Ông Khấu ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, mắt nhìn mông lung về phía rừng xa xào xạc gió. Bất chợt, tiếng ầm ầm vọng lại từ suối cạn. Ông nhấp chén nước chè có cảm giác như đắng chát rồi chép miệng “lũ lại về rồi đấy”! Nói đoạn, ông nhìn sang đứa cháu gái vẫn cặm cụi soạn giáo án, có lẽ không nghe thấy tiếng của ông. Đằng hắng mấy lần, ông nói như thể hỏi chính mình:

 

- Chẳng biết xôi, gà có đủ cho khách ngày mai không?

- Đủ ông ạ, bà vừa ngâm thêm gạo nếp và nhốt mấy con gà nữa để sớm mai làm cho dư giả - đứa cháu gái trả lời nhưng mắt không rời khỏi trang giáo án.

 

Ngày mai, ngày giỗ của mẹ nó cũng là ngày sinh nhật của nó. Giá ngày xưa...

 

Ngày ấy, ông Khấu là trưởng họ của một dòng họ lớn và giàu có nhất vùng Pò Khảo này. Khi cha mẹ mất đi, ông được thừa tự số ruộng nương và của cải tương đối lớn. Mọi người trong bản tôn trọng ông là người thuộc dòng họ danh giá, phần nữa cũng là do cách sống cương trực, không khoe khoang nên họ tôn ông làm trưởng bản.

 

Ông bà Khấu sinh được một đứa con gái tên là Mơ. Năm ấy, cô con gái 17 tuổi đẹp như hoa Ban đang thời khoe sắc; giọng hát của cô trong trẻo như tiếng chim sơn ca gọi bình minh vậy. Cũng đã đến tuổi về làm dâu nhà người, nhiều nhà giàu sang đánh tiếng muốn cưới Mơ về làm dâu, làm vợ nhưng cô một mực từ chối với lý lẽ “chưa môn đăng hộ đối”! Đã 2 năm ông bà Khấu để cho con gái tự kén chồng mà vẫn chưa được mối nào ưng ý, họ đành dùng biện pháp cuối cùng là “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Mơ biết tin cha mẹ đã quyết định chọn chồng cho cô nhưng không van xin dẫu biết chồng tương lai của mình là một kẻ giàu có nhưng vô cùng tàn nhẫn. Gần ngày cưới, Mơ xin phép cha mẹ ra bờ suối để hái cỏ thơm về làm gối mang về nhà chồng. Cả một buổi không thấy cô về, ông Khấu sai trai bản đi tìm. Nửa đường gặp Mơ, ai hỏi cũng không nói. Bất chợt cô cười như điên dại rồi lại khóc lóc vật vã, sau đó lặng câm với ánh mắt vô hồn không chút cảm xúc. Được tin Mơ phát điên, bên nhà trai hoãn việc cưới hỏi và hẹn lúc nào cô khỏi bệnh sẽ tính.

 

Ông bà Khấu sợ con gái bị ma ám nên cuống cuồng đi mời thầy Tào giỏi nhất vùng đến nhà để đuổi con ma ra khỏi người Mơ. Khói hương nghi ngút, bùa chú khắp nhà, thầy Tào hết xem chân gà, xem đến tiết gà lại lấy gạo vãi lên áo của Mơ để tìm con ma nào đã nhập vào người đứa con gái...

 

Từ ngày cô Mơ bị ma gà nhập vào người, bản làng quạnh vắng hẳn đi, nhất là về đêm. Nhà nào cũng lấy cành bưởi sau khi đã được thầy Tào làm phép đem về cài trước cổng để trừ ma. Họ không dám cho trẻ con ra ngoài vào ban đêm. Chỉ cần một tiếng động nhỏ của con chuột, con cầy cũng khiến cho người ta kinh sợ vì nghĩ ma gà đói quá nên đi kiếm ăn.

 

Một ngày, trưởng bản về nhà với tâm trạng vô cùng giận dữ. Bà Khấu kịp giằng lấy chiếc gậy ông cầm trên tay. Ông gầm lên:

 

- Lôi con trời đánh ấy ra đây. Hôm nay, ta sẽ giết con ma trong người nó, giết luôn cả nó nữa...

- Tôi xin ông, nó là con mình mà. Bấy nhiêu năm mong mỏi mới sinh được nó là duy nhất, tha cho nó ông ơi! Ma cũng được, quỷ cũng được, ông để đấy tôi nuôi.

- Con? ừ thì con đấy! Nó làm cho cái mặt ta không ngẩng lên được để nhìn dân bản nữa rồi. Nó lừa ta, cái bụng chửa của nó lùm lùm thế kia... Trời ơi là trời!

- Tôi cũng mới biết mà. Thà thế còn hơn nó là con ma gà. Mình không nói, ai biết.

Ông Khấu giận dữ bỏ đi. Chẳng biết ông nài nỉ, van xin hay dọa dẫm thế nào mà ngay ngày hôm sau, người ta thấy chàng trai mồ côi nghèo bên suối đã bỏ bản đi đâu không biết.

 

Tưởng là mọi chuyện cứ thế êm xuôi cho đến ngày Mơ sinh con. Mùa ấy, bỗng nhiên dịch bệnh lan tràn khắp bản làm chết hàng loạt trâu, bò. Một vài người đã chết vì ăn thịt trâu, bò mắc bệnh. Họ lại mời thầy Tào về cúng bái. Thầy phán tại con ma gà không đủ thức ăn nên nó đi bắt người. Thầy bảo phải đến nhà trưởng bản đuổi con ma ấy đi không nó sẽ đi bắt thêm nhiều người nữa. Nghe lời xúi giục của thầy Tào cộng với sự hoang mang, dân bản đã đốt đuốc gọi nhau kéo đến nhà trưởng bản để đuổi ma gà.

 

Trưởng bản ngồi chết lặng giữa hội bô lão - những người già nhất, uy tín nhất trong bản. Dưới sân, dân làng đốt đuốc sáng rực chờ đợi như sắp xét xử một kẻ tử tội. Trong tâm can của trưởng bản lúc này bỏng rát như có lửa đốt. Ông hết nhìn người này đến người khác. Mọi con mắt đang đổ dồn vào ông chờ đợi và không nói ra, ông cũng thừa biết họ đang chờ ông nói một câu “đuổi” hay chỉ một cái gật đầu là họ sẵn sàng lao vào lôi cổ con “ma gà” ra khỏi bản mà hành hạ, đánh đập. Nhưng  cái nhục vì có đứa con chửa hoang còn nhục nhã hơn có đứa con là ma gà. Thôi thì tạm để cho nó ra ngoài suối ở đến khi dân làng nguôi ngoai sẽ đưa nó về. Đắn đo mãi, cuối cùng ông cũng phải bước ra nói với dân bản cái quyết định đau đớn của mình: “Con Mơ không làm hại dân bản. Chính con ma trong người nó mới có tội. Nay để dân làng yên dạ, ta sẽ đuổi nó ra khỏi bản. Khi nào ta mời được thầy Tào giỏi đuổi được con ma đi, ta sẽ đón nó về”. Nghe trưởng bản nói vậy, thầy Tào căm tức lắm vì từ lâu lão đã ganh tị với sự giàu sang của trưởng bản, phần vì mấy lần ngỏ lời với Mơ nhưng bị cô từ chối thẳng thừng. Giờ đây, chính trưởng bản vô tình đã hạ thấp quyền uy pháp thuật của lão khi có ý định đi mời thầy Tào giỏi hơn về bắt ma. Dân bản nhiều năm đã nể trọng trưởng bản, phần vì con “ma gà” không còn ở trong bản nữa nên họ mới yên tâm về nhà mà không đòi hỏi gì nữa.

 

Bên suối vắng, Mơ một mình sống lẻ loi, ôm uất ức trong lòng chờ đến ngày sinh con xong cô sẽ nói cho cả bản biết sự thật. Hàng ngày, bà Khấu sai người nhà mang đồ dùng và thức ăn đến cho cô nhưng tuyệt nhiên không được ở lại vì ông Khấu cấm. Ông bảo: “Con dại cái mang. Bà định mang cái nhục ấy về để thờ à?”. Nói thế nhưng lòng ông đau đớn lắm. Tục lệ khắt khe, chức tước bó buộc và sĩ diện nên ông đành để mặc con mình bụng mang dạ chửa nơi hoang lạnh.

 

Một buổi chiều, lũ đến sớm. Lũ ùng ục réo sôi như giận giữ, oán hờn. Thằng bé chăn trâu thuê chạy về báo tin: “Con “ma gà” mẹ đã đẻ ra con ma gà con rồi”. Dòng suối mới buổi sáng còn trong veo, nước chỉ lội đến bắp chân thế mà giờ đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Trong căn lều nhỏ, tiếng khóc của trẻ sơ sinh yếu ớt. Mơ mất nhiều máu vì vượt cạn một mình. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cô cầu xin cha mẹ tha tội và mong nhận nuôi lấy đứa cháu để chờ cha nó về. Thế là đoá ban đẹp nhất núi rừng đã ra đi bỏ lại đằng sau một đứa con suốt ngày khóc vì khát sữa. Dân làng tiếc thương cô vì từ giờ không còn được ngắm nhìn sắc đẹp và lắng nghe giọng hát của cô.

Ông Khấu rít hơi thuốc lào rồi ngả người nhả làn khói nhạt như sương vào màn đêm. Một lần nữa ông quay sang nhìn đứa cháu gái. Nó càng lớn càng giống mẹ nó đến lạ. Nhiều đêm mất ngủ, ông ngồi bó gối mà tự xỉ vả mình: sao ngày ấy ông lại ngu dốt và mông muội thế để đến nỗi mất đi đứa con gái duy nhất của mình.

 

Ông chợt nhớ đến cái lão thầy cúng. Nghe đâu giờ lão đang bị quản thúc tại trại giam tỉnh vì tội tuyên truyền mê tín dị đoan. Trải qua chừng ấy năm, bản làng bây giờ khác xưa rồi. Nhà nào cũng có điện. Có điện là có văn minh. Tư tưởng của dân bản cũng tiến bộ lắm, họ còn chung tay xây dựng bản làng văn hoá nữa.

 

Nhớ lần xuống huyện nhận giấy chứng nhận gia đình văn hoá, anh cán bộ trẻ đùa ông:

- Trong bản còn con “ma gà” nào không bác?

- Còn! Con ma ấy chắc giờ đang lên lớp dạy cho trẻ con cái chữ đấy chúng mày à.

- Vậy hôm nào cháu về bắt nhé.

- Ừ, bắt nó về mà làm vợ - Hai người cùng cười vui vẻ.

Thấy vắng, ông hỏi đứa cháu gái:

- Bố mày mãi chẳng thấy về nhỉ? Cái thằng chẳng khác ngày xưa, bảo đi là đi luôn không kịp dặn dò gì...

- Chắc bố cháu xuống xã mời mấy anh cán bộ văn hoá lên ăn giỗ.

- Phải đấy! Mà ăn nói không nên hồn người ta lại cười cho, mang tiếng có con gái là giáo viên dạy văn.

- Đầy người chẳng bằng nửa bố cháu - Mai cười.

- Ừ, lúc nào thì bố cô chẳng là nhất, hơn cả cái thân già này - ông mắng yêu cháu gái.

- Ông chỉ được cái vơ vào...

 

                                                            Dương Văn Giới

                                             (Phòng VH -TT huyện Kỳ Sơn)

 

 

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Gặp một tấm lòng

(HBĐT) - Nắng chiều như rướn lại để kéo dài chiếc bóng lụm khụm của bà Sáu, bà lụi cụi chất củi vào bếp, lửa cháy đỏ rực, nồi luộc măng sôi sùng sục. Mấy hôm nay trời tạnh ráo, nắng hanh, mẹ Điệp lên rừng hái về những búp măng nứa, đặt sọt măng xuống, mẹ nói với Điệp:

Món quà của bà

Ngày Na được gọi vào đại học, những ngày chuẩn bị cho Na nhập trường khiến cả nhà đều vội cuống cả lên, mỗi người lo một thứ, hơn cả người khác lo xuất ngoại. Với Na, em luôn chân thấp, chân cao lăng xăng hết mua sắm thứ này đến thứ khác từ sách vở tư trang... Ngày chạy như ngựa vía, gặp gỡ hết người này đến người khác. Tối về ngồi viết đủ thứ nào là lưu bút, bưu thiếp cho bạn, nào là nhật ký.

Kỷ niệm những đêm hè

Khi trời nhập nhoạng tối, dì tôi đi từ buồng trong ra nhà từ đường và lần lượt thắp đèn. Ngọn lửa leo lét bén bấc rồi cháy bùng lên soi sáng những gian nhà. ánh đèn phản chiếu tấm áo lụa trắng dì mặc khiến người dì như tỏa sáng. Tôi ngồi trên chiếc chõng che ngoài sân nhìn vào, có cảm giác như dì tôi làm công việc ấy một cách tỉ mỉ và nghiêm cẩn lắm. Khuôn mặt đẹp của dì khi ấy cũng trở nên huyền ảo. Đó là khoảnh khắc mà tôi luôn chờ đợi nhất trong ngày, kín đáo ngồi ngắm dì. Con mực như cũng giống tôi, giờ khắc dì đi thắp đèn nó đứng ngoài hiên trông vào, dáng vẻ thấp thỏm không yên. Cho đến khi các gian nhà đều đã sáng đèn, dì trở ra sân ngồi cạnh tôi, con mực quấn chân dì ra theo rồi nằm ngoan dưới gầm chõng hóng chuyện.

Chiếc giếng khơi

Chiếc giếng khơi nhà ông Chiến nước trong, không mùi, vị, đun nước hãm chè xanh đậm đà, giữ được hương vị, có tiếng ngon khắp cả làng Bái. Nhiều nhà trong xóm có cụ già nghiện nước chè xanh sai con cháu mang can, quảy thùng đến xin nước về nấu.

Khúc vĩ thanh hè phố

(HBĐT) - Tạm biệt em dưới giàn thiên lý vàng đượm nắng, tôi cứ nhớ mãi ánh mắt em. Những chiều lộng gió, tôi và Linh thường chạy dọc triền đê. Con đê làng ngoằn ngoèo, hai bờ lau lách, có đôi chim sơn ca làm tổ. Mỗi sáng đi học qua lại có con sơn ca bay vút lên trời xanh, vừa bay, vừa hót. Giọng hót mềm mại, ngọt ngào, ấm áp và trong vắt trên nền trời xanh vào mỗi sớm mai. Giọng hót tuyệt vời, thánh thót khó loài chim nào bì kịp. Tiếng hót hay thế mà cái vẻ bề ngoài nâu xỉn của sơn ca trông đến là tội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục