(HBĐT) - Một sáng tháng hai, về quê làng Vang, ngạc nhiên thấy ở quê mình vẫn còn trồng nhiều cây xoan đến thế. Theo cách gọi của quê tôi, cây xoan còn gọi là cây sầu đông, cây thầu đâu. Xoan cùng với tre, bương làm bạn với nhau, đấu lưng, dựa cật với nhau làm những chiếc nhà sàn, những lán trại, những chòi canh trông ngô, trông mía.
Về quê gặp xoan ở góc vườn, trên đồi, bên bờ suối hay giữa đồng không mông quạnh. Vào độ giêng, hai, khi đêm về, đom đóm bay ra thì những cây xoan đã ra hoa, một màu tím li ti. Chiều quê, khi mặt trời xuống núi, màu tím hoa xoan bàng bạc, lâng lâng một mùi hương thơm nhè nhẹ bay tỏa khắp nẻo đường quê. Mùi thơm của xoan tinh khiết, không thể nhầm lẫn mùi thơm hoa khác. Qua suốt mùa đông mà có tên gọi sầu đông, cây cành khô khẳng khiu, hắt hiu trong những chiều đông giá lạnh nhưng nhựa cây vẫn dồi dào và hồn xoan vẫn trẻ. Qua mùa đông, xoan lại tràn trề hoa lá, lá xanh nõn, hoa li ti tím một màu. Ai về quê lâu ngày gặp mùa xoan tím, lòng chẳng xôn xao, bước chân của người xa quê có dịp đi về. Đêm quê trong không gian yên tĩnh, mùi hoa xoan thơm nhẹ, hương vị càng ngửi càng dễ chịu, không sực nức khó chịu như hoa sữa mùa thu hay không mùi mà đỏ rực như hoa gạo tháng ba.
Cây xoan khô ráp như vô tình cứa đứt thân cây, nhựa xoan chảy vón lại thành những hạt cườm vàng ươm bấu víu vào thân cây, tuổi thơ gỡ ra vo tròn làm trò chơi con trẻ. Nhặt những cành tím hoa xoan vào lòng bàn tay chưa kịp đưa lên mũi ngửi đã thơm mùi quê kiểng. Nhớ câu thơ của thi sĩ Anh Thơ sao mà da diết:
“Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.
Cây xoan được chặt, róc vỏ ngâm ao trở thành thứ gỗ gia dụng không mối mọt, nhẹ, bền làm bậu cửa, màng thang là thứ gắn bó lâu đời với người dân quê tôi. Xoan sống mộc mạc, khiêm nhường nơi thôn dã, không kén chọn đất, dễ quen thổ nhưỡng. Vì vậy, xoan sống thảnh thơi, không bon chen, sống hết mình trên đất cằn sỏi đá, nơi chân đồi, góc rẫy. Xoan đến tuổi, đến kỳ hiến dâng cho dân quê làm nhà, đóng cửa. Quê tôi, những cô thôn nữ một thời mỏng mày hay hạt được mẹ cha đặt cho cái tên Xoan, cái tên gắn bó với dân quê không ồn ào, bay bướm mà có duyên thầm của con gái quê.
Miên man về làng Vang gặp màu hoa xoan tím, ngửi mùi hoa xoan mà nôn nao ở tuổi 9, 10 khi hoa xoan đã kết trái hái về làm viên đạn “ống thóc” bắn những buổi tập trận giả trên đồi thả trâu.
Rời làng Vang trở lại nơi phố phường, chân bước đi, đầu còn ngoảnh lại nhớ vị hương xoan, mùi xoan rung rinh, cánh hoa mảnh mai rơi nhẹ.
Cây xoan, bạn đời của nhà nông, mùa giêng, hai, hoa xoan tím một vùng quê, hương thơm của hoa xoan không lẫn đi đâu được, mùi hương thơm rất chân quê, dễ chịu. Muốn được gần xoan, hãy nghe xoan đang tỉ tê trước gió với những lời chân tình, chất phác, thủy chung.
V.S (T.T.V)
(HBĐT) - Dắt chiếc xe vào nhà, chị Nhung ném tờ giấy ghi kết quả học tập vào bàn học của Linh, lẩm bẩm: - Học với chả hành, thật là bẽ mặt. Anh Bình vội chạy vào nhà đỡ lời:
(HBĐT) - Từ ngày đi làm, năm nào Bách cũng về quê ăn tết. Mỗi khi nhớ tới không khí họp mặt đông đủ gia đình là anh lại rạo rực trong lòng một cảm giác hạnh phúc vô bờ bến. Năm nay cũng vậy, chỉ còn hơn tuần nữa là được nghỉ Tết, vừa lo công việc chuyên môn, Bách vừa tranh thủ mua sắm vài thứ cần thiết cho bản thân và quà Tết cho gia đình. Công việc tưởng chừng suôn sẻ thì đúng vào ngày hai ba tháng chạp, sếp gọi Bách lên giao nhiệm vụ:
(HBĐT) - Thao sinh ra ở nếp nhà sàn của cha mẹ, cách ngôi nhà của mẹ con cô ở hiện tại chừng hơn trăm mét. Nhà nghèo, Thao lại là chị cả nên đến tuổi trăng rằm, cô đã phải từ giã mái trường, xếp sách bút cùng cha mẹ chăm lo việc đồng áng.
(HBĐT) - Một sáng chủ nhật của những ngày cuối năm, ngôi nhà vẫn đóng kín cổng, giàn hoa giấy trước thềm nhà nở một màu hồng phai, một cơn gió động nhẹ làm lay động những cánh hoa mỏng dính. Bỗng chiếc cổng hé mở, một bà cụ già tuổi ngoài 70, tóc đã nhuốm bạc, đôi mắt vẫn sáng, quần áo vẫn gọn gàng, cổ quấn chiếc khăn len màu mận chín đã bạc, muốn đi vào nhưng bà cũng rất sợ khi nhận sự xua đuổi mà bà chắc người ta sẽ dành cho bà. Bà quệt dấu bã trầu trên miệng, ngẫm nghĩ rồi nói một mình:
(HBĐT) - Anh Thuận là người con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Hai anh trai đầu được ăn học tử tế, nay đang công tác các cơ quan trên thành phố. Anh nào cũng nhà cao, cửa rộng, tiện nghi đầy đủ. Còn anh, lớn lên, bố mất anh phải nghỉ học rồi đi bộ đội, những năm tháng ở trong quân ngũ được rèn luyện ý chí, kỷ luật và tình yêu thương. Xuất ngũ về quê, anh lấy vợ ở nhà làm ruộng, trồng rừng, làm nương nuôi mẹ già. Thỉnh thoảng các anh cũng có đồng quà, tấm bánh và hỗ trợ ít tiền để anh phụng dưỡng mẹ.