(HBĐT) - Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn, ruộng lúa bấp bênh sang trồng thanh long ruột đỏ, anh Bùi Văn Thanh, xóm Đồi Bưng 2, xã Đông Lai (Tân Lạc) đã thu được những kết quả ngoài mong đợi, mở ra hướng làm giàu đầy hứa hẹn.


Anh Bùi Văn Thanh chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ của gia đình.

 

Anh Thanh sinh năm 1987, hiện là Bí thư Chi đoàn xóm Đồi Bưng 2. Trước đây, để đỡ đần bố mẹ, anh Thanh đã bươn trải, đi làm ăn xa ở nhiều nơi. Trong đó, quãng thời gian đi làm ở Bình Thuận, anh nhận thấy bà con trồng thanh long ruột đỏ đem lại thu nhập cao. Anh nảy ý tưởng chuyển đổi diện tích ruộng lúa và đất vườn quanh nhà sang trồng thử nghiệm thanh long. Nghĩ như vậy, anh tìm đến các vườn thanh long để học hỏi kinh nghiệm của bà con. Sau này, anh mua 65 cây giống từ Bình Thuận đem về trồng. "Ngoài Bình Thuận, tôi thấy ở một số tỉnh phía Bắc cũng trồng thanh long, cây phát triển khá tốt. Loại cây này không kén đất, rễ cây hút chất dinh dưỡng ở lớp đất mặt nên chỉ cần bón đủ phân là cây phát triển tốt. Khi về trồng ở vườn, tôi vừa làm, vừa học hỏi, sau 7 tháng cây cho thu quả bói, chất lượng quả thơm ngọt nên được nhiều người ưa chuộng”, anh Thanh cho biết.

Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng này, anh Thanh đã mạnh dạn vay vốn, trồng thêm hơn 200 gốc trên đất ruộng. Đến nay, gia đình anh đã có trên 300 gốc thanh long, trong đó, một vườn 3 năm tuổi và một vườn 2 năm tuổi đều đã cho thu hoạch. Năm ngoái, cây bói quả nên gia đình anh thu được 30 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, anh vận dụng các kiến thức đã học vào chăm sóc, thanh long cho năng suất cao hơn hẳn. Đến nay, gia đình anh đã bán ra thị trường hơn 2 tấn thanh long, với giá 25.000 đồng/kg, đem về thu nhập trên 50 triệu đồng.

Hôm chúng tôi đến thăm, tư thương đến tận vườn thu mua hơn 5 tạ quả thanh long của gia đình anh Thanh. Trong vườn chỉ còn lại vài quả có kích thước nhỏ, anh Thanh bổ mời chúng tôi ăn thử. Phải thừa nhận, ngoài màu đỏ bắt mắt, giống thanh long quả tròn này thơm ngọt hơn hẳn so với thanh long ruột trắng. "Giống thanh long ruột đỏ, quả tròn cho chất lượng thơm ngon hơn các giống khác. Tuy nhiên, để đạt chất lượng tốt đòi hỏi người trồng phải nắm bắt được các kỹ thuật trồng và chăm sóc”, anh Thanh chia sẻ.

Với diện tích 2.500 m2 trồng thanh long, từ đầu năm đến nay đã đem lại thu nhập hơn 50 triệu đồng cho gia đình anh Thanh. Con số này chắc chắn sẽ tăng thêm vì từ giờ đến cuối năm, thanh long tiếp tục cho thu quả. Rõ ràng, hiệu quả mà cây trồng này đem lại cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa và một số cây trồng khác. Ngoài bán quả, anh Thanh đang tích cực nhân giống để cung cấp giống cho bà con, đồng thời chuẩn bị mở rộng diện tích trồng. "Gia đình đang nhân giống và đổ thêm cột bê tông để trồng thêm 200 gốc thanh long nữa. Đợt này, tôi sẽ trồng theo kiểu mới, làm giàn cho thanh long leo. Trồng như vậy vừa tiết kiệm diện tích lại cho năng suất cao hơn”, anh Thanh cho biết.

Với giá bán ổn định, hiệu quả kinh tế cao và nguồn cung trên thị trường còn ít, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Bùi Văn Thanh, xóm Đồi Bưng 2, xã Đông Lai (Tân Lạc) là hướng đi đầy tiềm năng, mở ra hướng làm giàu cho gia đình.

 

Viết Đào

 

Các tin khác


Nữ doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo với cây Sachi

(HBĐT) - Cuộc sống đang ấm êm, công việc của một cô giáo tuy không giàu nhưng ổn định, luôn là hậu phương vững chắc cho chồng, chị Lê Thị Vân (số 89B, đường Bùi Thị Xuân, tổ 24, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) đột ngột chuyển hướng sang công việc hoàn toàn mới và trên thực tế "không trải hoa hồng”, đó là trở thành doanh nhân. Kể từ đây chị xác định đối mặt với những thử thách trên thương trường.

Chàng trai “thổi hồn” vào gỗ

(HBĐT) - Những khúc gỗ tưởng như vô tri, vô giác đã được chàng trai Bùi Văn Liện, xóm Đình Vận, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) "thổi hồn” vào thành những kiệt tác nghệ thuật. Sau 8 năm khởi nghiệp, giờ đây, chàng thanh niên 30 tuổi đã tạo ra thương hiệu điêu khắc gỗ uy tín, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo tới từng chi tiết, kiểu dáng độc đáo, mang giá trị nghệ thuật cao đã tạo nên thương hiệu cho xưởng điêu khắc gỗ của anh.

Nhà nông Tạ Hữu Hậu khởi nghiệp thành công nhờ sự kiên trì

(HBĐT) - Sau nhiều năm mày mò, tìm hiểu làm kinh tế, đến nay, ông Tạ Hữu Hậu, khu 2, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã có kinh tế khá nhờ trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Với sự kiên trì và vốn kiến thức tích lũy sau nhiều năm bươn trải, ông tìm ra con đường riêng để thay đổi cuộc sống và vươn lên trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng giấy chứng nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 - 2018.

Đà Bắc: Khởi nghiệp từ cây trồng chủ lực trên chính quê hương, một cơ sở đạt lợi nhuận cả chục tỷ đồng mỗi năm

(HBĐT) - Đến thăm gia đình anh Khương Xuân Thưởng sinh năm 1977, xóm Xèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc) thật bất ngờ khi nghe anh kể về cách khởi nghiệp với nghề chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất miến sạch. Nguyên liệu chính từ những cây trồng cây trồng chủ lực hàng chục năm nay của người dân trong xã cũng như những vùng lân cận

Khởi nghiệp - khát vọng, “khát” vốn

(HBĐT) - Đi làm ăn xa rồi trở về nhà làm vườn, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thế rồi lại rời bỏ quê để đi làm ăn xa, vì không có vốn, mọi ý tưởng đều không có cơ hội được hiện thực hóa. Thực trạng ấy đã trở nên quá phổ biến đối với những người trẻ mang khát vọng khởi nghiệp.

Gặp “kình ngư” trên lòng hồ sông Đà

(HBĐT) - Những năm trước, người nuôi cá trên lòng hồ sông Đà sợ nhất lũ đầu mùa và bệnh dịch do ký sinh trùng gây ra. Các suối đổ nước về lòng hồ mang theo độc tố làm cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, anh Đinh Văn Linh ở xóm Tráng, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong đã khắc phục được những hạn chế và nuôi cá thành công. Từ kinh nghiệm của mình, anh không chỉ làm giàu mà đang "kéo” hàng trăm hộ trở lại với nghề nuôi cá lồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục