(HBĐT) - Năm nay mẹ vừa tròn 80 tuổi. Tuổi tuy đã cao nhưng mẹ vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Mẹ dạy con, dạy cháu việc đâu ra đấy. Con cháu muốn làm lễ mừng thọ nhưng mẹ gạt đi:

 

- Mẹ cám ơn các con, tuổi già trời cho đến đây là quý lắm rồi, mẹ chỉ mong các con đoàn kết, thương yêu, công tác tiến bộ, học hành giỏi giang là mẹ mừng, đấy là mừng thọ mẹ thiết thực rồi.

Anh cả đỡ lời mẹ:

- Mẹ già, tuổi trời cho, lộc tổ tiên mẹ để chúng con, anh em, con cháu được một buổi gặp mặt vui vẻ.

 

Cháu Quang lên 10 tuổi, con trai anh ba nhanh nhảu:

- Bà đồng ý để chúng cháu vui bà nhé.

 

Nghe con và cháu nói vậy, bà cười nhưng đôi mắt lại ướt. Tính bà, tính mẹ là vậy.

Một thời mẹ công tác rồi về nghỉ hưu đã hơn 20 năm nay. Mẹ thường nói vui:

- Lúc trẻ công tác, sinh 4 đứa con, 3 trai, 1 gái thành hai giai đoạn, hai đứa đầu cách hai đứa sau những 8 năm. Một mình bươn trải lo toan việc nhà, nuôi con, việc cơ quan, chồng luôn công tác xa. Thời bao cấp, dưới mái nhà tranh khu tập thể ngọn đèn dầu, bếp củi, lửa rơm, lá khô nhen nhóm mà tình mẹ nuôi con vẫn trọn nghĩa, vẹn tình. Thời đó, mẹ vốn dân quê, quen lao động, có mảnh đất thừa góc nhà là cuốc, xới trồng luống rau, luống khoai thêm vào bữa ăn và lót dạ sáng. Cái thời làm khó khăn, dù việc làm chính đáng, đáng được động viên lại bị phê phán “chủ nghĩa cá nhân”. Trong hoàn cảnh ấy, mẹ chỉ lẳng lặng tìm cách làm ra đồng tiền để nuôi con ăn học. Mẹ thường dặn dò các con: “đói cho sạch, rách cho thơm”, đời đừng ăn mặn để rồi con phải khát nước. Mẹ sinh ra vùng quê gian khổ nhưng giàu văn hóa dân gian, thấm đượm vào trong mẹ từ thời nhỏ, nay già rồi vẫn sống giàu chất nhân văn.

 

Mẹ nuôi lợn, ngày nghỉ ra đầm Quỳnh vớt bèo, chiều cùng con mang sọt, mang tải, chổi quét lá khô về đun. Mỗi năm cũng xuất chuồng được lứa lợn có khi lên hàng tạ. Mẹ luôn dặn các con sống thật thà “thật thà hơn cha quỷ quái”, từ quả nhãn, quả chuối trong vườn cơ quan không được bứt, được hái, con cá dưới ao, dưới hồ không được bắt, được câu, mẹ dặn “ngủ ngày quen mắt, ăn cắp quen tay”, đầu nhỏ rồi đến lớn “được bò rồi đến tha trâu”, mẹ răn đe cấm kỵ. Vì vậy, mấy đứa con mẹ trong cơ quan, láng giềng đều khen ngoan.

 

Nhiều người trong cơ quan thấy mẹ cần cù, chịu khó họ khen mẹ đẹp người, đẹp nết nhưng thói đời cũng khộng ít kẻ ghen tị. Đất cơ quan thừa để cỏ mọc, mẹ vỡ hoang trồng sắn, vất vả chăm sóc, xới đất, nhặt cỏ, cuối năm thu hoạch được hàng tạ củ. Củ ăn luộc, ăn độn, thái mỏng phơi khô dành cho tháng ba, ngày tám. Mẹ tính toán căn cơ, mẹ thường dạy các con sống phải tiết kiệm, cần thì tiêu nhưng đồng tiền kiếm ra đậm mồ hôi mặn chát nên chi tiêu phải hợp lý, có cuộc vận động đóng góp mẹ đều tham gia đầy đủ. Thời bao cấp chia nhau từng bánh xà phòng, khăn mặt đến chiếc lốp xe, chiếc quạt con cóc, mẹ làm cán bộ công đoàn phân chia rõ ràng, phân minh, không một chút tư lợi. Vận lời dạy của các cụ: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nên việc chia phần rất hợp tình, đôi lúc còn vui vẻ nhân nhượng nhau.

 

Các con mẹ lớn dần lên đều ý thức được sự vất vả của mẹ, ngày một buổi học, một buổi chẻ nan đan cót giúp mẹ. Mẹ lên lịch, lên chỉ tiêu phù hợp với từng đứa. Mấy đứa con mẹ chăm học, chăm làm không đàn đúm chơi bời, nghịch ngợm.

 

Mẹ dạy đứa con đầu hiền lành, ít nói, học hành thông minh làm gương cho 3 em. Thời khó khăn, mẹ vẫn dành góc học, xây dựng tủ sách để con đọc. Con đầu của mẹ sơ tán học nhảy cóc nên 16 tuổi rưỡi đỗ đại học. Con lớn lên đi học thời ấy được Nhà nước cấp học bổng, mẹ bớt gánh nặng. Thống nhất nước nhà, hai đứa con lớn của mẹ lần lượt đi học xa, mẹ lại nuôi hai đứa nhỏ vừa đi học vẫn chẻ nan, đan cót, vẫn trồng rau, trồng chuối. Có mớ rau, nải chuối, mẹ tập cho đứa con thứ 3 đi chợ bán. Mẹ nói với con, của làm ra, đưa đi bán không gì mà xấu hổ. Nghe theo lời mẹ, vui vẻ bán về trao tiền cho mẹ đầy đủ, mẹ nói đồng tiền mẹ chi vào bữa ăn, mua quần áo, sách vở. Hàng tháng thêm đồng lương bố góp, lúc này mẹ lại phải nuôi thêm mẹ già và em gái ở quê ra. Gia đình lại thêm gánh nặng nhưng mẹ vẫn vui vẻ, không một lời phàn nàn, kêu ca. Đến nay, mẹ già đã mất, em gái đã thành bà nội, bà ngoại, các con mẹ đã lớn mới thấu hiểu tấm lòng mẹ.

 

Hai con lớn học xong đại học do chiến tranh biên giới phía Bắc. Từ hai trường đại học, hai đứa con xung phong đi nghĩa vụ. Mẹ phân vân, vừa thương con, vừa lo lắng nơi hòn tên, mũi đạn. Nhớ hồi ấy con đi, bố mẹ còn nghèo cũng chẳng làm được mâm cơm cho thịnh soạn. Tiễn con về Hà Nội rồi lên Lào Cai, Cao Bằng. 3 năm nghĩa vụ, vác bê tông xây lô cốt, hăng hái tập luyện tiến bộ đều được kết nạp Đảng, anh năm trước, em năm sau. Biết tin mẹ mừng đến chảy nước mắt, đời mẹ một đời phấn đấu chật vật nhưng vì hồ sơ lý lịch nên mẹ đành làm quần chúng tốt. Mỗi lần con được về phép, mẹ lại ân cần dặn dò:

- Giấy rách phải giữ lấy lề, biết chia sẻ, chớ có tham lam.

 

Mẹ làm cán bộ công đoàn, ngày 8/3, chị em họp hành mẹ nhanh nhẹn, hoạt bát liên hệ cửa hàng mậu dịch mua được mấy chục que kem, thế là vui rôm rả, mẹ lại để dành gói vào tờ báo mang phần về cho các con. Tình mẹ ngọt ngào làm sao. Mẹ là người luôn làm gương cho con trong công việc gia đình, biết đối nhân sử thế với mẹ chồng, em gái chồng, lúc khó khăn biết san sẻ. Lương tuy thấp nhưng mẹ biết tằn tiện, sống đạm bạc, khiêm nhường. Mẹ thường nói với các con mình “có bát ăn mà để người nhà, người thân đói ăn, đứt bữa là không đành”. Mẹ vẫn thường nói:

 

- Là nghĩa vụ con cái, mình phải chăm lo đến đấng sinh thành, ăn ở phúc đức là để lộc cho con.

 

Về hưu, tuổi 80, mẹ vẫn lọm cọm với mảnh vườn vài chục mét vuông để có rau sạch, mùa nào rau ấy; mẹ vẫn thường nói, nuôi con gà vừa có trứng gửi cho con, cho cháu ăn lại vui cửa, vui nhà. Những quả trứng do mẹ nuôi ăn vừa thơm ngon lại đảm bảo. Có đứa cháu nội lấy chồng ở xa, có dịp về thăm, đưa cho cháu những quả trứng, bà cười nói:

 

- Trứng gà này là do bà nuôi được đấy, cháu cầm về mà ăn ngon lắm.

 

Mấy anh, chị con bà nói:

- Chúng con phục mẹ đấy, già cả rồi mà lúc nào cũng lụi cụi chẳng nghỉ ngơi, bòn mót, chăm bón được luống rau, con gà, quả trứng chỉ lo phần cho các con, các cháu.

 

Mẹ là vậy, hay lam, hay làm, mẹ nói không làm chân tay nó chứng ra, còn khỏe thì phải hoạt động mới nhanh nhẹn, sương cốt mới cứng cáp, dẻo dai, cứ ngồi ỳ một chỗ lại yếu thêm, chậm chạp. Các cụ quanh xóm rủ mẹ đi lễ hội, chùa chiền, mẹ cám ơn, mẹ tâm niệm “tu tại gia”, phúc đức là ở mình. Con người sống phải có trước, có sau, biết phải - trái, nhìn nhau mà sống “phúc đức tại mẫu”, mình sống sao cho đừng ai trách mình, đừng để con cái phải gánh chịu.

 

Cơm rượu mừng thọ xong, anh cả tìm nơi yên tĩnh làm một giấc, anh hai rề rà với hơi men, anh ba ngà ngà ôm lấy mẹ. Cả nhà cười vui vẻ, mẹ cũng móm mém cười, đôi mắt ươn ướt nhưng gương mặt mẹ rạng rỡ, hạnh phúc và mãn nguyện.

 

 

 

                                                            Truyện ngắn của  Văn Song

 

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục