(HBĐT) - Minh tựa lưng vào cánh cửa, nhìn miên man ra sân. Ngoại vẫn thường ngồi ở chỗ kia, ngay dưới tán cau, bên dưới giàn hoa thiên lý đan rổ, rá. Mới đó thôi cũng đã qua một phần ba thế kỷ. Chẳng còn mấy người đan rổ, đan rá, cũng không còn mấy nhà dùng rổ, rá bằng tre nữa. Thỉnh thoảng, một ông già trong xóm ven chân núi vẫn đi ngang qua bán rổ, rá, thúng mủng. Những chiếc rổ nom hệt như những chiếc rổ ngày xưa của ngoại. Minh tì đầu vào cánh cửa, ngước nhìn lên phía tán cau. Hai thân cau dài, cao, thẳng tắp. Ở nơi bẹ lá ấy có hai tổ chim sẻ. Những thế hệ chim sẻ ra đời, lớn lên rồi bay về chân trời mới từ nơi bẹ lá.
Dịp này, chim sẻ đang sửa sang lại tổ ấm của mình dù chúng chỉ sống ở đây cho tới tiết thu rồi bay về phương
- Cháu chào cô.
Tiếng chào cắt Minh ra khỏi dòng suy nghĩ. Thằng bé hàng xóm vừa đi đâu đó về. Tốt nghiệp THCS, nó sẽ có hai sự lựa chọn. Một là thi vào THPT để học như bạn bè cùng trang lứa, hai là theo học lớp tạo nguồn vận động viên.
Sự lựa chọn lần này là quyết định rất quan trọng đối với thằng bé. Chị em thân thiết nên mẹ nó vừa đến nhà mấy hôm trước nhằm tham khảo ý kiến. Lực học không vào hàng khá, giỏi. Phải nỗ lực lắm cậu mới tự giải được những bài toán trong sách giáo khoa... Con đường học vấn như vậy không rộng rãi. Nó có một đam mê về thể thao và có ý định thi vào một trường thể thao nào đó. Nhưng tuổi đời của một vận động viên không dài. Đó không phải là điều mẹ thằng bé băn khoăn nhất. Chị biết là một vận động viên sẽ vất vả, khó khăn, có khi còn hơn cả công việc lao động phổ thông khác. Nhưng khó khăn đó sẽ giúp con chị trưởng thành hơn. Nghề nghiệp gì, cốt là lương thiện, thanh thản... Điều chị băn khoăn, chị đến hỏi ý kiến là muốn Minh trò chuyện, khuyên nhủ thằng cu Toàn để cho nó theo học lớp tạo nguồn đó. Chị nói, nó thương mẹ, sợ mẹ ở nhà một mình buồn nên không muốn đi. Nó nói với chị: “Con không đi đá bóng thì con làm việc khác, việc gì mà có thể nuôi sống con lại không phải xa mẹ. Con thấy dạo này, mẹ hay đau đầu hơn, tối đến có một mình, con không yên tâm”... Chị rơm rớm nước mắt: “Thằng bé nghĩ như vậy,cô ạ... Cháu nó đến chơi, cô khuyên cháu giúp chị, chị còn khỏe lại còn có bà con chòm xóm. Cháu nó đi thì tốt hơn, phải không cô”?...
Không thể có ngay câu trả lời vào lúc ấy. Biết góp ý thế nào đây? Nhất là khi sự lựa chọn đó lại ảnh hưởng lớn đến tương lai của một đứa trẻ. Minh nghĩ nung lắm rồi bảo với mẹ Toàn rằng “Phải dựa vào ý cháu là chính, chị ạ...”
Cứ nhớ đến cái dáng xiêu xiêu của mẹ thằng cu Toàn đi ra khỏi cổng mà thấy không bình tâm về câu trả lời của mình...
Toàn đến chơi nhưng quả thật Minh còn chưa biết nên nói gì với nó. Nó đi vào nhà, ngồi xuống mép ghế. Minh lấy nước cho nó và hỏi: Cháu đã làm xong thủ tục chưa? Thằng bé nhìn Minh rồi trả lời:
- Cháu không định đi, cô ạ.
-Vì sao?
Nó im lặng , không nói gì, hai bàn tay đan vào nhau, mắt hướng ra phía cửa. Minh chậm rãi: Cô biết, nhà có hai mẹ con, cháu lo mẹ ở nhà một mình nên còn lưỡng lự, đúng không?. Nhưng cháu nghĩ thử xem, liệu mẹ có vui hơn, an lòng hơn nếu cháu vì thế mà ở nhà, bỏ qua cơ hội tốt, bỏ đi ước mơ của mình lại còn nhiều mối lo khác nữa chứ. Vả lại,mẹ cháu năm nay chỉ vừa mới 40 tuổi. Cái tuổi ấy có đau đầu, mệt mỏi chỉ là vặt vãnh. Cháu vì lo mẹ ốm, mẹ buồn mà ở nhà, có khi còn khiến mẹ cháu ốm thêm ấy..
Minh biết, thằng bé đang nén tiếng thở dài trong lồng ngực. Nó đã trở thành một đứa trẻ biết yêu thương và lo lắng cho mẹ mình. Minh lại tiếp tục:
- Cháu nghĩ kỹ mà xem. Không người mẹ nào muốn trở thành mối lo, gánh nặng của con. Càng không muốn con cái vì mình mà bỏ dở ước mơ, bỏ qua những cơ hội tốt... Theo cô thì cháu nên đi, cháu ạ. Vì như thế là cháu đã mang đến cho mẹ niềm vui và sự tự hào nữa... Đó là liều thuốc quý lắm đấy... Cháu về nghĩ, có thế nào thì lại tin cho cô biết với nhé.
Nó khẽ vâng rồi đi về.
Có đến 3 hôm không thấy bà cụ nhà bên quét sân. Mọi khi, mỗi sáng, Minh đều trông thấy bà cụ dùng chiếc chổi lá dừa quét sân xàn xạt. Cái âm thanh hiền hậu, chăm chỉ đó đã vắng mấy ngày nay rồi. Minh đứng tần ngần ở ngõ, trông thấy chị vợ nhà ấy bèn hỏi:
- Bà đi đâu em thấy vắng tiếng, hả chị?
Người đàn bà cười giả lả:
-Bà nhớ anh em ở quê lại không quen sống ở nhà ống nên về quê, cô ạ
Minh buột miệng:
- Bà có lên không chị?
- Sao mà tôi biết. Khi nào bà nhớ con, nhớ cháu thì bà lên...
Nói dăm, ba câu thế, rồi ai vào việc người ấy. Cuộc tranh cãi của vợ chồng người hàng xóm vẳng bên tai. Minh thầm mong bà cụ đó vì nhớ anh em ở quê mà về thật chứ không phải vì bà sợ con trai mình khó xử.
Minh ngong ngóng thằng cu Toàn. Không biết thằng bé quyết định thế nào rồi. Mấy hôm bận việc, Minh cũng chưa qua nhà nó.
Quãng một tuần sau đó, thằng cu Toàn đến chơi. Nó hào hứng nói đã làm xong thủ tục và bảo đúng là mẹ rất vui với quyết định của nó. Mẹ con nó dự định làm cơm liên hoan và mời Minh tới. Nghe nó nói, Minh hỏi:
- Cháu đã tìm hiểu mình sẽ học tập như nào chưa mà quyết định?
- Vâng, cháu cũng tìm hiểu rồi cô ạ. Tuy thời gian tập luyện là chính nhưng cháu vẫn được học văn hóa ở trường phổ thông gần đấy.
- Chế độ thế nào?
- Trong quá trình học sẽ có những giải thi đấu. Nếu có giải, đáp ứng được yêu cầu mới được ký hợp đồng và hưởng lương.
-Còn nếu không?
Nó cười.
-Thì cháu có kế hoạch vừa rèn năng khiếu, vừa cố học văn hóa, ôn luyện thi vào đại học TD-TT ạ
- Khi nào nhập học?
- Cũng sắp nhập học rồi cô.
- Ừ. Cháu quyết định rồi thì cố gắng, nỗ lực hết sức để thực hiện mong ước của mình. Có điều cô dặn cháu, phải để tâm học văn hóa. Cháu học không chỉ để lấy tấm bằng THPT mà học để có trình độ văn hóa, điều này cháu hiểu không?
Nó vâng nhưng trong ánh mắt thằng bé, Minh cảm thấy có điều gì còn đang băn khoăn lắm. Sau một lúc im lặng, nó khẽ nói:
- Cháu muốn nhờ cô một việc. Thỉnh thoảng, cô qua chơi và động viên mẹ giúp cháu. Bảo mẹ cháu chịu khó ăn uống, đừng tiết kiệm quá ạ. Cô bảo mẹ đừng lo nhiều cho cháu, giờ cháu đã biết cách lo cho mình rồi
Minh khoát tay: “Yên tâm đi, lo nhiều sớm thành ông cụ đấy”.
Thằng cu Toàn cười bẽn lẽn. Nụ cười của thằng bé khiến cô cảm thấy vui ở trong lòng.
Thằng cu Toàn còn ngồi chơi một lúc rồi mới về. Ra đến sân, thấy mấy con chim sẻ đang nhảy cà tưng, thằng Toàn đi chậm lại. Nó rón rén quay xe mà không dám gạt chân chống. Chắc nó sợ đám sẻ giật mình.
Hình ảnh đó của nó lấn át đi tiếng cãi nhau của hai vợ chồng nhà nọ trong đầu Minh. Nó - thằng cu Toàn - chú chim sẻ non đang nhảy cà tưng, cà tưng vui vẻ ra cổng. Ngày mai, chú chim sẻ không nhút nhát ấy sẽ tập bay để đến với trời rộng...
Nguyễn Hồng Nhung
(Số 1, ngõ 116, đường An Dương Vương - TPHB)
(HBĐT) - Lời nói dứt khoát của người xưa: “Không thầy đố mày làm nên” là sự khẳng định về vai trò người thầy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy (thầy, cô giáo) và người học (học sinh), dù có sách trong tay học sinh vẫn rất cần sư chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắm của thầy. Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng “cầm tay chỉ việc” mà phải chỉ ra đường hướng, cách thức, kỹ năng. Tôn sư trọng đạo là bài học đạo lý và cũng là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta.
(HBĐT) - Nhận được giấy báo nhập trường, ngày mai, Hoa phải đi rồi. Đúng ngày, dù trong mưa lũ, Hoa vẫn quyết định đi - cầm tờ giấy báo nhập học của trường Cao đẳng Sư phạm, Hoa mừng lắm vì đã thỏa niềm mong ước của 12 năm đèn sách ở bậc phổ thông. Hoa thầm nghĩ, chỉ hai, ba năm sau Hoa sẽ trở thành cô giáo. Hoa sẽ mang con chữ về cho bọn trẻ quê hương mình.
(HBĐT) - Ngay sau cơn bão số 11 đi qua, chương trình truyền hình liên tục cập nhật những thông tin mất mát, đau thương tàn khốc do thiên tai gây ra. Bữa cơm tối được dọn ra đúng lúc những cảnh quay ngập lụt. Nhà cửa đổ nát, cây cối, hoa màu do lũ quét đổ gẫy tơi tả...
(HBĐT) - Nghe tin ông Hà ốm nặng phải vào viện cấp cứu. ông Đồng vội bán đàn gà và hai chú lợn choai đang hay ăn chóng lớn để lấy tiền đi thăm. Vợ con ông Đồng biết tính chồng, tính cha, không một lời ca thán, phàn nàn. Bà vào trong buồng đong thêm mấy bò gạo tẻ và một ít gạo nếp mới, cho vào cái bao nhỏ để chồng mang theo.
(HBĐT) - Tháng 7, mùa Vu Lan, đêm nay mưa ngoài trời rả rích, ông Bình lại bồi hồi nhớ về mẹ.Mấy chục năm rồi, hình ảnh mẹ, người mẹ dạn dày mưa gió, đôi bàn chân trần tháng ngày, sáng - chiều lặn lội, trên vai đôi gánh hàng rong. Những giọt mưa buồn vô tình cứ tí tách rơi gợi lên một nỗi buồn khó tả. Thuở ấy lâu lắm rồi, sau một cơn bão biển Đông ập vào, cây cối gãy đổ, nhà cửa sập, nước tràn lai láng, ngập lụt khắp ngõ xóm làng. ông Bình chỉ nhớ nhà mình cái kệ bàn thờ còn nguyên vẹn và mấy bát hương, mấy bài vị thờ ông bà, tổ tiên. Cha ông sau đận giông bão ấy, ruộng đồng sỏi đá trôi về tràn ngập lấp cả những bờ xôi, ruộng mật, ông đành bỏ làng động viên mẹ con ngược lên vùng Giăng, Dùng miền núi xa xôi làm ăn, kiếm sống.