên nông thôn phát huy sức trẻ trên bước đường lập nghiệp, xây dựng đất nước, bên cạnh việc định hướng, khuyến khích và hỗ trợ, Tỉnh Đoàn đã và đang tích cực triển khai chương trình, hành động thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Đặc biệt là trong tháng 4, cùng với Sở Khoa học & Công nghệ, Tỉnh Đoàn Hòa Bình lần đầu tiên phát động cuộc thi "ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình” thu hút hơn 100 thanh niên quan tâm đến khởi nghiệp, sáng tạo.
Cuộc thi nhằm cụ thể hóa Chương trình quốc gia về khởi nghiệp, cổ vũ, khích lệ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đẩy mạnh việc kết nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp với mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp cũng như thu hút hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đối với các ý tưởng, đề án khởi nghiệp của thanh niên. Đáng mừng là cuộc thi đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị như Hội Doanh nghiệp Hòa Bình, BIDV Hòa Bình, Công ty CP xây dựng thương mại và dịch vụ Cường Thịnh, Công ty XD & TM Thiên Bảo, Công ty CP Hợp tác và Phát triển ánh dương Tây Bắc. Đồng hành với cuộc thi và thanh niên trong khởi nghiệp sáng tạo lâu dài, BIDV Hòa Bình đã hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành công gói tín dụng với quy mô 100 tỷ đồng.
Bùi Quốc Hoàn
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh
* Mong muốn được "tiếp sức” để khởi nghiệp thành công
ởnông thôn hiện nay có không ít những thanh niên có ý chí, khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, không phải ai cũng được sự hỗ trợ từ phía gia đình mà nhiều người phải bươn trải, vượt khó tự thân. Những thời điểm đó, sự "tiếp sức” về nguồn vốn để đầu tư, về khoa học công nghệ có ý nghĩa vô cùng lớn.
Xã Tuân Lộ (Tân Lạc)