Chị Hà Thị Hạnh, Trưởng xóm Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc) giới thiệu với lãnh đạo xã Địch Giáo về mô hình trồng cây Sachi.
"Duyên” tình cờ với cây Sachi
Chị Hạnh sinh năm 1983, trước kia từng làm cộng tác viên dân số, chi hội trưởng phụ nữ xóm và hiện là đại biểu HĐND xã. Năm 2015, chị Hạnh được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Chị luôn trăn trở, với diện tích đất nông nghiệp ít ỏi, làm gì để bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trước đây cũng có một số mô hình triển khai xuống xóm như khoai tây, ngô ngọt, người dân được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật. Tuy nhiên, tất cả các mô hình chỉ dừng lại ở bước thí điểm, không thể nhân rộng vì đầu ra sản phẩm không có.
Kể về cái "duyên” đến với cây Sachi, chị Hạnh cho biết, tình cờ một hôm lên xã họp HĐND, thấy Công ty CP Inca Việt Nam về triển khai mô hình. Chị đã gặp trực tiếp Phó Giám đốc Công ty để trao đổi về mô hình. Để chắc chắn, chị đã đi thăm mô hình thực tế ở xã Phú Vinh. Qua nghiên cứu, chị thấy mô hình này có thể triển khai phù hợp ở xóm. Tuy vậy, để triển khai mô hình ở xóm không phải là dễ. Trước thất bại của các mô hình trước, hơn nữa tham gia mô hình trồng Sachi người dân phải đầu tư toàn bộ giống, vốn, làm giàn, Công ty chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, chưa kể công làm, phân bón, mỗi cây giống có giá 25.000 đồng, cả vật tư làm giàn trên diện tích thí điểm phải đầu tư tới cả trăm triệu đồng.
Để vận động bà con tham gia mô hình, chị Hạnh dùng cả uy tín của mình để đảm bảo và "không phải lo đầu ra cho sản phẩm” là mấu chốt khuyến khích các hộ tham gia. Chị Hạnh đi đầu đưa 1.000 m2 đất màu của gia đình vào trồng. Cả xóm đã có 14 hộ tham gia trồng cây Sachi thí điểm trên diện tích 1,2 ha. Mô hình bắt đầu triển khai từ tháng 4/2017. Trong quá trình thực hiện, chị Hạnh như "ngồi trên đống lửa”. Vì thực tế, năm đầu tiên chỉ cho thu hoạch quả. Phải mất tới 10 tháng cây Sachi mới cho thu quả là từng ấy ngày tháng chị chịu áp lực từ bà con. Ngày nào cũng có người đến hỏi "Đến bao giờ công ty mới đến mua?”, "Sao không thấy công ty đến mua?”, "Hay là công ty lừa?”… Chị Hạnh mất ăn, mất ngủ, phải kiên trì giải thích với bà con. Hàng ngày, chị đều trao đổi thông tin và gửi hình ảnh qua zalo cho Công ty.
Với sự kiên trì không ngừng nghỉ của chị Hạnh, ngày hái "quả ngọt” đã đến. Công ty CP Inca Việt Nam cử cán bộ xuống tận nơi thu mua sản phẩm cho bà con. Qua hạch toán ban đầu, bình quân 1.000 m2 cho thu hoạch 1- 1,3 tạ quả. Mỗi ha cho thu trên 1 tấn quả vì xóm chưa có máy tách hạt. Mỗi ha cho thu nhập trên 120 triệu đồng.
Mong muốn nhân rộng mô hình ở vùng quê nghèo
Theo chị Hạnh, qua thử nghiệm, cây Sachi phù hợp với đồng đất của xóm. Trồng Sachi không khó, chỉ cần chăm sóc tốt là cây cho nhiều quả, lá xanh tốt. Sachi được coi là loại cây đa công dụng. Các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, đều được sử dụng để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Hiện nay, cây Sachi của xóm đã được Công ty về thu mua 2 lần. Thống kê của các hộ tham gia cho thấy, trồng cây Sachi cho thu nhập cao hơn từ 2- 3 lần trồng ngô. Qua hiệu quả thực tế từ mô hình thí điểm đã có nhiều hộ trong xóm đăng ký tham gia. Năm nay, Phòng NN&PTNT huyện đã hỗ trợ giống, phân bón, vật tư mở rộng thêm 2 ha cây Sachi trên địa bàn xóm.
Từ thành công ban đầu của cây Sachi trên đồng đất xóm Khạng, nhiều tổ chức, cá nhân ở các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Hà Giang và nhiều huyện trong tỉnh đã tìm đến tận nơi mục sở thị và học tập cách thức trồng, chăm sóc cây Sachi. Theo chị Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP Inca Việt Nam, hiện nay, các sản phẩm từ cây Sachi luôn thiếu hàng để bán. Công ty mong muốn các cấp, ngành và các địa phương nhân rộng mô hình mới có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngoài việc cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, Công ty nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 10.000 đồng/kg lá tươi và 40.000 đồng/kg lá khô, 30.000 đồng/kg quả khô và 50.000 đồng/kg hạt.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã về thăm, đánh giá cao mô hình trồng cây Sachi trên địa bàn tỉnh nói chung và xóm Khạng nói riêng. Đây là căn cứ và nguồn động viên để trưởng xóm Hà Thị Hạnh và bà con nơi đây yên tâm tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây Sachi. Từ đó góp phần giúp nông dân giảm nghèo bền vững và tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Hương Lan