Đêm cuối năm, trời Tây Bắc lạnh thấu da. Ngoài kia, từng cơn gió lùa trong cánh rừng ở đầu nhà rít lên ù ù vọng vào căn nhà ba gian nhỏ bé của hai mẹ con. Chiều nay em lên lớp về muộn, con gái Sùng Y My ngồi ở góc sân chờ mẹ. Nước mắt con bé đã thấm hết bờ mi cong vút, hai tay áo cũng ướt đẫm. Em hỏi con:
- Sùng Y My, sao con lại khóc?
Con gái đứng lên, ôm lấy chân mẹ. Một cử chỉ rất ít thấy ở Y My từ ngày đi học đến giờ. Con gái ôm thật chặt vào gấu váy, vào thắt lưng em, nấc không ra tiếng. Thương con, em ném chiếc cặp xuống sân, bế Y My và ghì vào má con. Giọng em cũng bị ngạt như nói trong gió thổi ven rừng:
- Nào, Y My nói cho mẹ biết vì sao con lại nức nở đến thế. Bạn nào đánh con?
- Không bạn nào đánh, chúng nó chỉ nói thôi!
- Các bạn con nói gì, kể mẹ nghe?
- Các bạn bảo con không có bố. Mẹ thì sắp đi làm dâu nhà người khác rồi, con phải về ở với ông bà ngoại. Vì thế nên Tết bố mới không về nữa. Có thật thế không mẹ?
Em lặng đứng người. Hai chân run run, gió thổi bên tai như nhiều hơn. Gió thổi tốc cả chân váy. Em đẩy cửa, bế con vào nhà. Em ghì Y My vào lòng, ghì thật chặt. Nước mắt em cũng chứa chan và giọng nói lạc đi.
- Sùng Y My à, mẹ con mình vẫn ở căn nhà này thôi. Mẹ vẫn là cô giáo của bản, vẫn đi chợ phiên bán hàng. Bố đi rồi bố lại về mà. Bố đi bảo vệ hải đảo, biên cương chứ có bỏ mẹ con mình đâu. Con đừng sợ. Các bạn trêu con đấy!
Không biết tại lời nói của em hay bởi Y My thấy không phải đứng một mình ở góc sân nữa nên im thin thít. Tiếng nấc của con cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Em rửa mặt cho con và lau những giọt nước mắt của mình còn vương trên má. Sùng A Khang ơi, em làm vợ anh, làm dâu họ Sùng, bản Tìa Sung đã 8 năm rồi. Em quên sao được ngày anh về phép “bắt” em về làm vợ. Đêm ấy trăng suông phải không anh. Em vừa mới đến trường được nửa năm trời. Trong chuyến đi về bản nhận lớp, nhận học sinh hôm ấy em đã gặp anh dẫn lối, chỉ đường. Lúc chia tay ở ngã ba đỉnh dốc Sài Lung, anh hỏi em:
- Con gái người Mông có ai xinh đẹp hơn em không. Mỗi người sắp đi một ngả đường rồi, sao không nói cái tên để anh còn gọi?
Anh biết không, lúc ấy em cảm nhận được đôi má mình sẽ đỏ như quả hồng treo trên cành. Em chưa được ai khen như anh đã khen em đâu. Em chỉ vội nói thật nhỏ, cố nói thật nhỏ: Hàng Y Mua. Thế rồi em cúi đầu, đeo ba lô ngược dốc về với bản Tìa Cang, anh đi về phía núi đá Tìa Sung. Vậy mà sao hôm đầu tiên đến trường anh lại gọi đúng Y Mua. Em thổn thức, tim đập thình thịch và hai má lại như vừa ngồi cạnh đống lửa. Em quên làm sao được khi anh mặc bộ quần áo con trai người Mông, tay cầm chiếc nỏ và đứng ở cây sung đầu lớp học. Anh để nỏ xuống cạnh chân em. Em sợ nỏ rơi gẫy nên vội đưa tay đỡ. Hai bàn tay chúng mình gặp nhau. Anh đã nắm tay em lâu quá làm em run lên bồi hồi và ngượng ngập. Anh kẹp chiếc lá non vừa bứt trên cành, đưa lên miệng và tiếng réo rắt vút lên giữa màn đêm tĩnh lặng của núi rừng. Em đắm đuối, mơ màng nghe tiếng réo rắt của bản tình ca: “Rừng núi kia chỉ có hai người... hai người... yêu nhau...” tha thiết từ miệng anh qua kẽ lá rung lên. Bỗng tiếng đàn môi lặng im, anh đưa bàn tay thô ráp tìm tay em. Em như bị cơn gió đẩy ngả vào lòng anh và em nghe thấy tiếng núi thì thào bên tai:
- Y Mua à, về làm vợ anh nhé. Em về làm dâu Tìa Sung nhé!
Em ngước mắt lên nhìn sương giăng mờ dưới ánh trăng treo đầu núi. Em ngẩng mặt lên tìm ngôi sao nào còn lấp lánh trong màn đêm và anh đã đặt nụ hôn trên đôi môi người con gái vừa mới vào tuổi đôi mươi. Em yêu anh từ ngày ấy nhưng khi anh nói anh là bộ đội biên phòng thì em sợ, em lo, em buồn. Các chị ở trường nói với em, bộ đội biên phòng nó đi xa lắm, lúc ở biên giới, khi ra hải đảo xa tít ngoài trùng khơi. Lấy chồng là bộ đội biên phòng thì quanh năm chăn thừa, gối thừa mà mình vẫn lạnh. Cái bếp không đỏ lửa suốt ngày. Kho củi nhà mình lúc nào cũng ít. Ngày Tết không ai giã bánh dày cho, đi nhờ người trong bản mãi được sao... Em cứ lo vơ vẩn và buồn quanh quẩn nhưng đã chót ngẩng mặt lên để cho người con trai Tìa Sung hôn rồi, biết làm sao đây. Em đi lên lớp mà vẫn lo. Em ngồi thêu váy cũng lo. Em đi nương với mẹ cũng buồn... Thế mà anh nói như dao chém cây, như gỗ đã xẻ thành ván. Đêm ấy và mấy đêm sau của mùa thu, núi Sài Lung trắng sương chúng mình gặp nhau trong say đắm. Hôm bị anh “bắt” sẽ là ngày không thể nào quên trong cuộc đời người con gái. Con đường về bản mờ trong ánh trăng. Em theo mẹ xuống chợ xa. Đêm ấy hai mẹ con đi chợ sớm, mặt trăng chưa lặn qua khỏi ngọn núi, sương giăng mờ trên ngọn cỏ. Đến đúng ngã ba chỗ ngày nào chúng mình chia tay thì em giật thột, hoảng hốt khi anh và mấy người bạn đón đường. Anh bước đến thật nhanh nắm lấy tay em. Anh nhấc bổng em lên đặt vào yên xe, bạn anh chạy theo và em bị “bắt” mang về Tìa Sung. Em ngồi trên xe máy, ôm lấy lưng áo anh về nhà. Em biết mình đã thành vợ người bộ đội biên phòng từ lúc ấy... 10 năm làm vợ, em được ăn Tết với chồng 2 lần, được anh đưa đi chợ huyện 4 lần. Chỉ có thế thôi, còn đâu thời gian chơi nữa. Em mang bầu Y My thì anh đã được điều ra miền hải đảo, cách nhà gần 600 km. Khi em sinh Y My có bạn bè, bố mẹ anh và hai cô em gái thôi. Em khóc ở bệnh viện. Em khóc khi ôm con về nhà. Em khóc trong những đêm gió thổi ù ù trên đỉnh núi Sài Lung. Vắng anh, không có anh, em vẫn phải đến lớp, vẫn phải chăm con. Buổi chợ phiên mang cạp váy, chỉ thêu, thổ cẩm xuống chợ. Đêm đêm về, khi Y My ngủ em chỉ biết gửi nỗi nhớ chồng vào trang nhật ký. Anh có biết em vui mừng thế nào khi nhận được thư anh. Em đọc cho cả con gái bé bỏng cùng nghe biết bao lần. Đến khi con vào lớp 1 thì thư anh từ nơi đảo vắng gửi về không cần em đọc nữa. Con đã đọc được những dòng anh viết: “Vợ Y Mua và con gái Y My rất thân yêu của anh...”.
- Y Mua à, có thư bố về đây con!
Con bé nhẩy cẫng lên, vứt vội cuộn chỉ thêu lên bàn học chìa tay đón. Con giở lá thư rất nhanh và nhìn mẹ:
- Mẹ à, thư bố A Khang viết lần này dài lắm. Con đọc cho mẹ nghe nhé!
… Hải đảo quê hương ngày 26/12...
Vợ anh và con gái yêu thương!
Anh ở nơi hải đảo nghe tiếng sóng lặng biết là đã cuối mùa đông. Chỉ còn mấy ngày nữa đến Tết người Mông ta rồi. Năm nay Sài Lung quê mình chắc là chơi Tết vui lắm. Hoa đào, hoa mận vườn nhà, trong bản đã nở chưa em? Anh phải cùng đồng đội chắc tay súng gác biển quê hương. Thế là đã 3 Tết liền anh không về quê giã bánh dày cho mẹ con em rồi đấy. Có giận, có hờn, có bực mình với anh không? Tết này em có may váy đẹp cho con chứ. Em cũng phải mặc đẹp để đi chơi Tết nhé. Chỉ buồn không có anh đi cùng thôi. Anh không về thổi khèn cho mẹ con em nghe được. Đừng buồn con gái Y My của bố. Bố vẫn đứng giữa sóng trùng khơi canh giữ biển trời Tổ quốc. Con vui lên và động viên mẹ cho bố nhé. Năm sau anh sẽ về đón Tết, vui xuân với em và con, với bản Tìa Sung quê nhà. Anh khát khao có một cành đào núi hoa đỏ thắm như ở bản mình để cắm trong phòng đón mùa xuân sang. Đồng đội bảo anh rằng Hàng A Khang ơi, bao giờ cho chúng mình về Tìa Sung ngắm rừng đào nhà bạn nhé. Các bạn anh bảo em là bông hoa của núi đấy...
- Ối à, tại sao mẹ Y Mua lại khóc. Con ứ đọc nữa đâu!
Anh ơi, em xúc động quá. Anh ở tận nơi xa vẫn thư về cho mẹ con em . Anh vẫn không quên cái Tết của người Mông mình. Em không buồn đâu. Em yêu anh, em đã là vợ A Khang 10 mùa hoa đào rồi đấy. Em không quên câu nói của bố khi em về làm dâu: “Con trai người Mông phải như cây trai, cây nghiến trên rừng. Con gái người Mông phải là hoa của núi. Con dâu người Mông lòng phải trong như nước suối nguồn, nghĩa tình sâu nặng thắm bền như chỉ thêu váy áo”. Năm nay nắng nhiều hơn mưa. Con suối đầu nguồn nước không về nhiều nữa nhưng tình em dành cho anh vẫn ắp đầy. Em vẫn lên lớp, vẫn chăm con, vẫn thêu váy để đón mùa xuân mới. Hoa đào năm nay đã bắt đầu nở, hoa mơ lấm chấm đầu cành. Xa anh, Y Mua nhớ anh lắm, thương anh nhiều. Anh ơi, dù hoa đào màu có nhạt phai nhưng tình yêu của em dành cho anh, người chiến sĩ biên phòng nơi đảo xa thì không bao giờ phai nhạt. Sắp 11 mùa hoa đào nở, 11 năm Y Mua là vợ của A Khang. Là hơn 3.000 ngày em vời vợi nhớ mong và đợi chờ. Sao em nỡ giận hờn người chiến sĩ xa quê được. Anh nhớ về núi Sài Lung nhiều thì mẹ con em cũng gửi nhớ thương về nơi hải đảo xa xôi. Chúng mình mãi mãi yêu nhau như hoa đào bản làng Tìa Sung mãi mãi thắm tươi dù trời mưa hay nắng, dù sương sa, gió táp anh nhé. Em không ngủ đêm nay để khâu nốt chiếc váy mới cho con gái Y My. Tết này anh không về được, lòng em hơi chống chếnh và thương nhớ những người chiến sĩ nơi đảo xa như anh thôi. Anh anh đừng lo, đừng buồn, em đã chuẩn bị nhiều thứ để chờ anh về đón Tết với hai mẹ con em. Con gái Mông vẫn biết sống lặng lẽ nhưng dạt dào yêu thương. Em sẽ gửi niềm thương, nỗi nhớ anh vào từng mũi chỉ, đường kim. Mong sao ở nơi hải đảo xa xôi anh ở sóng yên, biển lặng để mùa xuân đất nước thanh bình.
(HBĐT) - Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, tổ dân phố tôi được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể sáng kiến tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ nhà giáo trong tổ dân cư. Bởi lẽ những nhà giáo đã nghỉ hưu về tham gia các công tác xã hội rất tích cực, các nhà giáo đương chức về địa phương cũng hoạt động văn nghệ, thể thao, công tác khuyến học nhiệt tình. Mọi nhà giáo đều gương mẫu, đạt gia đình văn hóa.
(HBĐT) - Lời nói dứt khoát của người xưa: “Không thầy đố mày làm nên” là sự khẳng định về vai trò người thầy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy (thầy, cô giáo) và người học (học sinh), dù có sách trong tay học sinh vẫn rất cần sư chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắm của thầy. Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng “cầm tay chỉ việc” mà phải chỉ ra đường hướng, cách thức, kỹ năng. Tôn sư trọng đạo là bài học đạo lý và cũng là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta.
(HBĐT) - Nhận được giấy báo nhập trường, ngày mai, Hoa phải đi rồi. Đúng ngày, dù trong mưa lũ, Hoa vẫn quyết định đi - cầm tờ giấy báo nhập học của trường Cao đẳng Sư phạm, Hoa mừng lắm vì đã thỏa niềm mong ước của 12 năm đèn sách ở bậc phổ thông. Hoa thầm nghĩ, chỉ hai, ba năm sau Hoa sẽ trở thành cô giáo. Hoa sẽ mang con chữ về cho bọn trẻ quê hương mình.
(HBĐT) - Ngay sau cơn bão số 11 đi qua, chương trình truyền hình liên tục cập nhật những thông tin mất mát, đau thương tàn khốc do thiên tai gây ra. Bữa cơm tối được dọn ra đúng lúc những cảnh quay ngập lụt. Nhà cửa đổ nát, cây cối, hoa màu do lũ quét đổ gẫy tơi tả...
(HBĐT) - Nghe tin ông Hà ốm nặng phải vào viện cấp cứu. ông Đồng vội bán đàn gà và hai chú lợn choai đang hay ăn chóng lớn để lấy tiền đi thăm. Vợ con ông Đồng biết tính chồng, tính cha, không một lời ca thán, phàn nàn. Bà vào trong buồng đong thêm mấy bò gạo tẻ và một ít gạo nếp mới, cho vào cái bao nhỏ để chồng mang theo.