Kể từ khi chồng mế Ngũ về với Mường Trời, thằng con trai về đơn vị đã hơn 4 mùa nóng, lạnh qua đi, trong ngôi nhà sàn bên triền núi cuối làng này vẫn vắng bóng đàn ông. Bữa cơm chỉ có hai người đàn bà và một đứa trẻ gần 5 tuổi.

 

Ngày ấy, ông và mế sinh được độc nhất thằng con trai đúng vào mùa dân làng đói kém nhất. Ngày mế đã đến tháng sinh nở vẫn phải cùng ông lên rừng đào củ mài về cứu đói cho cả nhà và mế sinh ra nó dọc đường về. Ông đập nứa khô đốt đuốc tự đỡ đẻ cho vợ, lấy cật nứa cắt dây rốn rồi chôn nhau xuống cái hố ai đó đã đào củ mài từ trước. Thằng bé con ông tên là Mài cũng từ đó mà ra. Ông bảo, sau này nó ăn nên, làm ra thì hễ có ai nhắc đến tên thôi cũng không quên ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, quê hương, gốc gác của ông bà, tổ tiên nơi làng Mường này.

Ở cái làng Mường nơi triền núi giữa thung lũng này, buổi sáng hình như đến muộn hơn và tắt nắng cũng nhanh hơn. Gió từ xa mang hơi sương của núi, mùi hoa của rừng và hình như có cả mùi những trái chín lùa xuống làng một thứ gió dịu mát, thảo thơm. Mế Ngũ ngồi sát của voóng nhìn lên vầng trăng khuyết trên trời cao mùa hạ trong vắt, bỗng trong lòng mế có cái gì đó chênh vênh, thương thương khó tả. Nắm chặt ống sáo ôi  - vật mà ngày xưa ông với mế nên duyên chồng vợ, định tấu lên đôi khúc cho vợi bớt nỗi niềm bấy lâu giấu kín. Bỗng có tiếng con dâu ru con ngủ khe khẽ ở gian trong:

“Bồng bồng con nín con ơi

Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay

Ứớc gì mẹ có mười tay

Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim

Một tay chuốt, chỉ luồn kim

Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau...”.

Đứa sinh viên người miền xuôi, lên trên này thực tập, bén duyên thằng Mài rồi cũng thành vợ chồng. Mế thương con dâu lắm, nó cũng xa chồng và nuôi con một mình. Biết bao nhiêu mùa trăng vắng bóng đàn ông trong nhà, một tay con dâu lo chu toàn nhà cửa, ruộng vườn, công việc trường lớp. Mế biết đôi khi nó cũng chạnh lòng về chăn đơn, gối chiếc, nằm khóc một mình nhưng chưa bao giờ có ai rao tiếng xấu gì cho nó. Thằng Mài còn ở tận đảo xa làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc mà Đảng và Nhà nước giao cho nó, cũng giống như ngày xưa ông tòng quân vào tận trong miền Nam đánh giặc cũng được yên lòng. Đêm nay, trong ngôi nhà sàn này, con dâu ru cháu nội mế bằng đúng bài ca dao, bằng chính tiếng cha sinh, mẹ đẻ của mế. Nó là tiếng lòng, nỗi nhớ con, thương chồng thẳm sâu trong cõi lòng của mế bấy lâu nay như mạch nguồn được khơi thông. Nước mắt mế cứ tự nhiên mà trào ra ấm nóng chảy thành dòng xuống đôi gò má gầy gò,  nhăn nheo. Trăng trên cao, trải xuống bản làng một màu vàng đến mênh mông.

Nhớ lại hơn 4 năm trước, đơn vị thằng Mài cho nó về nghỉ phép thăm nhà rồi tranh thủ lấy vợ. Sau lễ cưới, nhìn cảnh vợ chồng đứa con trai quấn quýt bên nhau, mế vừa mừng lại vừa thương. Dù không nói ra nhưng mế biết sáng nào đứa con dâu cũng dùng phấn vạch lên cột nhà một vạch để ghi nhớ. Trước mặt mẹ chồng với chồng thì nó lúc nào cũng tươi cười nhưng càng nhìn số vạch phấn đầy lên cũng đồng nghĩa với việc những ngày được bên chồng càng ít đi. Nhiều  lúc thấy con dâu quệt nhanh nước mắt như thể không có chuyện gì, trầm ngâm bên trang giáo án, mế cũng chỉ biết an ủi:

- Ở đảo hay ở đâu thì cũng là đất nước mình cả. Hoàn thành tốt nhiệm vụ rồi nó lại về với mẹ, với con mà chúng mày phải có cháu đợt này cho vui cửa, vui nhà, đã có mẹ lo.

- Mẹ thương con với nhé...

- Mẹ không thương mày thì   thương ai...?

Đứa con dâu òa khóc và ôm chặt lấy mế với một niềm tin tuyệt đối như một biểu tượng của đức hy sinh và sự chịu đựng. Còn mế không dám khóc để cho nước mắt thương con chảy ngược vào trong.

Đã đến ngày thằng Mài lên đường nhận công tác mới, đêm hôm ấy, cả mế và vợ chồng nó không ai ngủ. Khi con gà vừa gáy lần thứ tư, mế giục vợ chồng con trai dậy. Bếp lửa bập bùng trong đêm chưa tàn canh soi bóng ba con người trầm ngâm trên vách liếp. Bỗng mế Ngũ đứng đậy, lấy ba nén hương thắp lên bàn thờ của ông và nhắc vợ chồng đứa con trai vái lạy. Xong xuôi, mế giục dọn cơm. Mài thắc mắc:

- Ai lại đi ăn cơm rạng sáng thế hả mẹ? Còn chưa đến giờ bọn con dậy tập thể dục nốt.

- Anh cứ ăn cho no bụng, có sức mà đi xa. Cứ yên tâm mà công tác cho tốt, nếu không mẹ cũng khó nói với hương hồn của bố anh.

- Con ra đảo lần này kể cũng lâu lâu. Vợ con mới về làm dâu, chưa quen đất lề, quê thói, có điều gì  không phải mẹ bỏ qua mà dạy bảo dần mẹ nhé.

- Anh không phải nhắc! Nhà còn lại hai người đàn bà, không thương lấy nhau thì thương ai? Anh đi xa, được nghỉ cũng phải liệu biết đường mà tìm về. Mẹ mà nghe thấy điều tiếng gì không tốt thì mẹ từ mặt. Thôi nào Mai, ở đấy mà xụt xịt mãi! ăn đi rồi còn chở chồng con xuống huyện cho kịp chuyến xe về đơn vị.

Từ khi nhận công tác mới, Mài  hay viết thư về nhà hỏi thăm mế và vợ. Trong thư anh viết về biển và đảo của Tổ quốc Việt Nam mình đẹp lắm. Nước biển mênh mông và trong xanh thăm thẳm đầy sức sống, gió biển mặn mòi như tình người lính biển mỗi lần hướng về đất liền. Tuy điều kiện khó khăn nhưng anh em chiến  sỹ được quân đội và nhân dân quan tâm nhiều lắm. Mỗi lần nhìn lá cờ Tổ quốc đang tung bay phấp phới hay trên đường tuần tra, chúng con luôn tự nhắc mình phải quyết giữ vững  biển đảo, biên cương thiêng liêng của Tổ quốc...

Vào một ngày sau mùa đông rét mướt, trời bừng nắng. Những nụ mận, nụ đào như  trẻ nhỏ bừng tỉnh, khẽ cựa mình và hé đôi mắt xinh xinh màu hồng phai nhìn ra từ nách lá báo hiệu mùa xuân đã về. Cỏ cây, sông, suối và cả con người như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới căng tròn sự sống. Mế Ngũ chọn những ống gạo nếp nương ngon nhất, những chiếc lá dong đẹp nhất để gói bánh ống cúng tổ tiên vào buổi tất niên. Nhìn thằng con trai vạm vỡ cùng với vợ và con nó đang bài trí nhà cửa đón Tết mà lòng mế lại một lần nữa trào lên một thứ cảm giác thương thương khó tả. Mế Ngũ thấy mình khỏe ra mà tuổi già thì cũng chỉ cần nhìn thấy con cháu vui vầy, hạnh phúc là đầy đủ lắm rồi.

Trước bữa cơm tất niên, mế Ngũ cẩn thận đặt lên bàn thờ tổ tiên bánh trái, hương hoa và kèm theo một nhánh san hô tím rất đẹp mà Mài mang về từ đảo. Mế nói, đặt lên đấy để ông bà tổ tiên chứng nhận, phù hộ độ trì cho con trai, con dâu và cả cháu nội của mế nữa có sức khỏe, có niềm tin, sự thủy chung, son sắc khi miền rừng với miền biển mãi mãi là một, dẫu xa nhau nhưng không thể tách rời.

Bếp lửa ấm áp giữa ngôi nhà sàn ánh lửa bập bùng nhảy múa, reo vui cùng tiếng cười con trẻ khi lần đầu tiên được ngồi trong lòng và gọi tiếng “bố” thân thương. Trăng lên cao và đêm buông xuống bản Mường giữa thung lũng này mượt mà và ngọt  ngào như mật ong rừng đang trong kỳ mọng sáp.

 

 

 

   

                                                      Dương Văn Giới

                                             (Phòng VH-TT huyện Kỳ Sơn)

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Món quà của bà

Ngày Na được gọi vào đại học, những ngày chuẩn bị cho Na nhập trường khiến cả nhà đều vội cuống cả lên, mỗi người lo một thứ, hơn cả người khác lo xuất ngoại. Với Na, em luôn chân thấp, chân cao lăng xăng hết mua sắm thứ này đến thứ khác từ sách vở tư trang... Ngày chạy như ngựa vía, gặp gỡ hết người này đến người khác. Tối về ngồi viết đủ thứ nào là lưu bút, bưu thiếp cho bạn, nào là nhật ký.

Kỷ niệm những đêm hè

Khi trời nhập nhoạng tối, dì tôi đi từ buồng trong ra nhà từ đường và lần lượt thắp đèn. Ngọn lửa leo lét bén bấc rồi cháy bùng lên soi sáng những gian nhà. ánh đèn phản chiếu tấm áo lụa trắng dì mặc khiến người dì như tỏa sáng. Tôi ngồi trên chiếc chõng che ngoài sân nhìn vào, có cảm giác như dì tôi làm công việc ấy một cách tỉ mỉ và nghiêm cẩn lắm. Khuôn mặt đẹp của dì khi ấy cũng trở nên huyền ảo. Đó là khoảnh khắc mà tôi luôn chờ đợi nhất trong ngày, kín đáo ngồi ngắm dì. Con mực như cũng giống tôi, giờ khắc dì đi thắp đèn nó đứng ngoài hiên trông vào, dáng vẻ thấp thỏm không yên. Cho đến khi các gian nhà đều đã sáng đèn, dì trở ra sân ngồi cạnh tôi, con mực quấn chân dì ra theo rồi nằm ngoan dưới gầm chõng hóng chuyện.

Chiếc giếng khơi

Chiếc giếng khơi nhà ông Chiến nước trong, không mùi, vị, đun nước hãm chè xanh đậm đà, giữ được hương vị, có tiếng ngon khắp cả làng Bái. Nhiều nhà trong xóm có cụ già nghiện nước chè xanh sai con cháu mang can, quảy thùng đến xin nước về nấu.

Khúc vĩ thanh hè phố

(HBĐT) - Tạm biệt em dưới giàn thiên lý vàng đượm nắng, tôi cứ nhớ mãi ánh mắt em. Những chiều lộng gió, tôi và Linh thường chạy dọc triền đê. Con đê làng ngoằn ngoèo, hai bờ lau lách, có đôi chim sơn ca làm tổ. Mỗi sáng đi học qua lại có con sơn ca bay vút lên trời xanh, vừa bay, vừa hót. Giọng hót mềm mại, ngọt ngào, ấm áp và trong vắt trên nền trời xanh vào mỗi sớm mai. Giọng hót tuyệt vời, thánh thót khó loài chim nào bì kịp. Tiếng hót hay thế mà cái vẻ bề ngoài nâu xỉn của sơn ca trông đến là tội.

Giông chuyển mùa

(HBĐT) - Cuối tuần, mưa giao mùa bất chợt đổ xuống thành phố như vãi sỏi. Mưa quất vào ô cửa kính ràn rạt. Mưa moi móc vào tận cùng những tán lá cây rậm rạp nhất, cào xới tơi tả tổ chim nào đó đã bỏ không. Gió như hờn dỗ, như đồng lõa theo mưa lật sấp lật ngửa vài mảnh bìa cát tông từ đâu đó quăng vương vãi xuống đường. Dũng lặng yên dõi mắt xuống phố, qua ô cửa nhạt nhòa nước mưa. Thành phố úng ngập trong cơn giông chiều.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục