(HBĐT) - Bến xe Chiềng Vãng một sáng mùa đông giáp Tết. Sương mù giăng giăng, người ra bến xe đều trùm đầu, đội mũ kín. Khách phương xa về xuôi ăn Tết, lỉnh kỉnh những túi xách, ba lô, vừa đi, vừa thở ra hơi như những làn khói.
Những bác thợ nề đi xây dựng quanh năm, những anh thợ xẻ miệt mài với công việc “thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”. Dù rét nhưng họ hăm hở được về quê góp đồng tiền, bát gạo để đón cái Tết cùng gia đình, vợ con. Vắng nhà quanh năm có được mấy ngày Tết để đoàn tụ, đón xuân. Có người còn chịu khó mang cành đào phai vùng cao về, có anh còn lo từng bó lá dong, mấy cuộn lạt giang buộc bánh. Nhìn gương mặt, nụ cười của họ hết một năm lam lũ, vất vả nhưng cũng có của ăn, của để về quê ăn Tết.
Bến xe của huyện vùng cao những ngày giáp Tết cũng ồn ào, tấp nập, một không khí tiễn đưa cũng náo nức của người ở lại, người ra về. Hành khách hầu hết đã ổn định trên các tuyến xe về xuôi, những người đưa tiễn đứng lô nhô trên bến. Thỉnh thoảng, một cơn gió rít qua làm mọi người trên bến lại run lên, cây bàng góc bến xe trơ những cành. Gió thổi mấy chiếc lá bàng còn lại rung bay nghiêng nghiêng theo gió. Trời vùng cao mùa đông mây bay bàng bạc, dưới bến xe và những con đường vẫn nhộn nhịp những bước chân đi chợ huyện sắm Tết. Chợ vùng cao cũng đủ các mặt hàng Tết, cũng bánh, mứt, kẹo, tranh ảnh, câu đối Tết và sặc sỡ màu vải thổ cẩm của bà con dệt với đủ màu sắc hoa văn rất bắt mắt.
Anh thiếu úy - lính biên phòng bịn rịn chia tay cô giáo về quê miền xuôi ăn Tết. Trong gió rét mùa đông, anh lính biên cương nắm tay cô giáo, dù trời rét đậm nhưng đôi má cô ửng hồng, nụ cười để lộ đôi hàm răng trắng trìu mến, nhỏ nhẹ với anh:
- Về đến nhà, em sẽ bấm máy cho anh.
Cô giáo Hà từ một vùng quê trù phú, lúa tốt đã một thời được ngợi ca “chị hai năm tấn” lên một tỉnh miền núi lại lên vùng cao đã qua 3 mùa phượng. Ba năm học ở xã Pù Nhai này, cô đã quen hơi, bén tiếng. Cô đã quen những bước lên màn thang, ngồi bên bếp lửa nhà sàn. Nhớ hồi mới lên, cô nhớ nhà da diết, đôi lúc muốn bỏ cuộc trở về bên mẹ. Nhưng tình cảm trẻ em thân thương, chân thành, hồn nhiên như giữ cô ở lại. Lòng quý mến, yêu thương của các mế già trong bản đến với cô như tấm lòng của người chân thật, mộc mạc, thật thà làm cho lòng cô xúc động.
Cô lên dạy học ở đây là vì có anh trai, một sĩ quan biên phòng đang chỉ huy đồn biên phòng Lũng Nuông, thấy lớp học nơi đây còn thiếu thầy, cô giáo nên đã xin cho em gái lên đây dạy học. Buổi đầu ra đi, anh cô đã dặn:
- Lên đây là gian khổ, thiếu thốn, em có chịu được không?
Cô em gái dứt khoát:
- Em chịu được, anh hãy tin ở em.
Ra trường đã 3 năm, 3 năm ở nhà, không xin được việc. Cô hăng hái tham gia công tác xã hội, làm Bí thư chi đoàn thôn rồi lên Bí thư đoàn xã, cô được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Một đảng viên trẻ, đầy nhiệt huyết, cô không sợ thử thách vì như cô đã nghĩ có thử thách nào lớn hơn là trên trận tuyến dân công thời chiến mà các cô, các chị đã làm được... Nghĩ vậy, cô như có một quyết tâm hơn, một sức mạnh thôi thúc cô hơn.
Cô giáo Hà về trường tiểu học Pù Nhai hăng hái sớm hòa nhập lại có khiếu văn nghệ nên lôi kéo được hoạt động của những giáo viên ở lại xa nhà vui hơn, có tiếng hát, tiếng đàn làm cho ngôi trường vùng cao này như bừng dậy. Ngoài trời hoa mận đã nở trắng vườn trường. Những cây đào cũng đã e ấp ra nụ, có hoa đã nở sớm. Trong cái rét đậm, sương giá vùng cao, các thầy, cô giáo nhìn hoa mận, hoa đào mà xốn xang ngày Tết đến.
Sáng nay trên bến xe, chỉ còn mấy phút nữa là các chuyến xe lăn bánh đưa những khách phương xa về quê đón Tết. Những người đưa tiễn cầu mong chuyến xe an toàn đi đến nơi, về đến chốn, họ hướng vào các ô cửa lưu luyến phút giây chia tay.
Bỗng đâu có một bà mẹ hớt hải tay xách lỉnh kỉnh một túi to, tay kia bế một cháu bé chạy tìm số xe, tuyến xe. Chị hỏi không ra hơi, cứ thế chạy lập cập, hổn hển, mồ hôi đã ướt trên khuôn mặt bà mẹ trẻ đầy lo lắng. Cũng phải thôi, xe sắp chuyển bánh cả rồi, xe Tết sắp xếp xong là khẩn trương phải đâu như ngày thường mà đủng đỉnh. Lỡ một chuyến xe có khi nói quá là lỡ luôn cả một nhịp đời để rồi không có dịp đưa con về quê ăn Tết.
Chị cứ thế bế con chạy lô nhô giữa những người đưa tiễn. Rất nhiều người chỉ nhìn qua mà chẳng mấy bận tâm. Họ đang mải miết nhìn người thân trên xe sắp chuyển bánh. Nhiều nhân viên bến xe đang lo thu xếp, ký lệnh xe xuất bến. Những nhân viên quản lý bến xe cũng đang lo chỉ dẫn khách lên xuống cho đúng xe, đúng luồng nên cũng không bận tâm lắm. Anh lính biên phòng đang đứng bên cửa sổ xe tiễn cô giáo Hà, người yêu về quê lúa ăn Tết, thấy vậy, anh lính biên phòng chạy theo nói to:
- Chị ơi! Chị lên xe nào để tôi xách giùm.
Nói rồi anh đỡ lấy túi xách trên tay người phụ nữ ẵm con. Chị nói vội trong hơi thở gấp.
- Xe đi Thanh Hóa, xe số 0248. Chị xốc lại cháu bé rồi cùng chạy về chiếc xe màu sơn xanh.
Vừa đẩy được chiếc túi xách to lên cửa xe, chị bế con lách vào xe, anh phụ xe đã sắp xếp cho chị chỗ ngồi thì chiếc xe rùng mình chuyển bánh. Nhìn qua cửa sổ xe, chị vừa thở, vừa gật đầu nhìn anh lính biên phòng nở nụ cười tỏ lời cảm ơn. Tiếng cám ơn đứt quãng theo hơi thở của chị bị tiếng còi xe lấn át.
Anh lính biên phòng đi ngược lại chỗ đỗ xe, cô giáo Hà lên. Xe về Tết đã hối hả lên đường. Sương đã tan, ánh nắng từ trên ngọn núi đã Pù Nhin đã dội xuống. Những con ngựa thồ từ bản Mông cũng đã lộc cộc trên con đường vào phố huyện, đến chợ Tết. Mấy cô người Mông vòng cổ, vòng tai lấp lánh ánh bạc, bước đi theo nhịp váy xòe màu sắc thổ cẩm hoa văn sặc sỡ.
Chiếc xe chở đông đúc khách, trên mui xe đầy hàng, có những cành đào đâm nụ, theo xe về xuôi đón Tết. Họ mang cả hương Tết của vùng cao, vùng núi về quê với bao kỷ niệm đẹp của năm tháng gắn bó với miền đất xa lạ mà đầy ân tình. Chiếc xe như cũng thông cảm chia sẻ với người ở lại, từ từ rời bến. Cô giáo Hà đưa tay qua cửa sổ vẫy, nở nụ cười tươi, chào người yêu ở lại. Anh lính biên phòng dù trời đông, gió rét nhưng lòng thấy ấm lại bất giác anh nở nụ cười.
V.S (TTV)
(HBĐT) - Bờm lucky là tên một cửa hiệu bán quần áo may sẵn nằm tại tổ 18, phường Phương Lâm (TPHB) là một cửa hiệu đông khách. Tuy nhiên, câu chuyện của cô chủ quán Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1980 với nghị lực chiến thắng bệnh tật, tinh thần lạc quan đã đem đến những điều kỳ diệu trong cuộc sống quanh ta.
(HBĐT) - Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, tổ dân phố tôi được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể sáng kiến tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ nhà giáo trong tổ dân cư. Bởi lẽ những nhà giáo đã nghỉ hưu về tham gia các công tác xã hội rất tích cực, các nhà giáo đương chức về địa phương cũng hoạt động văn nghệ, thể thao, công tác khuyến học nhiệt tình. Mọi nhà giáo đều gương mẫu, đạt gia đình văn hóa.
(HBĐT) - Lời nói dứt khoát của người xưa: “Không thầy đố mày làm nên” là sự khẳng định về vai trò người thầy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy (thầy, cô giáo) và người học (học sinh), dù có sách trong tay học sinh vẫn rất cần sư chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắm của thầy. Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng “cầm tay chỉ việc” mà phải chỉ ra đường hướng, cách thức, kỹ năng. Tôn sư trọng đạo là bài học đạo lý và cũng là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta.
(HBĐT) - Nhận được giấy báo nhập trường, ngày mai, Hoa phải đi rồi. Đúng ngày, dù trong mưa lũ, Hoa vẫn quyết định đi - cầm tờ giấy báo nhập học của trường Cao đẳng Sư phạm, Hoa mừng lắm vì đã thỏa niềm mong ước của 12 năm đèn sách ở bậc phổ thông. Hoa thầm nghĩ, chỉ hai, ba năm sau Hoa sẽ trở thành cô giáo. Hoa sẽ mang con chữ về cho bọn trẻ quê hương mình.
(HBĐT) - Ngay sau cơn bão số 11 đi qua, chương trình truyền hình liên tục cập nhật những thông tin mất mát, đau thương tàn khốc do thiên tai gây ra. Bữa cơm tối được dọn ra đúng lúc những cảnh quay ngập lụt. Nhà cửa đổ nát, cây cối, hoa màu do lũ quét đổ gẫy tơi tả...