(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, vào mùa nước lũ, khi nhà máy thủy điện mở hai cửa xả đáy, ông lại dắt cháu gái ra bờ sông. Dòng nước đỏ ngầu, bọt tung xối xả, rềnh củi sát mép nước dềnh lên, bập xuống. Dân hai bên bờ lao xuống nước, vớt lấy những thân gỗ, những mẩu củi về đun. Năm nào ở đây cũng có người bị chết đuối. Ông dắt con bé đến bên bờ sông, trỏ xuống dòng nước.

 

- Không có tiền mà đúng hơn là không có học thức khổ thế đấy. Con lớn lên cố mà học cho giỏi vào. Còn sống, ngoại còn cho con học hành đến nơi, đến chốn.

Hết mùa lũ này, cháu ngoại ông mới vào lớp1. Con bé chắc chẳng hiểu lời ông nói. Thấy ông chỉ, nó nhìn xuống dòng nước. Bọt nước và gió khiến nó sợ hãi nép chặt vào chân ông. Bọt nước bắn vào khiến tóc nó bết lại. Khi con bé bắt đầu run lên vì hơi lạnh ông mới dắt nó trở về. Như một căn bệnh thâm niên đã ăn vào xương tủy mình, mùa nước lũ, không dắt được đứa cháu ngoại ra bờ sông một lần, ông không chịu được. Làm như vậy là ông nhắc nhở ông phải nuôi dạy con bé nên người.

Đứa cháu ngoại càng lớn càng giống hệt mẹ nó - đứa con gái xấu số của ông.

Vì mưu sinh, hai vợ chồng ông theo chân cậu em vợ đi bán hàng trên mạn ngược, chẳng mấy khi có mặt ở nhà. Thành ra mụn con gái duy nhất của ông bà cứ thế lớn lên mà không được bảo ban việc học hành. Thấy con gái ở nhà một mình, vừa học, vừa chăn nuôi lợn đâu vào đấy, thế là yên tâm rồi. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện bất trắc xảy ra khi cậu em vợ ông không đau chân, nghỉ vài chuyến hàng ở nhà.

Không đi chạy hàng, cậu có dịp lui lại thăm cô cháu gái. Một hai lần đến thăm, cậu em vợ dẫn theo người bạn buôn bè gỗ tên Hải. Sau lần gặp con gái ông, Hải chủ động đến một mình. Con gái ông còn đang học cấp III. Hải đã ngoài 30 tuổi. Ngày ấy, ông nghĩ, con mình vẫn còn bé. Vả lại bạn của cậu con mình gọi bằng chú nên không nghi ngại gì. Hình như số phận của con gái ông là như thế. Lênh đênh sông nước, nắng mưa vất vả. Vợ ông ốm nặng rồi qua đời. Đám ma vợ, ông tiêu hết số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, qua 49 ngày vợ mất, ông lại phải đi hàng.

Mẹ mất, bố đi làm xa. Đứa con gái tội nghiệp của ông ở nhà với nỗi buồn  trống trải. Hải thường xuyên tới nhà ông. Rồi không biết từ lúc nào, con gái ông chuyển từ gọi chú sang anh với Hải. ông đi vắng liên miên, vòng ngắn cũng một tuần, vòng dài có đến hai, ba tuần. Khi biết chuyện thì con gái ông với Hải đã có quan hệ thân mật với nhau rồi.

Ông kiên quyết phản đối. Khuyên nhủ, bảo ban thế nào con gái cũng không nghe. Nó chỉ khóc nức nở, nước mắt giàn giụa mà xin ông đừng ngăn cấm mối quan hệ của nó.

Ngăn cản con không được, ông đến gặp Hải, nhìn vẻ mặt ông, Hải cũng có vẻ lập bập:

Anh, à chú đến chơi.

Mày là thằng...

Cổ họng ông nghẹn lại. Không thể chửi Hải là thằng mất dạy được. Là do mình không biết dạy con, do con mình có lớn mà không có khôn. ông đành xuống giọng:

- Anh đến nhờ chú có chút việc.

- Vâng, chú cú nói.

- Chú cũng vào tuổi là anh, là em với tôi. Chưa có gia đình nhưng chú chắc cũng hiểu, con gái tôi chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu chú. Nó còn trẻ người, non dạ, thiếu vắng tình cảm mẹ con, bố lại đi làm xa. Chú thương cháu, thương anh từ giờ đừng tìm gặp nó nữa.

ông nói, gần như van vỉ, không chần chừ Hải cũng tuyên bố:

- Nhưng cháu thật lòng với Hạnh.

- Chú với cháu, thật với thà gì. Mày gì đáng tuổi cha, tuổi chú nó. Từ giờ tao cấm mày đến nhà tao!

Ông lao vào Hải, túm lấy cổ áo của gã mà quát lên. Không phải là tay vừa, vừa gỡ tay ông, Hải vừa nói:

- Chú cứ bình tĩnh đã.

Không có lý do gì để chửi đánh Hải. ông biết rõ là như thế. Trở về nhà, ông cố gắng bảo ban, giải thích hơn thiệt cho con gái, mà nó không nghe. Cứ khóc lóc, van vỉ:

- Sướng khổ thế nào con chịu. Con không thể không lấy anh Hải.

Cực chẳng đã, ông lôi con vào buồng nhốt lại. ông nghỉ vài chuyến hàng, ở nhà canh con. Những ngày ông ở nhà, Hải cũng chẳng dám bén mảng tới. Nhưng chuyện gì xảy ra cũng đã xảy ra. Con gái ông có thai với Hải đã ở tháng thứ 3. Còn biết phải làm gì nữa. ông đành chấp nhận cho chúng cưới nhau. Ngày cưới, ông dặn con gái:

- Lấy chồng mới thấy đủ mọi cái khổ trên đời. Khổ cực đến đâu cũng phải quay về với bố. Không được   nghĩ quẩn.

Con gái ông vẫn đinh ninh:

- Vâng. Sướng khổ thế nào con chịu. Con sẽ không về làm phiền bố đâu.

Lấy vợ, Hải không đi buôn bè gỗ nữa. Tiền bán bè, Hải mua lại căn nhà trọ, đưa vợ về đó. Cái thai trong bụng Hạnh mỗi lúc một to lên. Để kiếm kế sinh nhai, hai vợ chồng bàn nhau thế chấp nhà để vay vốn, mở lò bánh mỳ. Lúc này, Hạnh mới vỡ ra chồng là một con nghiện nặng. Vừa đốt lò nướng bánh, vừa mắt nhắm mắt mở vì phê thuốc. Năm lần, bảy lượt, Hải làm cháy bánh. Bố Hạnh nghèo không có tiền cho con. Anh em nhà chồng lại không có ai đứng ra gánh đỡ, vậy là sập tiệm. Vợ chồng phải bán đất, bán nhà trả nợ ngân hàng. Không nhà, Hải thuê xích lô chở vợ ra ở tạm căn nhà dột nát, ẩm thấp trong chợ.

Thương con gái sắp đến kỳ sinh nở, ông đến đón về. Nói thế nào nó cũng không trở về. Thương con mà không biết phải làm sao. ông chỉ có mỗi một mụn con gái. Giờ cuộc sống của nó khốn khổ như thế đấy. Là bố, ông không sao nuốt nổi miếng cơm. ông đi chợ, mua thức ăn rồi mang cho con. Ngày nào cũng vậy.

Hải nghiện oặt ra, bỏ mặc vợ con, gã đi xách thuốc thuê. Bị bắt, tòa xử 10 năm tù với tội danh tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy.

Chồng vào tù, không nhà, không việc làm. Cùng đường, con gái ông lao đầu xuống dòng nước lũ, bỏ lại cho ông đứa cháu chưa đầy 3 tháng tuổi.

Ông gầy sọp đi vì  buồn khổ. Nhưng ông không thể ốm được. Còn đứa cháu đỏ hỏn, côi cút. ông mà ốm nằm đấy nó chỉ còn nước chờ chết. Dòng nước đỏ ngầu ôm vào nó cuộc đời khốn khổ của con gái ông. Bế cháu đứng đợi người ta khâm liệm cho mẹ nó, ông nhủ lòng phải cố sống cho khỏe để còn nuôi dạy nó lên người. Hai ông cháu sống chật vật bằng tiền công sửa xe đạp. Bù lại, con bé hay cười, hay nói và rất biết vâng lời.

Rồi như một chứng bệnh kinh niên, đến dịp tái phát. Năm nào cũng vậy, vào ngày giỗ mẹ nó, ông lại dắt con bé ra bờ sông. Chỉ vào đám người đang vớt củi, ông lẩm nhẩm:

- Không có học, không có tiền, đúng hơn là không có trí óc khổ như thế đấy. Con cố mà học cho giỏi vào. Còn sống, ngoại còn cho con học hành đến nơi, đến chốn.

Chỉ nói như vậy thôi rồi ông lại dắt con bé đi về. Cái dáng khắc khổ của ông đi bên cạnh cái dáng nhỏ bé, côi cút của đứa cháu ngoại. Dưới kia, đang mùa lũ, dòng chảy cuồn cuộn  đỏ ngầu...

 

 

 

                       Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Nhung

       (Số 1, ngõ 116, An Dương Vương, thành phố Hòa Bình)

 

 

 

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục