(HBĐT) - “... Một người đàn ông tuấn tú, tháo vát, vừa lo việc mưu sinh, kiếm sống, vừa đảm nhận công việc nội trợ lại kiêm luôn cả vai trò của một bảo mẫu cho người vợ nằm liệt, hoàn toàn không làm được việc gì trong suốt 20 năm. Chỉ nghe kể thôi, hẳn bạn khó có thể tin lại có một người đàn ông như thế trong cuộc đời...”.

 

Vừa mới  mở lời, còn chưa kịp giới thiệu về mình, người đàn bà ngồi trên chiếc xe lăn đã vội xua tay. Chị có ý đuổi tôi đi như thể xua những điều phiền toái đang đặt chân vào cửa nhà mình. Vừa chào chị, tôi vừa cố tình bước vào căn nhà nhỏ, gắng hình dung những gì đang diễn ra trong tâm trạng con người ấy. Mặc cảm, tự ti chắc không nhiều bằng thái độ muốn xua đuổi, chốn tránh sự thương hại nào đó từ phía người khách lạ đang bước vào nhà mình?  

20 nằm trên chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân phải cậy nhờ vào chồng. Những cuộc gặp gỡ với người nọ, người kia trong suốt hai mươi năm lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như thế đủ để khiến người đàn bà ấy hình dung, mường tượng về sự thương hại của bất cứ người nào đó là khách lạ đến nhà mình. Có lẽ là như vậy. Chị nhìn tôi - cái con người đang bị chủ nhà xua đi mà vẫn có tình bước vào, ánh mắt không lộ chút thiện chí nào.  

Về sau, chị mới tâm sự: Mình rơi vào hoàn cảnh này chẳng nghĩ gì to tát, cứ nghĩ sống là phải sống thôi, mình cũng chẳng xin bố thí từ ai, vậy nhưng mình vẫn phải nhận về những ánh mắt cảm thông thì ít mà tò mò, soi mói, giễu cợt và thương hại thì nhiều.  

Nghe chị nói, tôi chỉ biết yên lặng. Người đàn bà ấy ngày nào cũng ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn ra nơi ngã tư ồn ào, bụi bặm và có lẽ sẽ như thế mãi cho đến cuối đời. Chị bảo chị là người đơn giản, chẳng thích nghĩ ngợi nhiều và nhất là không thích ai đó thương hại mình. Chị cũng chẳng có nghị lực gì cả, chỉ nghĩ sống là sống thôi, còn nếu nói đến nghị lực thì phải kể đến chồng chị. Nói có bấy nhiêu rồi yên lặng, ánh mắt hướng ra phía cửa. Không biết đã bao nhiêu tiếng đồng hồ trong quãng thời gian hai mươi năm, chị ngồi nhìn ra con phố đông người như thế. Con trai đi học xa nhà, chỉ có hai vợ chồng ở nhà, mọi việc,từ vặt vãnh đến to tát, anh đều phải giúp chị.  

Biết đến cuộc sống của anh chị trước đây và ngay cả hiện thời, hết thảy mọi người đều cảm thấy nể phục và tôn trọng. Đàn ông như anh,trên đời đâu dễ kiếm!

Sinh năm 1964, chị Đặng Thị Kim Lan - một lao động tự do, kết hôn với anh  Hoàng Trung Khánh, công nhân lái xe thuộc đội 500 xe của Tổng Công ty xây dựng Sông Đà từ năm 1988. Lấy nhau được 3 tháng thì anh Khánh đi xuất khẩu lao động tại Iraq.Khi ấy, hai người chưa có con. Chồng đi vắng xa, chị Lan ở nhà , sinh sống bằng nghề làm miến dong và tết chổi chít. Đầu năm 1990, chị không may mắc phải căn bệnh viêm đa khớp. Thời kỳ đầu phát bệnh, dù vận động khó khăn nhưng chị vẫn có thể đi lại được và làm mọi công việc.  

Cho đến cuối năm 1990, khi anh Khánh trở về thì bệnh tật của chị đã nặng hơn rất nhiều. Xuất khẩu lao động về trước thời hạn do nước bạn có chiến tranh nên tài sản anh Khánh mang về cũng chẳng có gì đáng kể. Thêm vào đó, cơ quan cũ lại hết công trình, công nhân không có việc. Anh Khánh thuộc diện phải về nghỉ 176. Cuộc sống vất vả, kinh tế eo hẹp nhưng anh vẫn cố gắng vay mượn bạn bè, gia đình nội, ngoại để chạy chữa, thuốc men, chữa bệnh cho vợ. Nằm bệnh viện, được chứng kiến các ca mổ khớp hầu hết đều thành công, chị Lan quyết định đăng ký mổ để có thể có cơ hội đi lại bình thường như cũ. Nhưng rủi ro lại đến với chị. Sau ca mổ, chị Lan vĩnh viễn không còn có thể đi lại bằng đôi chân của mình được nữa. Không những thế, phong khớp lan chạy trong cơ thể khiến cả hai tay chị cũng co quắp lại, hầu như không làm được việc gì, ngoài  việc cầm nắm những đồ vật  nhỏ. Vợ ốm, nằm liệt một chỗ mà không phải ngày một, ngày hai mà là gắn với chiếc xe lăn cả cuộc đời còn lại. Bản thân anh lại không có việc làm. Hai con người thất nghiệp, một lại đau ốm hiểm nghèo. Cảnh sống khó khăn ấy khiến bất kể ai nghĩ đến cũng phải lắc đầu e ngại.  

Nhưng người đàn ông ấy đã không bỏ vợ trong cơn hoạn nạn, không đầu hàng trước những khó khăn, túng quẫn. Để kiếm sống, anh Khánh dựng biển thu mua phế liệu tại nhà. Như vậy có thể vừa làm, vừa giúp đỡ vợ trong sinh hoạt thường nhật.  

Một người đàn ông tuấn tú, tháo vát,vừa lo việc mưu sinh, kiếm sống, vừa đảm nhận công việc nội trợ, lại kiêm luôn cả vai trò của một bảo mẫu cho người vợ nằm liệt, hoàn toàn không làm được việc gì trong suốt hai mươi năm.Chỉ nghe kể thôi, hẳn bạn khó có thể tin lại có một người đàn ông như thế trong cuộc đời.

Trong suốt năm năm trời ròng rã vừa mưu sinh kiếm ăn, vừa lo việc chạy chữa cho vợ khắp nơi, mọi chốn, người đàn ông ấy tựa hồ như không biết đến mệt mỏi. Năm năm chữa trị mà bệnh tật không thuyên giảm, anh quyết định động viên vợ sinh con. Hơn ai hết, anh hiểu giờ mà hai người có con, mọi công việc, khó khăn dù có người giúp đỡ vẫn sẽ dồn cả lên anh. Nhưng hạnh phúc gia đình chỉ có được trọn vẹn khi có con trẻ. Không lý do gì hai con người chung sống nghĩa tình trong cơn khó khăn ấy lại không được hưởng niềm hạnh phúc bình dị như bao gia đình khác? Họ quyết định sinh con.  

Chị bảo: ông trời chẳng lấy đi của ai hết cả điều gì. Chị và anh sinh con, nội, ngoại hai bên xúm vào đỡ đần thằng cu lại rất ngoan. Buổi sáng, anh dậy đi cân sắt thép, phế liệu từ lúc 3h sáng, không quên pha một bình sữa cho con. Thằng cu ở với chị từ đấy cho đến 9, 10h, bố về. Cả buổi, nó lổm ngổm trên giường, không la khóc, đòi quấy gì. Nó lê la trên giường với tôi, đến trưa bố về nấu cơm cho hai mẹ con. Cũng có hôm bà nội, bà ngoại rồi chị gái tôi giúp nhưng chủ yếu vẫn là bố nó cáng đáng tất cả mọi việc.  

Giọng chị trầm hẳn xuống khi nói đến chồng.  

“Nói trộm vía thằng cu, bây giờ 17 tuổi, đi học xa nhà, không ở cùng bố mẹ nhưng so với đám trẻ cùng trang lứa nó vẫn là đứa dễ bảo lại ham học. Điểm toán của nó toàn là 9 với 10 đấy!”  

Nói về con, ánh mắt chị ngời lên những tia hạnh phúc.  

Nghe người nọ, người kia kể về câu chuyện của hai vợ chồng chị, giờ lại nghe chính chị tâm sự nhưng quả tình tôi vẫn không lý giải được vì sao người đàn ông ấy có thể vượt qua được những khó khăn mà thật hiếm người, nhất lai là đàn ông có thể vượt qua được.

Chồng thu mua đồng nát, công việc không thể nói là ổn định. Con lớn, đến tuổi đi học, nhu cầu cuộc sống phát sinh. Không đi được thì chớ,hai bàn tay chị cũng lại co quắp lại, chẳng đan lát, thêu thùa hay làm chổi chít như trước. Nghĩ mãi, chị bàn với chồng cho mở cửa hiệu ký gửi, cầm đồ ngay tại nhà. Công việc không phải động tay, động chân nhiều như thế là phù hợp với chị nhất. Chị nghĩ công việc nào cũng là công việc, miễn là mình làm ăn chân chính, không ăn trộm, ăn cắp của ai là được. Chị trần tình  với tôi, nôm na, dông dài và hết sức chân thật như thế. Mở cửa hiệu cầm đồ là chị Lan có công việc chính đáng để kiếm sống và đỡ đôi phần khó khăn cho chồng. Như vậy thôi, cuộc sống của tôi còn thua kém nhiều người, nghị lực sống cũng chẳng bằng ai làm sao là tấm gương gì được. Bị bó chặt vào cái xe lăn, không tìm cách sống thì không nhẽ lại chết quách đi.

 

Tôi ấp úng mãi mà không tiện nói ra ý nghĩ trong đầu mình khi tiếp chuyện với anh Khánh rằng tại sao trong hoàn cảnh khó khăn và tình trạng bệnh tật của vợ không phương cứu chưa, trong khi hai người còn chưa có con, anh lại không bỏ chị mà lại quyết định sinh con .Vì ngay cả khi anh làm như thế cũng chẳng ai có thể trách anh được?

 

Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, anh Khánh cười rất hiền: Nhà tôi bị thế thôi nhưng đầu óc cô ấy minh mẫn lắm mà tại sao chúng tôi lại không thể có con? Chúng tôi cũng  chỉ là những con người lao động bình thường, nghĩ điều gì cũng đơn giản như thế và cứ sống theo nó. Hai vợ chồng, người nọ dựa vào người kia.

 

Anh nhất định không cho tôi chụp một bức hình nào của mình, anh bảo:

 

Tôi sống với nhà tôi và giúp đỡ cô ấy trong khó khăn, hoạn nạn, điều đó thật bình thường chứ có phải là kỳ tích gì đâu. Giờ con trai chúng tôi đã được mười bảy tuổi, thời kỳ khó khăn nhất như vậy là cũng đã đi qua. Tôi sống với cô ấy không bao giờ là vì sự thương hại. Giờ cuộc sống bớt cơ cực rồi, con trai đã lớn lại ngoan. Như thế là hạnh phúc, phải không cô? 

Vâng, như thế là hạnh phúc trọn vẹn. Những con người đã cùng nhau vượt qua những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được để sống, tạo dựng và xây đắp hạnh phúc, cùng nhau đi đến những mùa xuân.

 

                                             Nguyễn Hồng Nhung

                (Số 1, ngõ 116,  đường An Dương Vương - TPHB)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Chuyện đời thường: Tấm lòng đứa con nghèo

(HBĐT) - Anh Thuận là người con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Hai anh trai đầu được ăn học tử tế, nay đang công tác các cơ quan trên thành phố. Anh nào cũng nhà cao, cửa rộng, tiện nghi đầy đủ. Còn anh, lớn lên, bố mất anh phải nghỉ học rồi đi bộ đội, những năm tháng ở trong quân ngũ được rèn luyện ý chí, kỷ luật và tình yêu thương. Xuất ngũ về quê, anh lấy vợ ở nhà làm ruộng, trồng rừng, làm nương nuôi mẹ già. Thỉnh thoảng các anh cũng có đồng quà, tấm bánh và hỗ trợ ít tiền để anh phụng dưỡng mẹ.

Tình hàng xóm

(HBĐT) - Buổi trưa hôm ấy, vừa ngủ dậy đang ngồi ở bàn uống nước thì bà Hán le te chạy sang. Bà Mai thầm nghĩ: chắc là có chuyện với cô con dâu đây. Nâng cốc nước mát từ tay bà Mai, bà Hán uống một hơi rồi tông tốc:

Trẻ cậy cha, già chưa được cậy con

(HBĐT) - 8 năm nay, sáng nào cũng vậy, khi chiếc loa công cộng phát chương trình thể dục buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cụ ông, cụ bà đã ngồi trên giường tập dưỡng sinh xoa bóp bài “Cốc đại phong” để làm cho tinh thần sảng khoái, mạch máu lưu thông rồi hai cụ mới đi bộ. Sáng nay, cụ bà vào buồng lấy cai ô rộng vành màu đen và chiếc mũ phớt đưa chọ cụ ông và bảo:

Tình Sẻo May

(HBĐT) - Sẻo May đếm ngón tay, đếm trong bụng. Ngày một ngày hai là chợ phiên. Chợ phiên này, Sẻo May phải xin bố mẹ cho mình đi với con gái bản núi Khău Mang. Sẻo May 17 tuổi hơn rồi sao cứ phải đi theo bố mẹ. Chỉ tại ông trời không cho bố mẹ nhiều con trai, con gái. Bố bảo:

Gió thổi ngày tựu trường

(HBĐT) - Những cô bé sang thu rất đẹp/ áo trắng tung bay trở lại trường/ Gửi vào trời hạ bao thương nhớ...”

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục