Hoàng có thói quen, hết giờ làm việc thường nán lại mươi phút, sắp xếp tài liệu cho thật ngăn nắp. Những tài liệu ngày mai cần giải quyết anh để gọn vào một cặp, xong công việc anh ra nhà thi đấu cùng anh em làm vài séc cầu lồng cho khỏe người. Trời vừa tối, anh lên xe về nhà, ở nhà vợ anh cũng đã đi làm về, chị lo cơm  nước cho chồng, dọn dẹp nhà cửa, Hoàng rất ít khi phải đụng chân, đụng tay vào việc nhà. Hai đứa con của Hoàng, chúng đang theo học đại học ở Hà Nội nên hai vợ chồng Hoàng vào cái tuổi gần 50 mà rảnh rang như vợ chồng son. Hoàng cho xe vào nhà xe, anh ngồi vào bàn cầm cốc nước uống, lướt qua mấy tờ báo mà ở cơ quan anh chưa kịp đọc. Thu ở trong bếp ra bàn uống nước nhắc chồng:

- Anh tắm đi rồi ăn cơm!

- Anh nghỉ một lúc đã, em nấu xong thì đi tắm trước, mấy hôm nay bận tối mắt, tối mũi, ở cơ quan chưa kịp đọc báo, không biết bọn Tàu còn quấy nhiễu dân mình đến đâu đây!

- Ôi dào! Mặc xác bọn nó, chúng chỉ hung hăng thế thôi chứ làm gì được dân mình hả anh. Chị em tiểu thương buôn bán ở chợ chúng em vừa vận động quyên góp tiền ủng hộ cho các chiến sỹ cảnh sát biển đấy anh ạ!

- Thế thì tốt quá rồi, bọn anh cũng quyên góp thêm tý đỉnh vào cho ngư dân mình bám biển. Nhưng em cũng phải tuyên truyền cho chị em và bà con trong chợ không được chủ quan, không được nghe theo bọn xấu kích động đấy nhé!

- Anh yên tâm! Tuy bà con ít được học nhưng cũng thấy hết được âm mưu của kẻ xấu! Thôi, anh đi tắm rồi ăn cơm, kẻo cơm, canh nguội cả hết rồi!

Hoàng đặt tờ báo xuống bàn, anh đứng dậy, đi vào nhà tắm. Một lúc sau, anh đi về bàn ăn chị đã ngồi chờ sẵn. Vừa ngồi xuống ghế, mùi thức ăn bay lên thơm phức, anh xuýt xoa khen vợ:

- Anh thật tốt số, lấy được người như em, lúc nào cũng cơm ngon, canh ngọt!

Chị cười:

- Anh lại nịnh em rồi phải không! Phụ nữ chúng em ai mà chẳng lo cho chồng, cho con hả anh!

- Anh nói thật lòng, em lại bảo anh nịnh em. Anh công chức quèn lương ba cọc, ba đồng. Cái nhà này, không có bàn tay em lo liệu thì đâu có được như ngày hôm nay. Cô giáo dạy văn giỏi cấp III mà bỏ cả dạy, chạy chợ lo cho chồng, cho con có kém gì nàng ba Châu Long thay chồng là  Dương Lễ đi nuôi bạn Lưu Bình thành danh hả em!

Thu đưa bát cơm cho chồng, chị nói:

- Thôi không nói chuyện ấy nữa. Nhưng có chuyện này em muốn nói với anh!

- Chuyện gì hả em?

- Nhưng mà anh phải nghe lời em đấy nhé!

- Chưa biết là chuyện gì mà em đã bảo anh phải nghe theo, thế thì hơi phi lý đấy!

- Có phải chỗ anh đang khuyết cái chân trưởng phòng không?

- Đúng là đang thiếu, anh Hòa trưởng phòng cũ vừa nghỉ hưu! Sao em lại biết chuyện này?

- Em nghe mấy chị em trong chợ họ nói, cơ quan của anh đang khuyết cái chân ấy mà nghe đâu cơ quan anh có 3 ông cấp phó, ở trên lại muốn cử người xuống. Xem ra cái xuất ấy đang tranh nhau quyết liệt! Không biết chồng cô Thu có ăn thua gì không? Nếu không có khoản chi đậm thì chắc là chầu rìa! Chỉ có tiền mới có tất cả anh ạ! Hay là em gom góp vay mượn lấy một số tiền, vợ chồng mình phải chạy, chứ không có tiền thì cái chức trưởng phòng Sở, không đến lượt mình!

Hoàng nghe vợ nói, trong lòng anh thật sự buồn, không biết ai đã làm cho Thu tin vào những lời sằng bậy là phải chạy tiền mới có chức, có quyền. Anh ôn tồn bảo vợ:

- Ai xui em vậy! Em biết đấy, anh có chức phó phòng mình có phải mua bằng tiền đâu em, mà gần chục năm nay với chức phó phòng đã mang về cho vợ, cho con được đồng nào ngoài đồng tiền lương. Hơn nữa, em phải biết là người có năng lực các anh lãnh đạo người ta mới xem xét, cất nhắc, trao trọng trách ấy cho mình, còn không thì không bao giờ có đâu. Nếu không có năng lực mà chạy chọt thì người ta càng không giao cho, nếu có giao cho mà không làm được thì lại mất chức ấy với số tiền chạy chọt thì càng xấu hổ đấy em ạ!

- Em nói vậy mà anh không nghe em! Em cũng chỉ muốn anh được vẻ vang như người khác. Còn em có chịu khổ, chịu vất vả như thế nào em cũng chịu được. Anh không lo thì em tự lo cho anh!

- Em không được làm điều gì mang tiếng xấu cho anh đấy nhé!

  Nói xong Hoàng bỏ bát đũa đi lên tầng. Thu mặt cũng không vui, chị thu dọn mâm bát.

Chị Quý vừa ăn cơm xong, đang xem chương trình thời sự. Có tiếng  chuông ở cổng, chị ra mở cổng. Thu cất tiếng:

- Em chào chị! Em bận quá, chợ với búa suốt ngày, hôm nay, em tranh thủ nghỉ sớm đến thăm anh chị!

- Cô là chúa hay tham công, tiếc việc mà có người như cô thì chú Hoàng  mới được nhờ chứ! Vào nhà uống nước đi em!

- Chị cứ khen em!

Hai người ngồi vào bàn, chị Quý rót nước, chị cất tiếng:  

- Uống nước đi em, công việc làm ăn dạo này thế nào?

- Cũng tàm tạm chị ạ! Hoa quả Trung Quốc người mua tẩy chay nên bọn em bán toàn hoa quả nội, cũng được lắm! Chị ơi! Anh Tân nhà chị với anh Hoàng nhà em đi công tác ra ngoài đảo Trường Sa, Hoàng Sa, không biết các anh ấy có khỏe không?

- Cô yên tâm đi! Các anh ấy chắc khỏe cả, chị em mình không nên lo lắng gì cả!

- Chị ơi! Hôm nay em đến, trước hết là thăm sức khỏe anh chị, sau đó là nhờ chị một việc! Chắc chị cũng rõ về chuyện, cơ quan anh Tân với anh Hoàng đang thiếu cái chân trưởng phòng nên em phải nhờ đến chị, “lệnh ông không bằng cồng bà” phải không chị?

Thu đặt túi quà lên bàn, giọng nhẹ nhàng:

- Chị nói với anh Tân một tiếng cho vợ chồng em nhờ! Chúng em không bao giờ quên công ơn của anh chị!

Chị Quý mỉm cười bảo:

- Giúp thì anh chị sẽ giúp, nếu chú ấy có năng lực thực sự, quà thì cô cầm về đi! Việc này lãnh đạo Đảng ủy, Ban giám đốc người ta cân nhắc, xem xét, quyết định chứ không phải quyết bừa được đâu!

Thu uống vội cốc nước rồi đứng dậy đi nhanh ra cửa, vừa đi, vừa chào chị Quý như có ma đuổi, chỉ sợ chị Quý trả lại gói quà:

- Em chào chị ! Em về, nhà em không có ai, sợ bọn trộm nó rình rập!

Chị Quý cầm túi quà chạy theo nhưng vẫn không kịp. Thu đóng cổng, hai cánh cổng sắt va mạnh vào nhau kêu rầm một tiếng rõ to. Chị Quý cầm túi quà quay vào nhà lắc đầu ngao ngán.

Gần một tháng sau chuyến công tác ở đảo Trường Sa và Hoàng Sa cùng anh Tân Giám đốc sở  trở về. Bữa cơm tối hôm ấy vừa xong, Hoàng đọc báo để xem tin tức trong ngày, tiếng chuông điện thoại bàn đổ. Hoàng đứng dậy nhấc máy:

- A lô! Ai gọi đấy ạ!

Ở đầu dây bên kia tiếng anh Tân:

- Hoàng đấy à! Anh Tân đây! Vợ chồng chú ăn cơm chưa!

- Dạ! Em chào anh chị! Chúng em vừa ăn cơm xong!

- Chú cho anh gặp cô Thu!

- Có chuyện gì đấy anh! Anh cứ nói với em!

- Chú cứ cho anh nói chuyện với cô Thu cứ bảo là anh Tân gặp!

 Hoàng gọi:

- Thu ơi! Anh Tân gặp em này!

Thu chạy vội về phía điện thoại:

- Em chào anh Tân! Có chuyện gì anh gặp em đấy ạ!

- Chuyện vui cho cô chú đây! Cô chú sang nhà anh chị ngay nhé!

- Ôi! Thế thì mừng quá phải không anh! Bão chết cò chúng em cũng sang ngay! Tin vui của bọn em hả anh! Vợ chồng em cảm ơn anh chị! 

Hoàng hỏi Thu:

- Anh Tân bảo có tin vui gì đấy hả em?

- Đến nơi rồi anh sẽ biết! Em mà không quyết thì không có tin vui này đâu nhé!

Hoàng nghe vợ nói, anh chẳng hiểu đầu đuôi ra sao.

Vợ chồng Hoàng vừa bước chân vào trong nhà thì đã thấy anh Tân và chị Quý ngồi đợi sẵn. Hoàng và Thu cất tiếng chào:

- Vợ chồng em chào anh chị!

Anh Tân và chị Quý cùng mời:

- Cô chú ngồi uống nước!

Hai người ngồi yên vị. Anh Tân hắng giọng:

- Hôm nay tôi gọi cô chú đến, trước hết là báo tin mừng cho cô chú, chú Hoàng đã có quyết định bổ nhiệm chức trưởng phòng Sở! Anh Tân vừa đưa tờ quyết định cho Hoàng, nói tiếp:

- Việc trao quyết định này đáng lẽ chỉ diễn ra ở văn phòng của Sở nhưng vì còn việc này nữa! Anh Tân bỏ ra bàn trước mặt vợ chồng Hoàng một bọc giấy lớn:

- Đây chắc là bọc tiền mà hôm tôi với chú Hoàng đi công tác, cô Thu đã cầm đến nhờ chị Quý! Nói thật nhé! Gói tiền này chứ đến mười gói tiền này cũng không có tờ quyết định hôm nay của chú Hoàng, quyết định này có là do năng lực và đạo đức của chú ấy và do tập thể lãnh đạo bàn bạc, cân nhắc. Cô Thu nghe người ta, làm chuyện này là không đúng, anh chị và lãnh đạo Sở cho bỏ qua nhưng từ nay cũng phải nhớ: tiền không phải là tất cả nhé...

Hoàng thật choáng váng với việc làm không phải của Thu, anh không nói được câu nào. Còn Thu tuy đã là cô giáo dạy giỏi văn ngày nào mà miệng cứ lắp bắp như đứa trẻ, giọng  líu ríu:

- Em xin lỗi anh chị! Em xin lỗi anh chị! Đúng là tiền không phải là tất cả, tiền không phải là tất cả... ạ!   

 

                                                                                 N.A.Đ

          (Số nhà 95/A1, đường Bắc Kạn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

 

 

Các tin khác


Khai thác ngoài quy hoạch

Thời gian gần đây, được Cung đình ưu ái nên hàng trăm dự án điện, đường, trường, trạm ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” được khởi công xây dựng.

Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục