(HBĐT) - Di chuyển địa điểm, đầu tư quy mô, bài bản hơn và có nhiều nét khác biệt của nhà hàng Gia Hân trên phố ẩm thực dọc tuyến đê Đà Giang, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) là bước ngặt khẳng định sự trưởng thành cả về tiềm lực kinh tế, sự mạnh dạn, quyết đoán và nhạy bén để tận dụng có hiệu quả những yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của Nguyễn Trọng Tấn.

Nguyễn Trọng Tấn luôn sâu sát với mọi công đoạn của nhà hàng để làm hài lòng nhu cầu thực khách.

Diện tích địa điểm mới của nhà hàng Gia Hân rộng 1.100 m2, có tầm nhìn thoáng đãng bên dòng sông Đà thơ mộng. Sự khác biệt về kiến trúc với cách bài trí theo phong cách mộc, không gian mở với nhiều cây xanh và hàng trăm giỏ phong lan của núi rừng Tây Bắc khiến mọi người đến nhà hàng có cảm giác dân dã, gần gũi và được hưởng không khí trong lành, mát mẻ như đến nhà vườn. Đặc biệt, nhà hàng còn có 4 phòng ăn riêng biệt được xây dựng ở tầng hầm, những phòng ăn này dành cho những thực khách không thích va chạm, cần bàn việc riêng tư, vừa ăn vừa bàn công việc... Để đảm bảo tiến độ đầu tư, Tấn đã thực hiện hiệu quả phương châm "lấy ngắn, nuôi dài” bằng cách tiếp tục phát huy hiệu quả kinh doanh ở nhà hàng cũ trên đường Trần Hưng Đạo. Mặt khác, sau 3 năm lặn lộn trên thương trường, Tấn đã tạo dựng và giữ vững được uy tín nên việc huy động vốn hoàn toàn thuận lợi.

Với tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, tháng 2/2017, nhà hàng Gia Hân chính thức đi vào vận hành. Ngoài món cá hồi truyền thống, Tấn còn thêm món cá hồi Na Uy nhập khẩu, cá sông Đà và vịt cổ xanh. Quy mô lớn hơn, số lượng khách cũng nhiều hơn, để đảm bảo phục vụ chu đáo, đội ngũ tiếp viên của nhà hàng được Tấn trực tiếp lựa chọn và bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng người. Từ năm 2017 đến nay, 22 nhân viên luôn gắn bó, tận tụy với công việc và coi nhà hàng như mái ấm thứ hai của mình.

Không bằng lòng với những thành quả đã đạt được, hơn nữa lại sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở vùng đất Hòa Bình, Tấn luôn ấp ủ ước vọng đưa ẩm thực vươn tới tầm cao mới gắn với những tinh hoa của xứ Mường Hòa Bình. Ý tưởng đó đã trở thành hiện thực với sự ra đời của nhà hàng Bếp Mường Đà Giang bên bờ sông Đà.

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà hàng mới, Tấn chia sẻ: Sinh ra và lớn lên, gắn bó cuộc sống với xứ Mường, đặc biệt là từ những chuyến đi về thôn, bản, được tận mắt chứng kiến cách chế biến và thưởng thức những món vừa lạ, vừa quen mới cảm nhận được món ăn của người Mường rất đa dạng, cách chế biến món ăn rất kỹ lưỡng và khá cầu kỳ, đa số các món ăn đều phù hợp với nhiều lứa tuổi. Trong thời điểm cả nước thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và lên án, tẩy chay thực phẩm bẩn thì ấn tượng hơn cả là nguyên liệu chế biến của người Mường đều là thực phẩm sạch như các loại rau sắng, đốm, bò khai, đu đủ, hoa chuối, cây chuối, gia vị hạt dổi, măng chua, các loại lá rừng, cá sông, suối, lợn, gà bản địa... Hơn nữa, chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, đặc biệt từ đam mê và tư duy về kinh doanh: "lớp trẻ làm sau nếu làm giống người khác sẽ gặp nhiều rủi ro, thậm chí là thất bại” nên em đã quyết định mở nhà hàng Bếp Mường Đà Giang gắn liền với bản sắc văn hóa của người Mường.

Nhìn bề ngoài, nhà hàng Bếp Mường Đà Giang cũng giống như nhiều nhà hàng khác, nhưng khi đặt chân đến mỗi tầng và từng phòng trong nhà hàng mọi người đều có chung cảm nhận đây là một bảo tàng Mường thu nhỏ. Tấn đã dày công sưu tầm và trưng bày khoa học nhiều hiện vật, dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ..., từ phòng ăn lớn đến phòng ăn nhỏ đều có những bức ảnh ghi lại cuộc sống và những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mường. Dụng cụ bày đồ ăn cũng thể hiện sự khác biệt, ống đũa và gạt tàn thuốc lá được làm bằng thân cây bương; gáo múc rượu được làm bằng thân cây nứa, rau sống đựng trong "ớp” đan bằng mây, xôi và thức ăn được bầy trong mẹt nhỏ lót lá chuối. Các món ăn chủ yếu là cỗ lá, thịt trâu nấu lá lồm, cá nấu rau sắn chua, gà nấu măng mua, cá gói lá dong, lá chuối đồ, sườn nướng quấn lá bưởi, cá nướng, ốc núi, cá suối chiên ròn, cá thịt kho trám; rượu được ngâm bằng sản phẩm của núi rừng như chuối hột, táo mèo, đinh lăng... Để hài lòng thực khách, không chỉ phải có các món ăn vừa ngon, vừa lạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý mà còn phải có đội ngũ nhân viên nhanh nhẹn, lễ phép, am hiểu văn hóa dân tộc. Vì vậy, Tấn là người trực tiếp tuyển chọn, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng và trang bị trang phục dân tộc cho 30 nhân viên phục vụ. Đồng thời, trực tiếp kết nối các đầu mối cung cấp thực phẩm để đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và mục tiêu hàng đầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để chủ động về nguồn thực phẩm, đảm bảo thực phẩm sạch, Tấn đang dự kiến thuê 2.000 m2đất ở vùng ven thành phố để đào ao thả cá, nuôi vịt cổ xanh, nuôi lợn, gà bản địa và trồng các loại rau rừng.

Anh Tô Thanh Bình, một thực khách ở Hà Nội đã nhiều lần đến nhà hàng Bếp Mường Đà Giang đánh giá: Tôi rất ấn tượng với kiến trúc và cách bài trí của nhà hàng. Đến nhà hàng nhưng cảm thấy gần gũi như đến làng, đến bản. Món ăn ở đây khá lạ và ngon, rất thú vị khi tiếp viên là những chàng trai, cô gái luôn tươi tắn trong trang phục dân tộc.

Cùng với kinh doanh ẩm thực, Tấn còn là người đam mê đồ gỗ mỹ nghệ. Trong khuôn viên cả 2 nhà hàng hiện đang được trưng bày những bức tranh gỗ khá ấn tượng như bàn bể cá, tái hiện trống đồng cổ, tranh uyên ương, tứ quý. Nhận thấy nhu cầu của khách hàng về lĩnh vực này khá tiềm năng, Tấn định hướng mở thêm một xưởng gỗ đục tranh công nghệ cao để vừa kinh doanh, vừa thỏa mãn đam mê của mình.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, 34 tuổi đã trở thành chủ nhân của 2 nhà hàng khá lớn ở thành phố Hòa Bình, với hơn 50 nhân viên có mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, Nguyễn Trọng Tấn đã thực sự đứng vững trên thương trường, hệ thống nhà hàng của anh luôn thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, hiện, Tấn là thành viên Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hòa Bình. Cùng với những nỗ lực trong kinh doanh, Nguyễn Trọng Tấn còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, năm 2017, Tấn được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em tỉnh tặng "Giấy chứng nhận tấm lòng vàng”.

                                                                                                              Đức Phượng 

 

 


Các tin khác


Hà Văn Quỳnh - đứng dậy từ những thất bại

(HBĐT) - Liên kết với các HTX sản xuất rau an toàn trong tỉnh và tỉnh Sơn La; ký kết hợp đồng tiêu thụ rau, củ, quả các loại với nhiều cửa hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và TP Hà Nội; lúc cao điểm có ngày cung cấp cho thị trường 7 - 8 tấn sản phẩm; giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở xã đặc biệt khó khăn. Để có được thành công thuyết phục này, ít ai biết được Hà Văn Quỳnh - Giám đốc HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Tam Hòa, xã Tân Sơn (Mai Châu) từng có thời điểm "ngậm đắng nuốt cay” trên bước đường khởi nghiệp.

Cô chủ 9x thành công với chuỗi cửa hàng Spa

(HBĐT) - Xinh đẹp, tài giỏi, nhiệt huyết với công việc, đó là những gì mà giới trẻ ở TP. Hòa Bình nói về bạn Nguyễn Thị Hoàng Yến, giám đốc công ty TNHH thảo mộc Y.M (phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình). Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng cô chủ 9x này đã khiến không ít người ghen tị bởi thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng từ chuỗi cửa hàng Spa và mỹ phẩm với quy mô khắp cả nước.

Thành công từ mô hình nuôi gà thả vườn

(HBĐT) - Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, chị Bùi Thị Thủy, xóm Trung, xã Bình Cảng (Lạc Sơn) đã mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được thành công trên chính mảnh đất vốn cằn cỗi, trở thành tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, huyện.

Xây dựng thương hiệu nấm linh chi Hòa Bình

(HBĐT) - Trồng nấm linh chi đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với những loại nấm thông thường khác. Để có được nấm linh chi sạch, không hóa chất, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã liên kết với các nhà khoa học để có được những hỗ trợ thiết thực trong sản xuất và liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu nấm linh chi Hòa Bình.

Nông trại Orfarm "3 Không" trên đất Lạc Thủy

(HBĐT) - Từng gặp vấn đề khá nghiêm trọng về sức khỏe liên quan đến thực phẩm, chị Bùi Bích Liên ở tổ dân phố Đình 2, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã trăn trở rất nhiều trước khi tìm hiểu, quyết định chọn Hòa Bình là điểm xây dựng nông trại Orfarm Thủy Thiên Nhu (mô hình trang trại sạch nhất Việt Nam).

Giám đốc 8X đột phá trong công nghệ chế biến cam quả

(HBĐT) - Đến thời điểm này, có thể khẳng định ở cả 2 miền Bắc, Nam vẫn chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào thực hiện chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ cam ngoài HTX Hà Phong tại khu I, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong. Anh Lê Văn Cương (SN 1981), Giám đốc HTX là người đã mạnh dạn, tiên phong chuyển giao công nghệ, cho ra đời những sản phẩm mới. Sản phẩm đang thu được tín hiệu tốt từ thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục