(HBĐT) - Sau nhiều năm mày mò, tìm hiểu làm kinh tế, đến nay, ông Tạ Hữu Hậu, khu 2, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã có kinh tế khá nhờ trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Với sự kiên trì và vốn kiến thức tích lũy sau nhiều năm bươn trải, ông tìm ra con đường riêng để thay đổi cuộc sống và vươn lên trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng giấy chứng nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 - 2018.


Ông Tạ Hữu Hậu, khu 2, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) thu trên 1 tỷ đồng/năm từ 1.200 gốc bưởi da xanh và bưởi Đoan Hùng.

 

Năm 2012, sau nhiều năm lao động xa nhà, tình yêu quê hương đã thôi thúc ông Hậu trở về. "Trong tay không có một tấc đất, mảnh ruộng, bằng số vốn dành dụm được từ những năm tha hương, vợ chồng tôi mua đất, làm nhà rồi từng bước gây dựng trang trại. Qua tìm hiểu thị trường, tôi nhận thấy giống bưởi da xanh, bưởi đỏ Tân Lạc được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhưng "cung không đủ cầu”. Tận dụng cơ hội đó, tôi đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật qua sách báo và mạng internet. Cùng sự hướng dẫn của cán bộ KN - KL huyện, thị trấn, tôi đầu tư trồng 200 gốc bưởi đầu tiên” - ông Hậu chia sẻ.

Công sức bỏ ra rồi cũng thu được kết quả, trong vụ thu quả bói năm 2015, nhờ mẫu mã quả đẹp và hương vị đặc trưng đã giúp gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng. Dần dần, ông mua thêm đất, mở rộng sản xuất. Ngoài trồng trọt, ông chăn nuôi thêm lợn bản địa. Từ đó đến nay, trang trại đã mở rộng lên 3 ha với chuồng nuôi hợp vệ sinh gồm 10 con lợn mẹ và trên 1.200 gốc bưởi các loại cung cấp cho tư thương, hệ thống cửa hàng hoa quả sạch, siêu thị ở các vùng lân cận.

Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương, ông mở thêm cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa, bán những mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, ông liên kết với Công ty phân bón Bằng Tuyên làm đại lý phân phối và cung cấp các loại giống cây nông nghiệp. Ngoài khoản thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng mỗi năm mà cửa hàng và đại lý đem lại, mỗi lần cán bộ công ty về hướng dẫn tập huấn, ông có thêm cơ hội tiếp thu kiến thức và KHKT phục vụ hoạt động sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục tham gia lao động tại nông trường thuộc Công ty TNHH MTV 29 Hòa Bình với mong muốn được chia sẻ, tiếp thu kiến thức nông nghiệp. Là người có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ trong công việc nên ông luôn được đồng nghiệp cũng như cán bộ công ty tin tưởng và bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Công đoàn của Đội sản xuất gồm 70 công nhân.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tạ Hữu Hậu còn giúp đỡ bà con làm giàu bằng chính sức lao động, khối óc và đôi tay trên mảnh đất quê hương. Tại trang trại của gia đình, hàng năm ông tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thông qua những buổi trò chuyện thân tình ngay trong vườn nhà, những cuộc điện thoại và cả trong lớp tập huấn của Trạm KN-KL huyện, thị trấn, ông hết lòng tư vấn cách làm ăn, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, ông cung ứng phân bón trả chậm, thậm chí hỗ trợ cả vốn và giống nông dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.

Cần cù, ham học hỏi và không ngừng nỗ lực đã giúp ông Hậu thành công. Từ thu nhập trên 200 triệu đồng, đến nay, mỗi năm tổng thu nhập từ trang trại và cửa hàng kinh doanh của gia đình ông đã lên tới gần 2 tỷ đồng. Bởi vậy, ông được coi là tấm gương nông dân điển hình của địa phương trong lao động sản xuất, nhiều lần vinh dự được Hội Nông dân các cấp khen thưởng, biểu dương thành tích. Thời gian tới, ông dự định mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh và bưởi Đoan Hùng, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

 

Thu Hằng

 

Các tin khác


Khởi nghiệp với cây sachi

(HBĐT) - "So với cây ngô thì giá trị kinh tế từ cây sachi cao gấp 5, gấp 10 lần”, bằng cách tính giản đơn này cộng với tìm hiểu đặc tính, điều kiện tự nhiên thích hợp, anh Nguyễn Văn Hưng ở xóm Đồng Thành, xã Tân Thành (Lương Sơn) đã mạnh dạn chuyển đổi, trở thành người đầu tiên ở địa phương trồng và thành công khởi nghiệp với cây sachi.

Những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong lao động, sáng tạo

(HBĐT) - Trong thời gian vừa qua, các cấp Hội LHPN tỉnh không ngừng phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, tạo phong trào thi đua sâu rộng, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia, ủng hộ; qua đó xuất hiện nhiều gương cá nhân tiêu biểu.

Ông Hoàng Duy Phương Khởi nghiệp ở tuổi thất thập

(HBĐT) - Ông Hoàng Duy Phương, sinh năm 1950 trong một gia đình nghèo hiếu học. Sau 40 năm làm giáo viên công tác tại Phòng giáo dục huyện Yên Thuỷ trong đó có 35 năm làm cán bộ quản lý. Đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi "thấp thập cổ lai hy” nhưng ông Hoàng Duy Phương Giám đốc Công ty TNHH Nam Sơn vẫn khá nhanh nhẹn.

Nhà nông Nguyễn Duy Lành vượt khó khởi nghiệp

(HBĐT) - Từ nông dân bao năm sống trong cảnh bần hàn, ông Nguyễn Duy Lành (SN 1958) ở thôn Bột, xã Phú Thành (Lạc Thủy) vươn lên trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc. Vinh dự lớn mà ông có được khi tham dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V, năm 2017 là nhà nông duy nhất của tỉnh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016.

“Bà đỡ” cho nông dân khởi nghiệp

(HBĐT) - Miệng nói, tay làm và luôn làm việc một cách say mê, trách nhiệm- đó là cảm nhận của riêng tôi về chị Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn - "bà chủ” của những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tiếp xúc với chị em xã viên ở các HTX nông sản hữu cơ của huyện Lương Sơn, họ xa gần nói rằng: Chị Lan chính là "bà đỡ” để nông dân Lương Sơn khởi nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục