(HBĐT) - Hai vợ chồng hạnh phúc bên con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Cơ sở tẩm quất, giác hơi của họ hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cho mình và ba người khiếm thị cùng cảnh ngộ. Nhìn vào cuộc sống hiện tại của vợ chồng Trường - Hằng, khó có thể hình dung được chặng đường họ đã đi qua để vượt ra khỏi bóng tối u ám mà số phận không may sắp đặt cho mình. Họ - những con người yêu thương nhau, yêu thương người hết mình bằng trái tim đã để lại cho chúng ta những xúc cảm tốt lành.
Tuổi thơ và những ký ức buồn
Trường sinh năm 1988 tại xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn). Là con thứ 3 trong gia đình có 6 anh, chị em. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, số phận không may đã mang tới cho Trường sự thua thiệt. Đôi mắt của cậu không thể nhìn thấy gì. Từ bé tới lớn, một màn đêm thăm thẳm bao bọc lấy Trường. Nhưng ngày đó mẹ còn sống, được mẹ chăm sóc, vỗ về bằng tình yêu và sự động viên, khích lệ. Sống trong vòng tay chở che của mẹ, Trường chưa hiểu hết khoảng cách giữa mình với xã hội, với môi trường xung quanh. Đến tuổi, Trường cũng không thể cắp sách tới lớp như chúng bạn cùng trang lứa.
Nhà Trường nghèo. Cả hai bố mẹ lại sinh sống bằng nghề nông nên không thể có điều kiện cho Trường theo học lớp chữ nổi dành cho học sinh khiếm thị xa mãi tận Hà Nội. Thế giới với cậu là căn nhà nhỏ, là tình yêu của mẹ và tiếng trò chuyện của những đứa trẻ hàng xóm. Nhưng cả thế giới ấy nữa cũng lại ngày càng rời xa Trường. Chúng bạn tới lớp, bận với bài vở và công việc giúp gia đình, ít tới nhà chơi hơn. Khi Trường lên 10 tuổi, người mẹ thân yêu qua đời. Anh và em Trường còn bé, không thể bù đắp cho cậu sự thiếu hụt bàn tay chăm sóc, thương yêu của mẹ. Thế giới tối đen đẩy cậu vào sâu hơn nỗi buồn, sự trống trải và sự tự ti, tủi phận. Sau đó không bao lâu, bố đi bước nữa. Mẹ kế không dành tình thương yêu cho những dứa con chồng. Anh em mắt sáng còn thế huống chi mắt Trường lại không nhìn thấy gì. Trường thất học, không có sức khỏe, sẽ là một gánh nặng cho gia đình tới trọn đời, trọn kiếp mất thôi. Vậy nên so với các anh em khác, Trường là đứa bị mẹ kế ghét bỏ nhất. Cuộc sống với cậu ngày đó là một chuỗi dài những nỗi buồn tiếp nối. Người sáng mắt có nghề kiếm việc làm đã khó nói gì tới Trường thất học, hai đôi mắt lại đui mờ.
Tủi thân, không có hướng mở phía trước để thoát ra khỏi bóng đêm bủa vây. Tuổi thơ của Trường vì thế mà trôi đi hết sức nặng nề. Cho tới năm 17 tuổi đã là một chàng trai, Trường vẫn là kẻ phải ăn bám vào gia đình. Bố và mẹ kế vì thế mà cũng hắt hủi cậu nhiều hơn. Khi đó, Trường chỉ biết khóc. Nước mắt chảy ra như một cô gái yếu đuối trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Trường sẽ phải sống nốt cuộc đời của mình nhờ vào sự ăn bám gia đình hay sao?
Hành trình tìm kiếm nghề nghiệp mưu sinh
17 tuổi, chàng trai khiếm thị mới thực sự trăn trở về câu hỏi làm thế nào, cách gì để mình có thể sống được nhờ vào mình? Không có nghề nghiệp, không có một đồng tiền nào lại không thể nhờ vào bố và mẹ kế khi chính họ cũng khó nhọc trong việc nuôi đàn con 6 người mà gia cảnh lại khó khăn. Họ hàng nhà Trường cũng không khá giả gì. Lúc ấy, thực sự Trường chỉ biết trông chờ vào lòng hảo tâm của người khác. Trường lần gậy đi ăn xin. Số tiền xin được, Trường dành dụm, nhờ người quen mua một chiếc ghi ta cũ. Trường nghĩ, mình sẽ học đánh ghi ta, học hát để đi hát xẩm rong. Nghĩ sao làm vậy. Trường hát rong xin tiền. Nhưng lẽ nào người bị mờ hai con mắt chỉ còn biết trông vào lòng hảo tâm của thiên hạ? Đồng tiền kiếm được để duy trì sự sống như thế chẳng tủi nhục lắm sao? Suy nghĩ đó khiến Trường không sao ngủ được. Hai tháng liền mất ngủ, ở trong cậu chỉ một câu hỏi duy nhất: Mình phải làm gì?
Một người hàng xóm tốt bụng hiểu được những băn khoăn của cậu. Vốn thông thạo các huyệt đạo, ông dạy Trường xoa bóp, bấm huyệt. Học ngày, học đêm, sau hai hôm là Trường đã nắm chắc các huyệt cơ bản. Vui sướng, nóng lòng muốn mau có thể giúp mình, Trường liền mở tiệm xoa bóp, tẩm quất tại nhà. Nhưng nơi Trường ở không đông dân. Hàng xóm cũng chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nên thu nhập không cao cộng thêm với việc tay nghề tẩm quất, xoa bóp chưa thông thạo nên phòng xoa bóp vắng khách. Sau hai năm duy trì hoạt động, cậu phải đóng cửa tiệm tẩm quất. Trường rơi vào tình trạng tái thất nghiệp. Bố và mẹ kế không động viên, cư xử của họ còn khiến cậu nản lòng hơn. Trong mắt họ, Trường sẽ mãi là người ăn bám, là gánh nặng. Anh em thương Trường nhưng họ cũng còn chưa có cách mưu sinh ổn định, chưa giúp gì được cho cậu.
Nhưng cuộc sống vẫn luôn có những vòng tay nhân ái rộng mở. Một giáo viên trong vùng đã giúp đưa Trường đi học thêm xoa bóp. Trường ghi nhận lòng tốt đó của anh. Nhưng cơ sở Trường học lại là một cơ sở xoa bóp, xông hơi mát mẻ. Vậy là một người khiếm thị như Trường lạc vào chốn ăn chơi với những cô gái sống bằng nghề bán thân nuôi miệng. Trường không khinh khi họ nhưng cũng nhận thấy mình không nên học tiếp hay hành nghề ở chón này. Vì vậy, sau một tuần, Trường lại phải trở về nhà.
Trường không thể dừng cuộc kiếm tìm con đường mưu sinh, cho quần áo vào thùng mì tôm, một mình sang sông, tìm thầy học. Tại đây, Trường mới thật sự thông thạo huyệt mạch xoa bóp. Học nghề là một chuyện, Trường còn muốn học để biết chữ. Vậy là từ tỉnh Vĩnh Phúc, Trường về Hà Nội, tới trung tâm phục hồi chức năng phố Trung Chính - Cầu Giấy (Hà Nội) xin học chữ nổi. Nhưng trung tâm này từ chối nhận Trường với lý do tỉnh Hòa Bình khi đó chưa có Hội người mù và Trường không có giấy giới thiệu của hội.
Cho tới tận khi Hội người mù tỉnh thành lập thì vào tháng 5/2008, Trường mới xin được vào Hội Người mù Lương Sơn học chữ nổi - thỏa mãn mong muốn biết chữ.
Rời Lương Sơn, Trường về Hà Nội xin việc và được tiếp nhận vào cơ sở xoa bóp, bấm huyệt.
Hạnh phúc từ ánh sáng của trái tim
Thời gian làm việc tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội người khiếm thị khu vực bến xe Kim Mã, Trường đã tìm thấy tình yêu, hạnh phúc. Tại đây, Trường đã gặp Hằng - một cô gái tới từ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Cũng như Trường, gia đình Hằng cũng nghèo lắm. Còn khổ hơn như thế, gia đình Hằng có 5 chị em lại có tới 3 người bị khiếm thị. Hằng may mắn hơn so với hai chị em khiếm thị của mình là cô vẫn nhìn thấy ánh sáng, dù không tinh lắm. Tìm về Hà Nội, Hằng những mong tìm được một công việc chân chính, phù hợp với mình. Bấy nhiêu thôi, với Hằng khi đó cũng là khó khăn rồi, đâu có mong sẽ tìm được cho mình tình yêu và hạnh phúc gia đình.
Hằng về Hà Nội và xin vào trung tâm nơi Trường đang làm việc năm 2010. Là một cô gái trẻ, ăn nói nhẹ nhàng, Hằng được nhiều người cùng cảnh như mình ở trung tâm yêu quý, để ý. Nhưng Hằng lại chỉ dành tình cảm đặc biệt cho Trường, chàng trai khiếm thị hơn mình 7 tuổi. Từ cảm mến tới sẻ chia hoàn cảnh vui buồn của gia đình, Trường và Hằng yêu nhau. Tình yêu giúp đôi bạn trẻ quyết tâm đi tới hôn nhân, chung tay xây dựng hạnh phúc. Tháng 7/2011, họ chính thức nên vợ, nên chồng.
Cưới nhau rồi, Hằng và Trường nghĩ tới tương lai xa hơn của mình, của con cái. Hai vợ chồng đưa nhau trở về Hòa Bình. Có nghề trong tay, vay mượn anh - chị em, Trường và Hằng thuê nhà trên thành phố, mở phòng mát xa, tẩm quất. Tiệm tẩm quất mới mở, khách chưa có nhiều, vợ lại bụng mang dạ chửa. Biết mình sắp có con, hai vợ chồng vừa mừng, vừa lo. Lo con sinh ra không biết có nuôi nổi con lại lo ông trời không thương, bắt con cũng như mình thì sao? Hai con người - một hoàn toàn không nhìn thấy gì, một thong manh ấy vẫn tin rằng phía trước là những niềm vui mà động viên nhau, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Hàng ngày, khi chồng làm việc, nhờ còn nhìn được, Hằng đi chợ, thổi cơm, lo chuyện thu dọn nhà cửa. Hai vợ chồng đều nghĩ cố gắng làm tốt, thu hút nhiều khách. Có khách đông, sẽ có thu nhập ổn định, mới có thể giúp thêm những người có hoàn cảnh như mình cùng có việc. Hơn một năm sinh sống, làm việc ở TPHB, tiệm tẩm quất của vợ chồng Trường - Hằng trở nên có uy tín hơn. Khách đông, hai vợ chồng mời thêm 3 người bạn khiếm thị về cùng làm với mình. Ba người bạn, một ở ngay địa bàn thành phố, một ở Vĩnh Phúc, một mãi tận Nà Mèo (Mai Châu). Ngoài chi phí ăn uống, ba đồng nghiệp còn được Trường - Hằng gửi khoản tiền lương 2 triệu đồng mỗi tháng.
Cùng làm việc, cùng thương yêu nhau như anh - chị em trong gia đình. Tiệm tẩm quất của họ ngày càng đông khách hơn. Hạnh phúc vô bờ đã tới với vợ chồng Trường - Hằng. Năm 2011, con trai của họ ra đời. Niềm vui không sao kể xiết là thiên thần bé nhỏ của họ xinh xắn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Hàng ngày, Trường và đồng nghiệp làm việc, Hằng vừa trông con, vừa lo bếp núc. Khách tới tẩm quất không khỏi khâm phục nghị lực của họ. Nhà trọ, vừa là nơi làm việc, vừa là nơi sinh hoạt của bốn con người khiếm thị với một trẻ nhỏ nhưng luôn gọn gàng, sạch sẽ, tinh tươm. Trường và Hằng động viên nhau, động viên đồng nghiệp gắng làm việc có uy tín, đặng phát triển, mới có thể giúp mình và giúp thêm người khiếm thị khác có công việc. Hạnh phúc trọn vẹn thực sự đã tới với đôi vợ chồng khiếm thị cùng nhau thắp lửa cuộc sống bằng ánh sáng của trái tim.
(Số 1, ngõ 116, đường An Dương Vương - TPHB)
(HBĐT) - Từ ngày đi làm, năm nào Bách cũng về quê ăn tết. Mỗi khi nhớ tới không khí họp mặt đông đủ gia đình là anh lại rạo rực trong lòng một cảm giác hạnh phúc vô bờ bến. Năm nay cũng vậy, chỉ còn hơn tuần nữa là được nghỉ Tết, vừa lo công việc chuyên môn, Bách vừa tranh thủ mua sắm vài thứ cần thiết cho bản thân và quà Tết cho gia đình. Công việc tưởng chừng suôn sẻ thì đúng vào ngày hai ba tháng chạp, sếp gọi Bách lên giao nhiệm vụ:
(HBĐT) - Thao sinh ra ở nếp nhà sàn của cha mẹ, cách ngôi nhà của mẹ con cô ở hiện tại chừng hơn trăm mét. Nhà nghèo, Thao lại là chị cả nên đến tuổi trăng rằm, cô đã phải từ giã mái trường, xếp sách bút cùng cha mẹ chăm lo việc đồng áng.
(HBĐT) - Một sáng chủ nhật của những ngày cuối năm, ngôi nhà vẫn đóng kín cổng, giàn hoa giấy trước thềm nhà nở một màu hồng phai, một cơn gió động nhẹ làm lay động những cánh hoa mỏng dính. Bỗng chiếc cổng hé mở, một bà cụ già tuổi ngoài 70, tóc đã nhuốm bạc, đôi mắt vẫn sáng, quần áo vẫn gọn gàng, cổ quấn chiếc khăn len màu mận chín đã bạc, muốn đi vào nhưng bà cũng rất sợ khi nhận sự xua đuổi mà bà chắc người ta sẽ dành cho bà. Bà quệt dấu bã trầu trên miệng, ngẫm nghĩ rồi nói một mình:
(HBĐT) - Anh Thuận là người con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Hai anh trai đầu được ăn học tử tế, nay đang công tác các cơ quan trên thành phố. Anh nào cũng nhà cao, cửa rộng, tiện nghi đầy đủ. Còn anh, lớn lên, bố mất anh phải nghỉ học rồi đi bộ đội, những năm tháng ở trong quân ngũ được rèn luyện ý chí, kỷ luật và tình yêu thương. Xuất ngũ về quê, anh lấy vợ ở nhà làm ruộng, trồng rừng, làm nương nuôi mẹ già. Thỉnh thoảng các anh cũng có đồng quà, tấm bánh và hỗ trợ ít tiền để anh phụng dưỡng mẹ.
(HBĐT) - Buổi trưa hôm ấy, vừa ngủ dậy đang ngồi ở bàn uống nước thì bà Hán le te chạy sang. Bà Mai thầm nghĩ: chắc là có chuyện với cô con dâu đây. Nâng cốc nước mát từ tay bà Mai, bà Hán uống một hơi rồi tông tốc: