(HBĐT) - Đi làm ăn xa rồi trở về nhà làm vườn, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thế rồi lại rời bỏ quê để đi làm ăn xa, vì không có vốn, mọi ý tưởng đều không có cơ hội được hiện thực hóa. Thực trạng ấy đã trở nên quá phổ biến đối với những người trẻ mang khát vọng khởi nghiệp.

Chị Bùi Thị Lý, phố Lốc, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) đã có thành công bước đầu với công việc bán hàng online, sau quãng thời gian dài kiên trì học hỏi. 

Không phải ai cũng đủ bản lĩnh, nghị lực để vượt qua một núi khó khăn và gặt hái được quả ngọt như cô gái Mường ở Lạc Sơn mà chúng tôi sẽ kể dưới đây. Câu chuyện của cô gái này là một điển hình tiêu biểu cho hành trình khởi nghiệp của không ít thanh niên ở các vùng nông thôn. Chỉ khác ở chỗ, dù khởi đầu khó khăn, áp lực nhiều phía nhưng cô không bỏ cuộc như đa số những thanh niên khác.

Cử nhân đi bán hàng online

Cầm tấm bằng đại học trên tay, chị Bùi Thị Lý, phố Lốc, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) mừng ít, lo nhiều bởi có không ít cử nhân như chị đã phải "giấu bằng” để bươn trải. Sau hai lần thi trượt công chức, ước muốn được vào làm ở một cơ quan Nhà nước ngày càng xa vời. Chông chênh, chán nản là tâm trạng của những ngày thất nghiệp dài đằng đẵng. Một ngày lang thang trên mạng internet, chị đọc được bài viết nói về bán hàng online (buôn bán thông qua mạng internet), một xu hướng phát triển của nhịp sống hiện đại. Lúc này, ở quê của Lý hình thức bán hàng này còn khá xa lạ, nhất là đối với những người trung niên, cao tuổi. Nhưng Lý rất quyết tâm, chị vay của bạn bè được hơn 2 triệu đồng làm vốn và bắt đầu tập bán hàng online. "Ban đầu, tôi khá lo lắng, không cho bố mẹ biết là mình đang tập kinh doanh qua mạng. Một thời gian, bố mẹ rồi hàng xóm cũng biết, lời ra tiếng vào nhiều. áp lực rất lớn nhưng tôi xác định, phải cố gắng vượt qua thì mới có được thành quả. Sau khoảng 4 tháng kiên trì đăng tải bài viết bán hàng trên facebook, tôi đã có được những khách hàng và nguồn thu nhập để tự nuôi sống bản thân và tiếp tục đầu tư. Hiện nay, công việc này đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bản thân tôi cũng giúp một số bạn trẻ tham gia bán hàng. Tuy nhiên, nhiều bạn dù rất muốn nhưng lại lo ngại vì không có vốn để nhập hàng về bán”, chị Lý cho biết.

Theo chia sẻ của chị Lý, trong số những người bạn đại học của chị, không ít người đã phải "giấu” bằng đại học và tay ngang sang một công việc khác. Bởi lẽ, để khởi nghiệp với một ngành nghề kinh doanh, nhất là kinh doanh online thì phải có vốn đầu tư ban đầu. Muốn có được thu nhập cao thì phải đầu tư, mở rộng. Để làm được điều đó bắt buộc phải có vốn. "Nhiều bạn phải vay tiền để đi học đại học, cao đẳng, giờ vẫn chưa trả hết nợ. Thế nên, dù muốn kinh doanh hay xây dựng một mô hình kinh tế nào đó thì trước hết phải có vốn đã. Với thanh niên việc vay vốn rất khó vì đa số họ còn sống với bố mẹ, để vay vốn ngân hàng cần phải có tài sản thế chấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Do đó, nếu Trung ương Đoàn hay các tổ chức tín dụng có nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp thì tôi nghĩ rằng, nhiều bạn trẻ sẽ có cơ hội để thực hiện các ý tưởng phát triển kinh tế trên chính quê hương mình”, chị Lý chia sẻ.

"Khát” vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Vốn vay ưu đãi để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp là mong ước của rất nhiều bạn trẻ mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ. Còn nhớ, hồi đầu năm, chúng tôi có dịp về thăm mô hình trồng bí xanh của đoàn viên Bùi Văn Chí, xóm Bậy Chạo, xã Địch Giáo (Tân Lạc). Qua trò chuyện, anh Chí cho biết, bản thân anh luôn mong muốn xây dựng được mô hình kinh tế ở chính quê nhà, đem lại thu nhập ổn định chứ không phải là đi làm ăn xa. Anh đã cố gắng trồng bí xanh và các loại cây ăn quả đang được người dân địa phương chú trọng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên việc đầu tư, chăm sóc chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Muốn mở rộng diện tích trồng bí thì đòi hỏi khoản đầu tư không nhỏ. Nói về nguồn vốn đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế, đồng chí Bùi Văn Luận, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Địch Giáo thừa nhận, mức hỗ trợ hàng năm còn quá khiêm tốn. Thực tế ở Địch Giáo, mỗi năm chỉ có 2 - 3 ĐVTN được vay vốn với khoản vay chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng. Một con số quá nhỏ so với ý tưởng khởi nghiệp của ĐVTN nơi đây.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Thanh niên có thể tiếp cận hai nguồn vốn vay, đó là vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và vốn 120 (chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) do Trung ương Đoàn ủy thác. Tuy nhiên, hạn mức giải ngân còn rất ít, thủ tục phức tạp khiến thanh niên muốn khởi nghiệp khó tiếp cận. Ngoài những khó khăn về nguồn vốn, việc đào tạo, nâng cao năng lực khởi nghiệp đã có nhưng vẫn còn rời rạc. Để thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, vừa qua, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở KH &CN tổ chức cuộc thi "ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ I, năm 2018”. Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ ban hành Đề án Thanh niên khởi nghiệp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó sẽ hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất, kỹ thuật và môi trường pháp lý để thanh niên khởi nghiệp thành công.

                                                                                 Viết Đào


Các tin khác


Ông Hoàng Duy Phương Khởi nghiệp ở tuổi thất thập

(HBĐT) - Ông Hoàng Duy Phương, sinh năm 1950 trong một gia đình nghèo hiếu học. Sau 40 năm làm giáo viên công tác tại Phòng giáo dục huyện Yên Thuỷ trong đó có 35 năm làm cán bộ quản lý. Đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi "thấp thập cổ lai hy” nhưng ông Hoàng Duy Phương Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn vẫn khá nhanh nhẹn.

Nhà nông Nguyễn Duy Lành vượt khó khởi nghiệp

(HBĐT) - Từ nông dân bao năm sống trong cảnh bần hàn, ông Nguyễn Duy Lành (SN 1958) ở thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) vươn lên trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc. Vinh dự lớn mà ông có được khi tham dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V, năm 2017 là nhà nông duy nhất của tỉnh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016.

“Bà đỡ” cho nông dân khởi nghiệp

(HBĐT) - Miệng nói, tay làm và luôn làm việc một cách say mê, trách nhiệm- đó là cảm nhận của riêng tôi về chị Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn - "bà chủ” của những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tiếp xúc với chị em xã viên ở các HTX nông sản hữu cơ của huyện Lương Sơn, họ xa gần nói rằng: Chị Lan chính là "bà đỡ” để nông dân Lương Sơn khởi nghiệp.

Nâng bước thanh niên nông thôn khởi nghiệp

(HBĐT) - Cách đây hơn 2 năm, từ ý tưởng của anh Quách Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh Đoàn (nay là Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy), CLB Thanh niên làm kinh tế của tỉnh đã thành lập, tập hợp những gương mặt thanh niên được nhận giải thưởng Lương Đình Của và những thanh niên mang trong mình hoài bão làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Không nản lòng trước thất bại

(HBĐT) - Đó chính là bí quyết giúp chàng thanh niên Bùi Văn Thắng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) vượt lên khó khăn, trở ngại để có được thành công ngày hôm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục