Cùng cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Ngọc Thuận. Trò chuyện với chúng tôi, khái quát về quá trình công tác của mình, ông Thuận tâm sự: Sinh năm 1942, đến năm 1956, tôi tham gia công tác và được phân công làm giáo viên bình dân học vụ, đến năm 1959 được cử đi học trường Thanh niên lao động XHCN tỉnh. Năm 1962, tôi trúng tuyển và được phân về Phòng nghiệp vụ Bảo vệ Nội bộ, Công an tỉnh. Năm 1972, tôi về Công an T.ư huấn luyện và vào chiến trường B, giữ chức vụ Đội trưởng tuyến giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1975, tôi bị thương ở Huế, sau đó được ra Bắc điều trị ổn định và điều động về Công an tỉnh, hưởng chế độ thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61%. Tháng 10/1975, tôi giữ chức vụ Phó phòng Bảo vệ Nội bộ Công an tỉnh; năm 1979, được điều động về Công an huyện Kỳ Sơn giữ chức vụ Trưởng Công an huyện; năm 1983 điều động sang UBND huyện Kỳ Sơn giữ chức vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; năm 1989 điều động về Phó Ban công tác sông Đà. Năm 1991 tái lập tỉnh, tôi được điều động sang công tác tại Sở LĐ-TB&XH giữ chức vụ Phó Giám đốc. Năm 1995 thành lập cơ quan BHXH, tôi được điều động sang giữ chức vụ Giám đốc BHXH tỉnh; năm 1999 được điều động về Tỉnh ủy giữ chức vụ Trưởng Ban bảo vệ Chính trị nội bộ Tỉnh ủy.
Ông Bùi Ngọc Thuận (bên phải) chia sẻ với lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Phong về những thành tích đã đạt được trong kháng chiến và công tác.
Theo ông Thuận, quá trình hơn 40 năm công tác, cống hiến cho Đảng, Nhà nước và cơ quan, đoàn thể, ông luôn phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong chiến tranh cũng như thời bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm nay, ông Thuận 77 tuổi với 50 năm tuổi Đảng, khi nghỉ hưu trở về địa phương, ông phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” chấp hành đầy đủ hương ước, quy ước ở khu dân cư, động viên con cháu gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, tiên phong trong phát triển kinh tế. Với đam mê sưu tầm, lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc mình, ông Thuận đã tự tay đan những sản phẩm mây, tre đan đặc trưng của dân tộc Mường. Thành lập CLB và bản thân ông đã truyền dạy đánh chiêng, hát dân ca Mường cho bà con trong và ngoài địa bàn…
Ghi nhận những đóng góp đó, ông Bùi Ngọc Thuận vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhì, các bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh, Bộ Y tế, Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam… Ông đã 2 lần được bình xét là thương binh tiêu biểu đi dự Hội nghị Người có công tiêu biểu toàn quốc. Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày TB-LS, một lần nữa, ông lại vinh dự được chọn là 1 trong 7 đại biểu của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Vinh dự hơn khi ông được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích trong kháng chiến và công tác, là gia đình văn hóa, gương mẫu tiêu biểu. Theo ông Thuận, đây là niềm vui, vinh dự của cá nhân ông mà là sự ghi nhận những cống hiến của toàn thể người có công trên địa bàn tỉnh nhà.
Lan Chung