(HBĐT) - Cuối tuần, mưa giao mùa bất chợt đổ xuống thành phố như vãi sỏi. Mưa quất vào ô cửa kính ràn rạt. Mưa moi móc vào tận cùng những tán lá cây rậm rạp nhất, cào xới tơi tả tổ chim nào đó đã bỏ không. Gió như hờn dỗ, như đồng lõa theo mưa lật sấp lật ngửa vài mảnh bìa cát tông từ đâu đó quăng vương vãi xuống đường. Dũng lặng yên dõi mắt xuống phố, qua ô cửa nhạt nhòa nước mưa. Thành phố úng ngập trong cơn giông chiều.

 

Mưa tạnh, gió ngừng, chiều chạng vạng, Dũng tảng bộ về nhà trong cái se se lạnh còn sót lại sau cơn giông và không khí cuối hạ, chớm thu. Con đường trở về vương đầy sắc vàng của lá. Bỗng nhiên, anh cảm thấy về nhà trong tâm trạng như thế này sẽ là quyết định ngu ngốc vì trong không gian tĩnh lặng được bao bọc bởi bốn bức tường lạnh giá và bức bí, anh có thể bị hoảng loạn bởi sự cô độc. Chọn một quán cà phê nhạc Trịnh, ngồi xuống chiếc bàn có thể nhìn ra hồ, gọi ly cà phê, nhắm mắt lại, anh mặc kệ cho quá khứ và hiện tại đan xen ùa về.

 

Tiếng nhạc du dương và ca khúc “Tuổi đá buồn” đã đưa anh trở thời sinh viên đầy hoài bão và khát vọng. Ngày ấy, anh quen và yêu Trang. Cô đáp lại tình yêu của anh với thứ tình cảm chân thành đến thùy mỵ. Cô yêu như một người đàn bà vùng cao nào đó cần cù vạc những nhát cuốc xuống triền núi toàn sỏi đá, chăm chút và gieo những hạt giống yêu đương trong cam chịu, lo lắng.

 

Ngày ra trường, Trang muốn cô và anh về quê làm nghề giáo viên. Anh không đồng ý, vì theo anh cái nghề ấy chỉ hợp với những con người ngại va vấp. Được bố mẹ mua nhà ở thành phố, Dũng bắt đầu dấn thân vào nghề báo.

 

Ngày tháng qua đi, xa mặt cách lòng, các cụ ngày xưa bảo thế. Bẵng đi một thời gian, chính cái ngày Dũng được đề bạt làm trưởng phòng phóng viên cũng là ngày cuộc sống của anh bị đảo lộn. Hiền, cô sinh viên mới xin về phòng thử việc như một làn gió mới mẻ thổi ào ạt vào tâm hồn bình dị của anh. Hiền có cá tính sôi động, đôi khi cũng rất trẻ con. Anh được tổng biên tập giao cho nhiệm vụ hướng dẫn Hiền làm quen với nghề báo. Được thể, Hiền quấn quýt bên anh suốt ngày, chọc phá anh bất cứ khi nào có cơ hội. Còn anh thì chẳng thể làm gì ngoài sự chịu đựng và tự an ủi bản thân - Nó là con sếp!

 

Lâu dần, anh cảm thấy Hiền là một cái gì đó vừa đáng ghét, vừa đáng yêu mà chết một nỗi là hình như đáng yêu lại nhiều hơn đáng ghét. Cô như cơn mưa bất chợt giữa mùa hạ đổ tràn xuống tâm hồn anh đang dần khô hạn vì cô đơn và vô vàn những nỗi bon chen. Mảnh đất cằn cỗi ấy được thể căng sức mình ra mà uống cho thoả thuê, đã đầy cơn khát, uống một cách không chống đỡ, không ngừng nghỉ. Có một cái gì đó ngủ yên trong anh đã bắt đầu nảy mầm. Một chiều hoàng hôn trên cát mịn, Hiền ghì chặt anh trong vòng tay thì cũng là lúc cái hạt mầm nhỏ bé ấy đã ghim sâu, bám rễ - nhổ đi thì thật khó mà có nhổ được chắc sẽ rất đau. Dũng cảm thấy mình trở thành người mắc kẹt giữa hai người đàn bà không thể nào cưỡng nổi.

 

Biển chiều mênh mông và dịu dàng, từng cơn sóng nối đuôi nhau ve vuốt vách đá. Hoàng hôn biển nồng nàn, Hiền tựa vào vai anh mơ màng. Lạ một cái là ngay chính những phút giây ngập tràn sự nhận trao và chia sẻ này, anh vẫn không tài nào thoát ra được cảm giác trống trải.

 

Trở về sau chuyến đi nghỉ mát, anh nghiễm nhiên được coi là người yêu của Hiền.  Một lần anh đi qua phòng phóng viên, mọi người bàn tán về chuyện của anh và Hiền. Giọng Quang nghe khề khà:

 

- Ông Dũng nhà mình mà lấy cái Hiền thì khác gì hổ mọc thêm cánh. Nhà sếp  mỗi đứa con gái, ông ấy về đó thì có mà sướng hơn vua. Khôn thật!

- Bố vợ, con rể song kiến hợp bích, giang sơn của ông ấy là ở đây chứ đâu - tiếng bà Thái tài vụ chen ngang.

 

Lan biên tập cũng thêm vào thông tin đang nóng:

 

- Em nghe phong phanh hôm nọ cái Hiền ý tứ rằng sếp nhà mình nhắm ghế Phó tổng cho ông Dũng rồi đấy, chẳng qua hoãn ít thời gian nữa để ông ấy làm quen với công tác quản lý. Cẩn thận đấy anh Quang ạ, cứ cái kiểu nhả nhớn với em Hiền như thế có ngày ông Dũng cho anh xuống đường bơm xe đạp, làm bảo vệ...

 

- Anh chào thua rồi mà hôm nay sếp Dũng đi muộn thế nhỉ? Đúng là con cưng có khác, thoải mái rong chơi. Thôi làm việc đi các ngài. Nếu không có bài nộp định mức, trong đội ngũ bơm xe có cả em nữa đấy Lan ạ.

 

Nghe thấy tiếng Lan xì một tiếng dài. Căn phòng yên tĩnh trở lại, chỉ còn vọng ra những tiếng gõ lạch cạch của bàn phím. Dũng bước vào phòng. Một vài người ngước lên chào anh nho nhỏ rồi lại cúi xuống gõ. Tiếng lạch cạch rạch dài, nhàm chán, thêm những cái liếc trộm và cười giấu diếm khiến cho căn phòng trở nên vô cũng oi bức, mặc dù điều hoà đã hạ xuống chỉ còn có 180C.

 

Dũng thấy bực bội. Nhớ lại quãng thời gian bước chân vào nghề, Dũng cũng sấp ngửa với biết bao tháng ngày chạy đôn chạy đáo viết bài. Kiếm được đề tài hay đã khó, viết hay lại càng khó hơn. Nhiều khi tủi thân vì thấy bài mình bị loại hoặc bị đàn anh đi trước xào lại rồi sửa tên, có thắc mắc thì nhận được một câu nói vô tâm: “Của chú khác nào của anh, cùng chung tay làm rạng danh tờ báo ta mà...?!”. Nghề báo cũng lắm gian truân và đa đoan. Với anh, sẽ không bao giờ có sự thất bại nào đáng xấu hổ, tất cả chỉ là sự bắt đầu cho những thử thách mới, chông gai và vinh quang. Giờ đây, nếu anh có được thăng chức lên làm Phó tổng biên tập như Lan nói thì anh cũng thăng tiến bằng chính tài năng chứ không phải bằng tiền hoặc vì là người yêu của con sếp. Ở đời, quyền lực có sức hút ghê gớm và sự đánh đổi nhất định của nó.

 

Đêm khó ngủ, một mình trong quán cóc ven đường, bất chợt nhớ đến thằng bạn thân, anh gọi trà nóng và kẹo lạc. Lâu lâu anh mới thưởng thức lại thú này lại thấy hay hay. Ngày trước, mỗi lần anh và thằng bạn đi viết bài về muộn thể nào cũng tạt vào quán cóc ăn cái món này và ngồi nói chuyện cho tới sáng nhưng giờ thì có lẽ hai vợ chồng nó đang dỗ dành đứa con hơn tuổi từng thìa bột. Anh mỉm cười đầy ý tứ. Cuộc sống xô bồ, đối với những người phải vật lộn với từng mớ rau, lạng thịt thì đôi khi những ý tưởng chứ chưa nói đến tác phẩm thường bị ung thư hoặc chết yểu từ trong trứng nước. Giờ này, có lẽ đứa bạn gái thân hồi học đại học chắc cũng thế, bận bịu với đủ thứ sữa bột, tã lót và những chiếc tất nhỏ con con như đồ chơi búp bê. Mỗi một con người khi lớn lên đều có sự lựa chọn cho riêng mình. Bạn bè mỗi đứa một phương, hoàn cảnh khác nhau, gặp nhau được vài ba phút hay nhiều khi qua đường chào nhau bằng nụ cười tất bật cũng quý lắm rồi.

 

Tiếng rao bán bánh mỳ đêm nao nao, khắc khoải như trượt dài vào đêm đã kéo Dũng ra khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn pha chút vị đăng đắng. Những người bán rau sớm đã tụ họp nhau lại thành chợ ven đường. Mồ hôi đầm đìa lưng áo và rịn đều trên những khuôn mặt khắc khổ thâm nâu vì mất ngủ. Sau khi bán đổ cho lái buôn, lời lãi nhẩm tính cẩn thận cho dù chỉ là một đồng con, họ lại lên xe và trở về tổ ấm của mình. Anh nhìn những người đi chợ mà thèm khát sự giản dị nhưng rất đỗi ấm cúng ấy. Dũng nhìn lại mình - một chiếc bóng cô độc đổ liêu xiêu xuống mặt đường đang lần tìm về với bốn bức tường lạnh lẽo. Đêm dần qua.

 

Buổi trưa, sau giờ làm việc, Dương điện thoại cho thằng bạn đi ăn. Hiền vùng vằng giận dỗi khi nghe anh nói: “Hôm nay anh muốn đi một mình”. Trước khi trở lại toà soạn, Hiền còn nói với theo: “ chiều nhớ đền em tôm Hồ Tây đấy... và một tràng cười lảnh lót từ phía sau đã xô anh xuống lòng đường đầy khói bụi và xe cộ. Hình như anh đang chạy, chạy thật nhanh.

 

Mới đôi ba chén rượu, thằng bạn bắt đầu mở những trang triết lý dài vô tận của nó về cuộc đời:

 

- Ông lãng mạn quá nên khổ! Tình yêu thời buổi này đếch còn cái cảnh ngồi bờ sông mà ngắt từng cánh hoa rồi lẩm bẩm tính: “yêu hay - không yêu” nữa đâu. Nó phải là nhà, tiền và xe... Tất cả những thứ này phải có giá trị được tính bằng đơn vị tỷ. ông đừng đau đáu với những cái gì đã qua. Tình yêu mà, cái nào mà chẳng đẹp, càng đẹp đến khi mất nó càng đau.

 

Hết giờ nghỉ trưa, thằng bạn loạng choạng đứng dậy và chỉ  an ủi anh bằng cái vỗ vai kèm theo một câu “đừng giống như tôi” như thể để động viên chính nó.

 

Tòa soạn đang có phong trào vận động các phóng viên đi vùng sâu, xa và khó khăn để viết bài. Hôm họp phòng phóng viên để phân địa bàn đi viết, một số phóng viên có kinh nghiệm như Quang, Lan... xung phong đi lên vùng biên viết về buôn lậu hàng hoá dịp gần tết, một số khác đề xuất đi về các huyện miền núi viết về kinh tế nông thôn. Hiền, cô chọn một chủ đề lãng mạn hơn là đi Sapa viết về chợ tình. Xong xuôi đâu đấy, bỗng Quang hỏi ngoài lề:

 

- Sếp Dương không tham gia chiến dịch cùng bọn em cho khí thế sao? Thiếu những phát đại bác của anh, chiến dịch kể như thắng không lớn.

 

Hiền xen vào:

 

- Anh Dương có việc của anh ấy, bận tối ngày làm sao mà đi được. Chỉ giỏi tị.

ý anh là không có anh Dương đi trong trận này thì mất khí thế cả phòng chứ có tị gì đâu.

Mọi người không tranh cãi nữa. Tôi không đi đầu đợt này thi ai đi.

 

- Sếp đi đâu thế, Sapa chứ?

 

- Không, tôi đi đón bão miền Trung. Tôi sang trình bày với Tổng biên tập ngay bây giờ.

 

Tổng biên tập có vẻ băn khoăn với quyết định đi miền Trung của Dũng.

 

Cậu có thể cử những phóng viên nhiều kinh nghiệm đi chuyến này chứ không nhất thiết trưởng phòng thân chinh ra trận đâu. Cậu mà đi, việc điều hành phóng viên sẽ gặp nhiều khó khăn.

 

Thưa chú, trước khi làm trưởng phòng, cháu cũng từng là một phóng viên. Với lại, không một anh em phóng viên trong cơ quan mình có nhiều năm công tác ở vùng bão lũ như cháu. Ra quân lần này làm máu phiêu lưu của cháu bốc lên, không đi chịu không nổi đâu chú ạ.

 

Nói thế nghĩa là cậu đã quyết định nhận đề tài gian nan nhất rồi. Mà ngoài cậu ra, tôi cũng băn khoăn chưa biết chọn ai. Thống nhất vậy nhé. Chúc anh em thành công.

 

Ký ức trong Dũng về miền Trung là những bãi cát dài ngút tầm mắt, những rặng phi lao chắn cát ven biển như ưỡn tấm ngực lực lưỡng của mình ra để chống chọi với từng trận bão hay những cánh đồng muối lấp lánh, trắng xóa. Người dân miền đất gió Lào cát trắng này chắt chiu từng giọt mồ hôi của mình, đất trời để hiến tặng cho cuộc đời những hạt muối mặn. ấy thế mới nên câu hát “trăm năm muối mặn gừng cay hỡi người...”. Giờ đây, miền Trung trắng xoá mênh mông nước. Nước lũ như thịnh nộ, như hờn ghen, gom nhặt tất cả nước lũ trên thế giới này đổ cả vào miền Trung cuốn trôi đi nhà cửa, trường học, ruộng đồng, bờ bãi. Tiếng khóc của những bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con chia lìa cha mẹ ướt đẫm nước mưa, lẫn trong tiếng thét gào của bão tố; nó lăn mãi, thẳm sâu vào tâm trí của Dũng. Đôi khi anh thèm mơ những giấc mơ hạnh phúc trong những lúc tranh thủ chợp mắt trên thuyền cứu hộ giữa bốn bề nước trắng xóa.

 

Ngày thứ ba ở vùng lũ, Dũng nhận được điện thoại của Hiền gọi đến từ Sapa.

 

Em sắp viết xong bài rồi, giờ đang đi chợ chụp ảnh và mua ít đồ về Hà Nội làm quà. Trên này nhiều thứ lạ mắt lắm, em mua cho anh mấy thứ rồi đây này. Dễ thương lắm cơ!

 

Dương buông thõng tay xuống dòng nước đục ngầu:

 

- Thế à?

 

- Anh Quang từ Lạng Sơn về lại lên đây. Anh ấy mua bao nhiêu là đồ... Tối hôm qua hai anh em uống rượu đến tận đêm, vui lắm.

 

- Thế à?

 

- Sao anh cứ thế à mãi là sao? Có muốn mua gì không để em còn biết?

 

Trong hoàn cảnh biết bao cảnh tang thương đang diễn ra, bỗng nhiên anh thấy Hiền vô cảm quá. Anh trả lời: “Mua cho anh một chút lòng trắc ẩn” rồi tắt máy như thể điện thoại bị mất sóng.

 

Trong quán cà phê nhập nhòa bóng tối, ngai ngái mùi thuốc lá, những bản tình ca của Trịnh Công Sơn vẫn réo rắt hòa tan vào màn đêm sâu thẳm, vỡ ào và cuồn cuộn chảy: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”. Bỗng điện thoại đổ chuông.

 

- Anh à, anh ở đâu mà để bọn em tìm mãi. Mai em chuyển sang làm ở cơ quan của bạn bố em nên gặp anh em chia tay một chút. Với lại anh em trong cơ quan đang chuẩn bị liên hoan chúc mừng chuyến đi vừa rồi. Sếp gì mà khó tìm như đồ cổ thế.

 

Hiền cười và có tiếng Quang léo nhéo xen vào.

 

- Sếp Dương ơi, đến chơi đi để em còn báo cáo với anh sự kiện nóng hổi nhất trong tuần. Bảo đảm nghe xong, anh ngất luôn...

 

Anh thừa biết cái thông tin mà Quang định nói với anh nên từ chối ngay, cảm giác trống vắng vây quanh:

 

- Anh mệt lắm, với lại đang nằm, ngại dậy - Dũng nói dối.

 

- Tự anh từ chối đấy nhé, mọi người trách, kệ anh. Chúc anh ngủ ngon, ông già đáng yêu...

 

- Ừ, già rồi!

 

Tiếng tút tút dài vô tận ở đầu dây bên kia. Điện thoại một lần nữa đổ chuông. Không xem số người gọi, ngỡ là Hiền trêu chọc, anh mở máy, giọng hơi gắt.

 

- Đã bảo anh mệt! Không đi đâu, gọi mãi!

 

Hình như có một chút ngập ngừng của người ở đầu dây bên kia và rồi anh bàng hoàng nhận ra giọng nói của Trang - trầm lắng và cam chịu.

 

- Ốm rồi phải không nghệ sỹ? Chuyển mùa mà, dễ cảm. Anh chẳng nghe lời em gì  cả.

 

- Trang hả? Anh cứ tưởng...

 

- Thứ bảy này có được nghỉ không anh hay lại bận đi xa? Nhớ mang theo áo ấm, anh hay bị ho...

 

- Anh lên cùng em được chứ? Nhớ nấu cơm phần anh, trưa mai.

 

- Nếu không muốn thì đừng gượng, em hiểu mà.

 

Ngay lúc này, Dũng cảm thấy mình cần có Trang cho riêng cuộc đời mình biết bao. Anh muốn nói với Trang từ xin lỗi mà sao cứ uất nghẹn mãi. Thời gian như đặc quánh, ngừng trôi, Trang lên tiếng trước:

 

- Dũng à, đừng nói điều gì cả, em biết hết mà. Đã hai mùa em xa anh, hai mùa em tự gục mặt vào lòng bàn tay của mình để khóc, hai mùa mong manh chờ đợi...

 

- Không, anh muốn lên và... Chỉ là ngày mai thôi!

 

Một khoảng lặng nữa lại trôi qua.

 

- Cũng được, em chờ...

 

Ở ngoài kia vầng trăng hình như cũng chao nghiêng, như khao khát bù đắp và tròn đầy. Sương thu bắt đầu phây phất mờ ảo như khói mỏng trên mặt hồ không chút gợn sóng. Trong thế giới rất riêng của Dũng, anh cảm thấy có một cơn giông dữ dội vừa đi qua - Giông chuyển mùa.  

 

 

 

 

                   D.V.G

(Phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn)

 

 

 

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục