(HBĐT) - "Dạy viết chữ vừa là đam mê, vừa là trăn trở mà tôi quyết tâm thực hiện để giúp mọi người trân trọng chữ Quốc ngữ, biết viết chữ đẹp”. Đó là tâm sự của cô giáo Hà Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu và ngoại ngữ quốc tế Green Star, được thành lập cách đây 1 năm tại phường Chăm Mát, TP Hòa Bình.


Chị Hà Thị Hoa kiên trì uốn nắn từng nét chữ cho học sinh tại Trung tâm đào tạo,bồi dưỡng năng khiếu và ngoại ngữ quốc tế Green Star (TP Hòa Bình).

 

Mô hình Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu và ngoại ngữ quốc tế Green Star thuộc Dự án "Dịch vụ hỗ trợ giáo dục toàn diện” của Hà Thị Hoa là 1 trong 10 ý tưởng, dự án được đánh giá cao nhất tại cuộc thi "ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ I” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh và Sở KH&CN phối hợp tổ chức. Sinh năm 1989, đi lên từ việc kèm viết chữ đẹp tại nhà, chỉ sau 1 năm, Hoa đã xây dựng được tên tuổi cho Green Star với lượng học viên khá đông theo học đều đặn, trong đó không ít người là cán bộ Nhà nước, giáo viên, học sinh, sinh viên… Tuy nhiên, để đạt được thành công như hôm nay, Hà Thị Hoa đã trải qua không ít gian khó.

Từ đam mê luyện viết chữ đẹp

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Khoa Giáo dục tiểu học, Hoa lên đường nhận công tác tại xã biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Chỉ cách thành phố 30 km, nhưng thời điểm đó, để đến được Phong Thổ, Hoa phải đi mất 3 - 4 tiếng đồng hồ. Song, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ và tình yêu với nghề giáo, Hoa đã vượt qua mọi khó khăn, nhanh chóng chứng minh năng lực và được Ban giám hiệu tin tưởng giao dẫn dắt đội tuyển viết chữ đẹp của nhà trường.

Ngay năm đầu, thành tích đã về với ngôi trường nhỏ bé vùng biên trong niềm hân hoan của thầy và trò nhà trường. Nhận những lời chúc mừng, động viên từ đồng nghiệp, phụ huynh và cảm nhận niềm vui rạng ngời trong ánh mắt những đứa trẻ vùng cao lần đầu được bước lên bục nhận giải, Hoa như được tiếp thêm động lực, nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn với nghề giáo cũng như việc luyện nét chữ. Hoa nung nấu ý định thành lập Green Star để có nhiều học trò nhỏ được dạy cách viết đúng, viết đẹp, từ đó thêm yêu và tự tin hơn về nét chữ của mình. Chính vì vậy, Hoa tham gia làm cộng tác viên giảng dạy tại một số trung tâm luyện viết chữ đẹp của thành phố Lai Châu để học hỏi mô hình hoạt động, cách thức quản lý của các cơ sở này. Vậy là mỗi ngày, sau khi hết giờ làm, ăn vội bữa cơm trưa, Hoa lại vượt 30 km đường hiểm trở ra thành phố, nuôi dưỡng ước mơ tạo dựng một Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục cho riêng mình.

"Hơn 4 năm gắn bó với Phong Thổ, ổn định cuộc sống gia đình cùng một đồng nghiệp và có con trai đầu lòng ngoan ngoãn, được đồng nghiệp, phụ huynh và học trò tin yêu, em đã nghĩ về việc lập nghiệp ổn định tại vùng biên giới còn nhiều khó khăn này. Tuy nhiên vì biến cố gia đình, hai vợ chồng quyết định trở về quê hương Hòa Bình. May mắn là chúng em tiếp tục được theo nghề. Nhận thấy nhu cầu luyện viết chữ đẹp rất lớn, trong khi đó, trên địa bàn hầu như chưa có trung tâm hoạt động về lĩnh vực này một cách bài bản, em quyết định tạo dựng Green Star”- Hoa chia sẻ. Hoa bàn với chồng thế chấp căn nhà nhỏ vừa mua để mở Trung tâm. Song ngay lập tức, ý định này bị cả gia đình phản đối. Bởi đầu tư vào giáo dục là lĩnh vực cần nhiều vốn, thủ tục pháp lý, địa điểm, kinh nghiệm điều hành và chuyên môn, sự hỗ trợ liên kết của các đầu mối… Tuy nhiên bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại các mô hình trung tâm tương tự đã giúp Hoa tự tin thuyết phục và nhận được sự ủng hộ từ mọi thành viên trong gia đình.

Đến "sự nghiệp... hạnh phúc”

Để chuẩn bị cho quá trình thành lập Trung tâm, ban đầu, Hoa mở lớp luyện viết chữ tại nhà. Cô dành thời gian viết nhiều giáo án, xây dựng các khóa học từ cơ bản đến nâng cao. Thời gian đầu, lớp chỉ có khoảng 10 học sinh, sau đó đông dần lên. Người này giới thiệu cho người kia, có thời điểm, Hoa phải từ chối không ít phụ huynh học sinh vì không còn chỗ ngồi. "Giáo dục là một dạng kinh doanh nhưng là kinh doanh đặc biệt, trong đó, chất lượng cuối cùng của sản phẩm là cách quảng cáo thương hiệu tốt nhất. Do vậy, em luôn chú trọng vào việc xây dựng bài giảng để đạt hiệu quả cao nhất”, Hoa bộc bạch. Sau 1 năm vừa giảng dạy, đánh giá, thử nghiệm, Hoa đã xây dựng được chương trình đào tạo bài bản, phù hợp từng lứa tuổi học sinh.

Cho rằng, bài toán nhân sự là yếu tố then chốt, chính vì thế đây là việc Hoa chú trọng và quan tâm hàng đầu khi chuẩn bị xây dựng Trung tâm. Với kết quả nổi bật về các bài thi thực hành, 5 hồ sơ xuất sắc nhất trong hàng chục hồ sơ gửi về Trung tâm đã được cô lựa chọn. Năm 2017, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu và ngoại ngữ quốc tế Green Star chính thức khai trương với 4 môn học chính: luyện viết chữ đẹp, toán tư duy, tiếng Anh và nhảy zumba, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của học sinh hiện nay.

Sau cơ sở chính tại phường Chăm Mát, để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, Hoa mở tiếp 2 cơ sở tại phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) và thị trấn Cao Phong (Cao Phong). Qua 1 năm hoạt động, với 5 giáo viên chính thức và 6 cộng tác viên là những giáo viên có thành tích cao cấp thành phố 2 năm liên tục, Trung tâm đã đào tạo 500 lượt học viên, trong đó có 40 lượt là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp trên địa bàn. Nhiều học sinh của Trung tâm đã có sự tiến bộ vượt bậc trong viết chữ và học tập tại trường học, trong đó có 17 em đạt giải viết chữ đẹp cấp thành phố, nhiều em đạt giải nhất, nhì.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm kinh doanh, Hoa cho rằng, muốn thành công trước hết phải có kiến thức và sự tâm huyết thực sự, đồng thời cũng phải có chiến lược kinh doanh riêng để phù hợp với từng ngành nghề mình theo đuổi. Riêng với lĩnh vực giáo dục, thước đo đánh giá hiệu quả kinh doanh chính là chất lượng đào tạo: "Dù có xây dựng trung tâm hào nhoáng, các thiết bị hiện đại đến đâu nếu không có đội ngũ giáo viên chất lượng và phương pháp dạy độc đáo, hiệu quả thì chắc chắn sẽ không thể thu hút được học viên theo học…”, Hoa cho biết.

 

Hải Yến

Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục