(HBĐT) - Ngày Nam lên 6 tuổi, giặc Mỹ kéo hàng đàn máy bay ra đánh phá miền Bắc. Bất kể ngày đêm, tiếng bom nổ, tiếng máy bay rít trên bầu trời vốn lâu nay bình yên giữa núi rừng chỉ nghe tiếng mõ trâu, tiếng tù và, xa xa là tiếng sáo vi vu của bọn trẻ mục đồng.

 

Cứ nghe tiếng máy bay là bà nội Nam ngửa mặt nhìn lên trời chửi đổng:

- Chém cha lũ giặc giết người, sao không mang bom về nước chúng mày mà ném. Bố thằng Nam mà phóng tên lửa thì chúng mày có mà rúc đầu xuống đất.

Chỉ vì bố Nam đang công tác ở một đơn vị tên lửa nên bà nội lúc nào  cũng đem con ra dọa máy bay Mỹ.

Quê Nam tính về đường chim bay rất gần Hà Nội, vì vậy, mỗi lần máy bay Mỹ vào ném bom Thủ đô thì quê Nam lại inh tai với tiếng rít của máy bay con ma, thần sấm của giặc Mỹ. Nói gần Thủ đô nhưng chưa bao giờ được đi đến Thủ đô cả. Mẹ Nam động viên con:

- Con bố học giỏi, lúc nào bố Đông bắn hết bọn giặc nhà giời, bố về phép sẽ dẫn Nam ra Thủ đô, dạo hồ Gươm, ăn kem bờ hồ.

Làng dần vắng tiếng trai làng, mẹ Nam và chị em phụ nữ thay nam giới đảm đang việc hậu phương, ruộng đồng. Trai tráng khỏe mạnh lên đường nhập ngũ chỉ còn lại người già, phụ nữ, trẻ con và mấy anh thanh niên thấp bé, nhẹ cân là sót lại. Chiến tranh đang trên đà hừng hực khí thế: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nam cứ nhớ mãi, ngày bố Đông lên đường, Nam níu áo mẹ đòi theo lên huyện tiễn bố, mẹ kiên quyết bắt Nam ở nhà với bà nội, sợ có Nam đi theo thêm sự bịn rịn của người lên đường.

Giữa tháng tư, đường làng thoang thoảng mùi hoa dẻ làm cho mẹ Nam - cô Mận nhớ kỷ niệm của ngày anh Đông, cô Mận tìm hiểu nhau. Khi thấy mẹ ngồi lên chiếc xe đạp đi ra ngõ. Nam chạy theo sau, bà nội phải giữ Nam ở lại. Mẹ gò lưng đạp xe trên con đường đá lổn nhổn, nét mặt người vợ tiễn chồng mang niềm yêu thương, sự xa cách nhưng không một chút bi lụy, buồn phiền. Nhìn mẹ đạp xe trên con đường làng, lòng Nam thấy sự chơi vơi, bồng bềnh như cánh cò bay một mình trong chiếc vắng. Chiến tranh ngày càng ác liệt, thắng lợi dồn dập về hậu phương, bố Nam theo thời gian cứ thế đi miết, thỉnh thoảng mới có được lá thư về, mang cả khói bụi chiến trường. Run run bóc thư bố, mẹ xúc động đọc cho cả nhà nghe. Bà nội Nam ngồi lặng, ngậm miếng trầu, quệt miệng nói:

- Mong cho thằng Đông chân cứng, đá mềm, qua khỏi hòn đạn, mũi tên ngày thắng lợi về với mẹ, với vợ con!

Mẹ Nam ngắt lời bà:

- Mẹ ơi thắng lợi sắp đến rồi, gia đình ta lại xum vầy.

Nói thì vậy nhưng trong lòng mẹ Nam cũng ngổn ngang, chiến tranh chẳng biết thế nào mà lường!

Mỗi lần thấy bác đưa thư đạp chiếc xe, đeo túi dết bên người đi khắp đường làng, lòng người lại thấp thỏm niềm vui, sự hy vọng và cả nỗi buồn vì có tin báo tử.

Chị Mận cứ nhớ mãi trước ngày anh đi, hai vợ chồng nhớ kỷ niệm của những ngày bên nhau, những đêm sáng trăng, đi trên đường làng, mùi hoa dẻ đưa hương mà lòng vấn vương tình người, tình quê. Mùi hương của làng quê như theo người đi xa hãy nhớ về một miền quê nặng nghĩa, vẹn tình.

Cô Mận thời còn đi học là người làng trên, học sau anh Đông 2 lớp. Cô vừa học giỏi lại nổi tiếng đẹp nhất làng, có mái tóc dài, đen mượt thả lửng ngang vai, nước da trắng hồng, mỗi lần ra sông gánh nước hay giặt quần áo, đôi chân trần lội xuống nước làm các anh xao xuyến, ngay cả mấy chú bộ đội hành quân qua thấy vậy cũng ngó nghiêng to nhỏ. Tối nào nhà Mận cũng đầy ắp tiếng cười của đám thanh niên chưa vợ nhưng Mận đã hẹn ước với Đông nên chẳng ngó ngàng đến ai cả.

Sau ngày chiến thắng, cả nước vỡ òa niềm vui thống nhất, người ta đổ ra đường râm ran nói với nhau hòa bình rồi, đất nước liền một dải, con em, bản làng lại về phát nương, cày sâu, cuốc bẫm, xây dựng quê hương. Ngay trong đêm 30 tháng tư, bà nội Nam có thói quen miệng nhai trầu ngồi trên chiếc chõng tre trước mái hiên hóng gió nhớ những ngày tháng tư 20 năm về trước, ông nội là một lực điền của xã Đức Nậm, đi dân công hỏa tuyến Điện Biên Phủ. Sau thắng lợi của trận Điện Biên Phủ, rời đoàn dân công xe thồ, ông trở về với cuốc, cày. Người khỏe thế mà đổ bệnh mấy hôm là ông bỏ bà, hai đứa con, đứa lên 10, đứa lên 8, anh Đông và cô Na nay cũng đã thành gia thất. Anh Đông xây dựng gia đình với cô Mận sinh được cháu Nam, cô Na lấy chồng về xã  dưới. Bà nghĩ đến đâu thì nói đến đó, lời bà nói rành rọt làm cho người nghe thấy được sự lam lũ, nhọc nhằn nuôi con của bà. Bà chép miệng:

- Cầu trời, tuổi ngoài 70 rồi, ở  nông thôn thế này là cũng sống thọ, mong con, mong cháu sau đận này về xum họp.

Nói xong bà lững thững bước đến bàn thờ, trước di ảnh của ông thắp nén hương, bà rì rầm rồi lặng lẽ lau khóe mắt.

Hàng ngày, trên con đường cái rẽ vào làng, lác đác có anh bộ đội, đeo ba lô, sau cài con búp bê, tay xách chiếc khung xe đạp. Bộ đội nào từ Nam ra đều có chút quà về quê nhà. Chiều nào Nam cũng thấy mẹ ra đầu ngõ, giữa màu hoàng hôn tím đỏ ngóng về phía đỉnh dốc nơi con  đường ra tỉnh, ra bến xe. Chỉ khi bà nội lên tiếng:

- Mẹ thằng Nam về ăn cơm còn đi họp đội để  nghe ngày mai phân công làm cỏ lúa đồng Vạc hay đồng Cò?.

Nghe tiếng bà, mẹ lững thững bước trên ngõ vắng về nhà khêu to ngọn đèn dầu bên ánh sáng, nét mặt mẹ rạng rỡ niềm hy vọng.

Sau ngày chiến thắng, hàng chục gia đình của làng trên, xã dưới hân hoan đón con em từ miền Nam trở về nhưng cũng không ít nhà khắc khoải mỏi mòn chờ đợi. Bà và mẹ Nam cũng trong tâm trạng hồi hộp. Một hôm mẹ vừa đập xong đống lúa, bên ngõ nhà bà Miền xì xào tin anh Đông còn sống hiện đang an dưỡng ở trại thương binh. Đôi tay mẹ vung mạnh hơn, nhịp đập dồn dập. Đập xong đống lúa, mẹ ngồi lên đống rơm, lòng ngổn ngang suy nghĩ, nhìn đàn cò đang bay về tổ sau lũy tre làng, lòng mẹ lại ấm lên niềm hy vọng.

Sáng hôm sau, hai mẹ con cơm đùm, cơm gói một làn quà mấy chục quả trứng gà, vài quả đu đủ chín vội ra bắt xe hỏi đường lên trại an dưỡng thương binh. Ngồi trên xe, Nam thấy mẹ nhấp nhổm không yên vì lòng mẹ như có lửa đốt, không biết bố Đông bị thương nặng hay nhẹ...?.

Đi hơn nửa ngày đường, hỏi vào được trại, chị Mận được cô y tá vui vẻ tiếp đón niềm nở, mẹ Nam yên tâm hơn, đến khi gặp chồng, anh nằm trên giường, đầu quấn băng kín nhưng đôi mắt vẫn sáng, vẫn nụ cười của anh Đông ngày xưa. Chị yên lòng, cầm tay anh, thằng cu Nam nay đã lên 10, lặng lẽ nhìn bố rồi gọi, nghe giọng con anh xúc động rơm rớm nước mắt. Biết anh bị thương trong trận quyết chiến ở Xuân Lộc, cánh quân tiến vào Sài Gòn giải phóng,  mảnh đạn nhỏ còn ghim trong đầu. Được sự động viên của lãnh đạo trại, của chồng, ngày hôm sau hai mẹ con lại ra cổng trại an dưỡng bắt xe về làng Bài. Tin mẹ con chị Mận đi thăm chồng về lan khắp xóm làng, bà con lũ lượt kéo đến hỏi thăm. Bà nội Nam mắt như sáng hơn, rạng rỡ hơn, miệng nhai trầu như nhanh hơn. Bà con động viên:

- Thế là phúc nhà, dù  có bị thương tật nhưng còn người, còn được về với gia đình, vợ con là hạnh phúc rồi.

Mỗi người mỗi lời, mỗi ý nhưng ai cũng mừng cho bà, cho mẹ con chị Mận.

Trời nắng, cái nắng tháng 4, tháng 5 đầu hè, chị Mận mang ba lô, mấy bộ quần áo, chiếc võng dù ra phơi, tập thư chị gửi cho anh đã mấy năm hành quân chiến trường vất vả anh vẫn giữ. Dù thư đã phai, đã ố nhưng nét chữ vẫn còn nguyên, lòng chị thổn thức.

Cơn gió nhẹ thổi, mấy tàu lá chuối đầu hè phần phật, mùi hoa dẻ thoang thoảng thơm, lòng chị lại rạo rực niềm vui, hy vọng.

 

 

                                            Truyện ngắn của Văn Song

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Anh lính biển với ngày tình yêu

(HBĐT) - Đêm nay, ngày tình yêu trên biển đảo trăng vàng rực sáng và anh đã ra đây bảo vệ biển đảo quê hương.

Hoa xuyến chi

(HBĐT) - Tháng chạp. Mưa phùn gió bấc triền miên. Ngày nào cũng vậy, phải tới hơn 9 giờ sáng, ông mặt trời mới ló ra khỏi đám mây dè dặt ban tỏa ánh nắng xuống trần gian. Cánh đồng làng De lác đác vài bóng người. Một phần vì rét, phần nữa là từ ngày máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, địa phương quán triệt hạn chế tụ tập đông người. Công việc đồng áng, ai thuận giờ nào thì làm giờ ấy, bất kể sớm, trưa.

Đào thắm

(HBĐT) - Bà lặng lẽ đi ra vườn, thẫn thờ ngắm gốc đào đang mùa ủ nụ. Năm nay đào ra nhiều nụ mà nụ nào cũng to, cũng đẹp. Bà tưởng tượng đến đầu xuân một cây đào thắm nở bung, rực rỡ cả khu vườn.

Nụ cười của lính

(HBĐT) - Bến xe Chiềng Vãng một sáng mùa đông giáp Tết. Sương mù giăng giăng, người ra bến xe đều trùm đầu, đội mũ kín. Khách phương xa về xuôi ăn Tết, lỉnh kỉnh những túi xách, ba lô, vừa đi, vừa thở ra hơi như những làn khói.

Chuyện đời thường: Chuyến xe buýt chiều chủ nhật

(HBĐT) - Ông Năm đi thăm người bạn già bị ốm tận phố Lồ (Tân Lạc). Chiều khoảng 4 giờ, ông ra ngã ba đón xe về thành phố Hòa Bình. Xe đến chiều chủ nhật đông chật HS-SV từ nhà lên trường. Nhìn xe đông, ông Năm ngần ngại không muốn lên, ông nghĩ nếu không lên về chuyến sau chậm sẽ tối. Anh phụ xe thấy ông ngập ngừng đon đả mời ông lên xe.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục