(HBĐT) - Bản Coóng của Triệu Sinh tụ về dưới chân núi Pù Canh đã mấy đời. Họ Triệu, họ Bàn, họ Lý đã sinh con đàn, cháu lũ. Những nếp nhà gỗ mái lá san sát, nhà nọ nhìn vào lưng nhà kia. Đứng trên đỉnh dốc Bò Lăn nhìn bản Coóng như một cánh nỏ khổng lồ. Đỉnh Pù Canh cao lắm, bốn mùa sương sớm, mây chiều quấn quanh đỉnh núi. Những ngày hè quang đãng nhìn lên chỉ có một màu xanh sẫm, ngút ngàn. Con suối Mây ầm ào réo suốt đêm ngày. Nước từ núi Pù Canh làm cho con gái người Dao da trắng hồng và mịn như sáp ong. Ngày bé, Triệu Sinh theo bố vào rừng đặt bẫy, bắn chim, đường đi còn nhỏ lắm. Từ ngày có đội khai thác của lâm trường đến, con đường được mở rộng 3-4 m đi sâu vào tận lõi rừng Pù Canh. Những chiếc xe bốn cọc nối đuôi nhau kìn kìn chở gỗ về xuôi. Triệu Sinh nói với bố Phìn:

 

- Người ta sắp rút hết ruột rừng Pù Canh rồi bố à!

Bố Phìn rít xong điếu thuốc, thong thả nhả khói, chậm rãi bảo:

- Những cây chò tao đánh dấu cũng phải thuê người hạ thôi. Mày và thằng Triệu Sáng cũng phải làm nhà ra mà ở!

  Người Dao bản Coóng là thế. Không biết lệ đặt ra từ bao giờ, nhà có bao nhiêu con trai làm dấu bấy nhiêu cây gỗ chò chỉ. Người đi trước chọn cây to gần bản, người đến sau chọn cây ở xa. Bố Phìn cũng đánh dấu được 4 cây chò gốc to đến 3 người như Triệu Sinh nối vòng tay mới kín. Những nếp nhà gỗ theo năm tháng càng nhiều lên, cây trong rừng cứ thưa dần. Ngày bé, Triệu sinh còn thấy đàn khỉ mặt đỏ đu mình trên mấy cây chò, cây sâng đầu bản, đùa chán, chúng túa xuống cướp ngô của mấy nhà gần đấy. Từ ngày Triệu Sinh học xong THPT dưới huyện quay về tuyệt nhiên không nhìn thấy chúng nhởn nhơ. Mấy cây Sâng cao hơn cột cờ ở trường học, tán tỏa rộng hết bãi cỏ giờ chỉ còn chỏng trơ gốc đen xì...

 

Cuộc họp chi đoàn thanh niên bản Coóng tối nay căng thẳng khi nghe Bí thư Triệu Sinh thông báo ý kiến phê bình của Huyện đoàn. Thanh niên bản Coóng không thực hiện đúng cam kết giữ rừng Pù Canh vì để lâm tặc đốn gỗ ngang nhiên, để người dân bản phá rừng làm nương rẫy tràn lan. Tiếng xì xầm ở mọi góc nhà râm ran. Bàn thị Thanh đứng dậy  hỏi:

 

- Người Dao mình sống dựa vào rừng lâu rồi, muốn no cái bụng mà không phá rừng làm nương phải làm gì đây? Cái chân Triệu Sinh đi xa, cái đầu chứa nhiều chữ bảo chúng mình thôi!

- Bản Coóng mình có suối Mây nhiều nước, có nhiều chỗ làm được  ruộng bậc thang cấy lúa như các nơi khác sao mình không dám làm?

- ý kiến Triệu Sinh hay quá, mọi người thích làm theo không?

Triệu Sinh đưa tay vuốt mái tóc xoăn lòa xòa, đôi mắt to và sáng dưới vầng trán cao nhìn mọi người. Giọng nói dứt khoát:

- Mình phải lập một tổ gác rừng. Bên kiểm lâm các anh ấy ủng hộ đấy. Thấy kẻ xấu chặt gỗ phải báo ngay về trạm. Người bản mình phá rừng đốt nương phải gọi trưởng thôn, chi bộ Đảng can thiệp!

 

Lý Thị Hoa đứng lên:

- Bí thư chi đoàn nghĩ ra rồi thì chúng mình theo thôi. Làm cái tốt chắc mọi người đồng ý chứ?

Triệu Sinh đứng dậy thông qua biên bản cuộc họp. Mọi người vỗ tay bôm bốp. Tiếng cười, tiếng nói ríu rít theo chân chàng trai, cô gái trẻ người Dao về các ngõ trong bản. Đã nói là làm, tính người Dao không thích thay đổi. Chi đoàn bản Coóng của Triệu Sinh khai hoang được hơn mẫu ruộng. Người già trong bản mỗi người nói một phách:

- Cái đầu thằng Triệu Sinh có chữ mà ngu. Đất bản mình nhiều phèn, lắm cát, nước buốt, cây lúa nào lên được!

- Bọn trẻ nó thích cái mới kệ chúng. Thằng Triệu Sinh đi nhiều, biết nhiều chắc là nó phải tính chứ!

- Thằng Triệu Sinh còn vẽ chữ lên bảng “Cấm phá rừng làm nương” đóng khắp các lối vào núi Pù Canh đấy. Nó bảo ai không nghe sẽ báo kiểm lâm dưới huyện!

- Nó làm việc nó, mình làm việc mình. Nói nhiều thêm mệt cái đầu!

 Chiều nay, Triệu Sinh đi tìm trâu bị lạc. Đi mải miết  vào tít trong rừng Pù Canh. Thấy tiếng động, Triệu Sinh trèo lên cây định hướng rồi tụt xuống, lần theo tiếng cưa xẻ. Đứng nấp trong cây dâu da, Triệu Sinh thấy trên bãi đất rộng gỗ xẻ để la liệt. Triệu Sinh đi tới, mấy ông thợ xẻ mình trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhãi hốt hoảng. Anh hỏi:

- Ai cho các người lấy trộm gỗ rừng Pù Canh?

ông thợ già nhất gọi Triệu Sinh đến lán, giọng ông nói lí nhí:

- Mày về bản đừng nói gì, chúng tao làm thuê cho người ta thôi!

- Thằng Hải Sẹo à?

 Lão thợ xẻ gật đầu. Triệu Sinh đứng dậy đi xung quanh, lật những đám lá rừng che phủ, đếm được hơn hai trăm tấm gỗ dổi còn vàng tươi. Mắt Triệu sinh vằn lên:

- Các ông về đi, thằng Hải Sẹo làm càn rồi đừng theo nó!

- Tối nay nó lên chở gỗ, nếu biết mày làm lộ nó thù đấy. Mày không sợ à?

- Nó là thằng ăn trộm, nó phải sợ chứ, tôi có ăn trộm đâu mà phải sợ!

Trong người Triệu Sinh hừng hực như có lửa. Trời đã chuyển sang màu tím. Lối đi trong rừng đã sắp mờ trước mắt. Triệu Sinh bỏ tìm trâu, chạy như con hươu bị dồn về bản. Triệu Sinh gọi mấy người bạn, cắt cử người về huyện, người vào canh ở cửa rừng. Gần 4 giờ sáng xe Hải Sẹo chở gỗ ra thì bị thanh niên bản Coóng chặn lại. Tin Hải Sẹo chuyên buôn gỗ bị bắt lan khắp bản Coóng, lan ra tận ngoài xã. Nghe nói nó lấy trộm nhiều gỗ Pù Canh lắm rồi nên Nhà nước phải cho đi cải tạo...

 

Ngày mai, Triệu Sinh về dự hội nghị đoàn viên tiên tiến của Huyện đoàn. Vợ chồng Triệu Sinh vui lắm, rì rầm suốt đêm không ngủ. Khi mở mắt anh thấy mùi xôi thơm phức. Triệu Sinh nói với vợ:

- Tao đi họp chứ có phải đi nương đâu mà mang xôi theo. Cán bộ nó bảo xe chạy, 2-3 giờ là đến thôi!

Nghe chồng nói vậy nhưng vợ vẫn lặng thinh gói xôi để vào ớp. Con gái người Dao là thế, chồng đi đâu xa phải lo xếp quần áo, đồ ăn đầy đủ. Trời đã sang đông, 6 giờ mà nhìn ra ngoài vẫn mờ mịt. Bố Phìn ngủ trong rẫy về, ném hai con gà rừng máu còn đầy ở cánh, ngồi xuống huơ tay trên bếp lửa. ông hỏi con dâu:

- Thằng Triệu Sinh đi xuôi rồi hả. Hôm nay mày mang cơm, mang rượu cho thợ hạ cây nhé. Họ làm từ chiều tối qua mệt lắm!

Nghe thấy bố nói vậy, đang mặc giở chiếc áo, từ trong buồng Triệu Sinh bước ra vội hỏi :

- Bố mượn người ngả cây ở đâu?

- Tao hạ cây chò chỉ trong khe Hổ!

- Tại sao bố làm thế?

- Tao xẻ gỗ làm nhà cho mày ra ở riêng thôi. ở với người già mãi sao được!

 Lồng ngực Triệu Sinh như có ai lấy cây chèn ngang. Anh nhớ lại chuyện cãi nhau với già bản Bàn Văn Si về chuyện chặt cây đánh dấu. Triệu Sinh nói với bố Si:

- Cây trong rừng, con chim, con thú quý ở rừng  Pù Canh đều là tài sản quốc gia. Người Dao mình phải bỏ lệ xấu đánh dấu cây làm của riêng mình thôi!

- Trời cho người bản Coóng rừng thì mình làm thôi, sao mày lắm lời thế?

- Tôi đi họp trên bảo rừng của Nhà nước, người Dao muốn lấy gỗ trong rừng làm nhà phải xin giấy. Người bản Coóng làm như cũ là sai rồi!

ông Triệu Si nét mặt hằm hằm, đứng dậy bập con dao vào cây củi:

- Mày về hỏi bố Phìn thì biết. Nhà Triệu Phìn đánh dấu ít nhưng chặt nhiều cây rồi, bán nhiều gỗ hơn tao đấy!

- Giờ bố Phìn không chặt cây, không bán gỗ nữa đâu!

- Chưa có việc nên nó chưa chặt đấy thôi!

- Ai phá rừng, ai chặt gỗ trái phép tôi báo kiểm lâm bắt hết!

- Lời mày nói có như con dao chém vào cây gỗ mỡ không. Được rồi tao xem mày có dám không?

 

Đầu Triệu Sinh ong ong, trong bụng hậm hực bỏ về. Tưởng là câu nói bừa bắt nọn anh, hóa ra bố Si nói đúng. Triệu Sinh đi ra đi vào, hai tay đưa lên đầu vò mái tóc xoăn tít. Tháng trước Triệu Sinh đã hứa với anh Ngọ, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện, anh Thao, Bí thư Huyện đoàn: “Nhất định thanh niên bản Coóng sẽ giữ bằng được rừng Pù Canh”. Vậy mà..

Triệu Sinh đến bên bếp, cầm tay bố Phìn, nhẹ nhàng nói:

- Bố muốn con làm cán bộ, bố không được chặt cây trái phép. Bố làm thế thì con nói ai nghe?

Bố Phìn hất tay Triệu Sinh, giọng gay gắt:

- Mày như con hươu, con hoãng thôi chỉ biết tác to nhưng chẳng làm được gì. Con báo, con hổ nó lặng lẽ mà bắt lợn, cắp bê vào rừng cả bản nhìn thấy có ai dám động đậy?

- Bố nói vậy có ý gì?

- Mày ngu lắm con ơi, thằng Hải Sẹo chỉ ở tù mấy tháng thôi, giờ nó lại lên chui sâu vào giữa rừng Pù Canh đấy. Nó có thế lực đấy. Người ta bảo có người làm to bảo hộ cho nó đấy. Sao không thấy kiểm lâm lên mà bắt nó?

Nghe bố Phìn nói Hải Sẹo quay lại phá rừng Pù Canh, Triệu Sinh ớ người. Giọng anh quyết liệt:

- Nó làm thế là phạm pháp, nó phải chịu tội. Nhưng bố không nghe cứ hạ cây chò ở khe Hổ, tôi sẽ báo kiểm lâm xử lý!

Bố Phìn vằn mắt, cầm con dao chém vào cột, quát to:

- Mày không phải con nhà họ Triệu nữa rồi. Mày ăn nhiều gạo, uống nhiều nước dưới xuôi rồi. Mày cút ngay, cút đi cho khuất mắt tao!

Triệu Sinh tức tối, bước ra khỏi nhà, chạy như bay xuống chân dốc. Trên xe mấy người đang đợi anh. Mặt Triệu Sinh bừng bừng, anh giục: “Đi, đi nhanh cho mình đến trạm kiểm lâm dốc Bò Lăn”...

 

Ông Phìn run run ký vào biên bản vi phạm xong ra ngồi thu lu ở góc bếp. Mắt ông vằn lên những tia máu, tức tối nhìn về phía thằng con trai mình. Anh Lập trạm trưởng đến bên bố Phìn ôn tồn:

- Triệu Sinh là cán bộ, nó làm thế là đúng đấy. Nó là con chim đầu đàn về phong trào bảo vệ rừng Pù Canh. Bố muốn người bản Coóng tin và làm theo nó, bố phải giúp Triệu Sinh chứ. Sao bố lại làm như thế!

Bố Phìn cúi mặt, lúng búng trong miệng:

-Tao cũng muốn vợ chồng nó có cái nhà to như mọi người trong bản thôi!

- Bố thương nó là đúng nhưng việc bố làm lại vi phạm Luật Bảo vệ rừng thì có ở Triệu Sinh cũng không vui cái bụng đâu!

 Bố Phìn co ro, đẩy thêm củi cho lửa cháy to. Ngẩng mặt nhìn anh Lập, anh Tú hỏi:

- Tao ký biên bản rồi cũng bị phạt tù như thằng Hải Sẹo à?

- Bố khác, thằng Hải Sẹo khác. Bố sai phạm lần đầu chỉ bị phạt hành chính. Bố nhớ nói với người bản Coóng đừng phá rừng, chặt cây trái phép nữa nhé!

 Như con mèo ăn vụng bị bắt quả tang, bố Phìn ân hận, nét mặt dầu dầu:

- Cái đầu người già bản Coóng cũ lắm rồi. Tao làm khổ thằng Triệu Sinh rồi, chắc nó không được đi hội nghị dưới huyện nữa đâu!

 Anh Tú nắm tay bố Phìn:

- Bây giờ, anh Lập cho ô tô chở Triệu Sinh về hội nghị. Ngày mai Triệu Sinh đọc báo cáo thành tích giữ rừng của thanh niên bản Coóng bố ạ!

Triệu Sinh cùng các anh bước ra xe. Nắng cuối đông nhuộm vàng khắp cánh rừng. Mùa này cây rừng đang thay lá ứ nhựa lên đầu cành chờ đón xuân sang sẽ bung chồi, nẩy lộc. Mọi người đứng nhìn bản Coóng bình yên dưới chân núi Pù Canh hùng vĩ. Một mùa xuân nữa lại về trên bản Coóng của Triệu Sinh.

                                                             Truyện ngắn của Huy Định

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Tình yêu cuộc sống

(HBĐT) - Thao sinh ra ở nếp nhà sàn của cha mẹ, cách ngôi nhà của mẹ con cô ở hiện tại chừng hơn trăm mét. Nhà nghèo, Thao lại là chị cả nên đến tuổi trăng rằm, cô đã phải từ giã mái trường, xếp sách bút cùng cha mẹ chăm lo việc đồng áng.

Tình người nhà quê

(HBĐT) - Một sáng chủ nhật của những ngày cuối năm, ngôi nhà vẫn đóng kín cổng, giàn hoa giấy trước thềm nhà nở một màu hồng phai, một cơn gió động nhẹ làm lay động những cánh hoa mỏng dính. Bỗng chiếc cổng hé mở, một bà cụ già tuổi ngoài 70, tóc đã nhuốm bạc, đôi mắt vẫn sáng, quần áo vẫn gọn gàng, cổ quấn chiếc khăn len màu mận chín đã bạc, muốn đi vào nhưng bà cũng rất sợ khi nhận sự xua đuổi mà bà chắc người ta sẽ dành cho bà. Bà quệt dấu bã trầu trên miệng, ngẫm nghĩ rồi nói một mình:

Chuyện đời thường: Tấm lòng đứa con nghèo

(HBĐT) - Anh Thuận là người con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Hai anh trai đầu được ăn học tử tế, nay đang công tác các cơ quan trên thành phố. Anh nào cũng nhà cao, cửa rộng, tiện nghi đầy đủ. Còn anh, lớn lên, bố mất anh phải nghỉ học rồi đi bộ đội, những năm tháng ở trong quân ngũ được rèn luyện ý chí, kỷ luật và tình yêu thương. Xuất ngũ về quê, anh lấy vợ ở nhà làm ruộng, trồng rừng, làm nương nuôi mẹ già. Thỉnh thoảng các anh cũng có đồng quà, tấm bánh và hỗ trợ ít tiền để anh phụng dưỡng mẹ.

Tình hàng xóm

(HBĐT) - Buổi trưa hôm ấy, vừa ngủ dậy đang ngồi ở bàn uống nước thì bà Hán le te chạy sang. Bà Mai thầm nghĩ: chắc là có chuyện với cô con dâu đây. Nâng cốc nước mát từ tay bà Mai, bà Hán uống một hơi rồi tông tốc:

Trẻ cậy cha, già chưa được cậy con

(HBĐT) - 8 năm nay, sáng nào cũng vậy, khi chiếc loa công cộng phát chương trình thể dục buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cụ ông, cụ bà đã ngồi trên giường tập dưỡng sinh xoa bóp bài “Cốc đại phong” để làm cho tinh thần sảng khoái, mạch máu lưu thông rồi hai cụ mới đi bộ. Sáng nay, cụ bà vào buồng lấy cai ô rộng vành màu đen và chiếc mũ phớt đưa chọ cụ ông và bảo:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục