(HBĐT) - Mới sớm mà ông Nghị đã nhấp nhổm, thay bộ quân phục vẫn nguyên nếp đã lâu ông không mặc. ông dặn với bà “Tôi đi gặp mấy ông bạn để chuẩn bị cho ngày thầy thuốc Việt Nam, chiều mới về, bữa trưa bà đừng chờ cơm”.

 

Bà Thu, vợ ông định hỏi thêm câu gì mà đâu kịp. ông đã ra đường, thả bộ. Đến ngõ cây gạo chợt có chiếc xe máy cùng chiều lướt tới, ông đã tạt sang vệ đường vẫn không kịp chiếc xe đã đâm vào sau lưng. ông ngất lịm đi. Bà con lối phố cáng ông đến viện rồi ai nấy ra về với công việc mưu sinh thường ngày. ở lại với ông là hai ông bạn già và bà Thu, vợ ông. Kíp trực cấp cứu đã đón ông, khi hỏi đến giấy tờ tùy thân để làm hồ sơ nhập viện đã khiến bà Thu cuống lên “Nghe tin, tôi cuống lên đâu còn kịp chuẩn bị, chỉ biết chạy theo ông ấy tới đây”. Rồi bà chợt nhớ ra: “Nhờ các bác gọi giúp cho bác sỹ Bình ở khoa nội là con trai chúng tôi, giờ tôi mới nhớ ra”.

Bệnh nhân tuổi đã cao, thương tích khá nặng, bị gãy xương đùi và mấy dảnh xương sườn lại mất nhiều máu, cần được mổ ngay. Bình kịp ào đến nhưng anh chỉ còn biết nhờ cậy vào đồng nghiệp, anh đến bên bố rồi òa khóc. Ca mổ tưởng đơn giản vậy mà mất cả mấy giờ, phần do bệnh nhân mất nhiều máu mà ông lại thuộc nhóm máu hiếm, máu dự trữ cũng vừa hết. Bác sỹ Thuật, Trưởng ca mổ đã kêu gọi hiến máu cứu người. Người đầu tiên vào thử máu là bác sỹ Bình, con trai của bệnh nhân nhưng anh lại không cùng nhóm máu OB với ông. Tiếp là bà Thu, tuổi bà đã cao bà vẫn xin được thử máu, các bác sỹ đã giúp bà toại nguyện nhưng bà cũng khác nhóm máu... Phải đến bác sỹ thực tập tại khoa mới cùng nhóm máu với ông. Ca phẫu thuật hoàn thành, ông Nghị đã qua cơn nguy kịch. Người trước tiên thở phào là bác sỹ Thuật, ông đã thỏa nguyện với người đã dày công dìu dắt ông qua chặng đường y nghiệp và nay lại giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được cả khoa ủy thác. Với bác sỹ Bình, khi người cha thân yêu đã thoát hiểm lẽ ra anh là người vui nhất nhưng trong anh lại luôn trăn trở. Sau ca mổ của cha đã khiến anh hoài nghi với chính người mẹ của mình. Là một bác sỹ, anh đã có đủ hiểu biết rằng cha con ruột thường có chung nhóm máu. Sao anh lại khác nhóm máu với cha mình(?) anh trầm tư và như muốn trút tất cả những hoài nghi lên đôi vai gầy của bà Thu, người mẹ hiền thục cả đời hết lòng chăm lo cho chồng, cho con mà quên cả thân mình. Từ một cô y tá được đào tạo gấp trong thời chiến, thời mà “Cả nước tập trung cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bà là người lính khoác áo blu trắng, ngày đêm làm việc ở một Trạm cứu thương dã chiến giữa miền Trung nắng lửa. Bà đã gặp ông, ngày đó, ông mới là một y sỹ trực tiếp phụ trách một trạm quân y tiền phương. ông là một người anh luôn chăm lo cho thương, bệnh binh như ruột thịt. Từ cảm phục, bà đã thầm yêu ông rồi Trạm được chuyển sâu vào chiến trường. Giữa năm 1972, Trạm của ông rời chuyển tới thành Quảng Trị, trên đường ông bị đạn bắn lén vào vùng bụng dưới, máu đổ nhiều tưởng như ông không thể qua. ông đã được anh em đồng nghiệp phẫu thuật, cứu  chữa và người tận tâm ngày đêm chăm sóc, nâng giấc, bón từng giọt sữa, thìa cháo cho ông là y tá Thu. Với tình yêu thương của đồng đội ông dần qua cơn hiểm... Sau, ông được ra Bắc điều dưỡng và ra nước ngoài học thêm. Nước nhà thống nhất, ông về nước với tấm bằng đại học Y loại ưu. ông vẫn da diết nhớ cô y tá tiền phương đã tận tâm chăm sóc. ông tình nguyện xin lên công tác tại bệnh viện tỉnh miền núi, cửa ngõ miền Tây Bắc theo dòng địa chỉ mà ông hằng nhớ. Tổ chức ngành đã giúp ông về tỉnh miền núi với cương vị lãnh đạo của bệnh viện. ít lâu sau ông đã liên lạc và tìm được Thu cũng không mấy xa viện tỉnh. Cô y tá Bùi Thị Thu vẫn bám Trạm vào tuyến trong, ngày nước nhà thống nhất, Thu về quê và phục vụ tại một trạm xá dân y ở xã, bên  dòng Đà Giang. Thư rỗi và những đêm trăng, Thu thường nhớ về trạm quân y tiền phương bên sông Lam đã vào thơ, vào nhạc, khiến cô chạnh nhớ đến anh, người thủ trưởng cũng là người nhớ trong cô. Một sớm xuân 1978, Thu sững người khi có đoàn khách mặc blu trắng đến trạm xá nơi miền quê hẻo lánh của cô, Thu càng không thể tin vào mắt mình khi một nam giới cao to tiến thẳng đến rồi xòe tay ôm chầm lấy cô. Thu kịp trấn tĩnh và reo lên “Anh, anh Nghị!”. Thu giang rộng vòng tay ôm chầm lấy anh trước bao ánh mắt trìu mến của mọi người. “Thu ơi! Anh tìm em đã lâu, nay mới gặp”. Không lâu sau, họ đã nên vợ, nên chồng.

 

Từ phòng hậu phẫu, sức khỏe ông Nghị bình phục nhanh. Ngoài giờ trực, Bình thường ở lại chăm sóc đã giúp ông vui hơn. Đã mấy lần anh định chia sẻ về những băn khoăn về nhóm máu với bố mà lần nào định nói lại như có người ngăn anh. Nay cũng vậy, anh định hỏi để được giải tỏa thì ông đã hỏi trước “Sao vài bữa nay bố thấy mẹ con ít ở lại viện và như mẹ con có điều gì ẩn ý lắm, nét mặt như thoáng buồn?”. Nghe cha nhắc đến mẹ càng khiến anh cần hỏi thẳng cho rõ, vậy mà anh vẫn không thể lại đành lặng yên. Chiều cuối tuần, Bình lần giở xem lại các phim chụp mới nhất để biết tiến triển bình phục của bố. Một điều khiến anh quan tâm, anh lật đi, lật lại tấm phim chụp, vết thương mới đều có tiến triển tốt. ở xương hông, vết thương cũ vẫn còn hằn sâu vết đạn. Anh lặng đi như trong giờ thi gặp bài toán khó mà chưa tìm được hướng giải. Lúc này mẹ cũng vừa đến, mẹ nhắc anh: “Con tranh thủ tắm cho bố để chuẩn bị ăn cơm. Chiều nay nhà ta mới được cùng ăn”. Anh như thầm reo: “Cảm ơn mẹ đã giúp con hướng giải...”. Anh vào giúp bố tắm. Khi tắm cho bố, anh đã quan sát kỹ phần bụng dưới bên trái là một vết sẹo mờ, với kỹ thuật phẫu thuật thời chiến mà vết sẹo khâu thật tinh tế, nếu chỉ nhìn qua khó có thể phát hiện. Anh đăm chiêu với vết sẹo nhỏ, dài ngang bụng dưới như lại chồng thêm những dấu hỏi trong anh. Lần này, anh đã có thể hỏi bố mà không ngần ngại: “Vết sẹo ở bụng bố có từ khi nào mà bố chưa kể cho con nghe?”, “Chuyện dài lắm, nhiều lần bố đã định kể vậy mà cứ lần nữa mãi. Để tối nay bố sẽ kể”. Tối đến, khi mẹ đã về nhà, chỉ còn lại hai bố con, ông Nghị đã kể lại cả chặng đường chiến đấu và về... vết sẹo. Trong đêm, trên giường bệnh, giọng ông thật trầm ấm “ Sau khi lấy mẹ con, bố mới biết là mình không còn khả sinh con, qua vết sẹo như con đã biết. Bố buồn nhiều lắm. Là bác sỹ bố đã từng chữa và cứu được cho nhiều người vậy mà “Dao sắc đâu có gọt được chuôi”, với mình, bố đành chịu bó tay. Bố càng thương mẹ con nhiều hơn. Bố luôn nghĩ, giá như biết trước, bố đã không tìm gặp và làm khổ cả đời mẹ con. Còn mẹ con đã luôn an ủi bố. Đến một ngày, cách nay đã 27 năm, bố đi làm về thấy mẹ con vui lắm, khác hẳn mọi ngày. Khi ngồi vào mâm cơm thịnh soạn, bố còn tưởng nhà có khách, nâng cho bố chén rượu, mẹ con nhìn bố rồi cười thật tươi, khiến bố càng lúng túng “Anh cứ ăn thật ngon miệng, sau em sẽ cho anh biết một “tin vui” tuyệt vời, chúng ta đã có con anh ạ”. Khiến cả đêm ấy bố nghĩ suy và không ngủ... Sớm hôm sau, “Ta đi đón con về anh nhé”. Bố như ngớ ra, song đành làm theo ý mẹ. Bố mẹ và cô Lê, y tá bệnh viện được mẹ con nhờ và gọi xe về Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón con mà mẹ con và cô Lê đã liên hệ trước”. Giọng ông như nhỏ dần và dừng lại. Ngoài kia, tiếng gió thoảng xạc xào. Phải ít phút sau, ông tiếp: “Bố mẹ không thể sinh ra con nhưng con luôn là con của bố mẹ, điều đó chắc con hiểu”. Bình nằm nghe bố kể mà nước mắt anh cứ tràn mi. ông lại tiếp: “Gần đây, phải chăng con đã làm gì để mẹ phật lòng, phụ nữ dễ nhạy cảm lắm con à. Sớm mai con hãy nghe bố về xin lỗi mẹ và và đón mẹ cùng tới bệnh viện nhé”. Bình nghe mà thật sự ân hận về sự hoài nghi của anh về mẹ. Anh chồm dậy, chỉ kịp dặn lại cô y tá trực ca rồi chạy về nhà. Giữa đêm, anh sà vào lòng mà xin mẹ thứ tha và anh mong mau sáng để đưa mẹ vào để được chia sẻ với bố và  đón bố về.

 

 

                                                                              Đức Thắng (CTV)

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục