Sinh ra và lớn lên tại vùng quê thanh bình, cũng như bao lứa tuổi học trò, chị Miền được cắp sách đến trường cùng bạn bè. Không may vào cuối năm 1990, lúc đó chị mới 12 tuổi, tai họa ập đến. Chị Miền nhớ lại: Khi đang đuổi trâu của gia đình, tôi băng qua đường thì không may chiếc xe tải lao tới, cán qua đôi chân. Tôi được cấp cứu tại bệnh viện huyện, sau vài ngày chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, các bác sĩ kết luận 2 chân gãy dập nát và bị nhiễm trùng nên không thể chữa và được chỉ định tháo khớp 2 đầu gối để giữ tính mạng. Vụ tai nạn đó đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của tôi, dập tắt bao ước mơ, hoài bão. Qua 5 tháng điều trị, tôi được xuất viện. Lúc ấy tôi buồn lắm vì nghĩ sẽ là gánh nặng cho gia đình, tôi chỉ muốn chết để bố mẹ khỏi vất vả. Sau những tháng ngày đau khổ, tự ti vì bản thân, được sự an ủi, động viên của gia đình và bạn bè, tôi đã lấy lại được niềm tin yêu vào cuộc sống.
Chị Bùi Thị Miền (bên phải) kiểm tra sản phẩm trước khi giao hàng.
Năm 2001, qua chiếc radio của gia đình mà chị Miền thường nghe, chị đã định hướng được cho mình sẽ chọn công việc gì để làm. Lúc đó, chị viết thư gửi Giám đốc Trung tâm học nghề dành cho người khuyết tật tại tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Sau một tuần chờ đợi, chị nhận được thư hồi âm và Giám đốc đồng ý giúp chị học nghề may. Tại đây, chị chứng kiến những người bạn cùng cảnh ngộ nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời. Thấy họ miệt mài vượt qua nỗi đau, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống đã tiếp thêm cho chị sinh lực.
Thời gian đầu vào học, chị gặp vô vàn khó khăn, bởi mất đi đôi chân nên việc tập gạt gối, đạp bàn ga bằng đùi cũng phải mất nửa tháng mới thạo dần. Nhiều lúc ham học, mỏm đùi đỏ ửng, rơm rơm máu mà không hay biết. Chị chỉ nghĩ sẽ làm được, không là gánh nặng cho gia đình. Với sự chỉ bảo, giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị tại Trung tâm học nghề, sau 6 tháng, chị đã ra nghề và được trả tiền công theo sản phẩm. Cầm những đồng tiền đầu tiên trên tay do mình làm ra mà chị rưng rưng xúc động.
Sau 2 năm làm nghề may tại Trung tâm, chị xin chuyển ra ngoài và thử sức làm cho các công ty và nhà xưởng. Tại những nơi này, chị Miền đã trau dồi thêm kinh nghiệm và kỹ năng trong nghề may, giúp nâng cao tay nghề hơn nữa. Với bản tính cần cù, vui tính và luôn hòa đồng với mọi người nên chị được mọi người quý mến.
Với 8 năm vừa học, vừa làm, chị đã tích lũy được một số vốn và mong muốn về quê mở một xưởng nhỏ tại nhà để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên. Đầu tháng 3/2018, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương cho thuê lại nhà văn hóa xóm Chanh với giá 100.000 đồng/tháng, chị Miền đầu tư 7 máy khâu, 2 máy vắt sổ với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Tuy mới hoạt động nhưng xưởng may có nhiều đơn đặt hàng, mặt hàng chủ yếu là may quần áo đồng phục. Hiện tại, xưởng của chị có 8 thợ may với mức lương trả khoán theo sản phẩm từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị Miền còn dạy nghề miễn phí cho chị em có nhu cầu. Đến nay, chị đã dạy cho trên 10 lượt người…
Một người lành lặn, để thành công một nghề nào đó đã khó, với người khuyết tật như chị Miền lại càng gian truân gấp bội. Nhìn chị say mê, khéo léo trong từng đường may, tỉ mỉ trong từng chi tiết để làm ra những sản phẩm đẹp mắt, vừa vặn đã minh chứng được rằng, dù là khuyết tật nhưng nếu có ý chí và nghị lực thì việc gì cũng làm được. Nguyện vọng của chị Miền trong những năm tới sẽ tìm được nhiều mối hàng từ các nhà xưởng, các công ty tư nhân để liên kết đưa hàng về nhiều nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các chị em.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chị đã được giấy khen của Hội LHPN huyện Kim Bôi. Đây là sự ghi nhận và là nguồn động viên để chị Bùi Thị Miền tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.
Đình Thủy
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)