Khi trời nhập nhoạng tối, dì tôi đi từ buồng trong ra nhà từ đường và lần lượt thắp đèn. Ngọn lửa leo lét bén bấc rồi cháy bùng lên soi sáng những gian nhà. ánh đèn phản chiếu tấm áo lụa trắng dì mặc khiến người dì như tỏa sáng. Tôi ngồi trên chiếc chõng che ngoài sân nhìn vào, có cảm giác như dì tôi làm công việc ấy một cách tỉ mỉ và nghiêm cẩn lắm. Khuôn mặt đẹp của dì khi ấy cũng trở nên huyền ảo. Đó là khoảnh khắc mà tôi luôn chờ đợi nhất trong ngày, kín đáo ngồi ngắm dì. Con mực như cũng giống tôi, giờ khắc dì đi thắp đèn nó đứng ngoài hiên trông vào, dáng vẻ thấp thỏm không yên. Cho đến khi các gian nhà đều đã sáng đèn, dì trở ra sân ngồi cạnh tôi, con mực quấn chân dì ra theo rồi nằm ngoan dưới gầm chõng hóng chuyện.
Ông bà ngoại tôi chỉ có hai người con gái là mẹ tôi và dì. Thời ấy, nhà nào không có con trai sẽ bị dân làng đàm tiếu, ghẻ lạnh. Nhưng ông bà không quan tâm đến điều đó. Tuy là trưởng dòng họ Lê, dòng họ lớn nhất trong vùng nhưng ông bảo, con gái hay con trai cũng đều có thể thờ phụng ông bà, tổ tiên, quan trọng nhất là chữ hiếu. Tôi nghe dì kể, trước đây các chi trưởng đều bắt ông phải lấy thêm vợ lẽ để có con trai nối dõi tông đường nhưng ông kiên quyết không chịu. Về sau mọi người nói chán cũng thôi, hơn nữa, ông tôi lại là thầy lang bốc thuốc chẩn bệnh có tiếng, được mọi người tôn kính lắm nên lâu dần không ai còn nhắc chuyện đó. Ngày mẹ tôi đi lấy chồng, dì 19 tuổi. Đám cưới của mẹ to lắm vì cha tôi cũng là con trai độc nhất của ông trưởng họ Nguyễn. Hai nhà đều làm cỗ to thiết đãi họ hàng, làng xóm.
Tôi không có ấn tượng về cha. Hình ảnh cha không tồn tại trong ký ức. Tôi chỉ nhớ cho đến khi tôi lên 7 tuổi mẹ rất hay dẫn tôi đến gửi nhà ngoại mỗi bận mẹ đi cất hàng xa, có khi cả tháng mới về. Đó là một mùa hè êm đềm, dễ chịu. Thỉnh thoảng tôi khóc, dì thường dỗ tôi: “Cháu ngoan nín đi, mai kia cha về mua kẹo cho cháu”. Dần dần tôi gần gũi với dì hơn là mẹ. Tôi thích hít hà mùi hương cỏ cây thuốc nam vương trên áo dì sau mỗi lần dì ngồi sấy thuốc hơn là mùi xà phòng thơm hăng hắc trên tóc mẹ. Những đêm mùa hè trời đầy sao, tôi nằm trên chõng gối đầu lên chân dì ngước nhìn bầu trời. Vải lụa dì mặc mát rượi, êm ái dưới gáy tôi. Khi ấy, thanh niên trong làng đã chạy theo mốt quần bò ống côn nhưng dì tôi vẫn bận những bộ đồ bằng lụa, vì thế dì luôn khác biệt và đặc biệt. Những câu chuyện dì kể ru tôi vào một thế giới của những giấc mơ kỳ bí. Trong nhiều đêm liền tôi đều mơ thấy có hai vì sao đi tìm nhau nhưng bầu trời rộng lớn và nhiều ngăn cách quá, hai vì sao ấy mãi mãi không tìm thấy nhau. Đêm đêm hai vì sao ấy cứ sáng mãi không mỏi ở hai góc trời.
Ông bà ngoại thường hay thở dài khi ngồi uống trà trên trường kỷ, sau một ngày bốc thuốc bận rộn. Mỗi lúc tôi hỏi sao cha mẹ cháu lâu về, ông thường xoa đầu tôi không nói gì, tôi băn khoăn nhiều lắm nhưng nhìn ông bà trầm ngâm lặng lẽ nên tôi không hỏi nữa. Niềm vui của tôi là những ngày được theo dì đi vào chân núi hái thuốc. Tôi và con mực thi nhau chạy, nó hăng hái chạy vượt lên, khi tôi mệt không đuổi kịp, nó ngoái lại nhìn rồi chạy chậm lại như có ý chờ.
Một buổi chiều có người đàn ông lạ đến bốc thuốc, gặp tôi chơi đùa với con mực ngoài ngõ, người đó đứng nhìn hồi lâu mới bước vào nhà. Tò mò với người khách lạ, tôi theo chân đứng ngoài cửa ngó vào. Khi ông ngoại đã chẩn bệnh xong, người đó nói:
- Cháu gặp cô cả và chồng ở dưới xuôi, trong buổi đi nhà thờ. Có vẻ cô cậu cũng vất vả ông ạ. Con bé con chơi ngoài kia giống cha nó quá ông nhỉ?
- Ông tôi nhìn người khách lạ, sắc mặt ông ngỡ ngàng rồi tái dần đi. Tôi không hiểu lắm câu chuyện của người khách nhưng nghe nhắc đến cha mẹ tôi rất mừng và không giấu được nỗi nhớ nhung, sự háo hức của đứa trẻ lâu ngày xa cha mẹ. Tôi chạy ngay vào đứng trước ông ngoại và người khách:
- Chú ơi, cha mẹ cháu nói bao giờ về?
-Người khách bất ngờ chưa biết trả lời sao thì ông đã nghiêm nét mặt:
- Hải Đằng, ông đang tiếp khách, cháu ra ngoài chơi.
Tối nhọ mặt người, người khách lạ mới ra về. Nhìn thấy dì tôi đi từ buồng trong ra thắp đèn bước chân người khách như ngập ngừng, bối rối trên bậc cửa. Chỉ đến khi nghe tiếng gầm gừ của con mực người khách mới vội vã rời đi.
Mùa hè năm ấy cũng qua đi mà cha mẹ tôi chưa về. Lâu dần tôi cũng không còn háo hức, tò mò khi ai đó vô tình hỏi đến cha mẹ. Điều kỳ diệu với tôi là những đêm hè trời đầy sao dì tôi ngồi trên chõng tre chỉ cho tôi những ngôi sao, chòm sao với những cái tên và sự tích bí ẩn. Thỉnh thoảng thấy những đốm sáng như ngôi sao đang di chuyển mà tôi thường gọi là ngôi sao đi. Nhưng dì bảo đó là đèn máy bay hay tàu vũ trụ của những nhà du hành, nhà khoa học. Những điều dì nói gợi lên trong tôi một niềm đam mê khôn tả.
- Hải Đằng là tên một loài hoa dại và cũng là một loài thuốc đắng. Tên của thí chủ được đặt như vậy để kỷ niệm cho một mối tình đẹp nhưng buồn bã.
- Giọng dì tôi buồn buồn cô đơn lẫn vào tiếng mõ chiều. Trong màu áo nâu sồng dì vẫn toát lên vẻ đẹp bí ẩn. Tôi nhìn dì lòng tràn đầy nỗi xót xa. Rất nhiều năm đã trôi qua, tôi bây giờ cũng đã khôn lớn, trưởng thành ở nơi xứ người. Nhưng bi kịch 15 năm trước vẫn còn ám ảnh tôi. Bi kịch đó đã đưa dì tôi đến chốn cửa chùa, rũ bỏ trần tục.
- Ngày ấy, người đàn ông lạ thường xuyên đến bốc thuốc của ông ngoại. Vẻ đẹp của dì đã khiến gã say đắm, ít lâu sau gã đem sính lễ đến hỏi dì tôi nhưng bị dì cương quyết từ chối. Gã quay sang lấy lòng ông bà ngoại nhưng ông bà tôn trọng sự lựa chọn của dì rồi một ngày, gã dẫn nhiều người lạ mặt đem theo gậy gộc đến đập phá nhà ngoại, gã bảo ông ngoại bốc thuốc chẩn bệnh sai làm chết người. Trong lúc hỗn loạn ấy, con mực bỗng tru lên một tiếng rợn người rồi lao đến cắn rách toác bắp chân gã. Gã điên cuồng quay lại giết nó chỉ bằng một cú đánh chí mạng vào đầu. Con mực nằm bất động giữa sân nhà từ đường. Dì tôi lao ra nhưng đã muộn, con mực đã chết. Dì không khóc, vết máu con mực loang đỏ trên tay áo lụa trắng của dì. Gã dọa sẽ kiện ông ngoại tội giết người, trừ khi dì đồng ý lấy hắn.
- Gã chết khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến đám cưới với dì. Trước lúc chết, gã như người điên dại, mắt trợn lên, miệng sùi bọt và chỉ đòi cắn người. Người ta phải trói chặt gã vào một gốc cây. Ai cũng bảo chính là con mực đã trả thù gã. Tin ngoại tôi bốc thuốc làm chết người không có ai kiểm chứng nhưng từ đó thưa dần người đến. Ông ngoại tôi suy sụp và không còn bốc thuốc nữa. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ và bàn tán mãi, đó là dì tôi quyết định xuống tóc quy y. Ông ngoại gửi tôi đến trọ học ở nhà người em họ xa tận dưới thị xã. Thỉnh thoảng tôi mới về thăm nhà ngoại.
- Bây giờ, ông bà ngoại tôi đều đã trở thành người thiên cổ. Tôi đã có một công việc và cuộc sống ổn định ở thành phố, mọi chuyện đến với tôi đều thuận lợi, tôi nghĩ là do ông bà ngoại phù hộ tôi. Lần này về thắp hương cho ông bà và tổ tiên, tôi còn muốn tìm đến dì để biết thêm về cha mẹ mình. Tôi muốn đi tìm họ.
- Ngày ấy, mẹ của thí chủ đem lòng yêu một chàng trai xứ đạo. Mối tình ấy bị nhà trai phản đối. Hai người quyết định sẽ có thai thí chủ trước để làm khó gia đình nhưng ngay cả khi mẹ thí chủ đã mang thai vẫn bị nhà trai cương quyết cấm đoán.
- Vậy người mẹ con cưới không phải là cha đẻ con sao dì? Vì nhà họ Nguyễn không đi đạo.
- Người mẹ thí chủ cưới vốn là người đã thề non, hẹn biển với bần ni. Ngày ấy vì cái thai đã lớn mà mẹ thí chủ thì không thể không chồng mà chửa. Họ Nguyễn lại muốn kết thông gia nên đám cưới đó đã được tổ chức. Người con trai họ Nguyễn ấy đã chấp nhận hy sinh vì lời cầu xin của bần ni.
-Trái tim tôi quặn thắt như có ai xát muối vào. Những cuộc tình trái ngang mà mẹ và dì đã phải trải qua. Vì những định kiến mà hệ lụy của nó nghiệt ngã như thế này.
- Khi mẹ thí chủ sinh hạ thí chủ thì ai cũng ngỡ ngàng nhận ra thí chủ quá giống cha đẻ, là người xứ đạo. Họ Nguyễn bắt con trai từ hôn với mẹ thí chủ nhưng người ấy không làm vậy mà lặng lẽ bỏ đi. Cho đến bây giờ, người nhà họ Lê ta vẫn nợ người ấy một ân tình.
- Thế còn cha đẻ và mẹ con sau đó thế nào hả dì? Họ cũng bỏ đi biệt như con đã biết ngày đó ạ?
- Cha đẻ thí chủ thì bỏ đi từ khi mẹ thí chủ làm đám cưới. Nghe nói là đi về xứ đạo miền xuôi, nơi đó, họ không hà khắc. Còn mẹ thí chủ nuôi thí chủ lớn lên cho đến khi gửi thí chủ đến nhà ngoại rồi cũng tìm theo cha thí chủ. Nhiều năm qua họ không tìm về vì sợ tai tiếng, sợ bị trừng phạt. Thí chủ cũng đừng oán trách gì họ, hãy để họ thực sự bình yên bên nhau. Xem như họ đã chết một lần trong thời trẻ, hãy để họ hồi sinh.
Tôi mang họ Lê, họ nhà ngoại. Tôi vẫn tự hào về họ, tên của mình. Tôi mong rằng ở đâu đó cha mẹ tôi đang hạnh phúc. Ở đâu đó, người con trai nhà họ Nguyễn năm đó cũng đang bình yên và hy vọng một ngày người đó sẽ trở về tìm dì tôi. Dù không nên duyên cũng để an ủi nhau trong cõi tạm này. Tiếng mõ xa dần rồi mất hút vào buổi chiều hè chạng vạng. Tôi ngước lên bầu trời, bắt gặp những ngôi sao vừa mọc.
N.T.K.N
(Khu 9, xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ)
(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, vào mùa nước lũ, khi nhà máy thủy điện mở hai cửa xả đáy, ông lại dắt cháu gái ra bờ sông. Dòng nước đỏ ngầu, bọt tung xối xả, rềnh củi sát mép nước dềnh lên, bập xuống. Dân hai bên bờ lao xuống nước, vớt lấy những thân gỗ, những mẩu củi về đun. Năm nào ở đây cũng có người bị chết đuối. Ông dắt con bé đến bên bờ sông, trỏ xuống dòng nước.
(HBĐT) - Con phố như được kéo dài ra hun hút bởi hai hàng cây xà cừ và sấu già. Mùa này đang bắt đầu thay lá, chúng thi nhau trút xuống đường biết bao nhiêu là lá. Phố tĩnh lặng. Chiều tĩnh lặng và dường như còn bao nhiêu sự thừa thãi của yên ắng nữa đã ném tất vào ngôi nhà 4 tầng cao ngất nơi đầu phố. Ngôi nhà dường như bị bỏ hoang và đang say ngủ.
(HBĐT) - Ngày Nam lên 6 tuổi, giặc Mỹ kéo hàng đàn máy bay ra đánh phá miền Bắc. Bất kể ngày đêm, tiếng bom nổ, tiếng máy bay rít trên bầu trời vốn lâu nay bình yên giữa núi rừng chỉ nghe tiếng mõ trâu, tiếng tù và, xa xa là tiếng sáo vi vu của bọn trẻ mục đồng.
(HBĐT) - Anh chỉ có một chân, một chân bị cụt trong chiến dịch tây nam Ninh Bình, ống quần buộc túm chỗ đầu gối, cứ lủng la, lủng lẳng.
(HBĐT) - Mưa xuân bay giăng giăng khắp đất, trời và nắng xuân ngập tràn để vạn vật bừng tỉnh sau mùa đông dài im ngủ. Bởi lãng quên không có hoa ở trên đời nên phải chăng những bông hoa nhỏ xinh tôi yêu chỉ khiêm nhường đứng bên bờ dậu.
(HBĐT) - Năm nay mẹ vừa tròn 80 tuổi. Tuổi tuy đã cao nhưng mẹ vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn. Mẹ dạy con, dạy cháu việc đâu ra đấy. Con cháu muốn làm lễ mừng thọ nhưng mẹ gạt đi: