(HBĐT) - Tháng chạp. Mưa phùn gió bấc triền miên. Ngày nào cũng vậy, phải tới hơn 9 giờ sáng, ông mặt trời mới ló ra khỏi đám mây dè dặt ban tỏa ánh nắng xuống trần gian. Cánh đồng làng De lác đác vài bóng người. Một phần vì rét, phần nữa là từ ngày máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, địa phương quán triệt hạn chế tụ tập đông người. Công việc đồng áng, ai thuận giờ nào thì làm giờ ấy, bất kể sớm, trưa.
Hôm nay, ông Phẩm cùng con gái ra đồng để lên luống khoai lang trên thửa ruộng “phần trăm”. Cuốc, xới được một lúc, người đã ấm dần, ông nhảo chân lên bờ cởi áo khoác vắt lên bụi cây duối rồi chợt hỏi con gái:
- Mẽ à! Hình như hôm nay các anh bộ đội không đi tập?
Mẽ trả lời:
- Tại mình đi muộn chứ không phải các anh ấy không tập. Họ đi từ 5 giờ sáng kia mà.
- Ờ ờ! Rét mướt thế này có ai muốn bước chân ra khỏi nhà đâu. Vậy mà các anh bộ đội ngày nào cũng phải dậy sớm luyện tập thật vất vả.
Mẽ khẽ vâng đáp lời cha còn trong đầu lại nghĩ tới Khôi. Giờ này, anh và đồng đội đang luyện tập trên thao trường. Chỗ các anh tập chỉ cách nhà cô chưa đầy cây số. Vì vậy, từ hôm quen nhau, anh hay rẽ vào chơi. Hình ảnh anh lính binh nhì cao kều có đôi mắt sáng, luôn thân thiện với mọi người đã làm xáo trộn cõi lòng người thôn nữ. Mẽ quý anh ở đức tính chân thật, luôn quan tâm đến người khác và thêm cả cái tính hay đùa tếu nữa. ấy vậy, mỗi khi gặp Mẽ là anh lại ngập ngừng như vừa bị ai thay đổi tính nết. Oái oăm là những điểm có vẻ không được hoàn chỉnh ấy lại làm cho Mẽ ngày thêm cảm tình chàng tân binh đang chập chững bước vào đời quân ngũ. Cô quý luôn cả cái dáng cao gầy, lưng hơi gù của Khôi từ lúc nào không rõ. Mỗi lần hẹn đi chơi, Mẽ đều hồi hộp chờ đợi... Đến một hôm, Khôi rụt rè cầm tay cô, ý như định tỏ tình thì bất chợt có ánh đèn xe đạp loáng loáng phía ngoài đường cái. Vậy là buổi tối hôm ấy vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện tập xạ kích ở thao trường của Khôi rồi vườn cà chua nhà Mẽ năm nay đơm hoa, kết trái như thế nào.
Ngày ông Táo, ông Công lên trời, Mẽ đi mua cá chép cho mẹ, qua cổng doanh trại, cô muốn gặp Khôi mà nghĩ mãi không ra lý do để xin gác cổng cho vào. Ngậm ngùi quay về, Mẽ thấy lòng mình se thắt. Buổi tối, cô ngồi đun bánh chưng ngoài sân. Trời thì lạnh giá mà lòng người nóng như lửa đốt. Tuy chưa trao nhau lời yêu thương nhưng cô linh cảm được hết. Cô thầm cảm ơn ông trời đã cho mình gặp chàng trai đất Tổ, nơi mà ngày học cấp II, cô được nhà trường cho đi thăm quan vãn cảnh đền thờ các vua Hùng. Đã có lần anh kể, quê anh nằm bên bờ sông Hồng đất đai màu mỡ, canh tác dễ dàng nhưng cứ đến mùa nước lên cả làng lại táo tác hộ đê chống lụt... Bỗng luồng suy nghĩ bị cắt ngang vì có ám hiệu quen thuộc ngoài ngõ, Mẽ vội lao ra. Thình lình Khôi ghé sát vào tai cô nói nhỏ: “Mẽ à! Đơn vị anh sắp chuyển đi rồi. Ra ngoài kia anh gặp một chút!”. “Anh đợi nhé! Em sẽ ra”. Trả lời xong, Mẽ chạy vội vào nhà vớt bánh còn Khôi thì lững thững ra cánh đồng làng đứng đợi. Kỳ lạ chưa, người anh cứ run lên bần bật. Có phải tiết trời lạnh giá hay tâm hồn thổn thức. Đúng rồi! Khôi đang lo. Không biết tý nữa gặp Mẽ anh có dám thổ lộ tâm tư?... Ba mươi phút, rồi một tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không thấy Mẽ đâu. Khôi sốt ruột quá! Cứ như lời Đại đội trưởng thì lệnh hành quân đã gấp lắm rồi. Cậu lính gác cổng ban nãy cũng úp úp, mở mở: “ông hãy nhanh nhanh lên, tôi sợ đêm nay có báo động”. Mười giờ..., mười giờ ba mươi, mười một giờ kém... Chắc mình phải quay về đơn vị. Trong khi mà nỗi thất vọng lên đến tột cùng thì từ phía bìa làng, bóng Mẽ thấp thoáng, liêu xiêu. Như anh lính vừa nhận được lệnh xuất phát, Khôi lao về phía cô. Anh bế thốc Mẽ trong vòng tay rồi những bờ môi gặp nhau, trao nhận trong cảm xúc dâng trào đến ngạt thở. Khôi thì thầm: “Mẽ! Mẽ ơi! Anh yêu em! Đợi anh nhé! Sắp đến giờ đơn vị hành quân rồi”. Mẽ cũng vội vã như chỉ sợ không kịp: “Anh Khôi! Em yêu... Em sẽ đợi!” Khôi hôn khắp lên mặt, lên bầu ngực căng tròn của Mẽ rồi cúi xuống nhổ vội nhành cây bên bờ ruộng trao cho nàng. Phía đơn vị đóng quân bỗng lóe nhanh một vệt pháo sáng. Khôi giật mình: “Giờ hành quân đến rồi. Tạm biệt em!”.
Sau chiến thắng 30/4, đơn vị Khôi tham gia ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định. Được 2 tháng thì anh bị thương do một tên sỹ quan ngụy không chịu ra trình diện đã liều lĩnh dùng lựu đạn chống trả đội công tác. Tuy vết thương không nặng nhưng đơn vị đã chuyển Khôi ra Bắc điều trị để sau đó anh có điều kiện trở lại trường đại học. Chuyện quá bất ngờ nên hành trang ra Bắc của Khôi chỉ có ba lô quần áo và chiếc khung xe đạp dành cho Mẽ. Nhận được món quà này chắc Mẽ rất vui vì có lần đi chơi Mẽ kể: Em vừa biết đi xe đạp rồi, thích lắm anh ạ.
Sau 3 tháng điều trị, trở về trại an dưỡng, anh xin đơn vị đi thăm người nhà. Vượt qua chặng đường trên ba mươi cây số, bên chân bị thương đau nhức vậy mà cứ nghĩ tới Mẽ thì anh lại thấy hết đau và hăng hái đi tiếp. Nhưng buồn thay, khi Khôi đến làng De thì mọi người cho biết trận máy bay oanh tạc năm 72, ông Phẩm bị bom Mỹ sát hại, sau đấy, bà vợ dắt hai đứa con về quê ngoại bên Phủ Lý. Vậy là hết hy vọng, biết tìm em ở đâu? Mẽ ơi! Tại sao anh gửi bao nhiêu thư mà không thấy em trả lời hay là em đã thay lòng, đổi dạ? Buồn tủi và nghi ngờ cứ xâm lấn Khôi. Anh không còn đủ sức trở về trại an dưỡng đành ghé vào nhà dân xin nghỉ nhờ một đêm.
Thời chiến tranh còn chia cắt hai miền, việc trao đổi thư tín thật là khó khăn. Những gia đình có con em đi bộ đội mong chờ thư của người thân như một món quà hay một thông tin còn quý giá hơn vàng. Mẽ mong đợi đến cháy lòng, cháy dạ vậy mà không một tin tức về Khôi. Cô tìm cách liên lạc với gia đình anh rồi từ Phủ Lý, Mẽ đón xe lên Cẩm Khê thì địa phương đã báo tử và làm lễ truy điệu cho anh từ 3 năm trước.
Một sự thật đau lòng của chiến tranh mà ít ai ngờ tới là, ngày ấy ở làng De có một chàng trai từng học phổ thông với Mẽ tên là Lộc. Hết cấp II, anh ta theo ông chú học nghề thợ xây. Vốn bản tính cần cù, chịu khó nên chỉ sau một năm lao động, anh ta đã mua được xe đạp và chính anh là người giữ xe cho Mẽ tập. Nhưng tình cảm của hai người cũng chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè. Vậy mà một lần, bố Lộc là bưu tá ở làng đem về chiếc xắc-cốt chật cứng thư từ, công văn. Lộc tò mò mở ra xem thì thấy có một lá thư ai đó gửi cho Mẽ. Anh ta đã giấu nhẹm đi, vì cho rằng bức thư ấy sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của mình đang dành cho Mẽ.
Học xong đại học, Khôi về nhận công tác ở một tỉnh miền núi. Những năm đầu, cấp trên điều chuyển ông qua, lại một vài cơ quan rồi cuối cùng thì họ cũng “chốt” ông giữ “gôn” ngành lâm nghiệp. Làm giám đốc một ngành mà tỉnh xác định là mũi nhọn về tiềm năng phát triển kinh tế nên ông luôn được quan tâm đầu tư cán bộ có năng lực. Trong số đó, ông thấy Minh là sinh viên tốt nghiệp đại học loại ưu, quê Phủ Lý. Một ý nghĩ nảy sinh và hy vọng nhỏ nhoi. ông đã kể cho Minh nghe chuyện tình cảm của mình và nhờ cô ấy tìm giúp bà Mẽ. ông còn nói đùa là nếu cháu tìm được bà ấy bác sẽ giảm bớt thời gian tập sự cho. Minh không tin ông dám làm như thế nhưng cô cảm nhận ở ông một tình cảm khác lạ, thân thiết như người trong nhà nên đã nhận lời ngay. Mở đầu cuộc tìm kiếm, Minh dùng cả phép năm để về quê tìm hiểu nhưng không có kết quả. Tưởng như đã thất bại thì may sao vào cuối kỳ phép, ra chơi nhà dì ở gần ga tàu hỏa, cô kể lại, bà quả quyết:
- Tưởng ai chứ bà Mẽ thì cháu không phải đi tìm ở đâu nữa. Dì biết rõ về bà ấy.
Mừng như vừa vớ được vàng nhưng chỉ sợ dì mình nói đùa nên Minh vội hỏi:
- Có thật như vậy không ạ?
- Thật! Dì là bạn của bà Mẽ. Sau đận gia đình bị trúng bom Mỹ, bà ấy theo mẹ về đây nhưng sau này lại trở về làm dâu làng De. Hôm đưa dâu dì cũng đi mà. ông Lộc, chồng bà ấy kiên nhẫn lắm, theo đuổi, chờ đợi bao nhiêu năm mới lấy được vợ.
Ngay chiều hôm ấy, Minh vượt dốc Bòng Bong men theo đường mòn trong làng tìm đến nhà bà Mẽ. Nhưng thật khó là khi kể lại chuyện cũ thì ông Lộc bực bội bảo:
- Chuyện lâu rồi. Hai bên đều đã già cả, có gia đình, con cháu, xin mọi người đừng nhắc đến nữa.
Dẫu còn chưa thu xếp để hai người gặp nhau nhưng Minh mừng lắm. Cô vội phóng xe về kể lại cho ông Khôi và Thái, con rể ông cùng nghe. Không giấu nổi niềm vui, ông khẩn khoản đề nghị: “Ngày mai cháu và Thái trở lại làng De đàm phán giúp. Bác muốn gặp bà ấy”. ông còn dặn: “Bác sẽ cho xe để hai anh em đi cho kịp về trong ngày”. Tài thuyết khách của Thái đã làm ông Lộc phải đồng ý. Về nhà, anh khéo léo thuyết phục mẹ vợ để cho ông Khôi gặp lại người xưa. Bà Khôi thoáng chút buồn nhưng không thắc mắc gì mà chỉ trách khéo: “Chuyện đã xong hết cả rồi, bây giờ bố con anh mới hỏi đến mẹ!”. Nói vậy nhưng bà vẫn nhận lời cùng cả nhà đến thăm gia đình bà Mẽ.
Năm ấy ông Khôi ăn một cái tết thật vui nhưng trong lòng thì thấp thỏm mừng ngày tái ngộ. Đúng hẹn, mồng ba tết, Thái đưa bố vợ về làng De. Đến nơi, gia đình bà Mẽ đã tề tựu đông đủ y như đang chờ đợi người thân trở về. ông Khôi run run bước lên bậc hè. Bắt tay, chào hỏi, chúc tết mọi người xong, ông thăm hỏi sức khỏe, chuyện đồng áng gia đình ông Lộc. Mọi người trò chuyện thân tình, cởi mở. Chỉ riêng ông Lộc luôn bối rối. Ông đang ăn năn vì tội lỗi 40 năm trước của mình. Không biết có nên nói chuyện ấy ra với cả nhà hay chỉ gặp riêng ông Khôi để xin xá tội.
Nhân lúc mọi người tản ra ngoài để gia chủ dọn cơm đãi khách, ông Khôi mới có dịp ngắm tranh ảnh treo trên tường. Nhìn tấm ảnh cưới đã ố vàng nhưng ông vẫn thấy rõ trên tóc cô dâu cài bông hoa nhỏ năm cánh màu trắng, thấy lạ ông hỏi:
- Bà cài hoa gì trên tóc vậy, sao không phải là hoa hồng?
Bà Mẽ tủm tỉm, nét duyên thời xưa cũ hiện về, dí dỏm:
- Ông còn nhớ hôm chia tay vào
- Làm gì có hoa, tôi chỉ nhớ là đã nhổ một nhành cây bên bờ ruộng đưa cho bà, cho đến bây giờ vẫn không biết đó là cây gì.
- Hoa xuyến chi đấy ông ạ. Tết năm ấy, tôi cắm những bông hoa vào lọ nhưng kỳ lạ thay, hết tháng giêng có một nhành vẫn tươi nguyên, tôi đã đem trồng rồi sau này hỏi ra mới biết - đấy là hoa xuyến chi.
Hoàng Nghĩa (CTV)
(HBĐT) - Minh tựa lưng vào cánh cửa, nhìn miên man ra sân. Ngoại vẫn thường ngồi ở chỗ kia, ngay dưới tán cau, bên dưới giàn hoa thiên lý đan rổ, rá. Mới đó thôi cũng đã qua một phần ba thế kỷ. Chẳng còn mấy người đan rổ, đan rá, cũng không còn mấy nhà dùng rổ, rá bằng tre nữa. Thỉnh thoảng, một ông già trong xóm ven chân núi vẫn đi ngang qua bán rổ, rá, thúng mủng. Những chiếc rổ nom hệt như những chiếc rổ ngày xưa của ngoại. Minh tì đầu vào cánh cửa, ngước nhìn lên phía tán cau. Hai thân cau dài, cao, thẳng tắp. Ở nơi bẹ lá ấy có hai tổ chim sẻ. Những thế hệ chim sẻ ra đời, lớn lên rồi bay về chân trời mới từ nơi bẹ lá.
(HBĐT) - Vân Anh thấy bố cứ đi đi, lại lại trong phòng có vẻ rất sốt ruột, cô cũng cảm thấy không yên. Bố Vân Anh hỏi lại một lần nữa: “Con có chắc là cậu Thực sẽ về gặp bố hôm nay không?”. Cô quả quyết: “Anh Thực hứa với con sẽ về mà, bố gắng chờ lát nữa”.
(HBĐT) - Bờm lucky là tên một cửa hiệu bán quần áo may sẵn nằm tại tổ 18, phường Phương Lâm (TPHB) là một cửa hiệu đông khách. Tuy nhiên, câu chuyện của cô chủ quán Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1980 với nghị lực chiến thắng bệnh tật, tinh thần lạc quan đã đem đến những điều kỳ diệu trong cuộc sống quanh ta.
(HBĐT) - Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, tổ dân phố tôi được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể sáng kiến tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ nhà giáo trong tổ dân cư. Bởi lẽ những nhà giáo đã nghỉ hưu về tham gia các công tác xã hội rất tích cực, các nhà giáo đương chức về địa phương cũng hoạt động văn nghệ, thể thao, công tác khuyến học nhiệt tình. Mọi nhà giáo đều gương mẫu, đạt gia đình văn hóa.
(HBĐT) - Lời nói dứt khoát của người xưa: “Không thầy đố mày làm nên” là sự khẳng định về vai trò người thầy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy (thầy, cô giáo) và người học (học sinh), dù có sách trong tay học sinh vẫn rất cần sư chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắm của thầy. Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng “cầm tay chỉ việc” mà phải chỉ ra đường hướng, cách thức, kỹ năng. Tôn sư trọng đạo là bài học đạo lý và cũng là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta.